Tổ chức chuyển ngân chi viện miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

10/10/2022, 15:25

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hậu phương lớn miền Bắc đã dốc sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Ngoài vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm, thuốc men... còn có "mặt hàng đặc biệt" đó là các loại tiền (chủ yếu là đôla Mỹ và tiền Sài Gòn) để bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị hoạt động chiến đấu trên các chiến trường. 

Vận chuyển tiền bằng ô tô vượt Trường Sơn vào miền Nam

Việc tổ chức chuyển tiền đến các chiến trường miền Nam hết sức khó khăn, phức tạp. Bởi các tuyến đường giao thông trên miền Bắc bị địch đánh phá ngày càng ác  liệt; ở miền Nam, Mỹ - Ngụy tăng cường kiểm soát rất gắt gao, thiết lập các "vành đai trắng" quanh các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định, đánh phá hủy diệt tuyến chi viện chiến lược trên bộ, trên biển và các vùng căn cứ, vùng giải phóng nhằm cắt đứt mọi nguồn chi viện cho miền Nam. Trên mặt trận đặc biệt - tài chính, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã có những sáng tạo độc đáo, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
 
1. Thời kỳ trước "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" (1955 - 1965)
 
Sau Hiệp định Giơnevơ, nhu cầu tài chính cho lực lượng ta ở miền Nam chưa lớn lắm, mỗi năm khoảng hơn 30 triệu đồng Sài Gòn (tương đương 0,5 triệu đô la Mỹ). Nguồn bảo đảm một phần dựa vào số tiền vàng các đơn vị để lại khi đi tập kết và Trung ương tiếp tục gửi vào. Trung ương Cục miền Nam đã cấp một phần cho Đảng bộ đặc biệt Tây Nam Bộ, cấp cho mỗi tỉnh khoảng 1 triệu đồng để hoạt động, cấp cho các đồng chí bí mật vào Sài Gòn làm kinh tế, kết hợp hoạt động cách mạng... Cán bộ phần đông tự nuôi mình, sống hợp pháp, ăn ở trong dân, được dân đùm bọc. Khi Xứ ủy Nam Bộ về hoạt động bí mật ở Sài Gòn, Ban Tài Chính Xứ ủy đem theo một số vàng bán lấy tiền chi dùng mua nhà, xe hơi, mở xưởng cưa Dân Sanh làm bình phong để Thường vụ Xứ ủy có nơi làm việc. Ban Tài chính còn lập ra một số cơ sở kinh doanh hợp pháp như nhà máy xay xát lúa, tiệm vàng, 1 đoàn xe vận tải 40 chiếc, 2 tàu buôn làm đại lý chở hàng cho Hãng Bia BGI, hai tàu vận chuyển hàng tuyến Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng kết hợp chở hàng để chuyển tiền cho Khu 5, 6... 
 
Từ năm 1959, đặc biệt sau Đồng khởi trở đi, nhiều vùng căn cứ hình thành, lực lượng vũ trang phát triển... nhu cầu tài chính ngày càng lớn. Đặc điểm của nền kinh tế vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát là thị trường tự do, hàng hóa dồi dào, hoàn toàn có thể giải quyết vấn dề hậu cần tại chỗ, vấn đề còn lại là là có tiền. Vì vậy, tiền đô la và tiền Sài Gòn chi viện cho miền Nam đã trở thành yêu cầu cấp thiết có ý nghĩa sống còn. Sở Ngoại hối, sau là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ lo ngoại tệ cho miền Nam thông qua vận động bạn bè quốc tế, kể cả đàm phán với chính phủ các nước bạn bè để có viện trợ bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi ra tiền Sài Gòn. Đó là ngân  khoản dành riêng chi viện miền Nam. Từ năm 1960 đến 1965, Trung ương đã chi viện cho miền Nam 1.104 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương 18,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 34% tổng thu của ngân sách Miền các năm đó.
 
Từ tháng 8/1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, việc chi viện cho miền Nam càng khó khăn. Bộ Chính trị giao cho  đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề chi viện miền Nam. Năm 1965, đồng chí Phạm Hùng đề nghị và được Bộ Chính trị nhất trí cho lập "Quỹ Ngoại  tệ đặc biệt", lấy từ nguồn viện trợ quốc tế để trực tiiếp chi viện cho miền Nam.
 
2. Tổ chức đường dây nhận, chuyển tiền vào miền Nam
 
Để bảo đảm tài chính cho các mặt trận, Trung ương quyết định tổ chức các đường dây đặc biệt để tiếp nhận ngoại hối từ các nguồn, chuyển đổi (chế biến) và vận chuyển tiền vào chi viện cho các chiến trường. 
 
Tại Hà Nội, từ năm 1965, "Quỹ ngoại hối đặc biệt - B.29" với danh nghĩa Cục Ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (Vietcombank) được thành lập để khi cần có thể làm thủ tục hợp pháp. B.29 do ông Nguyễn Nhật Hồng (Ba Hồng) phụ trách, ông Mai Hữu Ích, Phó Cục trưởng Cục Ngoại hối - Uỷ viên Ban viện trợ miền Nam trực tiếp điều hành. Để bảo đảm an toàn, bí mật tuyệt đối, B.29 hoạt động độc lập theo nguyên tắc đơn tuyến và báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Phạm Hùng (sau này là đồng chí Lê Thanh Nghị). Vốn của Quỹ đặc biệt được gửi tại ngân hàng Vietcombank. Và Vietcombank lại gửi vốn ở nước ngoài, tại các ngân hàng đại lý quốc tế lớn đáng tin cậy. Như vậy, B.29 được coi như khách hàng gửi tiền đặc biệt và là ngân hàng đại lý đặc biệt trong quan hệ với Vietcombank.
 
Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đồng chí Lê Văn Châu (sau này là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), là cán bộ đặc nhiệm trong liên hệ giữa một ngân hàng ở Hồng Kông (quy ước gọi là "Anh Bảo") với cơ sở ngân hàng của Trung Quốc - Bank of China (BOC) ở Quảng Châu và B.29 ở Hà Nội; nhằm phối hợp thật chính xác mọi công tác đổi tiền, chuyển tiền và nhận tiền. Để bảo đảm bí mật, an toàn, mọi thông tin được chuyển bằng mật mã qua hệ thống cơ yếu của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. 
 
Ở miền Nam, một bộ phận (Ban) có bí danh N.2683 do ông Nguyễn Văn Phi (Mười Phi) - Trưởng ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục phụ trách. Ngoài ra, còn có một bộ phận - Ban công tác đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục, là "đối tác đặc biệt" của B.29 đặt tại nội đô Sài Gòn. 
 
Từ năm 1965 đến 1975, B.29 đã tiếp nhận 678,7 triệu Đô la tiền mặt. Trong đó, hơn 620 triệu Đôla Mỹ là tiền viện trợ đặc biệt (của Trung Quốc); các nước, các tổ chức và nhân dân thế giới ủng hộ trên 24 triệu Đôla, 21 triệu Đôla là tiền lãi kinh doanh chuyển đổi, gần 7,5 triệu Đôla là lãi từ gửi tiền dự trữ của chiến trường sau giải phóng. Phần lớn số tiền này được "Anh Bảo" ở Hồng Kông giúp đỡ chuyến đổi sang tiền Sài Gòn, tiền Riên, tiền Bạt và Kíp, rồi tập trung tại BOC ở Quảng Châu (Trung Quốc) để chuyển về Việt Nam và chuyển tới các chiến trường phục vụ chiến đấu.
 
3. Chuyển tiền mặt vào miền Nam - phương thức AM
 
Tiền mặt ngoại tệ khi về Hà Nội được cất giữ tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương ở Số 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội, do B.29 quản lý, sau đó tổ chức chuyển vào chiến trường bằng phương thức tiền mặt (AM) qua đường bộ, đường biển và đường hàng không. 
 
Ban đầu, các loại tiền được đặt trong các "cặp ngoại giao" hoặc đóng vào các thùng, nghi trang như hàng xuất khẩu, chuyển bằng đường hàng không Hà Nội - Phnômpênh, hoặc Hà Nội - Quảng Châu - Phnômpênh (thời Quốc vương Si-ha-núc, người rất cảm tình và ủng hộ ta), sau đó chuyển đến các địa chỉ bí mật ở miền Nam. 
 
Sau Tết Mậu Thân, nhu cầu tài chính ngày càng lớn và khẩn trương, sau khi khảo sát thực tế, Tổng cục Hậu cần quyết định tổ chức chuyển tiền theo đường Trường Sơn. Tổng cục Hậu cần nhận tiền từ ngân hàng, tổ chức đóng gói, nghi trang, bàn giao cho C.100 (đại đội xe con Gát 69 thùng vuông) vận chuyển vào chiến trường Đông Nam Bộ (B2). C100 thuộc Bộ Tham mưu/Tổng cục Hậu cần, thành lập ngày 27/4/1970, chuyên vận chuyển "hàng đặc biệt" từ Hà Nội vào Đông Nam Bộ. Cán bộ và đội ngũ lái xe đều được lựa chọn kỹ càng cả về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn kỹ chiến thuật... Chuyến đầu tiên do Chính trị viên đại đội chỉ huy, sau một tháng đoàn xe vào đến nơi an toàn và bàn giao đủ số tiền cho Cục Hậu cần Miền (B2). Đồng chí Bùi Phùng - Chủ nhiệm hậu cần Miền (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) rất vui mừng, đã đề nghị Bộ Tư lệnh Miền điện ra Tổng cục Hậu cần khen ngợi thành tích xuất sắc của C100. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tham mưu, những chuyến hàng tiếp theo đều hoàn thành tốt. Khối lượng tiền vận chuyển rất lớn, nhiều loại, nhưng nhờ hiệp đồng giao nhận chặt chẽ, cán bộ chiến sỹ C100 nêu cao tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã tích cực nghiên cứu, cải tiến hòm hộp đựng tiền bảo đảm chắc chắn, an toàn, chống được cháy; nắm vững quy luật hoạt động của địch, xử trí linh hoạt mọi tình huống trên đường... nên đã đưa hàng tới đích an toàn. Từ 27/4/1970 đến 22/12/1971, C100 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vận chuyển an toàn và bàn giao đầy đủ cho Cục hậu cần B2 được 1.875 kiện tiền các loại(1). 
 
Ngoài ra, ta còn sử dụng những con tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển chuyển tiền cùng vũ khí vào các chiến trường. Tháng 10/1970, Đoàn 950/Khu 9 sử dụng 2 tàu chuyển hàng từ cảng Xihanucvin về U Minh (cập bến huyện An Biên), hơn 13 tấn hàng, chủ yếu là vũ khí, đạn, thuốc chữa bệnh… trong đó có 1 triệu Đô la (tương đương 500 triệu đồng tiền Ngụy Sài Gòn theo thời giá lúc đó) do miền Bắc gửi vào (qua Campuchia). Tháng 11/1970, ta chuyển tiếp được 1 chuyến tàu nữa vào bến Rạch Xẻo Bần với hàng hoá tương đương chuyến trước(2).
 
Giai đoạn tiếp theo, địch phong tỏa, đánh phá rất ác liệt, phương thức chuyển tiền AM gặp muôn vàn khó khăn, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ, số tiền bị thiệt hại trong vận chuyển khá lớn (riêng năm l972 - l973 là trên 5,036 triệu USD - đã quy đổi)(3). Hơn nữa việc đổi đôla ra tiền Sài Gòn tại miền Nam cũng rất khó khăn nên cần có phương thức khác hiệu quả hơn mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các chiến trường.
 
4. Chuyển tiền theo phương thức mới - FM
 
Để giảm tổn thất về người, phương tiện và tiền, hai cán bộ Mười Phi và Dân Sanh (tức Nguyễn Thanh Quang hay còn gọi là Năm Quang) thuộc Ban Tài chính đặc biệt/Trung ương Cục miền Nam đã đề xuất áp dụng phương thức chuyển tiền bằng chuyển khoản (FM), "chơi theo luật chơi" thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế và của Ngụy quyền Sài Gòn. Trung ương đã chấp thuận cho thực thi phương thức này. Một mạng lưới tổ chức rất khoa học, chặt chẽ, tinh vi đã hình thành và hoạt động rất hiệu quả. Tại nội đô Sài Gòn - Gia Định, hai ông Mười Phi và Dân Sanh đã xây dựng được các cơ sở tin cậy là một số doanh nhân lớn, có tài khoản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài và ở Sài Gòn, họ sẵn sàng giúp đỡ cách mạng. 
 
Theo thỏa thuận, tiền Z (tiền Ngụy quyền Sài Gòn), được lấy tại Sài Gòn qua một đường dây hoạt động nội thành của Ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (tức N.2683). Sau đó, tiền sẽ được hoàn trả bằng đôla chuyển vào tài khoản của nhà cung cấp tại các ngân hàng nước ngoài. Nhà cung cấp tiền Z là những chủ kinh doanh lớn có tài khoản ở ngân hàng thương mại nước ngoài và ở Sài Gòn, họ sẵn sàng hợp tác với một đầu mối của N.2683 có mật danh C.130 do ông Dân Sanh đảm nhiệm. Theo thoả thuận, tiền Z được rút ra từ các ngân hàng để cung cấp cho Cl30 với lý do phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhiều trường hợp có những khoản tiền lớn là tiền Z không rút từ ngân hàng mà thu trực tiếp từ bán hàng nhập khẩu. Như trường hợp ông Trần An (còn gọi là Tư Trần An), một đại thương gia người Hoa kiều chuyên nhập khẩu vàng từ Hồng Kông về bán buôn cho các tiệm vàng ở Sài Gòn, sau khi bán vàng, ông thu tiền Z cung cấp cho Cl30. Đổi lại, Trần An được thanh toán bằng Đôla ở ngân hàng Hồng Kông, vừa rửa được số tiền bán vàng ở trong nước, vừa làm sạch số tiền Đôla ở ngân hàng Hồng Kông. Từ năm 1965, ông Trần An đã trở thành một nòng cốt chủ lực của C130 trong "chế biến tiền". 
 
Theo quy ước, chỉ nhận tiền lớn, đóng gói rất cẩn thận, có dấu ngân hàng. Tiền Z được cất giữ phân tán trong các các kho bí mật phân tán rộng trong nội đô do ông Trần An sắp đặt và ông Dân Sanh (Nguyễn Thanh Quang) quản lý; sau đó chuyển đến giao cho các "đối tác" tại những nơi quy ước, đó là vùng giáp ranh Sài Gòn - Gia Định, có khi xa hơn. 
 
 Phương thức FM, cho phép chuyển số tiền lớn, nhanh chóng, an toàn, bí mật, ít rủi ro, tổn thất, hai bên cùng có lợi từ tỷ giá chuyển đổi và được hưởng lãi suất phát sinh từ các ngân hàng nước ngoài (khoản lãi này trong 10 năm khoảng 25 triệu đô la Mỹ)(4).
 
5. Chuyển tiền cho các chiến trường
 
Ông Dân Sanh đã tạo được cơ cấu bình phong dày đặc gồm một đoàn xe ô tô (lúc cao nhất có 40 chiếc) và 2 tàu thủy đi buôn, vận chuyển hợp pháp, kết hợp giữa chở hàng, chở khách và chở tiền tới các vùng căn cứ. Có lần ông dùng chiếc tàu thủy trọng tải 600 tấn, từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, đặt tiền dưới đáy tàu rồi đậy các tấm tôn che kín, trên xếp các két bia, kiện hàng che mắt địch và giao cho Khu 5. 
 
Một tuyến chuyển tiền quan trọng nhất là từ Cl30 (ở Sài Gòn) đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Từ sau Đồng Khởi, việc thu đảm phụ tại chỗ rất eo hẹp, bởi địch lấn chiếm và quản lý các vùng nông thôn rất chặt chẽ nên không có khả năng tự túc tài chính mà cần có sự chi viện của Trung ương Cục thông qua C130. Người đảm nhiệm công việc này là Ông Lữ Văn Buối (bố đẻ ông Lữ Minh Châu - Phó Trưởng ban N.2683), một cán bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong bình phong một nhà thầu lớn người Hoa chuyên xây dựng các khu chợ ở các thị xã, thị trấn từ Sài Gòn đến Cà Mau nên không ai có thể nghi ngờ ông được. Khi nhận được chỉ thị từ N.2683, ông Lữ Văn Buối cho chuyển khoản tiền của Cl30 về một cơ sở kinh doanh của mình ở chợ Cà Mau, rồi rút tiền Z đóng vào các hòm như hàng hóa thông thường, chuyển đến các sạp hàng hóa ở giữa chợ Cà Mau. Người của Quân khu 8 và 9 nhận được mật hiệu đến các địa điểm đó nhận "hàng". Sau khi đã nhận và đưa tiền về các căn cứ, Trưởng ban N.2683 báo bằng mật mã cho B.29 ở Hà Nội thanh toán cho đối tác bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của họ ở nước ngoài(5). Nhiều năm liền cho đến ngày giải phóng, tuyến đường chuyển ngân của ông Lữ Văn Buối là tuyến quan trọng nhất, là "nguồn dinh dưỡng tài chính" cơ bản của miền Tây Nam Bộ.
 
Có thể nói, trong chiến tranh ác liệt, để "vượt mặt" và thắng một đối phương không chỉ mạnh về quân sự, kinh tế... mà còn rất thành thạo về tài chính, nắm quyền chi phối hệ thống tài chính - ngân hàng toàn thế giới, chứng tỏ đường dây chuyển ngân chi viện miền Nam của ta với ký hiệu AM và FM là một guồng máy rất tinh vi, khoa học, hiệu quả, liên kết được cả hậu phương với tiền tuyến, có mạng lưới trong nước và quốc tế. Trong đó, ta vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối cổ điển của ngân hàng, vừa kết hợp với những kỹ thuật quân sự, tình báo, song xuyên suốt những hoạt động đó là ý chí cách mạng, niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân của những người trên mặt trận này. Những đồng tiền vào đến chiến trường là sự kết tinh trí tuệ và phải đổi bao xương máu của đồng bào, chiến sỹ ta. Từ nguồn tài chính đó, hậu cần các đơn vị đã tạo nguồn tại chỗ trên chiến trường và từ Campuchia đưa về được hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu vũ khí đạn dược, quân trang, thuốc men... cung cấp kịp thời cho bộ đội trong các giai đoạn chiến tranh, đặc biệt là trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bản lĩnh và trí tuệ của những chiến sỹ trên mặt trận tài chính đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Tham mưu hậu cần QĐNDVN, Nxb QĐND, H, 1993.
2. Lịch sử căn cứ U Minh 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb QĐND, H, 2005.
3. Đặng Phong - 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb Tri thức, H, 2008. 

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG - CỤC KINH TẾ/BỘ QUỐC PHÒNG