Quân đội Chung sức xây dựng nông thôn mới - Góc nhìn từ địa phương cơ sở

14/08/2019, 08:43

Trong các ngày từ 29/7 đến 03/8/2019, Đoàn công tác Liên ngành do đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Phúc, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế/BQP làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác, kiểm tra kết quả triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia  (MTQG) Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. 

Đoàn Kiểm tra tham quan mô hình kinh tế hộ gia đinh tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Khi chính quyền “kiến tạo”, người dân làm “chủ thể”
Thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”... của Chính phủ, Đảng bộ và chính quyền các cấp hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa xác định đây là một cơ hội, một “cú hích” lớn để sốc lại toàn diện các phong trào, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn cho mỗi địa phương.
 
 Với hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, để đạt được mục tiêu trên là một nhiệm vụ rất khó khăn, bởi xuất phát điểm (theo tiêu chí chung) của hai địa phương là rất thấp; mặt bằng dân trí không đồng đều; cơ sở hạ tầng thấp kém; sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, v.v. 
 
Nhận thức rõ mục tiêu của việc xây dựng nông thôn mới nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền (từ tỉnh đến thôn xã) của hai Tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, rộng khắp. Với vai trò “kiến tạo”, trên cở sở các qui định, văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương đã khẩn trương thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo ở cấp mình. Trong đó, đồng chí bí thư (hoặc phó bí thư) các tỉnh, thành phố, bí thư cấp xã, thôn là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình. Các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội đều phải vào cuộc, tham gia phụ trách phần việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. 
 
Ban chỉ đạo các cấp đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả nhất. Vai trò “kiến tạo” của các cấp chính quyền, đoàn thể không dừng lại ở việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà còn đi sâu, bám sát thực tiễn giúp nhân dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất trong từng Thôn, Bản và hộ gia đình. 
 
Xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh Nghệ An năm 2014. Đây là xã có kinh tế phát triển nên Huyện đã chỉ đạo tập trung làm tốt việc quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, điện và các công trình phúc lợi xã hội; đẩy mạnh xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; định hướng, khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao; duy trì tốt các thiết chế văn hóa, v.v. Do đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, môi trường sống có những chuyển biết tích cực, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, nhân dân yên tâm, phấn khởi phát triển sản xuất xây dựng quê hương; tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 1,024%.
 
Xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương là một trong hai xã tái định cư thủy điện Bản Vẽ (từ huyện Tương Dương chuyển về). Do mới thành lập đơn vị hành chính cấp xã nên có nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, Chương trình Mục tiêu quốc gia tại địa phương đã tập trung vào việc quy hoạch, sắp xếp dân cư; bảo đảm cho các hộ dân về nhà ở và đất sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nhờ vậy, địa phương đã thực hiện thành công việc tái định cư, ổn định đời sống nhân dân.
 
Tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, các hộ dân xã Thành Tâm được quy hoạch lại khu vực ở và sản xuất thông qua việc dồn dịch đất nông nghiệp tập trung quanh nhà (có bản vẽ thiết kế chi tiết). Do vậy, người dân được canh tác ổn định, lâu dài và phát huy tối đa hiệu xuất lao động của từng hộ. Qua một vài năm thực hiện, diện mạo các thôn trong xã đã khởi sắc, kinh tế các gia đình phát triển hơn, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 48,4 triệu đồng/người/năm. 
 
Xã Thành Công, huyện Thạch Thành là xã đặc biệt khó khăn (địa bàn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ). Để giúp nhân dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền Huyện đã mời chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về khảo sát địa chất, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, con giống, v.v. Đến nay, các hộ dân trong Xã đã có những sản phẩm là mũi nhọn để phát triển kinh tế như cây thanh long, mít Thái, bưởi da xanh, trại chăn nuôi bò, lợn,... theo quy mô từ vừa tới lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong Xã, đã hình thành những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Lần đầu tiên tại huyện Thạch Thành, cây mắc ca (mệnh danh là cây tỷ đô) sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, v.v.
 
Xác định các dự án “Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” mang lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân, người dân là “trung tâm” và là “chủ thể” của các dự án, vì thế công tác tuyên truyền, vận động làm cho nhân dân hiểu bản chất từ đó tích cực, tự giác thực hiện đã được các địa phương của hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa thực hiện tốt. Thông qua các hình thức vận động, các hộ dân và các tổ chức, đoàn thể đã tích cực hưởng ứng. Đó là nguyên nhân chính giúp các dự án thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Các hộ dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội; phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan, áp dụng các biện pháp bảo vệ không gian sống và sản xuất diễ ra sôi nổi, làm cho diện mạo nông thôn thật sự phong quang, sạch đẹp. Trong phát triển kinh tế, nhân dân đã tích cực nghiên cứu, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình; nhiều hộ vươn lên làm giàu nhờ tính năng động và tích cực tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Các phong trào gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được coi trọng và phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố, tăng cường. Với chủ trương chính quyền “kiến tạo”, người dân là “chủ thể”, phong trào xây dựng nông thôn mới tại hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa thực sự đi vào chiều sâu, làm thay đổi bộ mặt, đời sống của mỗi người dân.
 
Đoàn kiểm tra tham quan mô hình trồng chè tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
 
Sự “vào cuộc” của lực lượng vũ trang (LLVT) 
 
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, LLVT hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) ở địa phương. Trước hết, phải kể đến những đóng góp quan trọng, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai (phòng chống lụt, bão; phòng và chữa cháy rừng; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn), góp phần giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân. LLVT đã đóng góp hàng vạn ngày công xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, các công trình phúc lợi xã hội phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân địa phương. Với lợi thế về quân số, khả năng tổ chức và sức chiến đấu cao, lực lượng dân quân, tự vệ là lực lượng quan trọng trong việc thực hiện các dự án lớn của địa phương, trong đó có các Chương trình MTQG. Trong giai đoạn 2016 đến nay, LLVT thường trực của hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã tham gia hơn 20 nghìn ngày công; lực lượng dân quân, tự vệ tham gia trên 60 nghìn ngày công, thực hiện các Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
 
Các đoàn Kinh tế - quốc phòng đứng chân trên các địa bàn trọng yếu, chiến lược quan trọng, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn của hai Tỉnh đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, là “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”; trực tiếp tổ chức các mô hình, dự án giảm nghèo gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi cho người dân Vùng dự án. Thông qua các hoạt động của dự án, kết hợp làm tốt công tác dân vận góp phần làm chuyển biến nhận thức, từ bỏ các thói quen sản xuất lạc hậu; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình; đặc biệt là đóng góp xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện ở các đoàn Kinh tế - quốc phòng là lực lượng xung kích trong hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất; đỡ đầu các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; giúp địa phương đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa phong phú lành mạnh tại khu dân cư. 
 
Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn hai tỉnh đã tích cực giúp đỡ các hộ dân ở khu vực biên giới ổn định đời sống và phát triển kinh tế; thực hiện các dự án mở các lớp xóa mù chữ, thực hiện chương trình biên cương xanh, đóng góp thiết thực giúp các địa phương vùng biên giới phát triển bền vững, vận động toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) được Chính phủ giao trực tiếp đỡ đầu hai huyện Bá Thước và Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa và các các huyện đặc biệt khó khăn khác trong cả nước. Riêng hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Tập đoàn đã hỗ trợ hàng chục tỉ đồng cho các hộ gia đình khó khăn, đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới” của Tập đoàn đã giúp nhiều hộ dân có thêm tư liệu sản xuất, làm động lực quan trọng thúc đẩy các hộ dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn, thoát nghèo và tiếp tục được Viettel triển khai trong trong thời gian tới. 
 
Hội cựu chiến binh các cấp cũng có những đóng góp to lớn trong thực hiện các Chương trình MTQG ở các địa phương. Qua khảo sát tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy: Hội Cựu chiến binh được cấp ủy và nhân dân rất tin tưởng, giao tổ chức, thực hiện những phần việc rất quan trọng như: tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông thôn mới; vận động nhân dân hiến đất; vận động doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hỗ trợ kinh phí xây dựng; vận động thanh niên nhập ngũ, v.v. Các phong trào tự quản, phong trào giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương do lực lượng Công an nhân dân phát động và duy trì đã thực sự đi vào chiều sâu, bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự ổn định về mọi mặt để nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng địa phương. Từ sự “vào cuộc” quyết liệt của LLVT, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa luôn được giữ vững. Hai tỉnh còn hoàn thành tốt các chỉ tiêu tuyển quân hàng năm, đăng ký và tổ chức huấn luyện quân Dự bị động viên, Dân quân tự vệ đúng quy định được các cấp đánh giá cao.
 
Đôi lời kiến nghị
 
Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đây là chủ trương đòi hỏi ngân sách rất lớn (trong khi ngân sách bảo đảm chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế), các tiêu chí đạt được không dừng lại mà phát triển lên các mức cao hơn ở mỗi giai đoạn. Tuy vậy, qua thực tiễn thực hiện tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy còn bộc lộ những bất cập, thiếu sót cần được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Để thực hiện tốt hơn nữa nội dung này, các địa phương thuộc hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như sau:
 
Thứ nhất: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đến các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân. Đây là việc làm rất quan trọng có ý nghĩa quyết định. Trước hết, cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động ở các cấp, tạo sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Đối với mỗi hộ dân cần được phổ biến cụ thể để nhân dân nhận thực đầy đủ về mục tiêu dự án nhằm phục vụ nhân dân, động viên nhân dân nỗ lực thực hiện.
 
Hai là: quản lí, sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư của Nhà nước, kết hợp vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và nhân dân tham gia đóng góp kinh tế, nhân lực để thực hiện. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cần nguồn ngân sách rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, việc khai thác và phát huy các nguồn lực của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chính phủ. Đối với ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân cần tiến tới áp dụng hình thức hỗ trợ có điều kiện (không thực hiện cho không mà chuyển hình thức cho vay ưu đãi), khuyến khích nhân dân sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn để phát triển, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
 
Ba là: tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh giữ vững sự ổn định về mọi mặt làm nền tảng để hoàn thành các mục tiêu của Dự án. Với vị trí là địa bàn trọng yếu, chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng về quốc phòng - an ninh và đối ngoại, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư ngân sách xây dựng các khu Kinh tế - quốc phòng trên địa bàn hai tỉnh thành điểm sáng về thực hiện các Chương trình MTQG, làm cơ sở để các địa phương khác học tập, áp dụng. Ngoài ra, cần đặc biệt coi trọng tổ chức hiệu quả công tác bảo đảm an ninh thôn, xóm ở địa phương, cơ sở; giữ vững sự ổn định tình hình mọi mặt làm cơ sở để địa phương phát triển.
 
Bốn là: coi trọng phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương; coi trọng phát triển mô hình kinh tế hộ, nhóm hộ, hợp tác xã,... phù hợp. Kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch đáng kể từ mô hình kinh tế hộ, tự cấp, tự túc sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung. Do đó, các cấp chính quyền cần làm tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất theo hướng trung hạn và dài hạn hợp lý. Khuyến khích các mô hình sản xuất kinh doanh tập trung, thu hút nhiều lao động.
 
Năm là: tăng cường công tác rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình điển hình. Thực tế mỗi địa phương đều có những mô hình, cách làm hiệu quả, mang lại hiệu quả cao. Do đó, các địa phương cần tổ chức tốt việc rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điển hình để các địa phương khác và nhân dân học tập và áp dụng. Đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện.
 
Có thể khẳng định, ý Đảng - lòng dân được phát huy cao độ trong thực hiện Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Đó là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân các vùng nông thôn hiện nay. Thành công thực hiện Chương trình đó tại hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa có phần đóng góp thiết thực, hiệu quả của LLVT, góp phần tô đẹp hơn cho tình cảm quân - dân, một truyền thống quí báu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 

ĐỨC HÙNG - ĐINH THO - MINH QUANG