Căn cứ U Minh với công tác kỹ thuật của Quân khu 9 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

04/04/2022, 17:59

Hậu phương - căn cứ địa là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ, trong kháng chiến chống Mỹ, các căn cứ địa như: Chiến Khu Đ, Dương Minh Châu, Rừng Sác, Đồng Tháp Mười, U Minh… đã được xây dựng ngày càng vững chắc, là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo, lực lượng vũ trang (LLVT); nơi tích lũy, bảo toàn và phát triển tiềm lực mọi mặt, trong đó có tiềm lực kỹ thuật...; là bàn đạp để các LLVT tiến công địch. Đặc thù của căn cứ U Minh là được xây dựng ở vùng rừng tràm, sú, vẹt ngập mặn; có hệ thống kênh, rạch dày đặc; đó là sự phát triển mới, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhân dân phá Ấp chiến lược, khiêng nhà trở về nơi ở cũ

Thực hiện Hiệp định Giơnevơ, lực lượng kháng chiến của ta ở miền Nam được tập kết ra miền Bắc. Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ đạo các tỉnh miền Tây Nam Bộ điều chỉnh tổ chức, lựa chọn cán bộ, đảng viên trung kiên và hơn 200 bộ đội (chủ lực và địa phương) ở lại làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh sau này(1). Việc chôn giấu vũ khí (có hơn 6 tấn do tàu của Liên Xô kết hợp chuyển vào và đón cán bộ đi tập kết) trong rừng U Minh được tổ chức chặt chẽ, bí mật nhằm sẵn sàng ứng phó với địch sau này. Tháng 12/1954, Tỉnh Rạch Giá được thành lập lại, Tỉnh ủy giao cho đồng chí Phan Công Cương (Chí Lân), Tỉnh ủy viên tổ chức xây dựng căn cứ (thuộc vùng U Minh) và bảo vệ cán bộ. Một số cán bộ được Tỉnh ủy lựa chọn cùng tham gia bộ phận này. Lợi dụng khi lực lượng ta vừa đi tập kết, đầu năm 1955, lực lượng của giáo phái Hòa Hảo định chiếm vùng U Minh làm lãnh địa riêng; nhưng quân dân ta đã khôn khéo đấu tranh, buộc chúng phải rút lui. Nhưng sau đó, quân Ngụy tràn vào chiếm đóng toàn bộ vùng căn cứ U Minh Thượng, thành lập Đặc khu Phước An, càn quét đánh phá các cơ sở cách mạng và xây dựng bộ máy cai trị đến tận cơ sở, đẩy mạnh “tố cộng, diệt cộng” và kìm kẹp nhân dân. Riêng đặc khu Phước An, từ năm 1955 - 1957, địch bắt, giam cầm hơn 10 ngàn lượt người(2); chúng còn đưa 1,2 vạn dân (từ Giáo xứ Bùi Chu di cư vào) đến xây dựng các “khu dinh điền” và đuổi dân của các xã Thới Bình, Trí Phải, Biển Bạch, Tân Phú đi nơi khác; nhằm tạo ra trung tâm công giáo với 17 nhà thờ và một số cứ điểm quân sự giữa vùng căn cứ U Minh. Để cô lập, chia cắt vùng căn cứ U Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, địch đã xây dựng các “khu trù mật” quy mô lớn như Vị Thanh, Hỏa Lựu với hơn 70 ngàn dân; huy động trên 1 triệu công đào trên 70 km kênh, 2 hồ nước để lấy 2,6 triệu m3 đất san mặt bằng và đắp 7 km đường từ Vị Thanh đi Hỏa Lựu; ruộng vườn, thôn xóm khắp nơi bị đào xới. Đời sống nhân dân ở các “khu trù mật” ngày càng cơ cực. 
 
Nhằm vừa tự vệ, tuyên truyền phát động quần chúng diệt ác, phá kìm; vừa hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng LLVT với hình thức và quy mô thích hợp. Tại căn cứ U Minh, tỉnh Cà Mau đã xây dựng 14 đại đội “Giải phóng quân" bí mật; tỉnh Rạch Giá có 9 đại đội “Lực lượng Thanh Bình”, triển khai hợp pháp trong nhân dân. Ban cán sự Đảng các tỉnh Cà Mau, Rạch Giá đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh khôn khéo và kiên quyết, đã tổ chức ra các đội “Dân canh chống cướp” được trang bị giáo mác, gậy gộc, trống, mõ, sẵn sàng giải vây cho cán bộ bị địch bắt.
 
Với đạo luật phát xít 10/59, Chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam tàn sát cán bộ và người dân yêu nước. Trước sự khủng bố điên cuồng, tàn bạo của địch, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, nhân dân các huyện Ngọc Hiển, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cùng nhau bỏ làng cũ, vào rừng U Minh Hạ xây dựng 15 “Làng rừng” với trên 20.000 người. Nhân dân các địa phương khác cũng tổ chức một số “Làng rừng” khác với trên 10.000 người. “Làng rừng” được tổ chức chặt chẽ như làng chiến đấu: Có chi bộ Đảng và đoàn thể, Ban quản lý hoặc Ban tự quản, trạm y tế và trường học, các đội du kích, các lò rèn, tổ sửa chữa vũ khí... sản xuất tự túc và liên lạc với bên ngoài, phối hợp với vùng địch tạm chiếm hỗ trợ nhau trong đấu tranh. Nhân dân trân trọng gọi “Làng rừng” là “Làng xã hội chủ nghĩa”(3). Năm 1959, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ về Tây Nam Bộ chỉ đạo phong trào và khởi thảo “Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam” đã được nhân dân các "Làng rừng" ở U Minh Hạ nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn.
 
Nghị quyết Trung ương 15 ra đời đã thổi luồng sinh khí mới, đưa cách mạng miền Nam tiến lên, mở màn là phong trào Đồng khởi. Ở vùng căn cứ U Minh, ta đã đập tan phần lớn bộ máy chính quyền địch ở cơ sở, mở rộng vùng giải phóng, chính quyền cách mạng và Mặt trận dân tộc giải phóng địa phương được thiết lập, tổ chức đảng, đoàn thể được củng cố, phát triển; nhân dân trở về làm chủ ruộng vườn thôn, xóm; tuyến đường biển sang Campuchia để mua vũ khí được khai thông… Các Tiểu đoàn chủ lực 306 và 96/Khu 9 được thành lập; khóa đầu tiên các trường Đặc công (200 học viên), Quân y (52 học viên) được khai giảng(4); hàng chục binh công xưởng; các xưởng may, thuộc da, sản xuất thuốc... được xây dựng; các xã, ấp đều có các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí. Nguồn lực tại chỗ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến của LLVT. 
 
Thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt”, Mỹ - Ngụy chủ trương bình định miền Nam trong 18 tháng, lấy lập ấp chiến lược làm “quốc sách” để tách Đảng và LLVT ta ra khỏi nhân dân, nhằm “tát nước, bắt cá”; đồng thời, chúng tung lực lượng biệt kích, thám báo, bảo an… đánh nống ra vùng căn cứ. Tiểu đoàn U Minh 1 đã phối hợp với LLVT địa phương và hơn 3.000 người dân chống càn, nổi dậy diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, giải phóng khu vực sông Ông Đốc (Cà Mau) và “Khu dinh điền” Khánh Lâm; hơn 2.000 dân di cư được đưa về định cư quanh vùng. Để ứng phó với chiến thuật “trực thăng vận” của địch, nhân dân U Minh đã xây dựng xã, ấp chiến đấu, làm 12.000 hầm và công sự, tổ chức bắn máy bay, cắm gần 3 triệu cọc tràm vạt nhọn đầu, hơn 300.000 mũi chông ở các bãi trống, ngăn cản địch đổ quân(5). Dựa vào rừng rậm, địa hình kênh rạch, sông nước hiểm trở, quân dân U Minh kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công lần lượt đánh bại các cuộc càn quét của địch. Cuối năm 1964, ta cơ bản phá được “quốc sách ấp chiến lược” của địch, vùng giải phóng liên hoàn từ Cần Thơ đến Cà Mau, Rạch Giá, gồm trên 200 xã, 2.200 ấp với trên 2 triệu dân đã ra đời. Căn cứ U Minh được củng cố, mở rộng, nông dân được cấp đất để phát triển sản xuất; văn hóa, giáo dục, y tế phát triển. Từ năm 1963 đến 1964, hơn 15.000 thanh niên nhập ngũ; 5.000 bộ đội địa phương được đôn lên bộ đội chủ lực Miền và 3.000 du kích đôn lên bộ đội địa phương; trên 40 km kênh bao bọc căn cứ U Minh được đào, vừa là đường cơ động chiến đấu, vừa giữ nước chống địch đốt rừng tạo thuận lợi cho lực lượng ta bám trụ chiến đấu(6). 
 

Hình ảnh được phục dựng về hoạt động của LLVT tại căn cứ U Minh
 
Tháng 9/1962, sau khi Khu ủy Tây Nam Bộ tổ chức tàu biển ra miền Bắc nhận vũ khí trở về Cà Mau an toàn, Trung ương Cục đã cho thành lập Đoàn 962 chuyên lo xây dựng các bến và đón hàng do Trung ương chuyển vào. Căn cứ U Minh lúc này đảm nhiệm một phần vai trò của căn cứ hậu cần hướng chiến lược, là trung tâm tiếp nhận, trung chuyển hàng (chủ yếu là vũ khí, đạn được) do Trung ương chi viện và khai thác từ Campuchia về theo đường biển để chuyển cho các đơn vị. Sự chi viện của Trung ương đã giúp Khu 9 giải quyết được vấn đề hàng đầu là vũ khí, trang bị quân sự. 
 
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân dân vùng căn cứ U Minh đã đồng loạt đánh vào đầu não địch các cấp ở các thị xã, thị trấn, gây thiệt hại lớn cho địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. Sau đó, địch khôi phục lại lực lượng, tăng cường phản kích; lực lượng ta bị tiêu hao nhiều phải lui về vùng ven và căn cứ bám trụ chiến đấu. 
 
Nhằm xóa sổ căn cứ U Minh, từ tháng 10/1968 đến 1971, địch điên cuồng phản kích, đẩy mạnh “bình định đặc biệt”, rải chất độc hóa học, dùng hỏa lực các loại, máy bay B52, B57 đánh phá hủy diệt căn cứ U Minh. Đặc biệt, chúng đã tập trung lực lượng tương đương 1 quân đoàn mở 3 cuộc hành quân lớn nhằm “nhổ cỏ U Minh”, gây cho ta nhiều thiệt hại. Đến tháng 6/1971, cơ bản địch chiếm xong U Minh Thượng, một phần U Minh Hạ và đẩy mạnh “tô dày, lấp kín đồn bốt" ở U Minh, hoàn thành việc chiếm đóng. Để đập tan âm mưu, thủ đoạn của địch, Khu 9 đã sử dụng 3 trung đoàn phối hợp với LLVT địa phương mở chiến dịch đánh đòn phủ đầu Sư 21 Ngụy - lực lượng chủ yếu càn quét, chiếm đóng U Minh. Ngày 21/9/1971, chiến dịch kết thúc, ta diệt 1 căn cứ, 1 đồn; diệt gọn 2 tiểu đoàn, 2 sở chỉ huy, 5 đại đội; đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu 2.057 tên, buộc địch rút bỏ 2 chốt tiểu đoàn… Sư đoàn 21 Ngụy buộc phải huỷ bỏ kế hoạch “tô dày, lấp kín đồn bốt" ở U Minh(7). Các cơ quan đầu não, các LLVT, cơ sở kho tàng, bệnh viện, đội điều trị… của quân khu cũng được tăng cường (có thêm Phân viện Z802, Z121, Đội điều trị 901 A, B), đã bám trụ kiên cường trong căn cứ U Minh và bảo đảm kịp thời cho LLVT đánh bại các âm mưu thủ đoạn đánh phá tàn bạo của Mỹ - Ngụy.
 
Việc chi viện của Trung ương cho miền Tây Nam Bộ qua đường biển thời kỳ này có nhiều thuận lợi. Tại căn cứ U Minh, ta triển khai trong rừng nhiều kho trạm bí mật, thành lập các Đoàn 195, 196, 197, Tiểu đoàn 410, T70, 207… và 5 đại đội thanh niên xung phong cùng hàng nghìn dân công để tiếp nhận, vận chuyển hàng (chủ yếu là vũ khí, đạn, thuốc men) cho các đơn vị. Nhiều chuyến tàu từ miền Bắc và Campuchia đã cập bến vùng U Minh an toàn. Đặc biệt, cuối tháng 10/1970, hai tàu giả trang là tàu đánh cá có giấy hợp pháp chở 13,5 tấn vũ khí đạn, thuốc men và nhiều tiền Đôla Mỹ từ miền Bắc vào (qua cảng Xihanúcvin) đã cập bến An Biên, Cà Mau(8) an toàn, giúp Quân khu 9 giải được quyết khó khăn về vũ khí, trang bị chiến đấu. 
 
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Tây Nam Bộ là một hướng quan trọng. Quân khu 9 đã mở chiến dịch “Nguyễn Huệ H” với sự tham gia của 4 trung đoàn (1, 2, 10, 20), pháo binh, đặc công quân khu và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương…; tiến hành 6 đợt  tác chiến cao điểm (từ tháng 4 - 8/1972), loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch, đánh chìm hàng trăm tàu chiến địch ở sông Cái Lớn, Cái Tàu, Ông Đốc…; cơ bản giải phóng vùng U Minh - Cà Mau, hàng vạn đồng bào trở về quê cũ làm ăn, căn cứ U Minh được bảo vệ và mở rộng.
 
Sau Hiệp định Pari, quân và dân U Minh đẩy mạnh tác chiến, đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch lấn chiếm, bảo vệ căn cứ; trong đó có cuộc tiến công của 1 sư đoàn bộ binh Ngụy, 2 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn bảo an, 4 giang thuyền… đập tan âm mưu của địch biến “năm 1974 là năm chiến tranh lúa gạo” và đã giành lại hơn 10.000 tấn lúa, nhiều tài sản quý khác bị chúng cướp bóc(9). Vùng giải phóng ngày càng mở rộng, liên hoàn trên nhiều huyện của các tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; tổ chức đảng, chính quyền, quần chúng, LLVT, các bệnh viện, kho, xưởng, trạm sửa chữa tàu, vũ khí, cơ sở sản xuất, trường học, xã ấp chiến đấu... được củng cố lớn mạnh; cuộc sống mới được hình thành, phát triển. Sự phát triển lớn mạnh của căn cứ U Minh cùng với hệ thống căn cứ ở miền Nam đã tạo nên thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, có tiềm lực tại chỗ mạnh, bảo đảm kịp thời cho LLVT chiến đấu thắng lợi trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Thực tiễn xây dựng căn cứ U Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho thấy: Xây dựng căn cứ phải tổ chức lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ; xây dựng cả thế trận và tiềm lực; chú trọng công tác bảo vệ, làm cho căn cứ ngày càng phát triển, là cơ sở để phát triển LLVT, làm tròn vai trò hậu phương tại chỗ của chiến trường bảo đảm cho hoạt động tác chiến giành thắng lợi... Những kinh nghiệm quý giá đó cần được nghiên cứu, kế thừa trong xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, 2, 3. Lịch sử căn cứ U Minh 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb QĐND 2005, tr 129, 162.
4, 5, 6. Lịch sử căn cứ U Minh… Sđd, tr 189, 196, 223.
7, 8. Lịch sử căn cứ U Minh… Sđd, tr 300 và 302.
9. Lịch sử căn cứ U Minh… Sđd, tr 365 và 370

TRUNG TÁ KIỀU VĂN TÂN