Bàn về mô hình đầu tư ngân sách nhà nước cho công nghiệp quốc phòng

31/03/2024, 12:56

Đối với mọi quốc gia, quốc phòng phải do nhà nước điều hành và chi phí cho quốc phòng phải được lấy từ ngân sách nhà nước. Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho công nghiệp quốc phòng theo mô hình nào để có hiệu quả cao là việc cần thiết phải tìm hiểu để vận dụng phù hợp.
 

Đối với bất kỳ một quốc gia nào, việc trang bị vũ khí, khí tài tốt nhất ngày càng có vai trò quan trọng để tạo ra sức mạnh và tiềm lực quân sự, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng và tình hình thế giới bất ổn như ngày nay. Nhà nước cần có sự lựa chọn tối ưu đầu tư vào các công xưởng, nhà máy để sản xuất ra vũ khí, khí tài đáp ứng yêu cầu của quân đội hoặc nhà nước mua vũ khí từ các quốc gia khác. Trong nền kinh tế thị trường, nếu nhà nước có đủ tiềm lực tài chính thì có thể mua được bất cứ loại hàng hóa nào đang có trên thị trường mà mình muốn. Nhưng với thị trường vũ khí thì không như vậy. Đối với hàng hóa quân sự, thường xuất hiện thị trường độc quyền bán với vũ khí tối tân, hiện đại. Vũ khí càng tối tân thì càng có tính độc quyền cao. Nó bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị do các nước ký kết hiệp định, hiệp ước cấm vận mua bán vũ khí với một quốc gia nào đó thì nhà nước ấy dù có đủ điều kiện kinh phí cũng không mua được vũ khí mà mình muốn. Các nước còn có đạo luật cấm chuyển giao những loại vũ khí và công nghệ sản xuất vũ khí thế hệ mới. Vì vậy, có nhiều tiền cũng khó nhập khẩu được vũ khí tối tân, hiện đại và công nghệ sản xuất vũ khí ấy. Thế nhưng, lịch sử chiến tranh thế giới cho thấy, cùng với nhân tố con người, vấn đề có ý nghĩa quyết định chiến thắng trên chiến trường là do sự độc đáo, ưu việt của một loại vũ khí nào đó. Cho nên, nhà nước đầu tư cho công nghiệp quốc phòng là hết sức cần thiết, nhằm nghiên cứu công nghệ vũ khí mới, công nghệ cải tiến, bảo dưỡng vũ khí đang có để đáp ứng nhu cầu cấp bách của quân đội.
 
Có nhiều quan niệm về công nghiệp quốc phòng, nhưng theo Điều 3, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng Việt Nam năm 2002 thì công nghiệp quốc phòng là một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh; là bộ phận của công nghiệp quốc gia để: (i) Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng; (ii) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước đầu tư ngân sách cho công nghiệp quốc phòng thông qua các chương trình, dự án nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng quốc gia. Lịch sử phát triển công nghiệp quốc phòng trên thế giới có nhiều mô hình nhà nước đầu tư ngân sách cho phát triển lĩnh vực này; qua nghiên cứu có thể khái quát một số mô hình sau:
 
Mô hình 1: “Nhà nước cung ứng tài chính và tự tổ chức sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng”. Đây là mô hình đầu tư truyền thống trong nền kinh tế vận hành có sự can thiệp sâu của nhà nước vào sản xuất công nghiệp quốc phòng. Không phải mọi doanh nhiệp nhà nước đều đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, mà chỉ doanh nghiệp nào được nhà nước chỉ định mới được tham gia sản xuất hàng hóa cung cấp cho quân đội; các doanh nghiệp tư nhân không được tham gia lĩnh vực này. Đặc trưng cơ bản của mô hình này là nhà nước “tự cung, tự cấp” lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; được xây dựng trên quan điểm, đường lối quân sự đặc thù của quốc gia, nên công nghiệp quốc phòng được coi là lĩnh vực đặc thù, liên quan đến an ninh, quốc phòng quốc gia. Một số nước theo thể chế và cơ chế quản lý tập trung quyền lực nhà nước hoặc do năng lực quản lý nhà nước và trình độ, ý thức người dân còn thấp, dễ gây bất ổn an ninh, quốc phòng thì không cho phép khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Nhà nước với tư cách là một tổ chức đặc biệt của quyền lực công phải đứng ra cáng đáng, thực hiện vai trò, sứ mệnh để xã hội phát triển an toàn, bình thường, tích cực, lành mạnh bằng cách thực hiện cung ứng hàng hóa thay thế các doanh nghiệp thuần túy khác.
 
Mô hình này được áp dụng điển hình tại Triều Tiên, Trung Quốc (giai đoạn tự lực, tự cường 1961 - 1976) có ưu điểm và hạn chế nhất định. Về ưu điểm: (i) Tập trung được ngân sách nhà nước vào đầu tư cho công nghiệp quốc phòng; (ii) Có tính chủ động cao vì xây dựng được một hệ thống cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước và thực hiện bất kỳ quyết định nào của lãnh đạo nhà nước đã đề ra; (iii) Đảm bảo tính bí mật và bảo mật đối với đầu tư cho công nghiệp quốc phòng; (iv) Quản lý được nguồn vũ khí sản xuất trong nước và phù hợp với các quốc gia đang bị cấm vận về mua bán vũ khí. Về hạn chế: (i) Không tận dụng được tính ưu việt của cơ chế thị trường trong quản lý và kiểm soát tối ưu đầu tư cho công nghiệp quốc phòng; (ii) Thiếu sự cạnh tranh giữa các cơ sở sản xuất, đặc biệt là khu vực tư nhân nên ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu suất của đầu tư; (iii) Nhà nước không tiết kiệm được các khoản chi phí thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp nhà nước cho công nghiệp quốc phòng; (iv) Không tận dụng được các nguồn lực về tài chính, chất xám và công nghệ từ khu vực dân sự vào công nghiệp quốc phòng; (v) Tính minh bạch trong đầu tư ngân sách nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng ở mức thấp, do thông tin liên quan toàn bộ quy trình đầu tư đều trong sự quản lý của nhà nước; (vi) Khó khăn trong kiểm soát tham nhũng khi thực hiện đầu tư.
 
Mô hình 2: “Nhà nước cung ứng tài chính và khu vực tư nhân tổ chức cung ứng hàng hóa theo đơn đặt hàng của nhà nước cho công nghiệp quốc phòng”. Mô hình này về cơ bản đối lập với mô hình 1; được áp dụng phổ biến ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển và có lịch sử lâu dài của các doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất vũ khí. Mục đích của nó là công nghiệp quốc phòng của quốc gia không chỉ đáp ứng cho quân đội trong nước mà chủ yếu là để xuất khẩu. Trong mô hình này, nhà nước chỉ chi ngân sách để đặt hàng các doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu, sản xuất và đáp ứng yêu cầu của nhà nước đề ra. Thông thường, việc đặt hàng thông qua cơ chế đấu thầu hoặc chỉ định thầu đối với tất cả các cơ sở sản xuất tư nhân. Nhà nước cho phép và khuyến khích thành phần tư nhân tham gia phát triển công nghiệp quốc phòng, chỉ nắm quyền sở hữu và kiểm soát rất ít doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này. Đây là hình thức được nhiều người gọi là mô hình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân trong phát triển công nghiệp quốc phòng, thông qua các hợp đồng giữa nhà nước với các tổ chức tư nhân trong việc cung ứng hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng do nhà nước quản lý. Toàn bộ kinh phí phục vụ cho cung ứng đều được nhà nước chi trả. Điều khác biệt với mô hình 1 là chủ thể trực tiếp tổ chức cung ứng cho xã hội không phải là doanh nghiệp nhà nước mà là doanh nghiệp tư nhân. Chi phí của nhà nước vừa đảm bảo cho việc hoàn thành sản phẩm cho công nghiệp quốc phòng, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp có lãi để bù đắp và phát triển hoạt động cung ứng. Hình thức này đặc biệt phát triển, phù hợp với các quốc gia có chủ trương phân định rõ ràng về chức năng của nhà nước và chức năng của xã hội trong cung ứng hàng hóa thuộc công nghiệp quốc phòng, như: Mỹ, Đức, Anh. Nhà nước không ôm đồm, đặc biệt trong xã hội đã có những doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thiết kế, sản xuất đảm bảo tiến độ và chất lượng loại vũ khí theo yêu cầu của nhà nước. Đây là loại mô hình kết hợp giữa vai trò của nhà nước với sự vận hành của cơ chế thị trường trong điều tiết nền kinh tế - xã hội để tối ưu hiệu quả đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân phải có tiềm lực về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong cung cấp hàng hóa cho công nghiệp quốc phòng.
 
Ưu điểm của mô hình này là: (i) Tận dụng được tối đa ưu việt của cơ chế thị trường vào quản lý và kiểm soát đầu tư cho công nghiệp quốc phòng; (ii) Đảm bảo luôn có sự cạnh tranh giữa các cơ sở sản xuất thuộc khu vực tư nhân vào đấu thầu và thực hiện các đơn đặt hàng của nhà nước nên có khả năng đạt hiệu quả, hiệu suất đầu tư cao; (iii) Nhà nước tiết kiệm được các khoản chi phí thường xuyên vì không phải duy trì hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; (iv) Tận dụng tốt các nguồn lực về tài chính, chất xám và công nghệ từ khu vực dân sự vào phát triển công nghiệp quốc phòng; (v) Tính minh bạch trong đầu tư ngân sách nhà nước cho công nghiệp quốc phòng ở mức cao do thông tin liên quan được thể hiện qua các đơn đặt hàng hoặc các gói thầu được thực hiện bởi khu vực tư nhân; (vi) Kiểm soát tốt hơn đối với hiện tượng tham nhũng thông qua thực hiện đầu tư.
 
Hạn chế của mô hình này là: (i) Nhà nước thiếu tính chủ động, ít nhiều bị phụ thuộc vào khu vực tư nhân trong sản xuất hàng hóa thuộc công nghiệp quốc phòng; (ii) Khó đảm bảo tính bí mật và bảo mật đối với đầu tư trong công nghiệp quốc phòng; (iii) Khó khăn trong quản lý nguồn vũ khí sản xuất trong nước và đôi khi bị lạm dụng, gây mất an toàn và an ninh cho người dân nếu vũ khí bị rơi vào tay tội phạm.
 
Mô hình 3: “Nhà nước cung ứng tài chính và cùng khu vực tư nhân sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng”. Mô hình này là sự kết hợp giữa mô hình 1 và 2. Theo đó, cả nhà nước và tư nhân đều có thể tham gia sản xuất hoặc liên kết, hợp tác sản xuất, cung ứng hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng theo chương trình, kế hoạch của nhà nước. Cùng với sự khuyến khích khu vực tư đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, nhà nước cũng muốn sở hữu một số doanh nghiệp được xem là nòng cốt và là một công cụ quan trọng điều tiết trực tiếp việc sản xuất, cung ứng một số hàng hóa quan trọng, có tính phức tạp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng mà nhà nước thấy cần thiết. Đây là hình thức cung ứng hàng hóa cho công nghiệp quốc phòng dựa trên nguyên tắc tương hợp, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, kể cả khu vực nhà nước và tư nhân. Trong mối quan hệ này, nhà nước đóng vai trò là một nhà đầu tư, thành viên hay cổ đông công ty. Các thành viên (cổ đông) này cùng góp vốn, cùng hưởng lợi và chịu trách nhiệm về liên doanh hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia để cung ứng hàng hóa cho công nghiệp quốc phòng. Các hình thức hợp tác, liên kết nghiên cứu, chế tạo và sản xuất vũ khí, khí tài giữa nhà nước với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, qua đó tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa định hướng chiến lược mang tính ưu tiên của đầu tư công, sản xuất hàng hóa công với sự tận dụng tối ưu tác động tích cực của cơ chế thị trường để kiểm soát chi phí, giá cả và hiệu quả tài chính của các khoản đầu tư vào các dự án thuộc công nghiệp quốc phòng. Hình thức này được thực hiện rộng rãi, khá thành công trong chế tạo những vũ khí ứng dụng thành tựu công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện theo mô hình này đòi hỏi phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với đầu tư ngân sách cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
 
Ưu điểm của mô hình này là: (i) Tận dụng tối đa ưu việt của cơ chế thị trường vào quản lý, kiểm soát đầu tư cho công nghiệp quốc phòng; (ii) Đảm bảo luôn có sự cạnh tranh giữa các cơ sở sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế nên có khả năng đạt hiệu quả, hiệu suất của đầu tư cao; (iii) Tận dụng tốt các nguồn lực về tài chính, chất xám và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế vào phát triển công nghiệp quốc phòng; (iv) Tính minh bạch trong đầu tư ngân sách nhà nước cho công nghiệp quốc phòng được đảm bảo; (v) Kiểm soát được các hiện tượng tham nhũng, thông qua thực hiện đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
 
Hạn chế của mô hình này là: (i) Tính bí mật và bảo mật đối với đầu tư trong công nghiệp quốc phòng khó được đảm bảo tuyệt đối; (ii) Gặp khó khăn trong quản lý nguồn vũ khí sản xuất trong nước và có thể gây mất an toàn và an ninh cho người dân, vì có doanh nghiệp tư nhân tham gia.
 
Qua nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình trên thấy rằng, để đầu tư ngân sách nhà nước trong phát triển công nghiệp quốc phòng có hiệu quả, không nên tuyệt đối hóa mô hình nào, vì mỗi mô hình đều có ưu điểm, hạn chế nhất định. Căn cứ vào chiến lược công nghiệp quốc phòng của từng quốc gia trong từng giai đoạn khác nhau để nhà nước xây dựng chiến lược, kế hoạch, pháp luật, cơ chế, chính sách, cũng như quyết định mô hình đầu tư cho công nghiệp quốc phòng đúng, phù hợp khách quan, mềm dẻo và đạt hiệu quả cao.
 

THS. PHAN THỊ HOÀI VÂN, TỔNG CỤC CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG/Tạp chí QPTD