Xây dựng Huyện đảo giàu về kinh tế, mạng về quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển bền vững đất nước

15/02/2022, 10:20

Thế kỷ 21 là kỷ nguyên biển; các quốc gia biển đều chú trọng chiến lược biển, đảo trong phát triển bền vững. Việt Nam có bờ biển dài, với hàng nghìn đảo, nhiều quần đảo, trong đó có 11 huyện đảo, trải từ Bắc vào Nam. Xây dựng huyện đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh là giải pháp căn cơ để tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, đảo; sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên biển

1. Biển, đảo và huyện đảo trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
 
Việt Nam là quốc gia biển, diện tích vùng biển khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền), bờ biển dài 3.260 km, có ranh giới chung với Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á. Vùng biển Việt Nam rất giàu tài nguyên (khoáng sản, tài nguyên tái tạo, tài nguyên du lịch...) lại có vị trí chiến lược quan trọng, vừa có điều kiện để liên kết kinh tế giữa các vùng, miền trong cả nước, vừa có đường hàng hải quốc tế ngắn nhất giữa Đông Á, Tây Á và Châu Âu... cùng nhiều đường hàng không quốc tế. Các chuyên gia dự báo, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước, trong vài thập kỷ tới, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông tăng gấp hai, ba lần hiện nay, Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng sẽ trở thành cầu nối chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế trong nước và giao thông thương mại quốc tế. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên vùng biển Việt Nam cho thấy tiềm năng kinh tế rất to lớn; biển là hướng chiến lược rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam. 
 
Biển Việt Nam có khoảng hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, tập trung ở 3 khu vực chính: Vùng biển, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; vùng biển, đảo Đông Bắc; vùng biển, đảo Tây Nam. 28/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có biển, đảo; 119 huyện, thị xã (quận) có biển, trong đó có trên 40 huyện (thị xã) có đảo và có 11 huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phú Quốc và Kiên Hải (Kiên Giang) - Riêng Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ 1974 đến nay. Các huyện đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế... của Việt Nam.
 
Huyện đảo, cụm đảo là một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển và mở rộng phạm vi chủ quyền ra biển, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Huyện đảo là đại diện của Nhà nước Việt Nam ở những khu biển nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, là đơn vị hành chính hoàn chỉnh trong hệ thống hành chính của tỉnh và cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/09/2008 của Bộ Chính trị và Nghị định số 21/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; những năm qua các huyện đảo đã và đang được xây dựng thành khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện: giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh; góp phần phát triển bền vững đất nước.
 

Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi
 
2. Huyện đảo trong phát triển kinh tế đất nước
 
Huyện đảo là những cơ sở rất thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ngành thăm dò, khai thác khoáng sản và dầu khí; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; thương mại, du lịch; dịch vụ hàng hải, hàng không; giao thông vận tải biển; nghề muối; nghiên cứu khoa học; thủy văn; bảo vệ môi trường sinh thái... 
 
Các huyện đảo và nhiều đảo ven biển, vùng nước, đáy biển lân cận có nhiều loại khoáng sản dưới dạng sa khoáng hoặc các mỏ đá cuội đa kim loại, nhiều bãi cát trắng chứa ti tan rất có giá trị; dầu mỏ trữ lượng hàng chục tỷ tấn (quy dầu); các nguồn năng lượng từ mặt trời, gió, thủy triều hầu như vô tận... Vùng biển các huyện đảo có nhiều hải sản, là nguồn xuất khẩu rất quan trọng của đất nước. Các tuyến đảo lại nằm gần các đường hàng hải quốc tế, có thể thiết lập các hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn, đèn biển, hệ thống định vị, đài ra đa, vô tuyến.... bảo đảm dẫn đường cho tàu thuyền trong và ngoài nước. Các đảo còn là nơi trú tránh bão tốt cho tàu thuyền, tìm kiếm cứu nạn trên biển nếu có thiết bị, cơ sở hạ tầng tốt (cầu cảng, sân bay, trạm sửa chữa tàu, kho bãi); có đủ vật tư hậu cần - kỹ thuật và các đội tàu phục vụ... 
 
Huyện đảo có tiềm năng to lớn về nhiều mặt để trở thành các trung tâm dịch vụ hàng hải, hàng không, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm cho các lực lượng trong chống khủng bố, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển. Cùng với đó, các huyện đảo có tiềm năng rất lớn về du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng (Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc...; trong đó Hạ Long được UNESCO xếp hạng kỳ quan thiên nhiên thế giới) cần được đầu tư, khai thác xứng tầm, đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước. 
 
Biển, đảo (trong đó các huyện đảo), gắn chặt với lịch sử sinh tồn, phát triển của dân tộc Việt Nam, đó cũng là không gian sinh tồn, phát triển bền vững của muôn đời con cháu người Việt trong tương lai. 
 
3. Xây dựng huyện đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh 
 
Trong lịch sử, Việt Nam nhiều lần bị kẻ thù tiến công xâm lược từ hướng biển và chúng đều thất bại bởi thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, trong đó có thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, đảo.   
 
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó", Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chiến lược Biển Việt Nam, Luật Biển và nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển và phát triển kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Sự tăng trưởng GDP cao và liên tục của Việt Nam những năm gần đây có vai trò quan trọng của kinh tế biển nói chung, các tỉnh, thành phố ven biển nói riêng, trong đó có các huyện đảo.
 
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, tiếp tục xây dựng các huyện đảo thành khu vực phòng thủ vững chắc, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, thật sự là các căn cứ nổi để thực hiện 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; vật tư và hậu cần tại chỗ) trong các hoạt động tác chiến và bảo đảm, cần tiến hành một số nội dung giải pháp sau:
 
Một là, các tỉnh, thành phố ven biển có huyện đảo, cần khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học; xây dựng, từng bước hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch về kinh tế - xã hội và kinh tế - quốc phòng; nhằm xây dựng các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là các huyện đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh; đủ sức giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển Việt Nam và sẵn sàng ứng phó thắng lợi mọi thách thức truyền thống, phi truyền thống về quốc phòng, an ninh. 
 
Từng địa phương xác định rõ vị trí, vai trò về kinh tế và quốc phòng, an ninh, các tiềm năng và ưu thế để lập quy hoạch, kế hoạch phù hợp về: nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; là địa bàn đứng chân, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cần thiết cho các đoàn tàu đánh cá ngoài khơi; là nơi chế biến, xuất khẩu tại chỗ hoặc sơ chế cung cấp cho đất liền; phát triển dịch vụ, du lịch... tạo dựng mối quan hệ mật thiết giữa đất liền và đảo. Cùng với đó, có cơ chế chính sách hợp lý thu hút dân từ đất liền ra các đảo, xã đảo định cư lâu dài; phát triển cơ sở hạ tầng (ưu tiên điện, đường, trường học, trạm xá, nước cho sản xuất và sinh hoạt...) để nhân dân yên tâm làm ăn, phát triển ngành nghề, làm giàu từ biển.  
 
Hai là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, Nghị định số 21 của Chính phủ, nhằm xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và các huyện đảo có thế trận liên hoàn, vững chắc, cơ động, tiềm lực mạnh, khả năng phòng thủ cao; sẵn sàng chi viện (đặc biệt là về hậu cần - kỹ thuật) cho các lực lượng của Quân khu, Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển... hoạt động, tác chiến trên biển, đảo trong các tình huống. Giữ vững nguyên tắc hoạt động, vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt cơ chế chỉ huy, điều hành thống nhất của khu vực phòng thủ, hiệp đồng, phân công, phân cấp chặt chẽ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ huyện đảo. Đồng thời, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ huyện đảo có quân số, trang bị, vũ khí hợp lý, được huấn luyện tốt, có trình độ kỹ - chiến thuật cao, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
 
Trên cơ sở nhiệm vụ, quy hoạch kinh tế - quốc phòng, kết quả kiểm tra và diễn tập khu vực phòng thủ... định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh các phương án, thế bố trí các lực lượng cho phù hợp thực tiễn. Từng bước triển khai xây dựng các công trình thiết yếu của căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần (đường cơ động, sở chỉ huy, hầm hào... cơ sở y tế, chế biến, xưởng sửa chữa) để mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của khu vực phòng thủ; sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển, đảo.
 

Đảo Cô Tô - Quảng Ninh
 
Ba là, đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quá trình phát triển, nâng cao sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc kết hợp kinh tế - quốc phòng từ chủ trương, quy hoạch, kế hoạch đến triển khai thực hiện trên thực tế của từng ngành, từng cấp, nhất là các lĩnh vực mà quốc phòng, an ninh và dân sinh đều có nhu cầu như đường giao thông, bến cảng, kho, trạm y tế, bưu chính viễn thông... trên cơ sở kết hợp nguồn lực của Trung ương, địa phương, nhân dân và quân đội; từng giai đoạn cần xác định lĩnh vực tập trung ưu tiên, đột phá. Đồng thời, cần có phương án bảo vệ các cơ sở kinh tế, duy trì sản xuất trong các tình huống; từng bước cụ thể hóa các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để huy động có hiệu quả mọi nguồn lực bảo đảm cho hoạt động, tác chiến. Thực hiện bồi dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ các cấp có đủ khả năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các ngành trong kết hợp kinh tế - quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
 
Mặt khác, các huyện đảo có liên quan (Vân Đồn, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Trường Sa...) cần quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Quân khu, của Hải quân đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các Khu kinh tế - quốc phòng trên biển, đảo theo quyết định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Đây là chủ trương chiến lược, hiện thực hóa Chiến lược Biển và kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; đồng thời hoàn thiện thế trận và tiềm lực quốc phòng, an ninh bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
 
Trên cơ sở tiềm lực kinh tế, tiềm lực hậu cần - kỹ thuật tại chỗ của các Quân khu, tỉnh ven biển, nhất là các huyện đảo, các Khu kinh tế - quốc phòng trên biển, đảo, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đầu tư hiện đại hóa các trang bị của hậu cần - kỹ thuật thuộc Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư... đồng bộ với trang bị vũ khí chiến đấu; vươn dài cánh tay bảo đảm với năng lực tổng hợp cao, đáp ứng kịp thời trong các tình huống trên biển đảo.
 
Bốn là, nghiên cứu vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy điều hành khu vưc phòng thủ vào từng địa phương, từng tình huống; phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, diễn tập, sơ kết, tổng kết; từng bước nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy... nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
 
Để tạo sự chuyển mạnh mẽ, vững chắc, toàn diện trong xây dựng khu vực phòng thủ huyện đảo, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố có biển cần thường xuyên nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, tiềm lực và thực lực quốc phòng, an ninh; phối hợp chặt chẽ với các các ban, sở, ngành của tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống Kế hoạch B, động viên nhân tài, vật lực trong các tình huống. Đồng thời, chú trọng việc xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, chất lượng cao, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ tuyển quân với đăng ký quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trong độ tuổi dự bị để bổ sung nguồn dự bị; coi trọng quản lý, huấn luyện, kiểm tra, diễn tập... nâng cao chất lượng toàn diện của lực lượng dự bị, trước hết là chất lượng chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Mặt khác, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hậu cần - kỹ thuật phù hợp với từng tình huống.
 
⁕    ⁕
 
Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của biển, các quốc gia có biển đều điều chỉnh chiến lược vươn ra biển. Biển, đảo (trong đó có huyện đảo) có vị trí chiến lược rất quan trọng, là không gian sinh tồn, phát triển bền vững để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, đi lên làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp và thông lệ quốc tế trên vùng biển của mình. Với vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng huyện đảo thành khu vực phòng thủ vững chắc, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, triển khai có hiệu quả; góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo Việt Nam và phát triển bền vững của đất nước./.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG