Xây dựng các Đoàn Kinh tế quốc phòng vững mạnh toàn diện trong tình hình mới

11/07/2022, 10:15

Xây dựng, phát triển các Khu kinh tế quốc phòng (KTQP) trên các địa bàn chiến lược biên giới, biển đảo là nhiệm vụ mới, rất khó khăn, gian khổ. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển các Khu KTQP, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, việc xây dựng Đoàn KTQP vững mạnh toàn diện có ý nghĩa quyết định.

Cán bộ Đoàn KTQP 327 - Quân khu 3 hướng dẫn đồng bào khu dân cư Trình Tường chăm sóc, thu hoạch mận tam hoa.

1. Xây dựng lực lượng, thế trận của Đoàn KTQP
 
Lực lượng của Đoàn KTQP bao gồm thực lực tổ chức, biên chế trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan, đơn vị; là bộ phận của lực lượng quân khu, quân chủng; là hạt nhân, nòng cốt của các lực lượng trong Khu KTQP. Xây dựng lực lượng Đoàn KTQP vững mạnh còn là cơ sở, điều kiện để xây dựng các lực lượng tại chỗ trong Khu KTQP.
 
Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay còn một số bất cập, hạn chế. Biểu tổ chức, biên chế của một số Đoàn KTQP được ban hành đã lâu; hiện không còn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Chưa ban hành biểu tổ chức, biên chế thời chiến đối với các Đoàn KTQP có nhiệm vụ động viên quân dự bị. Một số Đoàn KTQP tương đương cấp lữ đoàn, trung đoàn chưa được giao nhiệm vụ động viên quân dự bị; do vậy khi có tình huống xảy ra (A2, A3, A4, tham gia giải quyết các tình huống tranh chấp dân sự trên biên giới…), việc chỉ đạo giải quyết gặp nhiều khó khăn. Hệ thống văn kiện tham mưu tác chiến nói chung, tham mưu hậu cần nói riêng của các cấp không có tổ chức Đoàn KTQP; gây khó khăn trong việc chỉ đạo các Đoàn KTQP thực hiện nhiệm vụ thời chiến.
 
Để xây dựng cơ quan, đơn vị Đoàn KTQP đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, cần tập trung thực hiện một số biện pháp:  
 
a) Kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị Đoàn KTQP theo yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế; hoàn chỉnh phương án tác chiến theo nhiệm vụ được giao
 
Đây là biện pháp rất quan trọng để Đoàn KTQP hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Trước hết, cần nghiên cứu bổ sung, đổi mới, điều chỉnh một số tiêu chí, tiêu chuẩn trong lựa chọn, bổ nhiệm, điều động cán bộ, sĩ quan hoạt động ở các Đoàn KTQP. Theo đó, phải bảo đảm cho việc bố trí hợp lý các chức danh, cấp bậc quân hàm, độ tuổi và đặc biệt là trình độ, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ; cân đối hài hòa giữa sĩ quan chỉ huy tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; giữa sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng. Cùng với đó, cần chú trọng thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở Đoàn KTQP. Quá trình luân chuyển, cần chống khuynh hướng điều động, bố trí, bổ sung cán bộ đã “miễn nhiệm”, thậm chí cán bộ vi phạm kỷ luật, phẩm chất chính trị kém đến làm việc tại Đoàn KTQP vì mục đích giải quyết chế độ, chính sách, chức danh, quân hàm… 
 

Các y, bác sĩ Đoàn KTQP 379 - Quân khu 2 khám bệnh, tư vấn cho người dân xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà và xã Si Pa Phìn, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
 
Về số lượng, cần phải đảm bảo yêu cầu không tăng quân số so với biểu biên chế nhưng vẫn đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; vì vậy, kiện toàn tổ chức biên chế phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo hướng: tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ; giảm khâu trung gian, giảm tối đa biên chế cơ quan để tăng cường quân số cho đơn vị cơ sở, các đội sản xuất. Về chất lượng, trước hết, cần lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó với nhiệm vụ phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, có năng lực tổ chức, vận động nhân dân trong vùng dự án phát triển KT - XH; mặt khác, cần tuyển chọn và sử dụng đội ngũ chuyên môn nghiệp vụ có kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, năng lực quản lý kinh tế nhất là quản lý dự án, năng lực hoạt động xã hội… 
 
Đoàn KTQP cần được tổ chức theo hình thức: một mặt là đơn vị thường trực, có vai trò nòng cốt trong thế trận QPTD vùng biên giới; mặt khác, là đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án trong Khu KTQP. Các Đoàn KTQP thuộc quân khu còn có nhiệm vụ xây dựng lực lượng cả thường trực và DBĐV, huấn luyện, xây dựng các phương án chiến đấu tại chỗ, khi tình huống xảy ra có thể tổ chức đánh địch được ngay. Vì vậy, các Đoàn phải xây dựng phương án chiến đấu của Đoàn, hình thành thế trận của Đoàn gắn với thế trận KVPT xã, huyện trong Khu KTQP. Thế trận của Đoàn KTQP sẽ là cơ sở để phối hợp, kết hợp với các LLVT địa phương, là mục tiêu để quá trình xây dựng Khu KTQP hướng các chương trình, dự án lưỡng dụng, vừa phát triển KT - XH, vừa tạo thế trận QP, AN liên hoàn, vững chắc.
 
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn KTQP rà soát biểu tổ chức, biên chế và tham mưu đề xuất bổ sung đủ cán bộ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện lực lượng DBĐV; đủ các y, bác sỹ để thực hiện nhiệm vụ quân - dân y kết hợp. Ở các Đoàn KTQP tương đương cấp sư đoàn, đề nghị quân khu bố trí những chức danh là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng như trợ lý hậu cần, trợ lý quân khí, quân y, lái xe… phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Mẫu biểu biên chế 0892 của Bộ Tổng Tham mưu đối với Đoàn KTQP). Điều chỉnh biên chế của Đoàn KTQP tương đương cấp lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn cho phù hợp; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ban hành biểu tổ chức biên chế thời chiến cho các Đoàn KTQP; đồng thời, giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng DBĐV cho các Đoàn KTQP đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ A, A2, A3… khi xảy ra.
 

Cán bộ Đoàn KTQP 338 - Quân khu 1 tuyên truyền cho người dân xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về phát triển KT - XH
 
Xây dựng lực lượng DBĐV của các Đoàn KTQP đủ về số lượng, tốt về chất lượng; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, luyện tập huy động và diễn tập bảo đảm cho các tình huống. Các Đoàn KTQP tương đương sư đoàn thuộc quân khu như Đoàn 327, 338, 337 được giao huấn luyện quân dự bị, cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với chỉ huy Đoàn để phối hợp với cơ quan quân sự địa phương xây dựng lực lượng DBĐV hợp lý và tiếp nhận, huấn luyện đúng, đủ theo chỉ tiêu, kế hoạch. Các Trung đoàn, Nông, Lâm trường xây dựng kế hoạch, phương án theo các tình huống, nhiệm vụ được giao phù hợp với điều kiện địa bàn. Trong đó, chú trọng tận dụng các cơ sở sản xuất, hệ thống bệnh xá quân dân y, các công trình hạ tầng…; tham mưu đề xuất với chỉ huy Đoàn để kiến nghị với quân khu lồng ghép mục tiêu KT - XH với tạo các yếu tố, điều kiện trên thực tế cho thế trận quân sự trong Khu KTQP.
 
Trên cơ sở lực lượng, thế trận của Đoàn KTQP để tham mưu cho chỉ huy Đoàn xây dựng phương án, kế hoạch xây dựng lực lượng tại chỗ, xây dựng phương án phối hợp, hiệp đồng bảo đảm cho các nhiệm vụ QS, QP, các phương án, tình huống tác chiến. Mặt khác, giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị trong Đoàn hiệp đồng, giúp đỡ địa phương xây dựng lực lượng tại chỗ trong Khu KTQP; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Ban Chỉ huy quân sự huyện trên địa bàn Khu KTQP trong chỉ đạo, tổ chức xây dựng, quản lý tiềm lực, thực lực quân sự của địa phương.
 
b) Thường xuyên bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Đoàn và cán bộ quản lý đội, tổ sản xuất của Đoàn KTQP
 
Chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng Khu KTQP phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn KTQP; nhất là, cán bộ, nhân viên các tổ, đội sản xuất. Đoàn KTQP đứng chân trên địa bàn các xã trong Khu KTQP sẽ là lực lượng nòng cốt giúp đỡ nhân dân trên nhiều phương diện: phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng theo hướng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần; củng cố QP, AN. Vì vậy, cán bộ, nhân viên Đoàn bộ và cán bộ, nhân viên ở các đội sản xuất phải nắm vững kiến thức về quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất, dịch vụ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... đồng thời, phải có năng lực làm công tác dân vận. Thực tế hiện nay cho thấy nhiều cán bộ chỉ huy, nhân viên các đội sản xuất của Đoàn KTQP, các kiến thức trên còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần phải được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 

Cán bộ Đoàn KTQP 959 - Quân khu 9 trò chuyện, trao đổi với người dân để nắm tình hình địa bàn.

 
Giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trước hết cần bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận để nhận xét, nhìn nhận đánh giá đúng đắn các vấn đề chính trị xã hội phức tạp những thủ đoạn diễn biến, chuyển hóa của địch…; bồi dưỡng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội về kết hợp KT với QP; xây dựng thế trận QPTD, thế trận lòng dân; thực hiện CTND và hậu cần toàn dân; công tác dân vận, việc chấp hành quy định của các cấp trong quan hệ quân dân. Công tác giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục cho các đối tượng. Trong đó, phải tập trung hơn cho cán bộ, nhân viên ở các đội sản xuất, tham gia công tác dân vận; đặc biệt là các đội sản xuất ở các địa bàn nhạy cảm về chính trị, nơi có nhiều khó khăn. Các hình thức, biện pháp giáo dục có thể thông qua các chế độ hàng ngày, hàng tuần như sinh hoạt, giao ban, điểm danh, chào cờ; qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền báo chí hoặc thuyết trình theo chủ đề tại đơn vị; thông qua hoạt động của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội đồng quân nhân để giáo dục; thông qua việc tổ chức các đợt học tập lý luận chính trị tại đơn vị, kết hợp gửi cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng về công tác chính trị tư tưởng do Trung ương hoặc địa phương mở.
 
Đối với bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, lập và phân tích dự án kinh tế cho cán bộ, nhân viên hậu cần, cho cán bộ các Đội sản xuất, cần bồi dưỡng những kiến thức về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cách thức khuyến nông, khuyến lâm. Các Đoàn KTQP có kế hoạch gửi cán bộ đi đào tạo, tập huấn ở các cơ sở đào tạo cả trong và ngoài quân đội; nhất là các lớp do Học viện Hậu cần tổ chức bồi dưỡng cán bộ Đội sản xuất của các Đoàn KTQP; thời gian huấn luyện 3 tháng; đối tượng huấn luyện là đội trưởng (đội phó) các Đội sản xuất của Đoàn KTQP và cán bộ quản lý của các doanh nghiệp quốc phòng; mục tiêu là bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản, thiết thực về chuyên môn nghiệp vụ, nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ trực tiếp sản xuất và quản lý kinh tế; tập trung vào những kiến thức về sản xuất nông - lâm nghiệp, quản lý kinh tế. Huấn luyện sản xuất nông, lâm nghiệp cần tập trung làm rõ chính sách, chế độ, các quy chế, quy định về sản xuất phát triển nông nghiệp, nông thôn; về kinh tế nông hộ; kinh tế trang trại; tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng; quy hoạch và tổ chức các hệ sinh thái nông nghiệp; một số kiến thức về kinh tế dịch vụ nông thôn và phát triển công nghiệp nông thôn. Ngoài ra, Đoàn KTQP chủ động tự mở lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế, sản xuất cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ; sử dụng đội ngũ nhân viên khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho lực lượng lao động của các tổ, đội sản xuất.
 
c) Tăng cường trang bị, phương tiện sản xuất cho các Đoàn KTQP
 
Khác với các đơn vị thường trực, ngoài trang bị về vũ khí, khí tài, phương tiện theo biên chế của một đơn vị quân đội, các Đoàn KTQP còn được trang bị một số phương tiện vận tải, các thiết bị máy móc cho xây dựng và lao động sản xuất… phục vụ thiết thực cho lao động, sản xuất, kinh doanh. Những trang thiết bị, phương tiện này là tài sản của Đoàn, song sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhiệm vụ QS, QP khi có tình huống. Do vậy, khi được tăng cường trang bị, phương tiện với số lượng, chủng loại phù hợp sẽ đáp ứng nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng.
 
Hiện nay, các loại trang bị này ở các Đoàn KTQP còn thiếu và chưa đồng bộ; chủ yếu để phục vụ đi lại của chỉ huy, vận chuyển vật chất bảo đảm đời sống cho bộ đội và làm một số công việc đơn giản khác. Hầu hết các phương tiện đã qua sử dụng nhiều năm, lại hoạt động ở điều kiện địa hình rừng núi nên xuống cấp nghiêm trọng. Một số đơn vị được trang bị thêm xe máy làm phương tiện đi lại nhưng phải tự cân đối về xăng dầu; xe sử dụng nhiều năm đã cũ nát nhưng không được bổ sung, thay thế. Với trang bị như vậy, các Đoàn KTQP không thể đủ khả năng thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu KTQP theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; đồng thời, cũng không thể tổ chức sản xuất ở những vùng xung yếu, đặc biệt khó khăn. 
 
Trong tình hình hiện nay, đầu tư mua sắm phương tiện vận tải, máy công trình, công cụ sản xuất cho các Đoàn KTQP là vấn đề tốn kém nhiều ngân sách, kinh phí; nhưng không thể để tình trạng Đoàn KTQP chỉ quản lý, trông coi quá trình thực hiện dự án. Thời gian qua, nhiều Đoàn KTQP đề xuất cơ quan cấp trên đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Đoàn, nhưng chưa được đáp ứng. Vì vậy, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiên cứu tiêu chuẩn hóa các loại trang bị, máy móc, phương tiện, công cụ cho phù hợp với quy mô tổ chức của từng Đoàn KTQP. 
 
Bộ Tư lệnh các quân khu, quân chủng, binh đoàn có kế hoạch bổ sung vốn mua sắm các loại thiết bị, phương tiện vào dự toán vốn hàng năm, trình Bộ Quốc phòng phê duyệt. Trong các dự án mở mới Khu KTQP phải tính đến khoản vốn đầu tư mua sắm các thiết bị, phương tiện, máy móc của Đoàn KTQP. Đối với các Đoàn KTQP, cần thường xuyên làm tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các trang bị được cấp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và kéo dài thời hạn sử dụng của trang bị, phương tiện.
 

Đoàn KTQP 337 - Quân khu 4 tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
 
2. Xây dựng bệnh xá quân - dân y kết hợp và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ của Đoàn kinh tế quốc phòng 
 
a) Xây dựng bệnh xá kết hợp quân - dân y trong Khu KTQP
 
Xây dựng bệnh xá kết hợp quân - dân y trong Khu KTQP một mặt nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về kết hợp quân y với dân y, mặt khác còn trực tiếp tạo thực lực, khả năng tổ chức cứu chữa TB, BB và cho nhân dân trong Khu KTQP trong các tình huống.
 
Để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ đó có nhiều phương thức lấy bệnh xá Đoàn KTQP làm nòng cốt, kết hợp với bệnh xá xã; quân khu, bộ chỉ huy quân sự tỉnh tăng cường lực lượng cùng quân y Đoàn KTQP, kết hợp y tế địa phương.
- Đối với những xã có bệnh xá của Đoàn KTQP đứng chân:
 
Căn cứ vào thực trạng y tế các xã trong Khu KTQP, khả năng lực lượng quân y Đoàn KTQP, vị trí đứng chân của các bệnh xá quân y thuộc Đoàn KTQP để xây dựng bệnh xá kết hợp quân - dân y cho phù hợp.
 
Phương thức kết hợp là hợp nhất toàn diện về tổ chức, biên chế, trang bị, chức năng, nhiệm vụ của bệnh xá quân y Đoàn KTQP với trạm y tế xã. Lực lượng quân y của Đoàn KTQP bao gồm toàn bộ cán bộ, nhân viên quân y của bệnh xá Đoàn KTQP; lực lượng y tế địa phương gồm toàn bộ nhân viên y tế hiện có của trạm y tế xã. Bệnh xá trưởng khi đó sẽ là người của Đoàn KTQP, đảm nhiệm chính về công tác chuyên môn; chịu trách nhiệm mọi mặt hoạt động của bệnh xá với lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KTQP. Phó Bệnh xá trưởng khi đó sẽ do trạm trưởng trạm y tế xã đảm nhiệm.
 
Bệnh xá kết hợp quân - dân y khi đó sẽ làm việc như một phòng khám khu vực, có nhiệm vụ bảo đảm mọi mặt về y tế cho bộ đội, nhân dân trên địa bàn xã và chi viện bảo đảm cho các xã kế cận; tham gia đào tạo nhân viên y tế tuyến thôn, bản; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế các xã và cho chính đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Đoàn KTQP.
 
Trong thời gian đầu, bệnh xá kết hợp quân - dân y hoạt động theo phương thức kết hợp quân y với dân y; lấy hoạt động của quân y Đoàn KTQP là chính. Địa phương cử cán bộ y tế đến phối hợp công tác; đồng thời cử một số đoàn viên thanh niên làm nhiệm vụ phục vụ với phương châm vừa làm, vừa học để đào tạo nhân viên y tế thôn bản. Trong thời gian sau, bệnh xá kết hợp quân dân y hoạt động theo phương thức kết hợp dân y với quân y; lấy hoạt động của y tế địa phương là chính. Bệnh xá được chuyển dần cho địa phương quản lý.
 
Bố trí bệnh xá kết hợp quân - dân y gồm các phòng chức năng: 1 phòng trực và khám bệnh, 1 phòng cấp cứu và tiêm, 1 phòng mổ và thay băng, 1 phòng phẫu thuật, 1 phòng hậu phẫu, 1 phòng trực, 1 phòng giao ban hành chính, 5 buồng bệnh nhân (với 20 giường bệnh), 1 phòng sản, nhà ở nhân viên, nhà ăn.
 
Bằng nguồn vốn dự án Khu KTQP, các Đoàn KTQP xây dựng bệnh xá kết hợp quân - dân y khang trang; được trang bị đồng bộ dụng cụ y tế, cung cấp đầy đủ thuốc men để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn xã và các xã kế cận; đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực y tế cho địa phương và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Đoàn KTQP.
 
Đoàn KTQP tổ chức lực lượng, phương tiện; triển khai xây dựng hạ tầng gồm nhà trạm, các công trình phụ trợ, sân, đường giao thông. Ngành quân y quân khu đầu tư trang bị dụng cụ y tế. Quân y Đoàn KTQP và y tế địa phương cung cấp thuốc chữa bệnh, bông băng. Các cơ quan chức năng của Đoàn KTQP (hậu cần, chính trị…) bảo đảm vật chất, dụng cụ phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, nhân viên quân y làm nhiệm vụ ở bệnh xá kết hợp quân - dân y.
 
- Đối với các xã không có bệnh xá Đoàn KTQP đứng chân:
 
Hiện nay, trong Khu KTQP còn nhiều xã chỉ có trạm y tế xã (không có trạm xá của Đoàn KTQP). Các trạm y tế này, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân thì còn khám chữa bệnh cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đội sản xuất của Đoàn KTQP khi cần thiết. Vì vậy, cần phải xây dựng trạm y tế kết hợp quân - dân y đối với các xã này.
 
Theo mô hình này, bệnh viện quân khu hoặc bệnh xá bộ chỉ huy quân sự tỉnh cử 1 tổ quân y (1 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 y tá) đến kết hợp với lực lượng của trạm y tế xã; hình thành trạm y tế kết hợp quân - dân y. Trạm có nhiệm vụ bảo đảm mọi mặt về y tế cho nhân dân trong địa bàn xã, nhân dân trong địa bàn các xã kế cận (khi cần thiết) và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đội sản xuất của Đoàn KTQP. Trạm trưởng trạm y tế kết hợp quân - dân y là người của địa phương; điều hành chung và chịu trách nhiệm mọi mặt hoạt động của trạm với chính quyền xã. Phó Trạm trưởng trạm y tế kết hợp quân - dân y là bác sỹ của tổ quân y được bệnh viện quân khu hoặc bệnh xá bộ chỉ huy quân sự tỉnh cử đến; đảm nhiệm chính về công tác chuyên môn. Với số lượng và thành phần như vậy, trạm y tế kết hợp quân - dân y có đủ khả năng thực hiện một ca mổ và làm các cấp cứu khác. Ngoài công tác chuyên môn, tổ quân y có nhiệm vụ đào tạo nhân viên y tế thôn, bản, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên y tế xã và bồi dưỡng các kiến thức quân y cần thiết cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đội sản xuất của Đoàn KTQP hoạt động trên địa bàn.
 
Hoạt động của trạm y tế kết hợp quân - dân y là hoạt động phối hợp giữa lực lượng của trạm y tế xã với tổ quân y. Do biên chế lực lượng quân y của Đoàn KTQP có hạn, số trạm y tế xã nhiều, nên trong thời gian đầu, Phòng Quân y quân khu và Ban quân y bộ chỉ huy quân sự tỉnh điều động lực lượng ở các bệnh viện quân khu và bệnh xá bộ chỉ huy quân sự tỉnh thay phiên lên công tác tại trạm y tế kết hợp quân - dân y. Khi lực lượng y tế xã đủ khả năng đảm nhiệm công tác y tế của địa phương thì tổ quân y rút đi; trạm y tế được chuyển cho địa phương quản lý. Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, lực lượng bác sỹ, y sỹ ở các bệnh viện của quân khu, bệnh xá bộ chỉ huy quân sự tỉnh hoặc bệnh xá Đoàn KTQP lên khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân; kết hợp bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng của trạm y tế xã.
 
Bố trí trạm y tế kết hợp quân - dân y gồm các phòng chức năng: 1 phòng giao ban, 1 phòng trực và khám bệnh, 2 buồng bệnh nhân (với 8 giường bệnh), 1 phòng phẫu thuật và 1 phòng sản.
 
Đoàn KTQP cùng với địa phương tiến hành xây dựng mới trạm y tế và giao cho địa phương quản lý hoặc nâng cấp trạm y tế hiện có của địa phương. Ngành quân y quân khu bổ sung một số trang thiết bị, dụng cụ y tế. Ngành y tế địa phương cung cấp thuốc chữa bệnh, bông băng. Các cơ quan chức năng của quân khu (hậu cần, chính trị…) bảo đảm vật chất, dụng cụ phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho tổ quân y làm nhiệm vụ ở trạm y tế kết hợp quân - dân y.
 
Nguồn vốn có thể từ dự án Khu KTQP và của ngành y tế địa phương chi cho xây dựng hạ tầng và cho mua sắm đồng bộ dụng cụ y tế; có đầy đủ thuốc chữa bệnh để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đội sản xuất của Đoàn KTQP trên địa bàn xã. 
 
b) Xây dựng các điểm kinh doanh dịch vụ 2 đầu của Đoàn KTQP
 
Xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các điểm kinh doanh, làm dịch vụ 2 đầu cho dân là một trong những cách thức biện pháp của Đoàn KTQP để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất trong Khu KTQP, tạo động lực kinh tế và trực tiếp giúp dân xóa đói giảm nghèo. Nội dung làm dịch vụ chủ yếu là kinh doanh vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng…; tiến tới làm dịch vụ tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản do nhân dân làm ra.
 
Mỗi Đoàn KTQP nghiên cứu thành lập 1 xí nghiệp sản xuất - xây dựng - dịch vụ với chức năng chính: xây dựng, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, vật tư và tiêu thụ sản phẩm của vùng dự án và các vùng lân cận; từng bước chuyển dần sang hạch toán kinh doanh. 
 
3. Xây dựng tiềm lực vật chất của Đoàn KTQP
 
a) Đẩy mạnh tăng gia sản xuất của bộ đội Đoàn KTQP, tạo mô hình sản xuất cho nhân dân địa phương
 
Tổ chức tăng gia sản xuất là truyền thống tốt đẹp của quân đội ta; nhất là trong điều kiện hết sức khó khăn của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây.
 
Trên thực tế, hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, nhiệm vụ rất nặng nề; nhưng các Đoàn KTQP đã tích cực tăng gia sản xuất để bảo đảm rau xanh, thức ăn tươi cải thiện bữa ăn của bộ đội và làm gương cho nhân dân trong địa bàn vốn chỉ quen với rau rừng, săn bắn. Trong điều kiện khó khăn như đất canh tác ít, độ dốc cao, bạc màu… nhưng cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KTQP đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường; chủ động khắc phục khó khăn; xây dựng mô hình vườn cây, chuồng nuôi hợp lý. Học tập mô hình tăng gia sản xuất của các Đoàn KTQP, nhân dân đã tích cực cải tạo vườn nhà, vườn đồi, chuồng nuôi gia súc, gia cầm… để trồng rau, chăn nuôi cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập cho gia đình; vừa tạo được nguồn dự trữ vật chất tại chỗ cho mỗi nhà nói riêng, vừa tạo được nguồn dự trữ vật chất cho toàn vùng nói chung. Đặc biệt, phong trào tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 338 đã trở thành một trong ba “điểm sáng” của Khu KTQP Mẫu Sơn - Quân khu 1.
Đoàn KTQP chỉ đạo các cơ quan và đơn vị trong toàn Đoàn tổ chức tốt việc chăm sóc và phát triển đàn gia súc, gia cầm, vườn rau, vườn chè xanh, vườn cây ăn quả. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thu hoạch sản phẩm đạt và vượt chỉ tiêu quy định. Tổ chức Hội nghị lao động sản xuất hàng năm để kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy nội lực, đột phá trong công tác tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội. Mỗi Trung đoàn (Nông lâm trường, Công ty) chỉ đạo xây dựng 1 Tiểu đoàn, 1 Đội sản xuất điểm về công tác tăng gia sản xuất.
 
 b) Đầu tư mở rộng các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung ở các nông, lâm trường và các đội sản xuất
 
Việc đầu tư mở rộng các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung làm nòng cốt hỗ trợ cho dân phát triển sản xuất kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những nội dung lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Đoàn KTQP. Sự phát triển của những khu sản xuất tập trung làm tăng khả năng dự trữ vật chất, nhất là các loại vật chất quân nhu cho các Đoàn KTQP.
 
Các khu sản xuất tập trung của Đoàn KTQP gồm các trạm sản xuất cây, con giống; các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; các vùng đầm, hồ nuôi trồng thủy sản; những nơi nhân dân không sản xuất được mà Đoàn KTQP có trách nhiệm tổ chức sản xuất để thu hút dân đến. Hiện nay, đã có một số khu sản xuất tập trung của các Đoàn KTQP mang lại hiệu quả thiết thực như: trại chăn nuôi bò của Đoàn KTQP 338 tại xã Bắc Xa - huyện Đình Lập với quy mô chăn nuôi từ 150 ÷ 200 con; trại chăn nuôi bò của Đoàn KTQP 327 chăn thả được hơn 250 con bò trên các đồng cỏ Cao Lan, Cao Ba Lanh, bãi Tục Lãm… tạo nên khả năng dự trữ vật chất hậu cần từ ngành chăn nuôi; đặc biệt, Lâm trường 27 thuộc Đoàn KTQP 327 đã cải tạo hàng nghìn hécta bãi bồi, sình lầy, nước đọng thành khu đầm nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
c) Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất chế biến hàng nông, lâm sản phù hợp với khả năng và thế mạnh của mỗi vùng, mỗi Đoàn KTQP
 
Thực tế cho thấy, đại bộ phận sản phẩm nông, lâm nghiệp của nông dân miền núi sản xuất ra đều dưới dạng nguyên liệu thô và sơ chế có chất lượng thấp, giá trị thương phẩm không cao; gây thiệt thòi cho người sản xuất, khó khăn trong vận chuyển, bảo quản. Nguyên nhân của tình trạng này là sản xuất mang tính thời vụ, thời gian thu hoạch ngắn, tư thương ép giá, chưa có các cơ sở chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị cho hàng nông, lâm sản… Do đó, xây dựng các cơ sở chế biến hàng nông lâm sản trở thành nhu cầu bức thiết. Hiện nay, trong một số Khu KTQP đã xây dựng xong và đi vào hoạt động các xưởng chế biến hàng nông sản như: xưởng chế biến dong riềng của Đoàn KTQP 338 - Quân khu 1, xưởng chế biến tinh bột sắn của Đoàn KTQP 4 - Quân khu 4, xưởng chế biến tinh dầu xả của Đoàn KTQP 5 - Quân khu 4. Sự ra đời của các xưởng sản xuất, chế biến vừa có tác dụng kích thích sản xuất phát triển, vừa làm ra một khối lượng sản phẩm đáng kể cung cấp cho bộ đội và nhân dân trong vùng.
 
Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất chế biến hàng nông, lâm sản theo hướng: Đoàn KTQP + doanh nghiệp + dân; Đoàn KTQP + nhà khoa học + doanh nghiệp + dân. Điều chỉnh cơ chế quản lý sản xuất theo hướng tạo quyền chủ động cao hơn nữa cho Đoàn KTQP. Bổ sung cán bộ, kết hợp với sử dụng có hiệu quả đội ngũ Trí thức trẻ tình nguyện để nâng cao hiệu quả sản xuất tại các Đoàn KTQP. 
 
⃰      ⃰
 
Là lực lượng nòng cốt, quyết định trong xây dựng, hoạt động của các Khu KTQP, các Đoàn KTQP chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình khi vững mạnh toàn diện. Đây là vấn đề cơ bản xuyên suốt, phải được tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất của cấp ủy, chỉ huy đơn vị; gắn chặt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; lấy xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh làm nòng cốt, xây dựng đội ngũ cán bộ làm trung tâm.

THIẾU TƯỚNG, TS. TRẦN ĐÌNH THĂNG - CỤC TRƯỞNG CỤC KINH TẾ/BQP