Về vấn đề đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp quân đội

28/07/2022, 07:58

Công nghệ là tổng thể các kỹ năng, kiến thức, thiết bị và phương pháp sử dụng trong sản xuất, chế tạo hoặc dịch vụ công nghiệp, dịch vụ quản lý. Công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ).

Đổi mới công nghệ giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm nhân công, tăng doanh thu.

Công nghệ được coi là phương tiện, công cụ, nhằm biến đổi thế giới tự nhiên thành thế giới do con người tạo ra, là quá trình biến đổi các tài nguyên thành các hàng hóa dịch vụ phục vụ nhu cầu con người. Công nghệ bao gồm phần cứng và phần mềm. Phần cứng gồm thiết bị máy móc, giúp con người tăng năng lực cơ bắp và năng lực trí tuệ; phần mềm là đội ngũ nhân lực có sức khỏe, có kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm sản xuất, làm việc có trách nhiệm, có năng suất cao; các thông tin điều hành kỹ thuật, điều hành sản xuất, những liên hệ bố trí sắp xếp, đào tạo đội ngũ cho các hoạt động phân chia nguồn lực, tạo mạng lưới; lập kế hoạch, kiểm tra nghiên cứu thị trường đầu ra... 
 
Khi chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), các DNQĐ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, vẫn còn DNQĐ đang sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị chủ yếu là máy móc cơ khí của thế kỷ trước, vận hành không đồng bộ, thiếu phụ tùng thay thế, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, vốn cho sản xuất kinh doanh ít, tình trạng nợ đọng dây dưa kéo dài, nên việc đầu tư mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn. Hiện nay có doanh nghiệp tổng số vốn sản xuất kinh doanh chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Trình độ tổ chức quản lý của đội ngũ cán bộ kém, còn nặng về kiểu quản lý kinh tế thời bao cấp, không năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, còn dựa dẫm trông chờ ỉ nại, dẫn đến bị mất thời cơ trong sản xuất kinh doanh. Đội ngũ công nhân kỹ thuật được đào tạo đã lâu, chưa được đào tạo lại để thích ứng với cơ chế thị trường. 
 
Đặc biệt, nước ta gia nhập WTO, ký kết và thực hiện CPTPP thì khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp tăng lên gấp bội. Các DNQĐ phải bước vào sân chơi bình đẳng, phải thực hiện đầy đủ các luật chơi, trong khi họ thiếu những thông tin cần thiết về công nghệ mới và thị trường công nghệ. Các DNQĐ chưa có chiến lược sản xuất kinh doanh cho mình, sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ thấp. Tham gia vào thị trường khu vực và thế giới, các doanh nghiệp quân đội vướng vào rất nhiều rào cản như: Hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, vấn đề thuế quan, vấn đề cơ chế chính sách, những quy định ngặt nghèo của WTO...; những khó khăn trên đây tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh, đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của các DNQĐ. Để đổi mới công nghệ các DNQĐ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
 
Một là, đi tắt đón đầu, từng bước thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tự động hóa hiện đại.
 
Muốn đứng vững trong cơ chế thị trường, mỗi DNQĐ phải thường xuyên tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, đây là yếu tố cơ bản quyết định đến sự sống còn của DNQĐ. Thực hiện vấn đề này điều cốt lõi là phải đổi mới công nghệ, vì theo Mác, trong quá trình sản xuất, công cụ quyết định đến năng suất lao động. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, một mặt Nhà nước cần tạo ra hành lang và môi trường cho các doanh nghiệp, trong đó có các DNQĐ hoạt động; mặt khác, các DNQĐ chủ động có bước đi thích hợp để tiếp nhận các dây chuyền công nghệ hiện đại, tiến hành sản xuất kinh doanh. Khắc phục một cách cơ bản tình trạng chắp vá trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ; để khi có điều kiện, tiến thẳng lên công nghệ tự động hóa, kết hợp điện tử, tin học.
 
Hai là, tạo nguồn vốn cho đầu tư mua sắm công nghệ mới và chuyển giao công nghệ. 
 
Muốn thực hiện tốt việc mua sắm công nghệ mới thì việc huy động và sử dụng vốn là yếu tố cần thiết. Hiện nay, vốn của các DNQĐ nhỏ bé nên tác động trực tiếp đến đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mua sắm công nghệ mới. Vì vậy, các DNQĐ cần tận dụng nguồn vốn của Nhà nước, huy động các nguồn vốn vay để mua sắm công nghệ mới đưa vào sản xuất. Các DNQĐ cần có kế hoạch cụ thể về mua sắm công nghệ, nắm chắc thông tin về công nghệ và thị trường công nghệ kể cả về mẫu mã, chủng loại, giá cả, chất lượng; từ đó mới có quyết định chính xác để mua sắm loại công nghệ gì phù hợp với nhu cầu của đơn vị mình. Làm như thế mới hạn chế, khắc phục tình trạng mua sắm công nghệ lạc hậu, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần đổi mới hoạt động thu chi tài chính, công khai minh bạch vốn đầu tư mua sắm công nghệ. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc hạch toán kinh doanh, sử dụng vốn vay có hiệu quả trong mua sắm công nghệ, phấn đấu đưa chỉ số Icor của doanh nghiệp < 3,5. Đặc biệt, cần giải quyết dứt điểm vốn nợ đọng dây dưa kéo dài trong mua sắm công nghệ đưa vào sản xuất kinh doanh.
 

Đổi mới khoa học và công nghệ giúp doanh nghiệp tự tin vươn lên trong hội nhập.

 
 
Ba là, nâng cao trình độ đội ngũ công nhân kỹ thuật và đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế. 
 
Đây là vấn đề vừa cơ bản, vừa lâu dài đối với DNQĐ. Những năm vừa qua, lao động qua đào tạo ở các DNQĐ tỷ lệ còn thấp. Số lượng công nhân kỹ thuật bậc cao rất ít, nó gây hạn chế rất nhiều đến việc sử dụng công nghệ hiện đại. Vì vậy, Quân đội cần tăng kinh phí, mở lớp đào tạo công nhân kỹ thuật chất lượng cao mới đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ; bởi lẽ dù khoa học, tiến bộ kỹ thuật cao đến đâu vẫn do con người sử dụng quyết định. Các DNQĐ cần khẩn trương quy hoạch việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của đơn vị mình, chủ động gửi người đi đào tạo ở các trường công nhân kỹ thuật trong nước và nước ngoài để đáp ứng yêu cầu trước mắt, lâu dài của chuyển giao công nghệ. Quá trình đào tạo cần đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, coi trọng đào tạo thực hành, lấy đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo là chính, để có sản phẩm đào tạo ra trường là những người công nhân kỹ thuật đa năng, có đạo đức tốt, có tay nghề cao, đáp ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ của các DNQĐ.
 
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế trong DNQĐ hầu hết là làm nghề tay trái. Họ chưa được đào tạo về quản trị doanh nghiệp, vì vậy khi tiếp nhận tổ chức quản lý công nghệ mới, họ tỏ ra lúng túng, bị động vì thiếu hiểu biết về kỹ thuật, về lý thuyết quản lý kinh tế; suy rộng ra, họ thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường, cho nên bản thân họ chưa đề xuất và chưa đưa ra được ý tưởng mới thuộc về chiến lược đổi mới công nghệ của doanh nghiệp mình; trong quản lý máy móc trang thiết bị chưa có phương pháp khoa học, dẫn đến tình trạng lãng phí lớn cả về hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình của thiết bị máy móc, từ đó hạn chế rất lớn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNQĐ. Cho nên, cần đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý DNQĐ, để họ có hiểu biết đầy đủ về công nghệ, thị trường công nghệ, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quản lý sử dụng tốt máy móc công nghệ mới, kết hợp giữa sử dụng và đào tạo thông qua hoạt động thực tiễn ở doanh nghiệp tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý DNQĐ có đức, có tài, sử dụng có hiệu quả công nghệ mới.
 
⃰      ⃰
 
Đổi mới công nghệ đối với các DNQĐ trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp thiết. Chỉ có đổi mới công nghệ, các DNQĐ mới vươn lên đủ năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Để đổi mới công nghệ có hiệu quả, các DNQĐ cần có bước đi thích hợp, kết hợp công nghệ hiện có, công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại, đi tắt đón đầu, khi có điều kiện đi thẳng lên công nghệ hiện đại; có như vậy, các DNQĐ mới nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trịnh Tiến Hùng