Tín hiệu vui ở một công ty “suýt phá sản”!

27/03/2020, 15:21

Tiền thân của Công ty cổ phần Nhựa - Xốp 76 là Công ty cổ phần Nhựa - Xốp Sao Mai (thuộc Nhà máy Z181), được Nhà máy Z176 “giải cứu” trước nguy cơ phá sản gần 10 năm trước. Sau nhiều thăng trầm, những năm gần đây, sản xuất, kinh doanh của Công ty đang dần khởi sắc.

- Dây chuyền sản xuất que sợi cốt thủy tinh của Công ty cổ phần Nhựa- Xốp 76.

“Giải cứu” doanh nghiệp! 
 
Cách đây 18 năm, chính xác là vào giữa năm 2002, Xí nghiệp Nhựa - Xốp Sao Mai của Nhà máy Z181 là một trong 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh được Bộ Quốc phòng chọn thí điểm cổ phần hóa. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Cổ phần Nhựa - Xốp Sao Mai. Những năm đầu đi vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh của Công ty tương đối thuận lợi, sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt, trong đó, các sản phẩm từ xốp cung cấp cho Công ty TNHH Đèn hình Orion Hanel mang lại doanh thu chính. Tuy nhiên, kể từ khi doanh nghiệp đối tác này gặp nhiều khó khăn, từng bước hụt hơi, đuối sức và cuối cùng phá sản vào cuối năm 2008, thì tình hình sản xuất của Công ty Nhựa - Xốp Sao Mai cũng bắt đầu đi xuống do không có đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, việc cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, công tác quản trị của doanh nghiệp còn nhiều bất cập... khiến Công ty càng làm càng thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề.
 
Trước tình hình đó, Nhà máy Z181 và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để cứu vãn doanh nghiệp. Cuối cùng, Nhà máy Z176 - một doanh nghiệp được xếp vào Top “ăn nên làm ra” của Tổng cục đã giao trách nhiệm “giải cứu” Công ty cổ phần Nhựa - Xốp Sao Mai. Nhớ lại giai đoạn đó, Đại tá Nguyễn Xuân Khải - nguyên Giám đốc Nhà máy Z176, nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa - Xốp 76 chia sẻ: “Với sự quan tâm, động viên của lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục; trên tinh thần nhường cơm, sẻ áo với đơn vị bạn, nhất là trước viễn cảnh cả trăm người lao động sẽ mất việc làm, cuộc sống bị ảnh hưởng rất lớn nên lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z176 đã bàn bạc, thống nhất tiếp nhận Công ty Cổ phần Nhựa - Xốp Sao Mai”. Vẫn theo lời anh Khải, dẫu biết rằng để giải quyết số nợ xấu lên tới trên 20 tỷ đồng và làm thế nào duy trì, phát triển sản xuất không phải chuyện dễ, nhưng Nhà máy Z176 đã quyết tâm tiếp nhận và cố gắng tháo gỡ khó khăn cho Công ty. 
 

Các sản phẩm từ xốp do Công ty cổ phần Nhựa - Xốp 76 sản xuất.
 
Những khởi sắc tích cực!
 
Vừa qua, có dịp đến Công ty Cổ phần Nhựa - Xốp 76, chúng tôi được Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Xuân Khải và Giám đốc Nguyễn Khắc Trình dẫn đi “thực mục sở thị” cơ sở sản xuất. Dừng chân ở Phân xưởng Xốp, chúng tôi nhận thấy, trong xưởng sản xuất và nhà kho có rất nhiều sản phẩm từ xốp đang chờ để bàn giao cho khách hàng. Giám đốc Nguyễn Khắc Trình phấn khởi cho biết: “Các sản phẩm từ xốp ép chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của Công ty, là những mặt hàng mang lại lợi nhuận chính. Hiện nay, Công ty đang cung cấp sản phẩm cho một số khách hàng lớn, như:  Công ty Brother, Điện cơ Thống Nhất... Bên cạnh đó, Công ty duy trì đều việc sản xuất dây quai, dây khóa, tem in, bìa cho Nhà máy Z176. Ngoài ra, sản phẩm que sợi cốt thủy tinh bắt đầu có thương hiệu trên thị trường nội địa, được khách hàng đánh giá cao”. Qua tìm hiểu được biết, năm 2019, doanh thu của Công ty đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018, lợi nhuận tăng hơn 60% so với năm 2018; thu nhập bình quân đạt 7,9 triệu đồng/người/tháng (tăng 16% so với năm 2018). Năm 2020, Công ty phấn đấu doanh thu đạt 112 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 8,3 triệu đồng/người/tháng, trả cổ tức 10%.
 
Những kết quả trên của Công ty Cổ phần Nhựa - Xốp 76 có lẽ còn khiêm tốn, nhưng đó là thành quả của sự nỗ lực bền bỉ để vượt lên chính mình trong nhiều năm qua. Trong thành công đó, vai trò của Nhà máy Z176 là rất lớn. Đặc biệt là trong những năm đầu sau cuộc “giải cứu”, Nhà máy đã làm bệ đỡ để Công ty từng bước ổn định với ngành nghề sản xuất chính. Trước rất nhiều khó khăn, từ áp lực nợ phải trả lớn, thị trường xốp cơ bản bị mất, tổ chức sản xuất nhiều bất cập, đến tư tưởng người lao động dao động, không yên tâm công tác... Nhà máy Z176 đã quan tâm kiện toàn bộ máy, tổ chức, san sẻ công việc để ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động... Về phần mình, Công ty Cổ phần Nhựa - Xốp cũng đã mời gọi, thu hút được cổ đông có thực lực để có thêm nguồn trả nợ và đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất - không chỉ cung cấp thêm sản phẩm cho Nhà máy Z176 mà còn tìm kiếm thị trường với các sản phẩm truyền thống từ xốp ép. Đại tá Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Nhà máy Z176 cho biết, anh đánh giá cao tính chủ động, năng động trong tìm kiếm thị trường và việc tích cực đổi mới bộ máy, tổ chức, phương thức điều hành sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của Công ty trong thời gian gần đây. Nhờ đó, các sản phẩm cung cấp cho Nhà máy Z176 ổn định, đảm bảo chất lượng và tìm lại được thị trường đối với các sản phẩm từ xốp. Bên cạnh đó, Công ty cũng rất tích cực tham gia các hoạt động do Nhà máy tổ chức. 
 
Phía trước dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song Công ty Cổ phần Nhựa - Xốp 76 cũng đang có những thuận lợi để vươn lên. Đó là sự quyết liệt của Ban lãnh đạo Công ty trong quản lý điều hành, nội bộ đoàn kết, bộ máy tinh gọn, thái độ làm việc trách nhiệm của người lao động; thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ xốp tiếp tục tăng; sản phẩm que sợi cốt thủy tinh thay thế vật liệu từ kim loại đang có nhiều triển vọng để trở thành sản phẩm chiến lược... Nếu phát huy tốt những thuận lợi, quan tâm hơn nữa đến đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tin rằng, Công ty Cổ phần Nhựa - Xốp 76 sẽ tiếp tục có bước phát triển hơn nữa…


Năm 2020, Công ty phấn đấu doanh thu đạt đạt 112 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019; thu nhập bình quân đạt 8,3 triệu đồng/người/tháng; trả cổ tức 10%.


TRẦN HOÀNG