Thực trạng hoạt động hiện nay của các Đoàn Kinh tế quốc phòng

05/07/2022, 15:08

Hiện nay, toàn quân có 24 Đoàn kinh tế quốc phòng (KTQP) và Công ty, 02 Binh đoàn để xây dựng 33 Khu KTQP trên phạm vi cả nước. Hoạt động của các Đoàn KTQP đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt: Chính trị, KT, XH, QP, AN... góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Cán bộ, chiến sỹ Đoàn KTQP 5 - Quân khu 4 hướng dân người dân kỹ thuật chăm sóc bò.

1. Kết quả đạt được
 
a) Thực hiện mục tiêu QP, AN
 
Việc xây dựng và phát triển các Khu KTQP cơ bản đã đạt được mục tiêu về ổn định chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược, khu vực biên giới. Các Đoàn KTQP đứng chân trên các vị trí trọng yếu dọc tuyến biên giới, đã góp phần tạo thế trận quốc phòng liên hoàn; vừa đảm bảo tính cơ động, vừa đảm bảo tính vững chắc; kịp thời bổ sung, hỗ trợ khi có tình huống xảy ra và trở thành một thành phần quan trọng trong KVPT.
 
Các Đoàn KTQP đã làm tốt hoạt động CTĐ, CTCT; xây dựng tổ chức cơ sở đảng TSVM, cơ quan, đơn vị VMTD; hoàn thành tốt các nhiệm vụ về công tác quân sự, quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ Khu KTQP. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp duy trì ổn định các hộ dân, các điểm dân cư đã đưa ra khu vực biên giới giai đoạn trước; tiếp tục di, giãn dân; đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách cho người dân và cộng đồng dân cư, giúp dân ổn định cuộc sống bền vững tại địa bàn các Khu KTQP.
 
 Đến hết năm 2021, tại các Khu KTQP, các đơn vị đã xây dựng mới được 1.318 điểm dân cư tập trung; duy trì đỡ đầu, ổn định tại chỗ cho 68.106 hộ dân; đón nhận, sắp xếp được 31.528 hộ dân, hoàn thành mục tiêu tiếp nhận, hỗ trợ 100.000 hộ dân. Việc xây dựng, duy trì, phát triển các cụm, điểm dân cư đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng KVPT theo quy định tại Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ, Thông tư số 41/2020/TT-BQP ngày 31/3/2020 của Bộ Quốc phòng về KVPT. 
 
Công tác phối hợp quản lý dân cư luôn được chú trọng. Các Đoàn KTQP thường xuyên phối hợp với địa phương và các lực lượng có liên quan quản lý, đánh giá các thành phần dân cư trú và người lao động đến làm việc trên địa bàn; từ đó giúp địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm soát chặt chẽ QP, AN trên các địa bàn trọng điểm phù hợp, đúng mục tiêu, thời điểm, góp phần ngăn chặn kịp thời sự chống phá của các thế lực thù địch. 
 
Tích cực tham gia xây dựng KVPT theo kế hoạch của Quân khu, Binh đoàn. Làm tốt công tác huấn luyện SSCĐ, huấn luyện DBĐV, DQTV, xây dựng phương án và tham gia diễn tập, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, cháy nổ; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình quốc phòng thuộc Khu KTQP. Các lực lượng quân sự địa phương, công an, biên phòng, Đoàn KTQP thực hiện ký kết quy chế phối hợp và giao ban địa bàn theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 (nay là Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019) của Chính phủ; giúp cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì an ninh trật tự địa bàn, triển khai các chủ trương về QP, AN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Luôn chủ động nắm, kiểm soát chặt chẽ tình hình; đấu tranh phòng chống có hiệu quả với các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thế trận QP, AN; trở thành chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu chính trị tại địa bàn các Khu KTQP. Người dân luôn tin tưởng, biết ơn Đảng, Chính phủ và Quân đội, yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế, tham gia giữ gìn ổn định chính trị trên địa bàn.
 
Một số đơn vị tiêu biểu trong hoạt động này là: Đoàn KTQP 799, Đoàn KTQP 338/QK1; Đoàn KTQP 379, Đoàn KTQP 326/QK2; Đoàn KTQP 327/QK3; Đoàn KTQP 337, Đoàn KTQP 5/QK4; Trung đoàn 726/BĐ16.
 
b) Thực hiện công tác dân vận
 
Các Đoàn KTQP thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận trong tình hình mới: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 49-NQ/QUTW ngày 26/01/2015 của QUTW, Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Chỉ thị số 168-CT/QUTW ngày 08/02/2020 của QUTW, Chỉ thị số 472/CT-BQP ngày 21/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; tập trung giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh; phát triển đảng viên mới, bồi dưỡng 2.766 quần chúng tạo nguồn phát triển Đảng; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng ngàn lượt cán bộ trưởng, phó thôn, bản; kiện toàn, củng cố giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội đi vào hoạt động có nền nếp. 
 
Nhiệm vụ phát triển văn hóa tinh thần, giáo dục được quan tâm; các bản định cư đều được xây dựng nhà văn hóa, lớp học; một số bản, cụm bản được trang bị hệ thống phát thanh nội bộ để tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức nhiều lớp học xóa mù chữ, dạy tiếng Kinh cho đồng bào dân tộc; hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập trị giá nhiều tỉ đồng cho các cháu học sinh… Những kết quả trên đã làm thay đổi bố trí và cơ cấu dân cư; nâng cao dân trí, đời sống tinh thần; góp phần ổn định tình hình di dân tự do và lấp đầy các khoảng trống dân cư khu vực sát biên giới; tạo niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng.
 
Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, tổ chức tốt hàng nghìn đợt tuyên truyền, giao lưu văn hóa, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn cho đồng bào các thôn, bản; vận động nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đấu tranh phòng chống âm mưu của các thế lực thù địch; thực hiện tốt chính sách xã hội trên địa bàn; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội; không tham gia các hoạt động trái pháp luật như buôn bán ma túy, buôn người qua biên giới, hoạt động truyền đạo trái phép, di cư tự do, chặt phá rừng…
 
Đội ngũ Trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu KTQP theo Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng phát huy tốt hiệu quả trong công tác dân vận, với trên 2.648 lượt đội viên tham gia, đã tổ chức gần 2.000 lượt tuyên truyền vận động quần chúng và kết nghĩa với các chi đoàn thanh niên địa phương để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp dân phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dự án; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng đến từng thôn, bản và từng người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
 
Các Đoàn KTQP duy trì và nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân thông qua hoạt động của các bệnh xá quân dân y kết hợp. Đã phối hợp với y tế địa phương khám bệnh cho 1.699.584 lượt bệnh nhân, tiêm chủng 82.630 lượt người, thu dung điều trị trên 200.000 bệnh nhân, cấp cứu trên 12.000 bệnh nhân, phẫu thuật trên 15.000 trường hợp. Quân y các Đoàn KTQP đã tổ chức đào tạo 350 nhân viên y tế thôn, bản cho y tế địa phương; phối hợp tổ chức 65 lớp tập huấn cho nhân viên y tế thôn, bản với gần 2.000 học viên. Các đoàn còn hỗ trợ trang bị y tế, tiền thuốc, tiền ăn cho đồng bào, trị giá hơn 1.343 tỷ đồng theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và nguồn tự có của đơn vị. Tại địa bàn Khu KTQP, các Đoàn KTQP đã phối hợp tốt với các bệnh viện lớn của Quân đội như Bệnh viện 108, Bệnh viện 175 đưa hàng trăm đoàn cán bộ y, bác sỹ đến các Khu KTQP để tổ chức các đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch cho nhân dân các thôn, bản.
 
Một số đơn vị tiêu biểu như: Đoàn KTQP 799/QK1; Đoàn KTQP 313, Đoàn KTQP 379, Đoàn KTQP 326/QK2; Đoàn KTQP 327/QK3; Đoàn KTQP 337, Đoàn KTQP 92/QK4; Đoàn KTQP 207/QK5; Đoàn KTQP 78/BĐ15; Trung đoàn 726/BĐ16; Đoàn KTQP 959/QK9. 
 

Lãnh đạo Đoàn KTQP 915 - Quân khu 9 trao tặng dụng cụ y tế học đường cho ngành giáo dục huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
 
c) Xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp tổ chức lại dân cư gắn với nhiệm vụ QS, QP
 
Với nguồn kinh phí do Nhà nước đảm bảo và các nguồn lực kết hợp khác, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành xây dựng: 403 tuyến đường giao thông các loại với tổng chiều dài 1.499 km; 89 cầu với tổng chiều dài 1.296 m; 390 phòng học với tổng diện tích 43.786 m2; 130 công trình điện với 14.636 km đường dây; 154 trạm biến áp và 114 công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ 20.238 hộ dân; 536 bản, điểm dân cư mới; 58 trạm xá quân y và 33 bệnh xá quân dân y; 166 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với 1.482 km kênh mương; 39 khu chợ dân sinh và nhà văn hóa cùng nhiều công trình khác theo quy hoạch, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
 
Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, sau khi xây dựng xong được bàn giao cho địa phương quản lý, duy trì khai thác, sử dụng có hiệu quả; gắn chặt với quy hoạch của địa phương và các điểm dân cư, đảm bảo hỗ trợ tốt cho phát triển KT - XH, theo đúng mục tiêu quy định tại Nghị định số 44. Nhờ đó, tại các Khu KTQP, giao thông thuận tiện hơn, dân được sử dụng điện, nước sinh hoạt; y tế, văn hóa được nâng cao; người dân được trực tiếp tham gia vào các hoạt động của dự án để nâng cao khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hàng hóa; đời sống dần được cải thiện, các hộ đói nghèo giảm xuống qua từng năm.
 
Một số đơn vị tiêu biểu như: Đoàn KTQP 799/QK1; Đoàn KTQP 313, Đoàn KTQP 326/QK2; Đoàn KTQP 327/QK3; Đoàn KTQP 4/QK4; Đoàn KTQP 207/QK5; Binh đoàn 15; Binh đoàn 16; Đoàn Lâm Đồng/QK7; Đoàn KTQP 959/QK9. 
 
d) Tổ chức mô hình sản xuất và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng dự án phát triển kinh tế, nâng cao đời sống
 
Tại các Khu KTQP trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty Cà phê 15 đã trồng được 44.551 ha cao su (Binh đoàn 15 là 41.909 ha, Binh đoàn 16 là 2.697 ha, công ty Cà phê 15 là 712 ha), trong đó có 35.000 ha cao su đang thời kỳ kinh doanh, cho sản phẩm; 2.718 ha cà phê (Binh đoàn 15 có hơn 387 ha, Binh đoàn 16 có hơn 1.476 ha, Công ty Cà phê 15 có 855 ha); hơn 10.000 ha điều cao sản (đến năm 2016 chỉ còn khoảng gần 700 ha của Binh đoàn 16 do chuyển đổi cây trồng); gần 1.000 ha cây nguyên liệu giấy... Đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20.000 hộ gia đình đồng bào sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên.
 
Các Khu KTQP không trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung đã giúp dân hiệu quả thông qua việc tổ chức dịch vụ 2 đầu (thu mua, chế biến nông sản; cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật cho dân...).
 
Một số đơn vị tiêu biểu như: Đoàn KTQP 799/QK1; Đoàn KTQP 345, Đoàn KTQP 326/QK2; Đoàn KTQP 4/QK4; Đoàn KTQP 207/QK5; Binh đoàn 15; Binh đoàn 16; Đoàn KTQP 778/QK7; Đoàn KTQP 915/QK9. 
 
e) Tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
 
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã triển khai trên địa bàn 33 huyện/17 tỉnh trong vùng dự án Khu KTQP. Đã triển khai được 266 mô hình chăn nuôi cho 10.759 hộ dân; 18 mô hình trồng trọt cho 7.526 hộ dân; tập huấn chuyển giao kỹ thuật được 537 lớp cho 21.774 lượt người tham gia và nhiều mô hình khác với tổng giá trị đạt trên 145 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ tuy còn ít so với nhu cầu thực tế nhưng đã góp phần giải quyết được những vấn đề cấp bách và khó khăn nhất của người nghèo. 
 
Các Đoàn KTQP và các đơn vị quân đội thực hiện các dự án trồng rừng trên địa bàn các Khu KTQP, đến nay đã trồng mới được 5.794 ha; bảo vệ được 118.851 ha rừng tự nhiên; khoanh nuôi, tái sinh rừng được 2.422 ha rừng; chăm sóc 10.186 ha rừng và các hạng mục khác của trồng rừng. Tổng giá trị đạt được gần 164 tỷ đồng.
 
Thông qua đảm bảo việc làm và hỗ trợ sản xuất cho nhân dân, giúp tỉ lệ hộ nghèo tại địa bàn giảm đáng kể so với thời gian đầu; có những nơi tỉ lệ hộ nghèo khi chưa triển khai xây dựng Khu KTQP còn cao (từ 45 ÷ 90%), nay giảm chỉ còn 30 ÷ 10% (so với tiêu chí khi xây dựng Khu KTQP).
 
f) Về mô hình, cơ chế hoạt động, đảm bảo cho các Đoàn KTQP
 
Trong những năm qua, Bộ Quốc phòng tổ chức và duy trì 02 loại hình đơn vị thực hiện xây dựng các Khu KTQP là Đoàn KTQP theo mô hình đơn vị dự toán và Đoàn KTQP theo mô hình doanh nghiệp (Tổng công ty 15, Tổng công ty 16 với phiên hiệu quân sự là Binh đoàn và Công ty Cà phê 15). 
 
Tổ chức, biên chế của các Đoàn KTQP gồm cấp sư đoàn, lữ đoàn, trực thuộc Quân khu; cấp trung đoàn trực thuộc Binh đoàn. Các Đội sản xuất được tổ chức trực thuộc lữ đoàn, trung đoàn với biên chế từ 3 ÷ 5 đồng chí làm công tác nắm địa bàn và tổ chức thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất. Với địa bàn hoạt động rất rộng (thường là 1 ÷ 2 xã khó khăn), các Đoàn KTQP đã có nhiều cố gắng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có một số ít Đoàn KTQP có đơn vị trực thuộc là nông, lâm trường, công ty (với quy mô trung đoàn), xí nghiệp sản xuất, xây dựng, dịch vụ với nhiệm vụ chính là giúp dân làm dịch vụ 2 đầu theo mục tiêu xây dựng Khu KTQP, tổ chức một số trung đoàn khung thường trực làm nhiệm vụ huấn luyện DBĐV theo chỉ tiêu trên giao. 
 
Các Đoàn KTQP hoạt động theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 133/2004/QĐ-BQP ngày 21/9/2004, Thông tư số 294/2017/TT-BQP ngày 24/11/2004 và Thông tư số 178/2021/TT-BQP ngày 30/12/2021 của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ chính là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng KVPT, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai; thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KTQP theo Quyết định của Thủ tướng. Nhìn chung, với biên chế, tổ chức và nhiệm vụ được giao, tuy chưa thật sự đồng bộ, nhưng các Đoàn KTQP đã cơ bản phát huy tốt vai trò và chức trách, nhiệm vụ xây dựng Khu KTQP; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tại địa bàn Khu KTQP tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao. Mặc dù điều kiện còn nhiều hạn chế, nhưng cán bộ, chiến sỹ Đoàn KTQP đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thiếu thốn, gian khổ, tích cực làm công tác nắm địa bàn và vận động quần chúng, phát triển KT - XH địa bàn được giao.
 
Ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm bảo đảm tốt đời sống chính sách như lương, phụ cấp đối với cán bộ tại các Đoàn KTQP; tiền lương công chức, viên chức tham gia phục vụ đối với các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, văn hóa cho đồng bào dân tộc; tiền lương, bảo hiểm cho giáo viên thực hiện công tác tại các điểm trường trong Khu KTQP; bảo đảm tốt đời sống cho công nhân, nhân dân đồng bào dân tộc ở các Đoàn KTQP hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
 

Đoàn KTQP 338 - Quân khu 1 tặng bò sinh sản cho các hộ nghèo tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
 
2. Một số tồn tại, hạn chế
 
- Công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp ủy đảng tại đơn vị với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có lúc chưa thống nhất; đôi lúc còn tập trung vào nhiệm vụ kinh tế đơn thuần; chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu quy hoạch QP, AN. 
 
-  Tiến độ thực hiện quy hoạch còn chưa đạt; nội dung còn có hạng mục chưa đồng bộ với các quy hoạch khác như giao thông, du lịch, dẫn tới còn chồng chéo; các dự án đầu tư xây dựng Khu KTQP sau một thời gian sử dụng không có nguồn lực duy tu bảo dưỡng (vốn địa phương).
 
 - Kinh tế - xã hội vùng dự án tuy có bước phát triển nhưng chưa thật sự đột phá so với các địa bàn khác; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã từng bước được cải thiện nhưng chưa bền vững.
 
- Mô hình tổ chức sản xuất tập trung tại các Khu KTQP để thu hút đồng bào và tạo việc làm cho nhân dân chưa thật sự phù hợp (giá sản phẩm nông nghiệp không ổn định, doanh nghiệp thua lỗ); việc hỗ trợ phát triển dịch vụ 2 đầu còn nhiều hạn chế; mô hình sản xuất, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ công nghiệp nhỏ được hình thành nhưng phạm vi ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân vùng dự án còn hạn chế. 
 
- Các Đoàn KTQP chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác dân vận. Cán bộ Đoàn KTQP chưa thực sự tìm hiểu sâu, nắm vững phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào; phối hợp chưa thật tốt với chính quyền địa phương, nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, xác định các công trình đầu tư, phối hợp lồng ghép. 
 
- Tổ chức biên chế của Đoàn KTQP còn bất cập, chưa thống nhất ( kể cả tên gọi lẫn phiên hiệu); chậm được kiện toàn theo chức năng nhiệm vụ được giao và hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu (biên chế của các Đội sản xuất ít, thường mỗi Đội chỉ có 2 ÷ 3 đồng chí). 
 
- Công tác tuyển dụng cán bộ có chuyên môn phù hợp trong xây dựng Khu KTQP còn khó khăn; luân chuyển cán bộ còn hạn chế; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về quản lý dự án, kỹ thuật nông, lâm nghiệp chưa thường xuyên; dẫn đến các Đoàn KTQP còn thiếu cán bộ có chuyên môn phù hợp.
 
- Chính sách về một số chế độ đối với các lực lượng làm nhiệm vụ xây dựng Khu KTQP chưa thật sự phù hợp với tình hình mới; chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
 
3. Nguyên nhân
 
a) Nguyên nhân của những kết quả đạt được
 
- Bộ Quốc phòng và các Đoàn KTQP luôn được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, QUTW trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, Ngành và Ủy ban Dân tộc, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bố trí các chương trình, dự án lồng ghép, tạo thêm nguồn lực cho xây dựng các Khu KTQP; sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền và nhân dân địa phương tạo điều kiện thuận lợi và luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sỹ.
 
- Các Quân khu, Binh đoàn có Khu KTQP, các cơ quan, đơn vị và Đoàn KTQP luôn nỗ lực, cố gắng trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KTQP. 
 
b) Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
 
- Việc ban hành cơ chế, chính sách còn bất cập về nội dung và thời gian; không kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, sự phát triển của KT-XH, nhiệm vụ và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
- Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, mức đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiến độ; số lượng công trình thiết yếu chưa đáp ứng được nhu cầu của chính quyền và nhân dân địa phương.
 
- Địa bàn quản lý của Đoàn KTQP rộng và phân tán, có khi trải rộng trên 2 ÷ 3 tỉnh, trong khi quy mô của Đoàn hẹp; nên công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.
 
- Nhận thức của một số lãnh đạo, chỉ huy các cấp chưa thật sự toàn diện, một số đơn vị có lúc còn coi trọng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản; xem nhẹ các nhiệm vụ chính trị khác theo chức năng được giao (dân vận, hỗ trợ dân phát triển sản xuất, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng thế trận QP, AN, xây dựng KVPT...).
 
- Tham mưu xây dựng cơ chế chưa chặt chẽ, kịp thời; việc sửa đổi, bổ sung chậm; chưa kịp thời hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi ban hành; nhiều nội dung chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
 
- Việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả, mục tiêu các dự án, công trình theo quy hoạch chưa sâu sát; đánh giá tác động của cơ chế chính sách chưa kịp thời; công tác sơ, tổng kết trong quá trình thực hiện xây dựng Khu KTQP chưa thường xuyên.
 
⃰      ⃰
 
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các địa phương; đặc biệt là những đóng góp trực tiếp, quan trọng của các Quân khu, Binh đoàn và Đoàn KTQP; hoạt động của các Đoàn KTQP đã đạt được nhiều thành tích nổi bật: nhiệm vụ QS, QP được đảm bảo; thế trận QP, AN dọc tuyến biên giới được củng cố; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; kinh tế hàng hóa từng bước phát triển; đời sống Nhân dân được cải thiện; lòng tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, vẫn còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải tiếp tục tháo gỡ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đoàn KTQP trong thời gian tới.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG