Bứt phá để tiến lên hiện đại

09/02/2022, 19:13

Được Đảng, Nhà nước và quân đội quan tâm ưu tiên xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) được biên chế khối lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật lớn, hiện đại.

Các kỹ sư trẻ Nhà máy A29, Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu sửa chữa khí tài.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tuổi trẻ quân chủng phát huy cao độ tinh thần xung kích, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học-công nghệ, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), học tập, giảng dạy, lao động, sản xuất...
 
Tiềm năng của tuổi trẻ quân chủng được khẳng định trong nghiên cứu, làm chủ khoa học kỹ thuật, có khả năng vươn tới những đỉnh cao của kỹ thuật quân sự hiện đại. Từ các cơ quan, đơn vị trong quân chủng đã có hàng nghìn công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được tuổi trẻ phát minh, sáng tạo. Trong đó, Phong trào “Tuổi trẻ Quân chủng PK-KQ vươn tới những đỉnh cao, tiến quân vào khoa học và công nghệ, đoàn kết, xung kích, sáng tạo xây dựng quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đã động viên, khuyến khích cán bộ, đoàn viên, thanh niên tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong huấn luyện, SSCĐ, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, môi trường văn hóa mới và lao động sản xuất.
 
Đại tá Mai Xuân Anh, Trưởng phòng Công tác Quần chúng (Quân chủng PK-KQ) cho biết: Nhận thấy tiềm năng và sức sáng tạo của tuổi trẻ, trong khi đó lực lượng này chưa có một sân chơi trí tuệ và khoa học thực sự để phát huy hết tiềm năng, quân chủng đã thành lập Giải thưởng “Sáng tạo trẻ”. Giải thưởng góp phần khơi dậy và phát huy cao độ tiềm năng, tính tiền phong xung kích của tuổi trẻ vào nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nhiều công trình, sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả trẻ được các cơ quan, đơn vị, nhà máy, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Trong đó, có nhiều công trình, đề tài, sáng kiến nằm trong các dự án nâng cấp, sửa chữa lớn ở các nhà máy sửa chữa máy bay, ra đa, tên lửa, pháo phòng không có giá trị đến hàng triệu USD, như: “Nghiên cứu, sửa chữa, nâng cấp thiết bị thử nghiệm xilanh C-2224ΥЭ-85" của Nhà máy A32; “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo giá thử và nâng cấp, cải tiến một số mảng để hồi phục chức năng thiết bị xử lý biến đổi quang âm AOΠ của Đài Ra đa KOLCHUGA" của Nhà máy Z119; “Nâng cấp băng thử tải máy phát ΠP600x2" của Nhà máy A34...
 
Bên cạnh đó, các công trình, sáng kiến trong lĩnh vực huấn luyện, SSCĐ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng quản lý vùng trời, hạn chế sức lực của bộ đội, khai thác và sử dụng vũ khí, khí tài hiện đại. Nhiều công trình, sáng kiến trong lĩnh vực giảng dạy, học tập, sản xuất, kinh doanh cũng đã góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công trình, sản phẩm, giảm công lao động, tiết kiệm và làm lợi cho các đơn vị sản xuất kinh doanh nhiều tỷ đồng... Điển hình là các công trình: “Nghiên cứu nâng cấp thiết bị tạo giả mục tiêu luyện tập cho đại đội pháo phòng không 57mm có khí tài" của Học viện PK-KQ; “Thiết bị mô phỏng hoạt động của hệ thống CYO-30Πκ-1 trên máy bay Su-30MK2" của Trường Sĩ quan Không quân; “Mô hình huấn luyện, kiểm tra, kích hoạt đạn tên lửa phòng không mới" của Sư đoàn 361...
 
Ngoài những giá trị ứng dụng thực tiễn cao, hoạt động nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ quân chủng còn góp phần bồi dưỡng tư duy khoa học, định hướng cho đoàn viên, thanh niên trong tiếp cận, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực. Đồng thời, thông qua đó, phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ về nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, xây dựng lực lượng trí thức trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân chủng.

NGUYỄN THÀNH TRUNG (QĐND ONLINE)