Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế

26/03/2021, 08:46

Ngày 25/3/2021, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 26/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, có hiệu lực từ ngày 25/3/2021.

Cán bộ, chiến sỹ , TTTTN Đoàn KTQP 326 ra quân trồng cây, gây rừng góp phần phủ xanh rừng biên giới gắn với tạo nguồn thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Nhằm thể chế hóa chủ trương trong việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng quy định tại Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. Nghị định đã quy định chi tiết Điều 4, Điều 7 Nghị quyết với các nội dung chính như sau:
 
(1) Về các trường hợp sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm và phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm Nghị định quy định 03 trường hợp sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm, gồm: 
 
- Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức tăng gia, lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, chế biến, nuôi trồng thủy sản.
 
- Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật.
 
- Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện.
 
Ngoài các trường hợp nêu trên, đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định.
 
(2) Về tiền sử dụng đất hằng năm
 
Nghị định quy định việc tính tiền sử dụng đất hằng năm khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; cơ quan có trách nhiệm xác định tiền sử dụng đất hằng năm; thời gian và thời điểm tính thu tiền sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Quy định xử lý đối với trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Ngoài ra, Nghị định quy định việc thu tiền sử dụng đất đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết trước ngày Nghị quyết số 132/2020/QH14 có hiệu lực thi hành nhưng chưa thu tiền sử dụng đất.
 
(3) Lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
 
Nghị định quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Trong đó, quy định cụ thể nội dung phương án sử dụng đất, thành phần hồ nộp và nội dung thẩm định.
 
Quản lí chặt chẽ, sử dụng đất quốc phòng đúng quy định của pháp luật là vấn đề luôn được các doanh nghiệp quân đội, Đoàn KTQP quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt (Trong ảnh: Một góc Trung tâm hậu cần kỹ thuật nghề cá của đảo Sinh Tồn).
 
 
(4) Xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện; tại doanh nghiệp  thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn
 
- Quy định việc xử lý dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện: Nghị định quy định cụ thể các trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả phải chấm dứt, thanh lý, thu hồi và các trường hợp được tiếp tục thực hiện.
 
- Quy định trách nhiệm rà soát, đề xuất phương án xử lý dự án hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện: Nghị định quy định các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết căn cứ quy định tại Điều 8 Nghị định này rà soát, lập hồ sơ phương án xử lý theo quy định sau:
     + Đối với trường hợp chấm dứt dự án, hợp đồng liên doanh liên kết thì trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
     + Đối với trường hợp tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh liên kết thì trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án xử lý theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.
 
- Quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án xử lý đối với trường hợp chấm dứt dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết: Nghị định quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt phương án xử lý đối với trường hợp chấm dứt dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết . Trong đó, quy định cụ thể nội dung phương án xử lý, thành phần hồ nộp và nội dung thẩm định.
 
- Quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án xử lý đối với trường hợp tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh liên kết: Nghị định quy định trách nhiệm lập hồ sơ trình phương án xử lý của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án xử lý đối với trường hợp chấm dứt dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết; trình tự thẩm định, phê duyệt hồ sơ phương án xử lý.
 
- Quy định trình tự thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp quân đội, công an thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn và doanh nghiệp đã thoái hết vốn nhà nước đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh: Nghị định quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nhưng đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; trình tự, thủ tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp quân đội, công an thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn và doanh nghiệp đã thoái hết vốn nhà nước đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
 
 (5) Quản lý, sử dụng tài chính từ đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
 
- Nội dung chi: cụ thể hoá khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 132/2020/QH14, Nghị định quy định các nội dung chi đối với số tiền thu được từ sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong đó ưu tiên chi cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và giải quyết tồn đọng, chế độ chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an.
 
- Quản lý số tiền thu được từ việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế:
Nghị định quy định đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an có trách nhiệm nộp đầy đủ, kịp thời tiền sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Hằng quý, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nộp toàn bộ số tiền thu được từ sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế vào ngân sách Nhà nước.
 
Hằng năm, căn cứ vào số tiền thu từ sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đã nộp ngân sách nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập dự toán chi ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. 
Nghị định số 26/2021/NĐ-CP được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của lực lượng vũ trang.