Xây dựng cơ chế bảo lãnh thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu rất cần thiết nhưng cần có lộ trình

10/04/2019, 11:26

Bảo lãnh thông quan (BLTQ) sẽ giảm chi phí hành chính 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%... Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng đề án kèm nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế BLTQ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Ảnh minh họa

Trong đó, cùng với việc tạo thuận lợi cho việc thông quan sớm hàng hóa thì kiểm soát các rủi ro cũng cần được tính toán kỹ lưỡng.
 
Giải phóng hàng hóa, khơi thông nền kinh tế
 
Đó là những thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo “BLTQ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Tổng cục Hải quan phối hợp với Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) tổ chức. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành: BLTQ là một hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quốc gia thực hiện việc BLTQ. Trong đó, tại Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, BLTQ được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại xuất nhập khẩu, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại, cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt tại kho ngoại quan, khu ngoại thương hay khu thương mại tự do và các cơ sở sản xuất, gia công. Ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh: Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới. Mục tiêu đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình ASEAN 3, trong đó thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Để đạt được mục tiêu trên, một trong những yêu cầu đặt ra là Việt Nam cần thực hiện quyết liệt cải cách, đổi mới áp dụng phương pháp quản lý phù hợp tạo thuận lợi thương mại, thông quan nhanh chóng. Trong đó, việc áp dụng cơ chế BLTQ của một số nước phát triển trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc… sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dần với nhóm các nước phát triển, hướng đến quốc gia có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong tốp 3 Đông Nam Á.
 

Hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: LA DUY
 
Ông Eric Miller, Tư vấn cao cấp của GATF nhận định: BLTQ sẽ là công cụ để cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, củng cố hoạt động thu thuế, tăng cường công tác chống gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan. Với cơ quan quản lý chuyên ngành, áp dụng cơ chế BLTQ giúp rút ngắn thủ tục hành chính, tiết kiệm nguồn nhân lực trong quản lý, giảm áp lực trong giải quyết các thủ tục hành chính trước thông quan mà không làm mất đi hay giảm chức năng quản lý chuyên ngành. Với DN, BLTQ giúp rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí, sớm đưa hàng vào sản xuất kinh doanh (SXKD), có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay; đồng thời góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của DN. Với tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tạo ra phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả SXKD, phạm vi hoạt động mở rộng hơn hiện nay ngoài lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, y tế, tài chính… góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN bảo hiểm.

Cần kiểm soát tốt các rủi ro
 
Để kiểm soát tốt các rủi ro trong quá trình BLTQ sớm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thì cần phải hiểu rõ bản chất của BLTQ. Theo đó, cam kết BLTQ là một hợp đồng ba bên trong đó bên được bảo lãnh là DN xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc người được ủy quyền xuất nhập khẩu hàng hóa cam kết với cơ quan hải quan (bên nhận bảo lãnh-bên thứ hai) về thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc về thủ tục hải quan theo quy định pháp luật để được thông quan, giải phóng hoặc đưa hàng về bảo quản. Bên thứ ba-bên bảo lãnh là các DN tổ chức tín dụng/công ty bảo hiểm đứng ra cam kết thực hiện các nghĩa vụ của chủ hàng hóa xuất nhập khẩu với cơ quan hải quan hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành nếu chủ hàng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thủ tục hải quan, về thuế hoặc chính sách quản lý chuyên ngành. Để các chứng từ thủ tục bảo lãnh được cơ quan hải quan chấp nhận, bên bảo lãnh (công ty bảo hiểm/tổ chức tín dụng) phải đáp ứng các điều kiện tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định theo quy định về bảo hiểm tài chính và được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính) cấp quyền phát hành chứng thư bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh (cơ quan hải quan).
 
Về vấn đề ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng... đại diện GATF chia sẻ, để có thể cung cấp BLTQ cho các DN thì họ phải xem xét doanh nghiệp nào có khả năng thực hiện thương mại hợp pháp hoặc có lịch sử tuân thủ tốt. Kinh nghiệm tại Hoa Kỳ, cơ quan hải quan và biên phòng sẽ yêu cầu bảo lãnh để bảo đảm nhà nhập khẩu hoặc bất kỳ bên liên quan nào trong lĩnh vực nhập khẩu sẽ tuân thủ mọi quy định của hải quan cũng như của cơ quan khác. Bảo lãnh phục vụ như một công cụ bảo vệ thực thi của các cơ quan chức năng, bảo đảm cả việc nộp thuế phí và tuân thủ với luật định liên quan. BLTQ sẽ bảo đảm cho tất cả nghĩa vụ của nhà nhập khẩu xuyên suốt toàn bộ quá trình nhập khẩu hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kiểm tra sau thông quan và các thanh kiểm tra khác để xác định tính chính xác của mã hồ sơ hay tính phù hợp của giấy chứng nhận xuất xứ-là những yếu tố có thể dẫn đến mức thuế tăng thêm. Ngay cả trong trường hợp, nếu nhà nhập khẩu biến mất hoặc mất khả năng thanh toán, công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán theo bảo lãnh.
 

Hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh: TTXVN
 
Theo ông Mai Xuân Thành, BLTQ là mô hình quản lý hoàn toàn mới, để thực hiện cần có một quá trình chuẩn bị cho các bên tham gia. Việc thực hiện cơ chế BLTQ có thể làm phát sinh các quy định về điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được tham gia hoạt động BLTQ và phát sinh một số chứng từ trong quá trình giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan. Đối với chủ hàng có thể phát sinh một số chi phí liên quan đến việc thực hiện hợp đồng BLTQ với tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Để có quá trình làm quen, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các bộ, ngành, việc triển khai cơ chế BLTQ dự kiến chia thành 3 giai đoạn, gồm: Thí điểm (dự kiến hai năm 2021-2022), mở rộng (hai năm 2022-2023) và chính thức (dự kiến từ năm 2024).
 
Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ phải rà soát, sửa đổi một số văn bản luật để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện, như: Sửa đổi bổ sung Luật Hải quan theo hướng cho phép áp dụng bảo lãnh để cho phép DN đưa hàng về bảo quản để chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc chờ cơ quan quản lý cấp giấy phép nhập khẩu; ngoài các tổ chức tín dụng, cho phép các tổ chức bảo hiểm tham gia việc bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp để làm cơ sở cho cơ quan hải quan thực hiện thông quan, giải phóng hàng. Đối với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng cần bổ sung các điều kiện để hàng hóa thuộc các đối tượng không chịu thuế, miễn thuế (hàng hóa quá cảnh, gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, hàng hóa tạm nhập tái xuất…) cũng phải có bảo lãnh.

HOÀNG TRƯỜNG GIANG