Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

15/11/2018, 15:47

Nghị quyết số 36-NQ/ TW hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Bốc dỡ container tại cảng Tân Cảng - Cát Lái của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Quốc Khánh

Phát triển kinh tế biển là một giải pháp cơ bản, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến năm 2030, Việt Nam phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) kinh tế hàng hải; (3) khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Mục tiêu cụ thể là các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.

Để thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh

Biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế, nhưng để biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh như: khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, khai thác, chế biến hải sản, du lịch... ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo là hết sức cần thiết. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, các trung tâm dịch vụ có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo. Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đó như một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển.

Đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ; xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ, viễn dương. Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành kinh tế biển, bảo đảm nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh.

Hệ thống cầu cảng phục vụ đóng và sửa chữa tàu của Nhà máy X51 (Tổng công ty Ba Son). Ảnh: Lê Nam

Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời kì mới.

Nhà nước cần thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước, đặt trong tổng thể chung của chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của từng giai đoạn. Trong thời gian tới, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được thực hiện một cách toàn diện, nhưng cần tập trung có trọng điểm theo từng ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ, gắn với mục tiêu yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần tập trung chỉ đạo kết hợp trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; các dự án trọng điểm quốc gia; các dự án chương trình phát triển kinh tế biển, đảo; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế trên biển, đảo; xây dựng căn cứ hậu cần chiến lược, các công trình quốc phòng; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển ở trình độ cao; xây dựng và phát triển công nghiệp đóng tàu. Trong đó, cần coi trọng tính “lưỡng dụng” của các chương trình, dự án; coi trọng kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Đây là vấn đề chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, tham gia đầy đủ hơn vào các thiết chế khu vực và toàn cầu. Điều đó đòi hỏi chúng ta vừa phải hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, tích cực, vừa phải mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh trong quá trình hội nhập.

Tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển để khẳng định chủ quyền trên biển, các đảo và quần đảo.

Việc đầu tư, phát triển kinh tế biển là sự khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, các đảo và quần đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đặc biệt, đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với những khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền tại quần đảo hoàng Sa, Trường Sa hiện nay.

Chính phủ cần xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển, như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng hệ thống cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo; xây dựng một số sân bay phù hợp với điều kiện ở các đảo, kết nối các đảo của Việt Nam với đất liền và quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư hạ tầng về năng lượng tái tạo (năng lượng Mặt trời, gió, thủy triều...) và nước sạch (áp dụng công nghệ lọc nước biển) trên các đảo để vừa bảo đảm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, vừa phục vụ nhu cầu của cư dân ven biển và hải đảo. Ưu tiên và hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch biển hướng ra Biển Đông, đặc biệt là dự án phát triển du lịch tại các đảo và quần đảo. Quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật trên biển, đảo cần quan tâm theo hướng “lưỡng dụng” không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, mà còn có thể sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh của đất nước và không làm ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn.

Nghiên cứu tổ chức, đầu tư phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, đoàn kinh tế - quốc phòng trên các vùng biển, đảo, kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, đảo, nhất là gắn với bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong đầu tư, xây dựng và phát triển kinh tế biển, cần tăng cường đầu tư cho các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế trên biển, đảo, tránh tình trạng đầu tư nhỏ giọt, dàn trải; hoàn thiện cơ chế quản lý và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị kinh tế - quốc phòng với địa phương; hoàn thiện mô hình và định hướng vận dụng mô hình kinh tế - quốc phòng vào các địa bàn cụ thể.

Công ty 128 Hải Quân khai thác hải sản xa bờ kết hợp trinh sát trên biển. Ảnh: Đức Trọng

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, đảo vững mạnh.

Phát triển kinh tế biển là giải pháp cơ bản, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, đảo vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Tiếp tục củng cố và điều chỉnh hệ thống phương án tác chiến bảo vệ các khu vực biển, đảo và quần đảo, phù hợp với sự phát triển mới của tình hình. kiện toàn các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo như hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, hải quan, kiểm ngư, dân quân, tự vệ biển, đủ sức thực hiện quản lý Nhà nước trên các vùng biển, thông qua việc xây dựng lực lượng và phương tiện như: hệ thống trinh sát, quan sát, cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải...

Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh về biển cho toàn dân, đặc biệt coi trọng bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng, luật pháp cho các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng vũ trang, nòng cốt là hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Phòng không - không quân, các quân khu ven biển và giữa lực lượng vũ trang với cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương ven biển trong hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống. Đặc biệt, tăng cường sự gắn bó giữa ngư dân, diêm dân, các tầng lớp dân cư vùng biển với các lực lượng vũ trang, nhằm giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tạo dựng thế trận lòng dân, vừa là cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng, an ninh trên biển và hải đảo.

Tiếp tục xây dựng và triển khai thế trận quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên vùng biển, đảo một cách hợp lý. kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, thế trận lòng dân trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Có chính sách đặc biệt để thu hút, khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển. Đây là chủ trương chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và cơ chế phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh ở nước ta, về cơ bản, đã được hoàn thiện theo định hướng của Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới của tình hình thế giới, khu vực, nhất là những vấn đề liên quan đến những chủ trương mới của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, cần nghiên cứu, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho việc thực hiện có cơ sở pháp lý chặt chẽ, rõ ràng và tin cậy. hoàn thiện cơ chế kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh một cách hợp lý, phát huy cao nhất khả năng của các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành và địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh tế, thực hiện có hiệu quả việc kết hợp với quốc phòng, an ninh trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan quân sự, công an tham gia một cách thực sự, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước.

Trong thời gian tới, Quốc hội nước ta sẽ thông qua và ban hành Luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế, nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, nguyên tắc hiến định về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế. Luật quy định nguyên tắc, nội dung cơ bản của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế; nhiệm vụ, biện pháp kết hợp; quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; hậu quả, trách nhiệm pháp lý trong trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung xây dựng các điều khoản điều chỉnh các vấn đề cốt lõi về nội dung, phương thức kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đây là một văn kiện rất quan trọng, định hướng cho việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở nước ta ngày càng hiệu quả, thiết thực.
 
Đại tá, ThS. Vũ Văn Khanh
Viện Chiến lược Quốc phòng/Bộ Quốc phòng