Nỗ lực, chủ động tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

05/09/2022, 07:49

Năm 2022, Triển lãm quốc phòng quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với vai trò được giao là cơ quan thường trực Ban tổ chức triển lãm, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã và đang nỗ lực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến kiểm tra sơ đồ bố trí các khu vực trưng bày tại triển lãm.

Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển ngang tầm với vị trí, vai trò và yêu cầu nhiệm vụ.
 
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, ngày 26/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, một trong 10 giải pháp được đặt ra là đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập, đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Thực tế trong phát triển CNQP, hợp tác quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng, góp phần củng cố quan hệ với các đối tác có thế mạnh, giàu tiềm năng về khoa học, công nghệ. Đặc biệt là việc lựa chọn đối tác phát triển các loại vũ khí chiến lược, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ lõi, công nghệ mới; tìm kiếm thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại sản phẩm CNQP.
 
Với mục đích và ý nghĩa nêu trên, năm 2018, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã giao cho Tổng cục CNQP chủ trì trưng bày, giới thiệu các sản phẩm CNQP Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế - Indo Defence (Indonesia). Lần đầu tiên, các đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng các nước, các doanh nghiệp quốc phòng và khách tham quan biết đến hình ảnh CNQP Việt Nam có đủ năng lực làm chủ công nghệ và sản xuất được các sản phẩm quân sự có tính năng ngang tầm thế giới.
 
Nối tiếp thành công tại Triển lãm Indo Defence 2018 và kết hợp nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các triển lãm quốc phòng quốc tế trên thế giới, như: Nga, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… cuối năm 2019, Tổng cục CNQP đã tham mưu với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2020 nhân sự kiện năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan liên quan đến đại dịch Covid-19 nên sự kiện chưa được tổ chức. Vừa qua, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tiếp tục tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.
 
Với vai trò được Bộ Quốc phòng giao là Cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Triển lãm, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP xác định Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác đối ngoại quốc phòng năm 2022 của Tổng cục. Do đó, Tổng cục CNQP đã tập trung cao nhất cho nhiệm vụ Triển lãm; thành lập Ban Chỉ đạo của Tổng cục do đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục làm Trưởng ban, 3 Phó Trưởng ban là các Thủ trưởng Tổng cục phụ trách các mảng công tác liên quan; giao Bộ Tham mưu là cơ quan thường trực triển khai thực hiện các nội dung Tổng cục được phân công trong việc chuẩn bị và tổ chức Triển lãm.
 
Công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm đã được Tổng cục CNQP chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng triển khai đồng bộ, cụ thể như sau:
 
Một là, hoàn tất thủ tục pháp lý và kiện toàn Ban Tổ chức: Nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội trong công tác tổ chức Triển lãm, Tổng cục CNQP đã tham mưu với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ và được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho phép tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, từ ngày 8 đến ngày 10/12/2022. Đồng thời, để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương, Tổng cục CNQP đã báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng kiện toàn Ban Tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022; trong đó, 1 đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam là Trưởng Ban Tổ chức, 2 Phó Trưởng Ban là Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Cục trưởng Cục Đối ngoại; thành lập 4 tiểu ban, gồm: Nội dung, Điều hành - An ninh, Lễ tân, Tuyên truyền do Thủ trưởng Tổng cục CNQP, Cục Tác chiến, Cục Đối ngoại, Cục Tuyên huấn làm Trưởng Tiểu ban.
 
Hai là, chuẩn bị cơ sở hạ tầng: Qua tham khảo cách thức tổ chức triển lãm của các nước trên thế giới, đa phần lựa chọn địa điểm là sân bay hoặc các trung tâm tổ chức sự kiện triển lãm. Tại khu vực phía Bắc không có trung tâm tổ chức sự kiện triển lãm chuyên nghiệp đủ điều kiện để tổ chức các triển lãm quốc phòng, do đó, Tổng cục CNQP đã chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng khảo sát các địa điểm: sân bay Hòa Lạc, sân bay Gia Lâm, sân bay Kiến An... và được Bộ Quốc phòng đồng ý lựa chọn sân bay Gia Lâm làm địa điểm tổ chức Triển lãm.
 
Sau khi lựa chọn được địa điểm, Tổng cục CNQP đã tiến hành lập quy hoạch mặt bằng khu vực Triển lãm, bao gồm đầy đủ các phân khu chức năng theo tiêu chuẩn của triển lãm quốc phòng quốc tế, như: khu vực khai mạc, khu vực trưng bày trong nhà - ngoài trời, khu vực hội thảo, khu vực báo chí, nhà làm việc của Ban Tổ chức, nhà ăn, kho, cổng an ninh và các khu vực chức năng khác. Bên cạnh đó, để quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, Triển lãm lần này được bố trí thêm không gian văn hóa nghệ thuật, ẩm thực truyền thống Việt Nam.
 
Tổng cục CNQP cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai xây dựng, cải tạo khu vực Triển lãm tại sân bay Gia Lâm. Đến nay, công tác thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng Triển lãm đã cơ bản hoàn thành; từ tháng 8/2022, sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục trang trí, lắp đặt hệ thống điện, điều hòa, hoàn thiện tổng thể chung.
 
Ba là, công tác mời các doanh nghiệp CNQP trong và ngoài nước tham gia trưng bày tại Triển lãm: Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác mời đối tác, như: xây dựng quy trình triển khai mời; biên soạn bộ câu hỏi, giải đáp thường gặp; phân công nhiệm vụ mời các công ty CNQP trên thế giới; bố trí nhân sự trực 24/7 để tiếp nhận, xử lý thông tin, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn thủ tục đăng ký cho các đối tác; tham dự các triển lãm quốc phòng trên thế giới để làm việc trực tiếp, mời các đối tác quan tâm tham gia Triển lãm tại Việt Nam; tổ chức làm việc với tùy viên quốc phòng, đại diện đại sứ quán một số nước tại Hà Nội để thông báo về Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 và đề nghị cơ quan đại diện các nước ủng hộ, tạo điều kiện để các đối tác tham gia trưng bày tại Việt Nam; gửi thư tới cơ quan quản lý nhà nước về CNQP của một số quốc gia có quan hệ với Tổng cục CNQP trong khuôn khổ cơ chế hợp tác quốc phòng chung để thúc đẩy các công ty CNQP các nước tham gia Triển lãm; xây dựng trang tin điện tử của Triển lãm và cập nhật thường xuyên thông tin liên quan tại địa chỉ http://vietnamdefence.vdi.org.vn; đề nghị Cục Đối ngoại thông báo và đề nghị Tùy viên Quốc phòng tại các nước hỗ trợ, thông tin về Triển lãm đến cơ quan, doanh nghiệp CNQP liên quan nhằm tạo sự ủng hộ và tham gia tối đa của các nước… Tính đến cuối tháng 7/2022, số lượng các doanh nghiệp đăng ký tham gia trưng bày tại Triển lãm là khả quan, đáp ứng được mục tiêu đề ra của Ban Tổ chức, thể hiện sự quan tâm của các đối tác tới Triển lãm và thị trường Việt Nam.
 
Bốn là, công tác trưng bày sản phẩm của ngành CNQP Việt Nam: Kế thừa kết quả thành công trong việc tổ chức trưng bày tại Triển lãm Indo Defence 2018 tại Indonesia, gian hàng của CNQP Việt Nam lần này sẽ được đầu tư với quy mô trưng bày lớn hơn, số lượng sản phẩm đa dạng và công tác thiết kế, thi công được chuẩn bị công phu, tỉ mỉ hơn. Tổng cục CNQP đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xây dựng danh mục sản phẩm của Bộ Quốc phòng Việt Nam, thiết kế gian hàng bảo đảm thể hiện hình ảnh đẹp, sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; làm nổi bật vị thế lớn mạnh, tinh thần thượng tôn hòa bình và mong muốn mở rộng hợp tác của CNQP Việt Nam với các nước trên thế giới vì lợi ích chung của các bên tham gia và sự ổn định của khu vực và thế giới; trình bày đầy đủ, sinh động, trực quan các sản phẩm, năng lực sản xuất, công nghệ mà CNQP Việt Nam làm chủ.
 
Về phương án trưng bày: có 2 khu trưng bày, 1 khu của ngành CNQP do Tổng cục CNQP chủ trì, trưng bày các sản phẩm của Tổng cục CNQP, Tổng cục Kỹ thuật; các quân chủng: Phòng không - Không quân, Hải quân; các binh chủng: Thông tin liên lạc, Hóa học; Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và 1 khu trưng bày của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Các sản phẩm được lựa chọn trưng bày phải đạt được một số tiêu chí như: Do CNQP Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo, có thương hiệu hoặc nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài; có đầy đủ cơ sở kỹ thuật, pháp lý bảo đảm không xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.
 
Năm là, công tác phối hợp triển khai Kế hoạch hoạt động của Ban Tổ chức: Với trách nhiệm là Cơ quan Thường trực Ban Tổ chức, cơ quan chủ trì Tiểu ban Nội dung, phụ trách các mảng công việc trung tâm, cốt lõi của Triển lãm, Tổng cục CNQP đã phối hợp với các cơ quan tham mưu, xây dựng và trình Trưởng Ban Tổ chức phê duyệt kế hoạch tổng thể giao nhiệm vụ cho các Tiểu ban, cơ quan liên quan. Trong đó, công tác điều phối, phối hợp thực hiện với Tiểu ban khác cũng được Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP quan tâm chỉ đạo, phân công cụ thể, như: với Tiểu ban Lễ tân là công tác lễ tân, đón tiếp các đoàn khách quốc tế, tập huấn ngoại ngữ, kỹ năng đối ngoại; với Tiểu ban Điều hành - An ninh là công tác bảo đảm an ninh, an toàn, sẵn sàng chiến đấu trước, trong và sau Triển lãm; tiếp nhận, vận chuyển, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật trưng bày tại Triển lãm, xây dựng kế hoạch huấn luyện, bay chào mừng của Lực lượng Không quân và trình diễn của lực lượng Đặc công; với Tiểu ban Tuyên truyền là công tác thông tin truyền thông, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bên lề Triển lãm. Đồng thời, Tổng cục CNQP cũng đã báo cáo Ban Tổ chức kêu gọi hỗ trợ, tài trợ từ các doanh nghiệp trong vào ngoài quân đội, góp phần tăng cường nguồn lực, bảo đảm tổ chức Triển lãm thành công, hiệu quả, có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
 
Việc tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế là nhiệm vụ chưa có tiền lệ đối với Tổng cục CNQP nói riêng và Bộ Quốc phòng nói chung. Để tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 còn nhiều công việc phải tiếp tục triển khai. Song, với quyết tâm chính trị và phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, Tổng cục CNQP đã và đang nỗ lực, cố gắng, huy động mọi nguồn lực cho nhiệm vụ này. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và với phương châm phát huy tinh thần chủ động, cầu thị, Tổng cục CNQP tin tưởng rằng, Triển lãm sẽ là sự kiện mang ý nghĩa lớn về chính trị, đối ngoại của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong năm 2022. Đây cũng sẽ là tiền đề, cơ sở vững chắc để Tổng cục CNQP tiếp tục tham mưu với Bộ Quốc phòng cho phép tổ chức các kỳ triển lãm trong những năm tiếp theo, đặc biệt là năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Thiếu tướng, TS. ĐÀO XUÂN NGHIỆP
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng