Tổ chức chi viện tài chính cho miền Nam theo đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển

25/11/2021, 09:31

Đại thắng mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, thu giang sơn trở về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đường Hồ Chí Minh (trên bộ và trên biển) là nhân tố quyết định đã chuyển liên tục, ngày càng lớn sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu tác chiến. Đó cũng là con đường chuyển ngân cho các chiến trường. Mỗi đồng tiền vào đến chiến trường là thành quả trí tuệ và phải đổi biết bao mồ hôi, xương máu của bộ đội và nhân dân ta, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển và những con tàu Không số

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam tạm nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Nghị quyết số 15 (01/1959) của Ban chấp hành Trung ương Đảng ta khẳng định: Con đường của cách mạng miền Nam phải bằng bạo lực, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang... Điều đó đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ chi viện của miền Bắc cho miền Nam ngày một cấp thiết và nặng nề. “Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định, cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ chiến tranh cần thiết và phải mở đường để thực hiện sự chi viện ấy...”. Vì vậy, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 để mở đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đoàn 759 mở đường Hồ Chí Minh trên biển để tổ chức chi viện cho miền Nam. Đây là sáng tạo chiến lược kiệt xuất của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh. Từ đó, sức mạnh to lớn của hậu phương (trong đó có nguồn lực tài chính) được bảo đảm liên tục, kịp thời cho tiền tuyến đánh to, thắng lớn, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
Chuyển tiền mặt vượt Trường Sơn vào Nam Bộ
 
Sau tết Mậu Thân, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; đẩy mạnh “bình định”, “quét và giữ” ở vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long và các đô thị Đông Nam Bộ; tiến công lấn chiếm, đánh phá hủy diệt các tuyến vận tải, vùng giải phóng; bao vây, phong tỏa, triệt nguồn cung cấp của ta. Từ cuối năm 1968 đến 1970, phần lớn lực lượng chủ lực ta phải dạt lên vùng biên giới và sang Campuchia. Địch còn mở chiến dịch Lam Sơn 719 ở Đường 9 - Nam Lào để triệt phá tuyến chi viện 559; đảo chính Chính phủ Sihanúc, cắt đường tiếp tế cho miền Nam qua Campuchia.
 

Vận chuyển hàng hóa vượt Trường Sơn chi viện miền Nam.
 
Lúc này, đường vận chuyển từ Bắc vào Nam chủ yếu là đường Trường Sơn. Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Tổng cục Hậu cần: bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa bằng được hàng hóa tiếp tế cho chiến trường B2. Sau khi nghiên cứu tình hình, tính toán kỹ lưỡng mọi yếu tố, cân đối khả năng, Tổng cục Hậu cần và Cục Tài vụ đề xuất phương án dùng loại xe Gát 69 thùng vuông để chuyển một lượng lớn tiền mặt các loại từ Hà Nội theo Đường Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường Đông Nam Bộ (B2). Vì xe Gát 69 thùng vuông dễ cơ động, luồn lách trên các tuyến đường. Một chuyến cả đi và về mất khoảng 2 tháng. 
 
Ngày 27/4/1970, Đại đội xe con C100 được thành lập, trực thuộc Bộ Tham mưu Hậu cần -Tổng cục Hậu cần, chuyên lo chuyển tiền mặt các loại (Đô la Mỹ, Riên - tiền Campuchia, tiền chính quyền Sài Gòn...) từ Hà Nội vào B2 theo Đường Trường Sơn. Đội ngũ cán bộ đại đội và lái xe Đại đội C100 đều được lựa chọn kỹ càng cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lái xe, khả năng sửa chữa xe, xử trí các tình huống trên đường... Chuyến đi đầu tiên do Chính trị viên đại đội C100 chỉ huy, sau một tháng ròng rã vượt hàng ngàn km đầy gian nguy, thử thách, chuyến hàng “hàng đặc biệt” 10 triệu Đô la Mỹ đầu tiên được đưa vào B2 an toàn, bàn giao cho Ban Kinh tài/Cục Hậu cần Miền (B2) để tạo nguồn hậu cần tại chỗ. Đồng chí Bùi Phùng - Chủ nhiệm hậu cần Miền (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) rất vui mừng, đề nghị Bộ Tư lệnh Miền điện ra Tổng cục Hậu cần khen ngợi cán bộ chiến sỹ Đại đội C100 về chiến công này. 
 
Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lãnh đạo, Chỉ huy Tổng cục Hậu cần, sự phối hợp chặt chẽ của Cục Tài vụ và Ngân hàng Nhà nước... những chuyến “hàng đặc biệt” tiếp tục được hoàn thành tốt. Dù khối lượng tiền rất lớn, nhiều loại, nhưng do hiệp đồng, giao nhận chặt chẽ giữa Ngân hàng với C100, giữa C100 với Hậu cần B2 nên quá trình thực hiện đã không để xảy ra sai sót, mất mát. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, những người thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này đã tích cực nghiên cứu, cải tiến hòm, hộp đựng tiền đảm bảo chắc chắn, an toàn và có các thiết bị phòng cháy, chống nước thấm; luôn nắm vững tình hình, quy luật hoạt động của địch và xử trí linh hoạt mọi tình huống đưa hàng tới đích an toàn tuyệt đối. Từ 27/4/1970 đến 22/10/1971, Đại đội xe con C100 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển an toàn tuyệt đối và bàn giao đầy đủ 1.875 kiện tiền các loại cho Cục Hậu cần B2, bảo đảm đúng thời gian và địa điểm quy định.
 
Từ nguồn tài chính do Trung ương chi viện, cùng với nguồn chiến lợi phẩm và nguồn lực khai thác huy động tại chỗ... đã giúp Hậu cần Miền vượt qua khó khăn thử thách ngặt nghèo trong giai đoạn sau Tết Mậu Thân 1968 - 1971, chuẩn bị tích cực cho cuộc tiến công chiến lược 1972. 
 

Đường Hồ Chí Minh trên bộ giai đoạn 1969 - 1973.
 
Chuyển tiền cho Quân khu 8 và 9 
 
Đến cuối năm 1969, vùng giải phóng của ta ở Đồng bằng sông Cửu Long dần bị thu hẹp, 95% dân bị địch kìm kẹp. Tỉnh Mỹ Tho và Gò Công sau Tết Mậu Thân 1968 không còn 1 xã giải phóng. Toàn Quân khu 8 (cũ) chỉ còn 5 - 7 xã, nhưng rất ít dân (30 - 40 gia đình). Xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (Quân khu 9 cũ) trước có 1 vạn dân, nay chỉ còn 5 - 7 hộ. Vùng U Minh sau trận càn ác liệt của địch năm 1970 trở thành vùng gần như trắng dân. Do bị càn quét, bom đạn ác liệt, dân phải dạt ra các vùng địch tạm kiểm soát, cơ sở cách mạng bị xáo trộn, sản xuất đình đốn. Trong vùng địch tạm kiểm soát, dân bị o ép, khủng bố, bị kiểm soát gắt gao. Do mất đất, mất dân nên nguồn hậu cần - tài chính bị đảo lộn, số thu sụt giảm đến mức nguy hiểm. Năm 1968, các tỉnh Quân khu 9 thu hoạch 5.702.914 giạ lúa (1 giạ khoảng 20 kg) thì năm 1971 chỉ còn ¼ sản lượng. Tỉnh Sóc Trăng, năm 1968 thu 1.350.180 giạ, năm 1971 còn 289.927 giạ (21%); tỉnh Trà Vinh Năm 1968 thu 1.012.000 giạ, năm 1971 còn 471.496 giạ (46%); tỉnh Mỹ Tho, năm 1968 thu 253 triệu đồng, năm 1971 còn 134 triệu (53%). 
 
Quỹ của Quân khu 9 (cũ) chỉ còn 10.000 - 20.000 đồng (trước đây thường có 3 - 5 triệu đồng, có khi nhiều đến 50 triệu đồng - tiền chính quyền Sài Gòn). Tài chính Khu ủy Quân khu 9 cũng gặp khó khăn gay gắt. Đời sống nhân dân và LLVT trên địa bàn Quân khu 8 và 9 rất khó khăn. Tháng 7/1970, các Quân khu buộc phải cắt giảm tiêu chuẩn của bộ đội vì tài chính cạn kiệt. Quý 1/1971, tiêu chuẩn ăn và quân trang của bộ đội chỉ còn 50%, dự trữ gạo ở các cấp hầu như không còn… Trong khi đó, nguồn tài chính của B2 để thu mua, tạo nguồn tại chỗ ngày càng cạn dần. Đoàn Hậu cần 81 chuyên lo tạo nguồn cho B2, tồn quỹ cuối tháng 10/1970 chỉ còn 1.000 đô la... Hậu cần, Tài chính đứng trước những khó khăn, thử thách gay gắt chưa từng có.
 
Trước tình hình đó, Trung ương Cục có Chỉ thị số 01 tháng 12/1970, với chủ trương đưa cán bộ, đảng viên quay lại bám dân, bám cơ sở gây dựng các đoàn thể trong vùng địch tạm kiểm soát để vận động nhân dân đóng góp cho cách mạng và LLVT; các đơn vị bám địa bàn, bám dân đánh bại các cuộc càn quét của địch, khôi phục và mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để nhân dân trở về làm ăn.
 

Đường Hồ Chí Minh trên biển.
 
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho Quân khu 8, 9, công tác chi viện chiến lược thông qua hoạt động của Đoàn tàu không số vào căn cứ U Minh được đẩy mạnh. Sau sự kiện Vũng Rô (02/1965), địch tăng cường tuần tra, kiểm soát gắt gao các vùng biển. Được sự giúp đỡ của Campuchia, ta đã sử dụng các tàu quốc tế vận chuyển hàng vào cảng Sihanucvin, sau đó thuê tàu quân đội Campuchia hoặc dùng tàu của Đoàn 950 (Quân khu 9) chuyển về U Minh. Tháng 10/1970, Đoàn 950 sử dụng 2 tàu với danh nghĩa tàu đánh cá, có giấy tờ do chính quyền ngụy cấp để chuyển hàng từ cảng Sihanucvin về U Minh (cập bến huyện An Biên) được hơn 13 tấn hàng, chủ yếu là vũ khí, đạn, thuốc nổ, thuốc chữa bệnh…; trong đó, có 1 triệu đô la (khoảng 0,5 tỷ đồng tiền chính quyền Sài Gòn - theo thời giá lúc đó) từ miền Bắc gửi vào được giao cho Quân khu 8, 9. Tháng 11/1970, ta chuyển tiếp được 1 chuyến tàu nữa vào bến Rạch Xẻo Bần, với lượng hàng hóa tương đương chuyến trước. 
 
Sự chi viện kịp thời của Trung ương bằng đường bộ và đường biển đã góp phần quan trọng giải quyết khó khăn của Quân khu 8, 9; các đơn vị có tiền mua lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc men và trang trải các chi phí cấp thiết khác.
 
Cùng với sự chi viện kịp thời của Trung ương, việc tạo nguồn và huy động nguồn tại chỗ được quan tâm đặc biệt. Những năm 1969 - 1971 là thời kỳ khó khăn nhất của Quân khu 8 và 9, cán bộ kinh tài, cán bộ các đoàn thể cùng cán bộ hậu cần các cấp đã tìm mọi cách bám đất, bám dân, bám cơ sở, nhen nhóm lại nguồn hậu cần - tài chính thông qua các hoạt động bí mật của nhân dân như: giấu gạo, tiền ở điểm hẹn ven hàng rào ấp chiến lược; “để quên gạo, tiền” ở nơi bộ đội, du kích hay lui tới; tạo đường dây mua gạo bí mật chuyển ra vùng giải phóng… Bộ đội chủ lực hoạt động ở Bến Tre, Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 3 hoạt động ở Cái Bè khi hết tiền, hết gạo, dân bán chịu cho hoặc cho vay vàng, tiền, nữ trang, đồng hồ… để bán lấy tiền bảo đảm đời sống và các khoản chi thiết yếu. Ở Châu Thành - Cần Thơ, chị Ba Gấm tận dụng thế hợp pháp (vận chuyển cho địch), cứ 3 phần gạo thì giao cho Tiểu đoàn Tây Đô một phần. Chị Tư Nở vùng 20/7, mỗi lần chở gạo từ Tam Bình về khi qua khu du kích, chớp thời cơ địch sơ hở, chị đẩy 100 - 200 giạ gạo xuống kênh cho người của ta nhận. Quân khu còn mở các tiệm buôn bán ở thành phố để tạo nguồn tài chính và lo tiếp tế cho bộ đội. 
Với sự chi viện kịp thời, hiệu quả, nhất là về vật chất, tài chính của Trung ương theo Đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển; cùng sự nỗ lực to lớn, sáng tạo của mình, quân và dân B2, Quân khu 8, 9 đã vượt qua khó khăn, gian khổ sau Tết Mậu Thân 1968, tạo thế và lực đưa cách mạng tiến lên và đi đến ngày toàn thắng 30/4/1975./. 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Tổng kết hậu cần trong KCCM cứu nước (1954-1975), Nxb QĐND, H 2001. 
2. Lịch sử Tham mưu hậu cần QĐNDVN, Nxb QĐND, H 1993.
3. Tổng kết chuyên đề hậu cần nhân dân ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long 1954-1975 (TCHC). 
4. Lịch sử hậu cần Quân khu 7 (1945-1975), Nxb QĐND, H 2000.
5. Lịch sử Căn cứ U Minh 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb QĐND, H 2005.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang