Bắt đầu thập kỷ tăng trưởng kinh tế thời hiện đại?

05/01/2022, 14:50

Một năm trước, giới chuyên gia dự đoán về “Roaring‘ 20s ” - một thập kỷ tăng trưởng kinh tế thời hiện đại, trong đó đại dịch Covid-19 đã được khống chế và mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng và tăng trưởng toàn cầu mới.

Nền kinh tế thế giới đang có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng quay lại quỹ đạo như trước đại dịch nhờ đẩy mạnh thích ứng an toàn với Covid-19. (Nguồn: istock)

Nhưng qua năm 2021 lại có những ý kiến khác, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ nặng nề, sản xuất bị đình trệ, lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới và tăng trưởng GDP không thể đạt được như kỳ vọng.
 
Bước sang năm 2022, dịch bệnh vẫn chưa buông tha thế giới, khi Delta chưa hết, Omicron - biến thể mới nhất gây đại dịch Covid-19 tiếp tục xuất hiện, buộc các nền kinh tế lại phải cân nhắc áp dụng một loạt hạn chế mới thêm một lần nữa.
 
Phục hồi nhanh hơn kỳ vọng
Tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng phục hồi mạnh mẽ sau sự tàn phá của đại dịch toàn cầu vẫn âm thầm diễn ra. Sau hai năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, không chỉ thoát khỏi bóng đen suy thoái, kinh tế thế giới trong năm 2021 đã phục hồi nhanh hơn kỳ vọng và đang dần trở lại giai đoạn trước đại dịch.
 
Năm thứ hai của đại dịch Covid-19 kết thúc, hầu hết các dự báo đều cho thấy, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trong khoảng 5-6% trong năm nay so với mức giảm 3-5% của năm 2020.
 
Như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nhận định, “bức tranh kinh tế toàn cầu đang dần tươi sáng hơn sau năm mất mát 2020”. Theo ông, 5-6% là tăng trưởng tốt nhất trong vòng 80 năm qua, thậm chí là con số tốt lành nếu nhìn lại giai đoạn phục hồi của các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trước đó.
 
Động lực phục hồi mạnh mẽ đã được khởi động ngay từ đầu năm 2021, khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau khi những làn sóng Covid-19 dần lắng xuống. Đây cũng là lúc các gói kích thích kinh tế khổng lồ phát huy tác dụng và tốc độ phát triển, cũng như bao phủ vaccine được triển khai nhanh hơn tưởng tượng.
 
Thương mại toàn cầu tăng trưởng 10,7%, trong khi dòng chảy thương mại hàng hóa toàn cầu trong quý III/2021 cũng đạt con số kỷ lục 5.600 tỷ USD và tính chung cả năm sẽ tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu từ WB. Tín hiệu phục hồi từ nhiều nền kinh tế bắt đầu rõ nét hơn, các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc đều cho thấy sức bật mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 6% trong các quý gần đây.
 
Tuy nhiên, đà phục hồi đang có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm do các làn sóng dịch mới. Dự báo mới nhất của Bloomberg cho thấy, xu hướng phục hồi trong quý IV/2021 vẫn tiếp tục, song chỉ bằng một nửa so với tốc độ của quý trước và ở dưới mức 1%.
 
Sự nguy hiểm của biến thể Delta và sự lây lan quá nhanh của biến thể mới Omicron đã khiến nhiều nước buộc phải trì hoãn kế hoạch mở cửa, các thị trường hàng hóa xáo động, thị trường vốn lên xuống thất thường, dòng vốn có xu hướng tìm nơi trú ẩn.
 
Tác dụng phụ của các gói kích thích kinh tế cũng đã xuất hiện, tuy không bất ngờ, nhưng lạm phát phi mã đã trở thành một trong những nguồn cơn của các hỗn loạn trong các chuỗi phân phối và thiếu hụt hàng hóa thiết yếu trong thương mại quốc tế hiện nay.
 
Tổng giám đốc OECD Mathias Cormann còn cho rằng, lạm phát tăng đột biến là rủi ro chính đối với một triển vọng lạc quan của nền kinh tế toàn cầu năm 2022. Cách mà các nền kinh tế đối phó với lạm phát sẽ quyết định thế giới có rơi vào suy thoái vào các năm tiếp theo hay không.
 
Thực tế, đầu năm 2021, Mỹ dự báo kết thúc năm với lạm phát 2%, song lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới hiện tiến sát mức 7%.
 
2022 - “Nguy và cơ” song hành
Hiện còn quá sớm để biết chắc ảnh hưởng từ biến chủng Omicron sẽ như thế nào. Omicron có khả năng lây nhiễm mạnh, nhưng lại ít độc lực hơn so với các biến chủng trước đó, thậm chí còn được kỳ vọng là “công thần” giúp toàn cầu chấm dứt đại dịch.
 
Thế giới được dự đoán sẽ có thể tiến về gần hơn với trạng thái bình thường trước đại dịch - đồng nghĩa với việc người dân chi tiêu nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng sẽ đi lên.
 
Trên thực tế, nhìn lại năm 2020, nhiều nền kinh tế tệ hơn nhiều so với dự báo từ giới chuyên gia nhưng điều này không còn đúng trong năm 2021, khi đà phục hồi tích cực bất ngờ. Đó cũng là lý do năm 2022 được cho là sẽ có nhiều gam màu tươi sáng.
 
Tuy nhiên, tình hình có thể không hoàn toàn khả quan như vậy, vẫn còn rất nhiều những “gam màu xám” trên bức tranh kinh tế thế giới năm 2022. Một biến chủng dễ lây nhiễm hơn, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện và đẩy lùi các nền kinh tế. Trong kịch bản này, lực cầu sẽ yếu hơn, các rắc rối trong chuỗi cung ứng kéo dài, sản xuất đình trệ...
 
Thêm vào đó, hàng loạt rủi ro khác vẫn thường trực như khủng hoảng năng lượng, giá thực phẩm bất ổn, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu… trong khi áp lực lạm phát tăng cao khiến các ngân hàng trung ương phải “đau đầu” để điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp.
 
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgeva nhận định, nền kinh tế thế giới đang có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng quay lại quỹ đạo như trước đại dịch nhờ đẩy mạnh thích ứng an toàn với Covid-19.
 
Nhưng Báo cáo mới công bố của The Economist Intelligence Unit (EIU) lại cho rằng, trước năm 2022, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi về mức trước khi có đại dịch xảy ra, với sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia.
 
Theo Giám đốc bộ phận Dự báo toàn cầu của EIU Agathe Demarais, đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng kép toàn cầu, khủng hoảng y tế leo thang kéo theo khủng hoảng kinh tế. Nó đặc biệt nguy hiểm và không xác định đường biên giới, khiến bất kỳ một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, đều khó có thể thoát khỏi.
 
Nghiên cứu của EIU cho thấy, việc chậm triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 khiến sản lượng kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.300 tỷ USD. Trong đó, việc chậm trễ hơn so với các nước giàu trong triển khai chương trình phủ vaccine Covid-19 có thể khiến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải gánh chịu những thiệt hại trên (khoảng 2/3 mức thiệt hại, theo tính toán của EIU).
 
Tình hình không chỉ khiến khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng hơn, còn có thể gây ra sự phẫn nộ, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển.
 
Dịch bệnh Covid-19 chưa từng có tiền lệ. Các nhà kinh tế khó có thể dự báo chính xác những gì sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn tiếp diễn.
 
Tất nhiên, bên cạnh những rủi ro vẫn có những cái nhìn khá lạc quan về bức tranh kinh tế thế giới trong năm tới, với kịch bản cơ sở là một đợt phục hồi mạnh mẽ, giá cả hạ nhiệt và giảm dần các chính sách tiền tệ khẩn cấp.
 
Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của dịch bệnh và những ảnh hưởng khó lường của nó thì mọi dự đoán đều có thể không chính xác.

TUẤN ANH (THEO BÁO QUỐC TẾ)