Nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Cánh Đồng Chum

24/05/2022, 13:44

Cùng với việc tổ chức và sử dụng lực lượng chốt giữ, Bộ tư lệnh (BTL) chiến dịch còn chú ý đến việc tổ chức lực lượng cơ động chiến dịch đủ mạnh để thực hiện các trận phản đột kích và những trận then chốt.

Bộ đội Việt Nam và Quân Giải phóng nhân dân Lào nghiên cứu sa bàn trong Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, năm 1972. Ảnh tư liệu

Tổ chức và sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành
 
Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972, lực lượng ta tham gia chiến dịch có 5 trung đoàn bộ binh, 10 tiểu đoàn binh chủng. Lào có 7 tiểu đoàn bộ binh, 6 đại đội binh chủng, 4 đại đội địa phương. Trong khi đó, địch có 76 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, tổng quân số khoảng 18.400 tên.
 
Thực hiện quyết tâm chiến dịch, lực lượng binh chủng tổ chức thành hai bộ phận: Lực lượng phòng ngự trận địa, gồm hai trung đoàn bộ binh (174 và 866), được tăng cường 1/3 số xe tăng thiết giáp và 1/4 số pháo của chiến dịch, có nhiệm vụ tổ chức chiếm giữ các chốt và cụm chốt, cố thủ trận địa kìm chân địch tại chỗ; liên tục tổ chức phản kích bằng lực lượng cơ động; phối hợp với lực lượng cơ động (dự bị) tiến hành phản đột kích đánh các trận then chốt tiêu diệt địch.
 
Lực lượng cơ động (dự bị) chiến dịch, gồm hai trung đoàn (148 và 335), từ tháng 10-1972 thêm Trung đoàn 88 được bộ tăng cường. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng cơ động là sử dụng tập trung, tác chiến hiệp đồng binh chủng, tổ chức các trận then chốt của chiến dịch nhằm tiêu diệt và bẻ gẫy các mũi, các cánh tiến công của địch trên những khu vực đã được dự kiến. Điểm nổi bật về nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng của ta chính là không bố trí quá nhiều lực lượng bám trụ tại chốt mà dành quân số để tổ chức các bộ phận cơ động ở vòng ngoài, tích cực phối hợp, chi viện cho các chốt. Mặt khác, ta rất coi trọng tăng cường nhiều loại hỏa khí nhẹ ở chốt để bảo đảm hỏa lực của chốt có thể đánh địch từ xa đến gần (có các loại hỏa lực bắn cầu vồng, bắn thẳng; bắn bộ binh, bắn máy bay bay thấp, bắn xe tăng thiết giáp...), như Trung đoàn 866 (phòng ngự trung tâm Cánh Đồng Chum và khu vực Noọng Pẹt) từ chỗ chỉ có 3 tiểu đoàn theo biên chế thông thường tiến đến tổ chức thành trung đoàn có 5 tiểu đoàn và 1 đại đội độc lập. Mỗi tiểu đoàn cũng tổ chức khác nhau, nên hiệu suất chiến đấu cao, giảm thương vong cho ta.
 
Cùng với việc tổ chức và sử dụng lực lượng chốt giữ, Bộ tư lệnh (BTL) chiến dịch còn chú ý đến việc tổ chức lực lượng cơ động chiến dịch đủ mạnh để thực hiện các trận phản đột kích và những trận then chốt. Ta đã sử dụng 2 trung đoàn bộ binh làm nhiệm vụ cơ động, trong đó mỗi trung đoàn dùng 1 tiểu đoàn làm lực lượng cơ động (không kể các tiểu đoàn phòng giữ có từ 1 đến 2 đại đội cơ động). Như vậy, trên toàn chiến dịch, ta có 6 tiểu đoàn phòng giữ, 8 tiểu đoàn cơ động, tỷ lệ lực lượng cơ động chiếm 57% tổng số tiểu đoàn của toàn chiến dịch.
 
Tổ chức và sử dụng lực lượng các binh chủng
 
Trong chiến dịch này, lực lượng binh chủng cũng được Bộ tư lệnh (BTL) chiến dịch tổ chức thành hai bộ phận: Lực lượng tăng cường cho các đơn vị phòng giữ trận địa, chiến đấu tại các chốt, cụm chốt và lực lượng binh chủng cơ động chiến dịch. Với lực lượng súng cối và pháo binh mặt đất, số lượng pháo của ta ít hơn địch (địch 1,5/ta 1,0), nhưng ta hình thành được một mạng lưới hỏa lực tương đối hoàn chỉnh, có chuẩn bị sẵn nên súng cối và pháo binh mặt đất đã phát huy tác dụng đánh địch kịp thời, từ xa, đánh phủ đầu địch khi địch mới lọt vào trận địa phòng ngự, cũng như khi quân địch đổ bộ bằng trực thăng mà bộ binh ta chưa có điều kiện tiếp cận đánh địch... Hỏa lực pháo xe kéo đã tận dụng tầm bắn xa và sức sát thương lớn trong nhiều nhiệm vụ khác nhau khá hiệu quả, như duy trì đánh thường xuyên phía sau lưng địch; kiềm chế các trận địa pháo địch; kiềm chế các bãi trực thăng đổ quân, bốc quân, vận chuyển tiếp tế của địch; chi viện đánh địch rút chạy; đánh địch co cụm và chi viện cho bộ binh trong các trận phản đột kích. Trong hầu hết các trận phản đột kích, ta đã tập trung được từ 70 đến 80% số pháo của chiến dịch để chi viện chiến đấu. Trung bình ở mỗi trận, ta sử dụng từ 1.000 đến 1.200 viên đạn pháo, có trận sử dụng 2.000 viên các loại.
 
Lực lượng pháo cao xạ và súng máy phòng không trong đội hình của bộ binh là một thành phần hỏa lực phòng không quan trọng. Trong đó, pháo cao xạ 37mm thường có nhiệm vụ bảo vệ đường vận chuyển và các trận địa pháo xe kéo; súng máy phòng không 14,5mm và 12,7mm tham gia bảo vệ trận địa pháo, tăng cường cho các trung đoàn bộ binh phản kích, phản đột kích.
 
Đối với lực lượng tăng thiết giáp, BTL chiến dịch đã sử dụng một bộ phận tăng cường cho lực lượng phòng giữ, đại bộ phận làm lực lượng cơ động để cùng với bộ binh đánh các trận phản đột kích ở những địa hình được chuẩn bị sẵn. Trong 3 trận phản đột kích lớn, ta đều dùng xe tăng để tiến công chính diện, thực hiện thọc sâu chia cắt, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt địch.
 
Ngoài ra, trong chiến dịch, địa bàn rộng, không có dân, địch có sở trường luồn lách giỏi để đánh vào nơi ta sơ hở nên tất cả lực lượng phục vụ phía sau của ta đều được tổ chức thành đội ngũ chiến đấu chặt chẽ, có số lượng vũ khí thích hợp, được huấn luyện và diễn tập theo phương án tác chiến tại chỗ... Quán triệt được nhiệm vụ và tính chất của tác chiến phòng ngự, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện 139 được tổ chức thành một đại đội; lực lượng kho, trạm tổ chức thành hai đại đội; lực lượng cơ quan chiến dịch cũng tổ chức thành đơn vị chiến đấu, lấy vệ binh làm nòng cốt. Nhờ vậy, khi địch đổ biệt kích vào phía sau, ta đã ngăn chặn được, giữ vững kho tàng, cơ sở hậu cần chiến dịch.

ĐẠI TÁ, PGS, TS HOÀNG XUÂN NHIÊN/Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng