Niềm tin vào triển vọng phục hồi kinh tế năm 2022

28/01/2022, 17:19

Những tháng cuối năm 2021, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế khởi sắc rõ nét, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc tế.

Hệ thống lưới điện ra đảo Hòn Tre, Kiên Giang.

Dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nhưng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng nhiều quyết sách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ rất kịp thời tạo dựng tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững vàng bước vào năm 2022.
 
Thích ứng an toàn, tạo đà tăng trưởng mới
 
Năm 2021, nền kinh tế đã có một khởi đầu tốt đẹp, khi trong quý I-2021 kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ. Tuy nhiên, trước tác động khó lường của biến chủng Delta-nguyên nhân khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách với nhiều mức độ khác nhau-nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế quý III suy giảm chưa từng có trong lịch sử (-6,02%). Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thực sự quay trở lại trong quý IV đưa mức tăng trưởng GDP đạt 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự đảo chiều ấn tượng so với mức sụt giảm của quý III, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP chung của năm 2021 đạt 2,58%.
 
Điểm lại những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm trước, nhưng tình hình đã cải thiện trong quý IV khi Việt Nam thay đổi chiến lược phòng, chống dịch và đẩy nhanh tiến trình vaccine. Đáng chú ý, vượt qua khó khăn của đại dịch, kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; đưa Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới...
 
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sợi Vinatex Nam Định, Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: QUANG NAM
 
Nhìn nhận vào bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2021, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đây là mức tăng trưởng thể hiện nỗ lực lớn của nước ta khi vừa phải chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh. Diễn biến của nền kinh tế cũng cho thấy, điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế là khả năng kiểm soát và thích ứng với đại dịch Covid-19. Việc chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn vào tháng 10-2021 đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi vào quý IV-2021, qua đó đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm.
 
Chia sẻ về những thời điểm khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, đầu tháng 10-2021, các tỉnh miền Tây đón nhận hàng vạn người dân về địa phương, đây là bối cảnh hết sức ngặt nghèo ở thời điểm này. Nhưng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là một quyết định hết sức kịp thời để điều chỉnh, phù hợp diễn biến tình hình, giúp các địa phương và Cần Thơ ở các tháng cuối năm khôi phục sản xuất, kinh doanh. “Nghị quyết 128/NQ-CP cùng với sự triển khai kịp thời của các địa phương đã đưa tốc độ tăng trưởng quý IV-2021 đạt 5,22%, tạo tiền đề quan trọng để các địa phương bước vào năm 2022 với niềm tin vững vàng cho những thành công hơn”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh bày tỏ.
 
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã linh hoạt, quyết liệt chỉ đạo thành công công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là ngoại giao vaccine, đem đến niềm tin đối với người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, qua đó phục hồi được sản xuất, đời sống nhân dân từng bước ổn định.
 
Nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022
 
Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra các nhiệm vụ cho năm 2022, trong đó phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt mức 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công... Chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi. Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới. Thêm vào đó là chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây được coi là những nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi nhanh.
 
Dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo ở mức 6,5%. ADB nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương tự do. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC có trụ sở ở London nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.
 
Nhìn nhận về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, hiệu quả và mạnh mẽ, đồng thời quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. “Việt Nam đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; nền kinh tế vĩ mô ổn định; thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra; xuất, nhập khẩu cao, thu hút đầu tư vẫn hấp dẫn. Thêm vào đó, chúng ta có quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các gói giải pháp phục hồi và sự sẵn sàng hoạt động của các thành phần kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Năm 2022, tin tưởng nền kinh tế có sự phục hồi ở sự thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ. 
 
Kỳ vọng vào những chính sách hỗ trợ phục hồi của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá những chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, sẽ là trợ lực quan trọng để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV được tổ chức quyết định những vấn đề cấp bách, phù hợp với thực tiễn của đất nước, đó cũng là niềm mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Việc hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp ưu tiên những ngành, lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt để không bị đứt chuỗi giá trị cung ứng. Doanh nghiệp kỳ vọng sớm được tiếp cận những gói hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính để tạo đà cùng cả nước nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
 
Đề cập tới những giải pháp khơi thông các động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP; phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: Thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch... Cùng với đó, tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.

VŨ DUNG (QĐND ONLINE)