Xúc tiến thương mại số thích ứng linh hoạt với tình hình mới

25/06/2022, 14:32

Xúc tiến thương mại số đang không ngừng được đẩy mạnh và đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xúc tiến xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú-Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì hội nghị trực tuyến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hoạt động xúc tiến thương mại số đang không ngừng được đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xúc tiến xuất khẩu. Cục Xúc tiến thương mại luôn tích cực, nhanh chóng và sáng tạo nhằm ứng dụng thực hiện các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và Hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam.
 
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Alibaba.com phối hợp tổ chức sáng 22/6, tại Hà Nội.
 
Theo ông Vũ Bá Phú, bước sang năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu đang từng bước tăng tốc, kinh tế và thương mại của Việt Nam đã có những bước khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, nhờ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023 và kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
 
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung.
 
Thế nhưng, hiện nay hầu hết còn rất nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống của Việt Nam vẫn được xúc tiến tiêu thụ ở dạng thô với giá còn thấp hơn các nước khác do nhiều nguyên nhân như thiếu thông tin thị trường, các hình thức xúc tiến thương mại còn hạn chế.
 
Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và đa dạng các kênh phát triển thị trường trong bối cảnh kinh tế hiện nay đang là ưu tiên hàng đầu đặt ra với các doanh nghiệp.
 
Chính vì vậy, hội nghị lần này tập trung vào nội dung hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước lập kế hoạch, thực hiện được kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên cơ sở các nguồn lực hiện có, thay đổi nhận thức và tư duy về việc tận dụng các công cụ số.
 
Đặc biệt, Cục Xúc tiến thương mại chính thức khởi động Chương trình hỗ trợ cho 10.000 doanh nghiệp về gói chuyển đổi số trọn gói cho doanh nghiệp. Với chương trình này, các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn và tư vấn thực địa cài đặt các nền tảng tiêu chuẩn, ứng dụng ngay được trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ được phân chia theo các đối tượng như sản xuất, thương mại, xuất khẩu… để được tư vấn hiệu quả.
 
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, trong khuôn khổ hợp tác với Alibaba.com, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Alibaba.com thiết kế, xây dựng và triển khai “Gian hàng quốc gia Việt Nam - VIETNAM PAVILION”. Đây là hoạt động tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trên môi trường số hiệu quả, thúc đẩy quảng bá hình ảnh và thương hiệu sản phẩm Việt.
 
Không những thế, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với sàn thương mại điện tử Aliababa.com thực hiện các chương trình hỗ trợ cho hơn 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp trang bị thêm những công cụ và xây dựng năng lực, thích ứng với tiến trình phát triển chung, sẵn sàng vượt qua các thách thức.
 
Ngoài ra, hai bên có kế hoạch triển khai các khoá huấn luyện cho các hợp tác xã doanh nghiệp, hộ kinh tế tại các thành trong cả nước nhằm nâng cao tư duy thương mại điện tử B2B của các doanh nghiệp, trực tiếp bán hàng (livestream), đồng tổ chức các sự kiện đào tạo để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực có năng lực trong nghiệp vụ thương mại điện tử.
 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
 
Ông Bùi Cao Học – Giám đốc điều hành Công ty OnlineCRM nhấn mạnh: Trong vai trò của một đơn vị tư vấn và triển khai các giải pháp công nghệ, OnlineCRM đã phối hợp và đồng hành cùng với Cục Xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả.
 
Cụ thể như việc làm rõ sự cần thiết và vai trò của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp; tư vấn cho các chủ doanh nghiệp về các giải pháp công nghệ mà doanh nghiệp cần dựa trên thực trạng và nguồn lực từng doanh nghiệp; cung cấp đội ngũ nhân sự để tư vấn, triển khai các giải pháp số cho doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án cùng doanh nghiệp nhằm bảo đảm hiệu quả cuối cùng cho dự án.
 
Để đạt được mục tiêu hỗ trợ 10 nghìn doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả từ 2022-2025, OnlineCRM rất cần sự chung tay của tất cả, từ cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề cho tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cùng phối hợp và hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ.
 
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Tịch - Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ thêm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại thời điểm hiện tại là lựa chọn tối ưu cho mỗi doanh nghiệp nhằm thích nghi với bối cảnh thương mại mới.
 
Thời gian qua chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại xuất khẩu diễn ra hiệu quả và các doanhnghiệp đã quan tâm và đầu tư cho phương tiện và mô hình chuyển đổi số, các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo môi trường pháp lý thông thoáng.
Đặc biệt, Cục Xúc tiến thương mại đã chú trọng đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho doanh nghiệpvà cải cách thủ tục hành chính, thuế nhập khẩu… tạo tiền đề cho xúc tiến thương mại xuất khẩu trên môi trường số ngày càng hiệu quả.
Cùng với đó, doanh nghiệp nên chuyển đổi số các hoạt động xuất khẩu gắn với từng thị trường cụ thể và thị trường truyền thống... tham gia tích cực các sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng về công nghệ thông tin, nhân sự sale, marketing, giỏi ngoại ngữ để đáp ứng công việc thương mại điện tử xuyên biên giới.
 
Bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc Điều hành DSW chia sẻ, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng DSW đã tìm kiếm được cơ hội và thị trường tiềm năng dựa vào sáng kiến ‘kinh doanh xuyên biên giới’ của Alibaba.
 
Nhờ sự quan tâm, chăm sóc, nắm bắt nhu cầu thị trường, và quan trọng là khi vận hành gian hàng, Alibaba.com luôn thay đổi tư duy marketing cho sản phẩm, đặc biệt kênh tìm kiếm khách hàng của Alibaba.com không hạn chế một thị trường hay một quốc gia nào nên chỉ sau một năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch.
 
Theo ông Chu Trường Ân – Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh đánh giá cao các nội dung của hội nghị bởi giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn phương thức xúc tiến thương mại ứng dụng các công cụ số, tiếp cận sàn thương mại quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là thông tin về các hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty cũng mong chờ về tính hiệu quả trên thực tế, những tư vấn, hướng dẫn dài hơi cho doanh nghiệp để quá trình tham gia và ứng dụng được thành công.

UYÊN HƯƠNG/BNEWS/TTXVN