Vũ khí trang bị những năm đầu thành lập Quân đội

26/12/2022, 18:04

Sau khi đánh bại âm mưu khủng bố trắng nhằm “tát nước bắt cá” của địch, phong trào cách mạng lan rộng, các căn cứ địa được củng cố mở rộng, các đội vũ trang phát triển mạnh. Mùa đông năm 1944, nhân dân Cao - Bắc - Lạng đã sẵn sàng đứng lên khởi nghĩa vũ trang. Nhận thấy thời cơ toàn dân khởi nghĩa chưa đến, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa. Nhằm chuyển từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh quân sự khi chính trị còn trọng hơn quân sự, Người chủ trương tập hợp những cán bộ, chiến sỹ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất tổ chức thành đội vũ trang tập trung để hoạt động gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. 

Tự vệ Hà Nội sử dụng đại liên Hotchkiss M1914 thu được của Pháp.

Tháng 12/1944, đồng chí Hồ Chí Minh viết chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, phác ra những nét cơ bản về tổ chức, phương châm hành động, tác chiến, cung cấp... Bác căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp, người được giao tổ chức, chỉ huy Đội: Người trước, súng sau; “Những hoạt động đầu tiên của đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của địch. Nguồn cung cấp sẽ dựa vào nhân dân... Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào có thể tiêu diệt nổi” [1, tr.23].
 
Những ngày đầu thành lập
 
Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, 17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay đựợc tổ chức trọng thể. Thay mặt Đoàn thể, Đồng Chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập và giao nhiệm vụ cho toàn Đội. Buổi đầu thành lập, Đội gồm 34 cán bộ, đội viên được chọn lọc từ các đội vũ trang Cao - Bắc - Lạng; đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng; đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Trang bị của Đội có 2 khẩu súng thập, 17 súng trường các loại (vừa giáp năm, vừa giáp ba, vừa khai hậu và súng Tàu chế tạo), 14 súng kíp. Ông bà Tống Minh Phương và Việt kiều ở Côn Minh (Trung Quốc) cũng gửi về cho đội 1 khẩu tiểu liên Mỹ, 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp bom nổ chậm [3, tr.134]
 
Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ "Một tháng sau phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng lợi", đêm ngày 25/12/1944, Đội tiêu diệt đồn Phai Khắt và sáng ngày 26/12/1944 tiêu diệt đồn Nà Ngần, mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu, chiến đấu anh dũng của quân đội ta. Chiến lợi phẩm thu được trong hai trận khá nhiều, tất cả đội viên mang súng kíp đều được đổi lấy súng trường và trao lại súng kíp cho du kích, tự vệ địa phương. Như vậy, ít ngày sau thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã hoàn thành xuất sắc chỉ thị của Bác Hồ, mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu, chiến đấu anh dũng của quân đội ta. Trong thành công ấy, nhân tố quyết định là con người, song bảo đảm vũ khí đạn đã góp phần quan trọng bảo đảm cho hai chiến thắng đầu tiên, có tiếng vang lớn.
 
Chỉ sau 1 tuần sau ngày thành lập, phong trào "Đi giải phóng" phát triển rầm rộ ở một số địa phương, nhờ vậy đội từ một trung đội, Đội đã phát triển thành một đại đội hoàn chỉnh, súng đạn đầy đủ. Phát huy thắng lợi, Đội tiến về Bảo Lạc tập kích đồn Đồng Mu, diệt 20 tên địch, thu 5 súng và một số đạn dược; sau đó quay về Thông Nông hoạt động vũ trang tuyên truyền. Đầu năm 1945 Đội tiếp tục làm công tác vũ trang tuyên truyền, khôi phục con đường “Nam tiến” bị địch khủng bố, phải thu hẹp trước đây và đánh một số trận, thu thập vũ khí bổ sung cho các chiến sỹ mới gia nhập Đội. Trong đó, có trận diệt địch ở đèo Cao Bắc (gần Nà Ngần), thu 30 súng và nhiều dạn dược. 
 
Lúc này, căn cứ địa cách mạng mở rộng sang Ngân Sơn, Chợ Chu, Chợ Đồn, Đại Từ, Định Hóa, Sơn Dương… nối liền với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Nhờ có căn cứ địa vững chắc, lực lượng vũ trang phát triển, nhân dân khắp nơi hăng hái, gấp rút chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 9/3/1945, Phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền đô hộ của thực dân Pháp, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Theo đó, các tổ chức vũ trang đẩy mạnh hoạt động, tước khí giới của địch, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng, phát triển các đội du kích, tự vệ... Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành nhiều đại đội và trên đường “Nam tiến” thu được hàng ngàn súng (có cả súng máy và súng cối) của tàn quân Pháp bị Phát xít Nhật đánh đuổi, bỏ lại. 
 
Trong Tổng khởi nghĩa 
 
Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang phát triển rất mau lẹ, từ ngày 15 - 20/4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Hội nghị nhận định: “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp lúc này” và quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Về vũ khí, Hội nghị quyết định phải kiểm kê, quản lý chặt chẽ và do Ủy ban Quân sự quyết định phân phối; lập các xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí, tìm nhân viên kỹ thuật; ra sức thu nhặt và mua vũ khí...
 
Trong chỉ thị “Sửa soạn Tổng khởi nghĩa” (5/1944), Tổng bộ Việt Minh chỉ rõ: “Một dân tộc bị áp bức cũng như một giai cấp bị bóc lột, muốn tự giải phóng phải cầm võ khí trong tay mà chiến đấu… Dân ta muốn đánh đổ Nhật, Pháp không thể không sắm sửa và tập dùng võ khí. Có hai cách kiếm võ khí là tự chế, mua và chiếm của giặc... Phải hết sức cổ động quần chúng nhiệt liệt tham gia các cuộc quyên tìm mua võ khí hay các “ngày mua súng”… cổ động quần chúng quyên các thứ cần thiết cho việc chế võ khí như đồng, chì, sắt…”. Hưởng ứng lời kêu gọi “Sắm vũ khí, đuổi thù chung” của Trung ương Đảng (8/1944), nhân dân các địa phương đã tích cực quyên góp tiền, vàng cho “quỹ mua súng” của Việt Minh.
 
Ngày 15/5/1945, Việt Nam Giải phóng quân làm lễ ra mắt tại đình Làng Quặng, Định Biên, Định Hóa, Thái Nguyên, lực lượng gồm 13 đại đội tập trung và nhiều đội vũ trang tuyên truyền ở các địa phương. Ngoài hàng nghìn súng thu được của địch khi “Nam tiến”, các đội Việt Nam Giải phóng quân còn được trang bị lựu đạn, mìn có chất lượng của các xưởng Lũng Hoàng và Làng Chè. Phong trào “Kho thóc giải phóng quân” và đóng “Đồng tiền cứu quốc” để mua súng đạn cho Giải phóng quân phát triển rộng. Cuối tháng 5/1945, Giải phóng quân và nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang... đánh bại cuộc càn quét của hơn 2.000 quân phát xít Nhật, thu chiến lợi phẩm, trong đó có nhiều súng, đạn. Ngày 04/6/1945 Tổng bộ Việt Minh thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh (Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái) và một số địa bàn lân cận như Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên với diện tích 4.000 km2 và hơn 1 triệu dân. Khu Giải phóng cùng Chiến khu Quang Trung (vùng giáp ranh Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa), Chiến khu Trần Hưng Đạo (vùng Đông Bắc)... là những căn cứ hậu phương tại chỗ cung cấp nguồn lực to lớn cho Giải phóng quân [1, tr.30-31].  
 
Trước thời cơ chín muồi, Hội nghị toàn quốc của Đảng (họp tại Tân Trào, Tuyên Quang) đã quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã phát Quân lệnh số 1, yêu cầu Giải phóng quân: “... tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng điểm của quân địch, đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng... Khi đánh được một trận thì lập tức bổ sung bộ đội với số vũ khí thu được. Các ủy ban Nhân dân và toàn thể Nhân dân phải hết sức phối hợp với bộ đội”. Từ chiều ngày 16 - 20/8/1945, các đơn vị Giải phóng quân cùng Nhân dân Thái Nguyên, Tuyên Quang khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Hơn 600 khẩu súng và nhiều đạn dược thu được của địch đã được trang bị cho 2 chi đội Giải phóng quân mới thành lập. Tại Hà Nội, các đội Xung phong công tác và Tự vệ với trang bị súng ngắn, súng trường, lựu đạn và phần lớn là vũ khí thô sơ dẫn đầu các đoàn quần chúng đánh chiếm Bắc Bộ phủ, Trại bảo an... và ngày 19/8 khởi nghĩa thắng lợi. Giải phóng quân và Tự vệ Hà Nội được trang bị nhiều súng mới thu được của địch để bảo vệ công sở, kho tàng, giữ gìn trị an... Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa ở Huế thắng lợi. Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa ở Sài Gòn - Gia Định thắng lợi... Sau 12 ngày đêm, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước thành công [1 tr.29-34]. Quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do". Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp
 
Sau Quốc khánh 3 tuần, ngày 23/9/1945, quân Pháp núp sau quân Anh quay lại gây hấn ở Sài Gòn - Gia Định. Dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước khí giới quân phát xít Nhật, hơn 20 vạn quân Tưởng cùng bè lũ tay sai kéo vào miền Bắc; âm mưu của chúng muốn bóp chết nhà nước ta. Lúc đó, Bắc Bộ vừa trải qua trận lũ lụt lớn và nạn đói kinh hoàng làm 2 triệu người chết; nền kinh tế tài chính đất nước kiệt quệ... Cùng một lúc, Nhân dân ta phải chống cả giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt; vận mệnh Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”. 
 
Giải phóng quân lúc này đã phát triển nhanh chóng, được đổi tên là Vệ quốc đoàn, trở thành quân đội quốc gia, là công cụ bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng, nhưng “... lương thực, khí giới, thuốc men, chăn áo cái gì cũng thiếu thốn” [1, tr.37]. Để đáp ứng nhu cầu “cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là quốc phòng”, trước hết là mua sắm, sản xuất vũ khí, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã phát động “Tuần lễ vàng”, lập “Quỹ độc lập”, “Quỹ quốc phòng”... Trong thời gian rất ngắn, Nhân dân ta đã đóng góp cho “Tuần lễ vàng” 370 kg vàng, cho “Quỹ độc lập” 20 triệu đồng và cho “Quỹ quốc phòng” 40 triệu đồng; phần lớn quỹ đó, Chính phủ dùng mua sắm, sản xuất vũ khí cho LLVT. Ngày 15/9/1945, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới và cử đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân - Bộ trưởng không bộ làm Trưởng phòng [1, tr.39-41]. Phòng Quân giới đã phối hợp với các cơ quan và địa phương thu mua được lượng vũ khí đạn khá lớn của bọn sỹ quan Tưởng, Nhật và Pháp; chỉ đạo mở rộng các xưởng vũ khí đã có và xây dựng mới nhiều xưởng vũ khí ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến cả nước đã có 60 cơ sở chế tạo, sửa chữa vũ khí với trên 8.600 công nhân [4, tr.71].
 
Bằng sách lược mềm dẻo, khôn khéo, Đảng ta đã phân hóa, cô lập, loại được quân Tưởng, quân Anh cùng bè lũ phản động. Đồng thời, có chiến lược tranh thủ thời gian hòa hoãn quý báu, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, vũ trang toàn dân, xây dựng và phát triển LLVT, củng cố quốc phòng... Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, chiến sự lan rộng, nguy cơ chiến tranh ngày càng đến gần. Ngày 5/12/1946, Hồ Chủ tịch bổ nhiệm đồng chí Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng Cục Quân giới. Ngày19/12/1946, Hồ Chủ tịch kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và chỉ đạo Chính phủ, chính quyền các địa phương trưng thu các xưởng, tất cả các vật liệu cần thiết cho kỹ nghệ binh khí để củng cố quốc phòng. 
 
Vừa đánh, vừa trang bị; lấy của giặc, giết giặc là phương châm được các đơn vị thực hiện rất hiệu quả. Ngoài số vũ khí trang bị ta đoạt được của thực dân Pháp, phát xít Nhật trong Tổng khởi nghĩa, thời kỳ này, với tinh thần quả cảm, sáng tạo phi thường, quân dân ta tìm mọi cách tiếp cận bọn lính Nhật, lính Tưởng dùng mưu kế lừa hoặc tìm cách đoạt, giật súng đạn của chúng trang bị cho các đơn vị của ta. Ở Hà Nội, ta đã bí mật tổ chức lấy được 1 khẩu pháo 75 mm ở Trại Sao Vàng. Các đồng chí Phan Cao Sơn (cán bộ Phòng Quân giới) và Ngô Gia Khảm (Xưởng vũ khí Làng Chè) đã mưu trí lấy đựơc của địch 1 kho đạn hơn 10 tấn. Ở Đình Ấm, đồng chí Sơn còn đoạt tay trên của bọn Việt Nam quốc dân đảng (khi bọn Tàu Tưởng rút lui giao cho chúng)1 kho bom, đạn, chở đầy 3 va-gông xe lửa mới hết, trong đó có các loại bom 500 kg, 200 kg, 150 kg, đạn đại bác thủy quân cỡ 420 mm... tháo lấy được rất nhiều thuốc nổ. Có lần ở Hải Phòng, đồng chí Cao Sơn đã tổ chức cướp được 200 khẩu súng trên thuyền chở vũ khí của quân Tưởng [4, tr.73].
 
Để bảo toàn tiềm lực, trước hết là tiềm lực kỹ thuật, từ tháng 3/1946 - 4/1947 quân và dân ta đã di chuyển tất cả những gì có thể; từ Khu 5 trở ra đã có hơn 42 vạn tấn vật tư, máy móc ngành quân giới được di chuyển an toàn lên các căn cứ địa kháng chiến. Vừa di chuyển, vừa bảo đảm và nghiên cứu, ngành Quân giới đã chế tạo thành công và trang bị cho quân đội nhiều loại vũ khí khá hiện đại như Bazôca, SKZ, AT, đó là một kỳ tích... Từ năm 1948 - 1950, ngành Quân giới (từ Khu 4 trở ra) đã sản xuất bảo đảm cho các đơn vị 23.049 quả lựu đạn, 157.789 quả địa lôi, 6268 quả đạn AT, 775.830 viên đạn súng trường, 498 súng và 10.724 quả đạn bazôca, 1.565 khẩu súng và 146.692 quả đạn cối các cỡ, 310 khẩu súng và 2.794 quả đạn SKZ, 230 khẩu súng phóng bom và 7.381 quả đạn [1 tr.113-114], góp phần quan trọng vào thắng lợi trong các trận đánh và chiến dịch, trong đó có hai chiến dịch quan trọng là Việt Bắc (1947) và Biên giới (1950). Và trong chiến dịch Việt Bắc ta thu được 5 khẩu pháo (75 và 105 mm), 42 khẩu cối, 16 pháo 20 ly, 45 khẩu bazôca, gần 2.000 súng bộ binh các loại, hàng chục tấn đạn, dược [5, tr.40-41]. Riêng chiến dịch Biên Giới (1950), ta đã thu được của địch hơn 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh (trong đó có 600 tấn vũ khí đạn, có 11.715 viên đạn pháo lựu 105 mm sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ sau này), 1.000 tấn quân trang quân dụng [1, tr.143]. Với chiến dịch Biên giới, ta giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập dài 750 km; bức địch rút khỏi Lào Cai, Hòa Bình; phá tan thế bao vây cô lập của địch, tạo điều kiện tiếp nhận viện trợ (chủ yếu là vũ khí trang bị) của các nước XHCN anh em. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ba phần tư số vũ khí Quân đội Việt Nam đang dùng là những vũ khí bắt đựợc của Pháp” [2, tr.696].
 
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ các đội du kích ban đầu, đã phát triển lớn mạnh dẫn đến sự ra đời của đội quân chủ lực - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Từ vũ khí trang bị thô sơ ban đầu, do biết dựa chắc vào dân, được Nhân dân đùm bọc, cưu mang, nuôi dưỡng; vừa chiến đấu, vừa xây dựng, kết hợp tự nghiên cứu sản xuất với lấy của địch trang bị cho ta; tích cực tham gia củng cố mở rộng căn cứ làm nơi đứng chân, phát triển tiềm lực... Quân đội ta đã nhanh chóng phát triển cả về tổ chức và vũ khí trang bị cùng toàn dân Tổng khởi nghĩa làm Cách mạng tháng Tám thành công, sau đó cùng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Thành tựu những năm đầu sau ngày thành lập là cơ sở quan trọng để Quân đội ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc, viết lên truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng./. 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, 1995.
2. Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002.
3. Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, 1969.
4. Từ không đến có, Nxb Lao động, 1971.
5. Công tác hậu cần  trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, TCHC, 1981.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS Trần Đình Quang