Tại sao kinh tế toàn cầu đang chậm lại?

12/12/2022, 11:54

“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”, IMF nhận định.

IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm 2023, giảm từ mức 3,2% của năm 2022. (Nguồn: Postpressmag)

Nhiều yếu tố đang đè nặng lên tăng trưởng và góp phần gây ra bất ổn đối với kinh tế toàn cầu. Không chỉ “đầu tàu” Mỹ, mà là kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Lạm phát ở các nước châu Âu tăng vọt sau xung đột địa chính trị tại Đông Âu nổ ra, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu như khí đốt và thực phẩm lên cao.
 
Trên khắp thế giới, các ngân hàng trung ương đang “đua” tăng lãi suất trong nỗ lực kiểm soát giá cả tăng cao, bằng cách làm suy yếu nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Bất ổn
 
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng cho năm 2023, dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm 2023, giảm từ mức 3,2% của năm nay. Trong một báo cáo vào tháng trước, IMF chỉ ra rằng, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với “những thách thức lớn” do sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, xung đột ở Ukraine, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm, lãi suất tăng… tất cả đều đang tác động xấu đến tăng trưởng.
 
Tại Mỹ, nỗi lo suy thoái gia tăng, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao. Một số nhà kinh tế và giới đầu tư bày tỏ lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất quá mạnh, tới mức chính họ có thể đã làm suy yếu nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bằng cách làm cho vốn vay đắt hơn, ngân hàng trung ương đang cố gắng làm chậm nhu cầu của người tiêu dùng, điều này dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, có thể gây ra suy thoái kinh tế, nếu các doanh nghiệp chậm tuyển dụng hoặc sa thải nhiều công nhân.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà kinh tế, Mỹ thực sự đang ở một vị trí tốt hơn so với nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn, các nước châu Âu đang chìm trong một cuộc suy thoái nghiêm trọng vì khủng hoảng năng lượng. Còn Mỹ, cho đến nay đã vượt qua khó khăn khá tốt, dù vẫn kiên trì với chính sách tài chính thắt chặt.
 
Cạnh tranh địa chính trị tại Đông Âu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, dẫn đến giá cả tăng vọt. Các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng từ Nga-chẳng hạn như Đức và Italy-bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên bị hạn chế.
 
Lạm phát ở Eurozone đã tăng 10,6% trong tháng 10, so với một năm trước đó, tăng từ mức 9,9% của tháng trước. Lạm phát ở Anh cũng tăng cao do hóa đơn năng lượng “tăng chóng mặt”. Vào tháng 10, giá tiêu dùng ở Anh đã tăng 11,1% so với một năm trước.
 
Xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lương thực như lúa mì, dầu hướng dương và các sản phẩm khác, làm căng thẳng nguồn cung lương thực toàn cầu và góp phần đẩy lạm phát cao hơn nữa.
 
Những đợt tăng giá này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng vì thực phẩm và khí đốt là những mặt hàng thiết yếu của các hộ gia đình. Theo phân tích của GS. Raghuram Rajan thuộc Đại học Chicago, cựu Kinh tế gia trưởng của IMF, nếu người tiêu dùng châu Âu đang chi nhiều ngân sách hơn cho những mặt hàng này, thì họ sẽ có ít tiền hơn để chi cho các hàng hóa và dịch vụ khác.
 
Nhà kinh tế Pierre Lafourcade tại UBS, cho biết, các hộ gia đình châu Âu cũng không tích lũy được nhiều khoản tiết kiệm như người Mỹ. Trước đó, trong đại dịch, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn, đồng thời đưa tiền trực tiếp cho người tiêu dùng, nên người dân Mỹ tiết kiệm được nhiều hơn. Tình hình không tương tự ở Eurozone, khi người dân ít dần các khoản tiết kiệm dư thừa.
 
Các nhà kinh tế của UBS dự đoán, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 1993. 13 trong số 32 nền kinh tế mà UBS dự báo suy giảm, sẽ suy giảm trong ít nhất hai quý, mà theo một số nhà kinh tế, tình hình thực tế sẽ giống như suy thoái kinh tế toàn cầu.
 
Mặc dù, xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu, nhưng thực tế, giá tiêu dùng đã tăng trên khắp thế giới trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự. Dịch Covid-19 với các lệnh giãn cách, phong tỏa đã dẫn đến việc các nhà máy phải đóng cửa. Trong khi, nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng vẫn tăng, đẩy giá nhiều mặt hàng tăng cao.
 
IMF dự đoán, lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% vào năm 2022. Cơ quan này cũng dự đoán, mức tăng giá chung sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2023.
 
Và… bế tắc?
 
Tuy nhiên, về bản chất, các yếu tố chính thúc đẩy lạm phát ở Mỹ khác với các nước châu Âu. Theo GS. kinh tế Karen Dynan tại Đại học Harvard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, lạm phát ở Mỹ đã ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn so với các quốc gia khác, một phần là do nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ.
 
Trong khi đó, theo GS. Dynan, nếu chi phí năng lượng và lương thực giảm xuống, sẽ giúp giảm đáng kể giá cả ở các nước châu Âu, tuy nhiên, sẽ không đủ để giải quyết vấn đề lạm phát tại Mỹ.
 
Theo đánh giá của GS. Kenneth Rogoff của Đại học Harvard và là cựu Kinh tế gia trưởng của IMF, nền kinh tế Trung Quốc đang khá “bí bách” vì những hạn chế do dịch Covid-19 gây ra, trong bối cảnh suy yếu của ngành bất động sản.
 
Dù các nhà kinh tế kỳ vọng, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng trở lại vào năm tới khi dịch bệnh bớt căng thẳng, nhưng những gián đoạn trong hoạt động sản xuất hàng hóa đã và đang làm suy yếu chi tiêu của người tiêu dùng. Lĩnh vực bất động sản vốn chiếm khoảng một phần năm hoạt động kinh tế ở Trung Quốc, đã suy yếu đáng kể, sau nhiều năm “bong bóng” phình to.
 
GS. Rogoff cho rằng, tình hình khá bế tắc, dù nền kinh tế Mỹ “tốt hơn rõ rệt” so với các nước châu Âu và Trung Quốc, nhưng nền kinh tế toàn cầu yếu hơn lại tác động tiêu cực trở lại người tiêu dùng Mỹ.
 
Nếu người tiêu dùng ở các quốc gia khác không đủ khả năng mua nhiều hàng hóa của Mỹ, điều đó có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp kiếm được ít lợi nhuận hơn ở nước ngoài, tức là mức lương cho công nhân của họ ở Mỹ sẽ thấp hơn, GS. Rogoff phân tích.
 
Và mặc dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng vững, nước này vẫn có thể chứng kiến một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong những tháng tới, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất. “Nếu Mỹ thắt chặt quá mức, có lẽ nền kinh tế này sẽ tệ hơn châu Á và có thể còn tệ hơn cả châu Âu”, GS. Rogoff kết luận.

MINH ANH/Baoquocte.vn