Việt Nam-Myanmar: Đối tác tin cậy hướng tới tương lai

29/05/2020, 11:42

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Myanmar (28/5/1975-28/5/2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết về quan hệ hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Liên bang Myanmar tháng 2/1958. (Ảnh tư liệu)

Năm 2020, Việt Nam và Myanmar long trọng kỷ niệm lần thứ 45 ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, là dịp chúng ta cùng nhìn lại chặng đường lịch sử đầy dấu ấn hào hùng đã qua và tự tin cùng nhau tiếp tục tiến bước.
 
Việt Nam và Myanmar chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, nhưng sự liên kết giữa hai nước, hai dân tộc cùng chung sống tại khu vực Đông Nam Á lục địa đã bắt nguồn từ rất sớm. Trong lịch sử, hai nước từng có giao thương mạnh mẽ. Ngay sau khi hai nước giành độc lập, đích thân hai lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San đã quan tâm thiết lập và vun đắp quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc. Việt Nam đã mở Văn phòng liên lạc tại thủ đô Yangon ngay từ năm 1947 và Myanmar trong suốt nhiều năm là một trong những cửa ngõ quan trọng của Việt Nam ra thế giới. Tổng thống U Nu đã thăm Việt Nam năm 1954 và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm đáp lễ năm 1958, đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước.
 
Trải qua hơn bốn thập kỷ với bao thăng trầm lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar luôn gắn bó, thủy chung và ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất; một trong những mốc son là việc thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện năm 2017. Ngày nay, Việt Nam và Myanmar là các đối tác bình đẳng, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng tới khát vọng chung là đất nước phát triển, dân tộc phồn vinh, khu vực và thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; đồng thời là những người bạn chân thành, chia sẻ ngọt bùi, thấu hiểu và sát cánh bên nhau.
 
Tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt với việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cũng như duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Trong những năm gần đây, khi cả hai nước đều tiến hành cải cách, đổi mới và triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, các chuyến thăm cấp cao và các cấp giữa hai nước càng có điều kiện diễn ra thường xuyên; nổi bật nhất là các chuyến thăm Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (12/2019), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (8/2016), chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (4/2018) và Tổng thống U Win Myint (5/2019). Nhiều cơ chế hợp tác song phương ở cấp trung ương cũng như địa phương được triển khai hiệu quả.
 
Tổng thống Myanmar Win Myint và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Myanmar, tháng 12/2019. (Nguồn: VGP)
 
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh từ 152 triệu USD năm 2010 lên 1,05 tỷ USD năm 2019, hoàn thành trước hạn mục tiêu 1 tỷ USD đề ra cho năm 2020. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song trong quý I/2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 250,2 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2019. Hiện có hơn 220 đại diện thương mại Việt Nam đang hoạt động sôi động trên nhiều lĩnh vực tại thị trường Myanmar. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án lớn và tổng vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỷ USD.
 
Các lĩnh vực hợp tác khác như an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, viễn thông, năng lượng, du lịch, giáo dục, văn hóa... đều chứng kiến sự phát triển tích cực, năng động, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc mở đường bay thẳng năm 2010 đã góp phần tạo thuận lợi cho việc giao thương, giao lưu, hợp tác du lịch, văn hóa, thể thao, đưa người dân hai nước ngày càng gần gũi nhau hơn. Trong bối cảnh cả Việt Nam và Myanmar đều đang nỗ lực nắm bắt các cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, hai bên sẽ càng có nhiều dư địa hợp tác thực chất, hiệu quả và đa dạng.
 
Không chỉ trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và Myanmar còn hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại nhiều diễn đàn quốc tế, nhất là dưới mái nhà chung của đại gia đình ASEAN, các cơ chế tiểu vùng tại Đông Nam Á lục địa, Liên hợp quốc... Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích song trùng và tầm nhìn chung trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có những vấn đề thiết thân đối với mỗi nước như giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin ký Biên bản Thỏa thuận thuận sau Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar, tại Hà Nội tháng 3/2019.
 
Với sự tin cậy chính trị, với sự đồng lòng và nỗ lực từ Lãnh đạo và nhân dân hai nước, cùng các tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, quan hệ Việt Nam-Myanmar sẽ tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả thực chất hơn nữa trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đoàn kết, thống nhất và phát triển của Cộng đồng ASEAN cũng như hòa bình, thịnh vượng và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Như vậy có thể khẳng định, chặng đường 45 năm qua của quan hệ Việt Nam-Myanmar sẽ được tiếp nối bởi sự gắn bó ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc chúng ta và sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.
 
Việt Nam và Myanmar có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, như: Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS)...
 
Về Biển Đông, Chính phủ Myanmar vẫn giữ vững lập trường cam kết duy trì, tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và các phán quyết của Tòa quốc tế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
 
PHẠM BÌNH MÌNH
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.