Bảo đảm hậu cần cho liên quân chiến đấu Việt - Lào trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

21/04/2022, 18:12

Điều kiện tự nhiên và lịch sử đã gắn kết vận mệnh hai nước Việt Nam và Lào với nhau. Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước đã xây dựng nên tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, mẫu mực, thủy chung, trong sáng - là một trong các nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng mỗi nước. Thắng lợi của cách mạng Lào và Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có sự đóng góp to lớn của công tác hậu cần bảo đảm cho liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân thực dân Pháp, âm mưu biến Việt Nam, Lào thành thuộc địa kiểu mới, ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Dương. Cách mạng Việt Nam phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Từ cuối năm 1959, cách mạng Lào chuyển sang giai đoạn kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nhu cầu mọi mặt ngày càng lớn. Để tổ chức chi viện cho miền Nam và Bạn Lào, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 và Đoàn 759, tổ chức chi viện các chiến trường dọc theo dãy Trường Sơn và theo đường biển.
 
Với tinh thần “Giúp bạn là giúp mình”, Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân hai nước đã dành cho nhau giúp đỡ vô tư, trong sáng về mọi mặt. Theo đề nghị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng và Nhà nước ta đã thành lập các Đoàn chuyên gia quân sự: Đoàn 959 (9/1959), Đoàn 5 (3/1961) ở khu vực Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng), Đoàn 763 (7/1963) ở Hạ Lào; giúp Bạn tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), xây dựng căn cứ kháng chiến... Ta cùng với Bạn đã xây dựng các khu vực hậu cần ở Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum, Khăm Muộn, Đường 9 - Nam Lào...; tổ chức tạo nguồn, khai thác hậu cần tại chỗ; xây dựng hệ thống tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhân viên hậu cần Lào... và tổ chức bảo đảm cho liên quân Việt - Lào trong tác chiến. 
 
Thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đưa hàng ngàn cố vấn quân sự vào miền Nam, xây dựng quân Ngụy Sài Gòn trên 50 vạn tên. Chúng đẩy mạnh đánh phá tuyến 559, việc chi viện cho miền Nam rất khó khăn, trong khi nhu cầu chiến trường ngày càng lớn và cấp thiết. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Đảng ta chủ trương mở rộng tuyến 559 sang phía Tây Trường Sơn và được Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhất trí; bởi “Vận mệnh hai nước chúng ta đã gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em”(1). Quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pathét Lào đã phối hợp mở một số chiến dịch mở rộng vùng giải phóng dọc biên giới hai nước. Trong đó có chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1/3/1961), chiến dịch Trung Lào (4/1961) đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Đường 12 xuống Đường 9 rộng gần 100km2 và  từ Cha Ky đến đông Pha Lan; nối liền vùng giải phóng dọc theo Đường 9 với vùng giải phóng Thượng Lào, tạo hành lang an toàn để mở tuyến đường Tây Trường Sơn. Việc bảo đảm hậu cần cho chiến dịch này do Đoàn 559 đảm nhiệm(2). Một phần phía Tây Trường Sơn thuộc vùng giải phóng Lào: từ Đường số 8 phía Tây Hà Tĩnh, qua tỉnh Bôlikhămxay đến tỉnh Atôpơ được sử dụng để mở tuyến vận tải 559 Tây Trường Sơn. Bộ đội tình nguyện, các đoàn chuyên gia, cố vấn Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Quân khu Trung -  Hạ Lào, đảng bộ và chính quyền 7 tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Đoàn 559 đã khảo sát, mở đường và bảo vệ. Nhân dân Lào ở 17 mường đã tự nguyện sơ tán vào các vùng rừng núi xa xôi để làm ăn sinh sống, dành đất làng, bản, ruộng rẫy cho tuyến đường đi qua. Ngày 14/6/1961, đường Tây Trường Sơn đi vào hoạt động. Nhờ vậy, từ năm 1961 đến năm 1965, Việt Nam đã vận chuyển chi viện cho Lào 17.732 tấn hàng, trong đó có 10.136 tấn hàng viện trợ quân sự do hậu cần quân đội Việt Nam trực tiếp vận chuyển(3), góp phần quan trọng vào xây dựng củng cố căn cứ địa của cách mạng Lào và bảo đảm cho các chiến dịch liên minh Việt - Lào như: chiến dịch Luông Lậm Thà (4 - 5/1962), chiến dịch 74 giải phóng Cánh Đồng Chum lần thứ hai (4 - 6/1964)... 
 

Bộ đội Việt - Lào truy kích địch trên Đường 9
 
Trước yêu cầu ngày càng lớn, đặc biệt chuẩn bị cho Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Quân ủy Trung ương chỉ đạo Đoàn 559 tập trung xây dựng hệ thống cầu đường phía trước, nhằm chi viện lớn cho chiến trường miền Nam và Hạ Lào. Các con đường cơ giới (128, 129...) được xây dựng, đường vượt khẩu 12 và 20 được nâng cấp, các đường gùi thồ, một số cung đường sông được mở mới phát triển... hình thành tuyến đường vận chuyển chủ yếu dọc Tây Trường Sơn, vươn tới Tà Xẻng ở Nam Lào. Các đường ngang nối tuyến Tây và Đông Trường Sơn trên các chiến trường: Đường B45 ở Trị Thiên, Đường B46 ở Quân khu 5, đường từ Tà Xẻng vào tuyến hành lang Mặt trận Tây Nguyên cũng hoàn thành. Hệ thống đường vận tải chiến lược ngày càng hoàn thiện với 11 binh trạm (mỗi binh trạm có 1 - 2 tiểu đoàn ô tô vận tải, các tiểu đoàn giao liên và các thành phần binh chủng như công binh, cao xạ, kho tàng, các đơn vị bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, các viện quân y...) liên kết chặt chẽ với nhau, tạo có khả năng thông xe vận chuyển ngày càng lớn. Vì vậy, từ năm 1965 đến năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển chi viện cho chiến trường 121.139 tấn vật chất, trong đó chi viện cho miền Nam 27.548 tấn, cho chiến trường Nam Lào 12.935 tấn và bảo đảm cho các lực lượng hành quân trên tuyến 15.862 tấn; bảo đảm cho 594.858 lượt người hành quân vào chiến trường, trong đó có 45 đơn vị kỹ thuật với 566 xe cơ giới (64 xe tăng, 502 xe ô tô), 380 khẩu pháo (120 khẩu pháo đất 260 khẩu pháo cao xạ), chuyển 35.421 lượt thương bệnh binh(3)... chi viện kịp thời cho tác chiến, đặc biệt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) giành thắng lợi vang dội. Đồng thời, ta còn giúp Bạn tiếp nhận quá cảnh 20.000 tấn hàng hóa/năm, trong đó vận tải quân sự vận chuyển giúp Lào 16.000 tấn/năm. Đó là cơ sở để Bạn bảo đảm nhu cầu dân sinh, bảo đảm cho LLVT Phathét trong trận tiến công Binh đoàn 17 của địch ở Tha Thơm (1966 - 1967), trận đánh lực lượng Vàng Pao lấn chiếm nam Xiêng Khoảng (10/1967), bảo đảm cho liên quân Việt - Lào trong chiến dịch Nậm Bạc (1967 - 1968); bảo đảm cho LLVT Lào phối hợp tác chiến với cuộc tiến công chiến lược của Việt Nam trong Tết Mậu Thân (1968) và cuộc chiến đấu phòng ngự dài ngày của bộ đội Phathét ở Phu Cút (1968 - 1969)(4)...
 
Sau Tết Mậu Thân, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị sụp đổ, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, phản công ác liệt, đẩy lực lượng ta ra khỏi đồng bằng và đô thị; tập trung đánh phá đường Trường Sơn... Tháng 3/1970, Mỹ lật đổ Chính phủ Xihanuc, mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Việt Nam và Campuchia đã chớp thời cơ mở các chiến dịch giải phóng vùng Đông Bắc Campuchia. Lúc này, liên quân Việt - Lào cũng phối hợp mở chiến dịch Hạ Lào giải phóng Atôpơ và Saravan, mở rộng vùng giải phóng Lào suốt từ Bắc đến Hạ Lào, vùng giải phóng của Việt Nam từ Trị Thiên đến Tây Nguyên; đã nối liền với vùng giải phóng của Lào và Campuchia, tạo ra vùng hậu phương quan trọng của chiến trường Nam Đông Dương, tạo thuận lợi to lớn để phát triển Đường Trường Sơn từ Hạ Lào qua Campuchia vào B2. Vì vậy, từ năm 1969 đến năm 1972, tuyến 559 đã vận chuyển chi viện các chiến trường 277.611 tấn hàng, trong đó cho miền Nam 162.710 tấn, chiến trường Lào 114.901 tấn, bảo đảm hành quân vào 692.690 người và 256.871 người hành quân ra; thời gian hành quân vào B2 rút ngắn được từ 10 - 15 ngày(5), góp phần quan trọng để các chiến trường vượt qua khó khăn ngặt nghèo sau tết Mậu Thân và bảo đảm cho các chiến dịch lớn: Đường 9 - Nam Lào (1971), cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền Nam với các chiến dịch: Trị Thiên, Nguyễn Huệ, Bắc Tây Nguyên, phòng ngự Quảng Trị và chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972)... Thắng lợi đó, cùng với trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân Mỹ và chư hầu về nước. Quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho Ngụy nhào”.
 
Trước thuận lợi mới sau Hiệp định Pari, ta đẩy mạnh xây dựng mạng đường vận tải cơ giới Đông và Tây Trường Sơn, chấn chỉnh tổ chức vận tải, tạo chân hàng để chi viện lớn cho các chiến trường chuẩn bị cho thời cơ lớn. Đến đầu năm 1975, bộ đội Trường Sơn đã làm thêm 5.560 km đường bộ, 1.311 km đường ống xăng dầu... vận chuyển 823.146 tấn vật chất (bằng 1,6 lần 13 năm trước đó), đã giao cho các chiến trường 364.524 tấn(6). 
 
Bằng trí sáng tạo, nỗ lực phi thường và sự hy sinh to lớn của quân và dân ta, cùng sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, hiệu quả của nhân dân Lào và Campuchia, đường Trường Sơn đã phát triển trở thành con đường huyết mạch - một huyền thoại và kỳ tích của tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương. Vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn xuyên qua địa bàn 20 tỉnh (9 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào, 4 tỉnh của Campuchia), rộng trên 100.000 km2 với lực lượng binh chủng hợp thành, gồm: 4 sư đoàn công binh, 2 sư đoàn ô tô vận tải, 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn công binh, 1 đoàn chuyên gia giúp bạn; 12 trung đoàn binh chủng cơ động, 1 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn tên lửa trực thuộc Bộ Tư lệnh... được trang bị trên 10.000 xe vận tải, 1.500 xe máy phục vụ các binh chủng; tổng quân số trên 120.000 người; mạng đường giao thông vận tải liên hoàn với trên 20.000km (6 trục dọc, 13 trục ngang) gồm: 17.000km đường vận tải cơ giới (có trên 800km đường kín); gần 3.000km đường giao liên; mạng đường ống xăng dầu dài 1.399km với 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 60 - 800 m3/ngày và 50 khu kho với trữ lượng 27.000m3 xăng dầu... Hệ thống kho tàng có hàng chục vạn tấn vật chất, 4 bệnh viện, 18 bệnh xá tiểu đoàn giao liên, 27 đội điều trị, 90 đội phẫu(8)... 
 

Vận chuyển hàng ra mặt trận ở đường Tây Trường Sơn
 
 Trong 16 năm (1959 - 1975), Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện chiến trường hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí, trang bị; bảo đảm cho hơn 2 triệu lượt người hành quân; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, hộ tống 90 đơn vị kỹ thuật vào chiến trường; gần 1 triệu lượt thương bệnh binh qua tuyến (riêng số chuyển ra đầu năm 1975 trên 20 vạn). Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã bảo đảm cơ động thần tốc 3 quân đoàn, 5 sư đoàn và 2 trung đoàn binh chủng và chiến dịch, đồng thời phục vụ hành quân đi các chiến trường tới 41 vạn người (cả dân sự)(9).  
 
Nhận rõ vai trò chiến lược của đường Trường Sơn với cách mạng hai nước, đế quốc Mỹ đã không từ âm mưu, thủ đoạn ngăn chặn đánh phá nào nhằm huỷ diệt tuyến chi viện huyết mạch này. Từ 1965 đến 1975 (khi ta bắt đầu vận chuyển cơ giới), Mỹ đã huy động 733.000 lần chiếc máy bay (có 26.539 lần chiếc B52) thực hiện 152.000 trận đánh phá, ném gần 4 triệu tấn bom, đạn và gần 1 triệu galông chất độc hoá học (1 galông = 4,4 lít hàng khô và 3,78 lít hàng lỏng). Hơn 2 vạn người đã ngã xuống, hơn 3 vạn người bị thương và biết bao người bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ mà nhiều thế hệ mai sau còn phải chịu hậu quả nặng nề; hơn 14.500 xe máy bị đánh hỏng, 90.000 tấn hàng bị đánh cháy(10)... 
 
Vì sự sống còn của tuyến 559, nhân dân các bộ tộc Lào cũng chịu những tổn thất lớn: từ 1968 đến 1974, địch đã mở 28 chiến dịch, cuộc hành quân lớn nhỏ, hàng triệu ha rừng với hàng tỷ mét khối gỗ đã bị phá hủy, hàng ngàn người dân Lào đã ngã xuống. Riêng năm 1969, Mỹ đã đánh phá hàng trăm trận vào 180 bản, thiêu hủy 845 nóc nhà, giết chết 482 người, làm bị thương 344 người, tàn phá 337 rẫy(11). Cố Tống bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản chỉ rõ: “Do có con đường Hồ Chí Minh qua đất Lào mà nhân dân Lào đã hy sinh và chịu đựng với hơn ba triệu tấn bom của giặc Mỹ, đóng góp một phần làm cho Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”(12). 
 
Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”... bộ đội Trường Sơn đã  phối hợp với Bạn, kiên cường bám trụ “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, tiêu diệt và bắt sống 18.470 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay, cùng với các đơn vị chủ lực của ta và bạn giải phóng 6 tỉnh Trung, Hạ Lào(13) mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ vững chắc và phát triển đường Trường Sơn ngày càng vững mạnh, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. 
 
Trên cơ sở các khu vực hậu cần xây dựng từ trước và mới phát triển; từ năm 1965 trở đi, ta và Bạn đã tạo được thế liên hoàn, vững chắc giữa các khu vực hậu cần của quân đội hai nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng lớn cho tác chiến của quân đội mỗi nước và liên quân Việt - Lào. Đó là khu vực hậu cần các tỉnh Bắc Lào, nối liền với Việt Nam bằng Đường 42 từ Điện Biên, Tây Trang sang; Quân khu Tây Bắc chịu trách nhiệm bảo đảm cho Bạn ở đây. Quân khu Tây Bắc đã tổ chức ra hệ thống kho ở Điện Biên, Tây Trang, Sốp Hùn, trạm tiếp nhận hàng ở Phôngxalỳ, trạm sửa chữa xe và vũ khí, đội điều trị, nâng cấp sửa chữa một số đường giao thông để bảo đảm cho Bạn ở các tỉnh bắc Lào.  Khu vực hậu cần Sầm Nưa, là chỗ đứng chân cho nhiều đơn vị chủ lực Việt - Lào, nơi tập trung các cơ quan đầu não của cách mạng Lào, được nối liền với Việt Nam bằng Đường 217 từ Thanh Hóa và Đường 43 từ Mộc Châu, Sơn La sang. Tổng cục Hậu cần Việt Nam chi viện mọi mặt cho khu vực này. Ta và Bạn đã xây dựng một hệ thống kho khu vực kiên cố dự trữ vật chất các loại, có bệnh viện Navít là bệnh viện tuyến cuối cùng của Lào, có xưởng sửa chữa ô tô ở Nakay, Trường Hậu cần và cơ sở trồng trọt chăn nuôi chế biến ở Namon, Nathen. Khu vực hậu cần Cánh Đồng Chum, nối liền với Việt Nam bằng Đường 7A, 7B từ Mường Xén (Tây Nghệ An) sang và Đường số 6 từ Sầm Nưa tới. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều đơn vị chủ lực của hai nước, tác chiến diễn ra rất ác liệt, Tổng cục Hậu cần Việt Nam đã trực tiếp bảo đảm cho khu vực này. Cùng với nâng cấp Đường 7A, làm mới đường 7B, sửa chữa mở rộng Đường số 6 đoạn từ Sầm Nưa đi Bản Ban, ta còn tổ chức Binh trạm 11 ở Mường Xén và Binh trạm 13 ở Bản Ban để vận chuyển hàng quá cảnh sang cho Bạn. Khu vực hậu cần Khăm Muộn, nối liền với Việt Nam bằng Đường số 8, do Quân khu 4 chịu trách nhiệm bảo đảm mọi mặt. Khu vực hậu cần Savannakhẹt và Hạ Lào, nối liền với Việt Nam bằng Đường số 9 và bằng các tuyến đường của Đoàn vận tải chiến lược 559. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều đơn vị chủ lực và tác chiến diễn ra cũng rất ác liệt, lại xa sự chi viện của Trung ương. Song, nhờ có tuyến vận tải chiến lược 559 với nguồn hàng hóa dồi dào, có nhiều cơ sở bảo đảm, ta đã bảo đảm kịp thời mọi nhu cầu của Bạn.
 
Trong từng khu vực hậu cần đó, bộ đội ta và bộ đội Phathét Lào đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa bỏ chế độ bóc lột nặng nề của bọn phong kiến, tù - tộc trưởng; giúp nhân dân địa phương thành lập các tổ đoàn kết, hỗ trợ về công cụ, giống, áp dụng các kỹ thuật mới; cùng dân tiến hành sản xuất, bảo vệ, thu hoạch mùa màng... Vì vậy, nhân dân các bộ tộc Lào tin tưởng và hết lòng chi viện sức người, sức của cho các chiến dịch của liên quân Việt - Lào.
 
Các khu vực hậu cần ở Lào từng bước hình thành và phát triển, là cơ sở để kết hợp với hậu cần của quân đội Việt Nam, hậu cần của quân đội Lào; kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần của nhân dân, hậu cần từ nơi khác đưa đến với hậu cần tại chỗ, động viên được sức người, sức của cho tác chiến trong thời gian ngắn nhất. Từ năm 1965 đến năm 1975, ta đã chuyển cho LLVT Lào trên 161.000 tấn hàng các loại, đã cử nhiều chuyên gia hậu cần có kinh nghiệm biệt phái sang giúp Bạn. Việt Nam trở thành hậu phương chiến lược của cách mạng Lào, hậu cần quân đội Việt Nam là tuyến sau của hậu cần các LLVT Lào(14). 
 
Những bài học kinh nghiệm về bảo đảm hậu cần cho lên minh chiến đấu Việt - Lào, đặc biệt là xây dựng đường Hồ Chí Minh - tuyến hậu cần chiến lược huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ vẫn nguyên giá trị, cần nghiên cứu kế thừa, phát huy để chuẩn bị hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Với bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm và nguồn lực to lớn của đất nước đang CNH, HĐH, với tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, nhân dân và quân đội hai nước sẽ xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần ngày càng vững mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả về hậu cần trong thời kỳ mới./.   

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Lịch sử bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H.1994, tr.48-49.
2,3, 4, 5, 6. Tổng kết hậu cần trong KCCM cứu nước (1954-1975). Nxb QĐND, H.2001, các tr.143, 213, 272-275, 331, 433.
7, 8, 9, 10. Đường xuyên Trường Sơn, Nxb QĐND, H.1999, các tr.377, 390, 399.
11,12. Đường Hồ Chí Minh khát vọng độc lập, tự do vào thống nhất Tổ quốc. Nxb QĐND, H.2010, tr.1023 và 1025.
13. Đường Hồ Chí Minh... sđd tr.192 và 56.
14. Hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, TCHC, H.1987, tr.428- 429.

ĐẠI TÁ, THS. TRẦN ĐÌNH QUANG