Bảo đảm hậu cần - kỹ thuật Chiến dịch Tây Bắc (1952)

28/06/2022, 13:19

Sau các chiến dịch Trung Du, Đường số 18, Hà Nam Ninh, Tổng Quân ủy nhận thấy mở các chiến dịch tiến công trên hướng trung du và đồng bằng là không phù hợp, vì địch phát huy được thế mạnh về hỏa lực, cơ động và tương quan lực lượng bất lợi cho ta. Vì vậy, sau chiến dịch Hòa Bình, Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch tiến công địch trên chiến trường Tây Bắc, nơi địch có nhiều sơ hở, lực lượng mỏng (8 tiểu đoàn và 41 đại đội, đóng ở 144 cứ điểm, trong đó 40 cứ điểm có 1 đến 2 đại đội), ta phát huy được cách đánh sở trường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng vùng tự do, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo điều kiện cho mặt trận Thượng Lào đẩy mạnh hoạt động... 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Tây Bắc địa hình rừng núi hiểm trở, thưa dân, kinh tế nghèo nàn, cách xa hậu phương, giao thông vận tải rất khó khăn; nguồn lực hậu cần tại chỗ rất hạn chế... chủ yếu phải vận chuyển từ Việt Bắc sang và từ Liên khu 3, Liên khu 4 lên. Nhận rõ khó khăn to lớn đó, từ tháng 5/l952, Tổng cục Cung cấp đã chủ động chuẩn bị chiến trường và phân công các Đảng ủy viên, chỉ huy Tổng cục trực tiếp chỉ đạo trên hướng Tây Bắc, Việt Bắc, các Liên khu 3 và 4 để chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Tháng 7/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Cán sự Đường 41 (gồm các đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp và 2 Khu ủy viên Liên khu 3 và 4) để chỉ đạo công tác mở đường, chuẩn bị vũ khí đạn, phương tiện, vật chất, sẵn sàng chi viện cho hướng Mộc Châu - Sơn La và hướng phối hợp Liên khu 3.
 
Liên khu Việt Bắc khẩn trương mở đường chạy dọc theo bờ tả ngạn sông Hồng từ Phú Thọ đến Yên Bái và đẩy nhanh tu sửa tuyến đường sắt Yên Bái - Mậu A để có thể chạy tàu thường xuyên. Liên khu 3 sửa đường từ Ghềnh, Nho Quan đi Hòa Bình; Đường 41 từ Hòa Bình qua Chợ Bờ đến Suốt Rút. Liên khu 4 sửa đường từ Thanh Hóa lên Ngọc Lạc, Hồi Xuân, Bãi Sang. 03 tháng hè năm 1952, Liên khu 3 và 4 sửa được 170 km đường ô tô, 150 km đường vận tải bộ. 
 

Bộ đội ta tiến quân vào chiến trường Tây Bắc năm 1952.
 
Lực lượng tham gia chiến dịch Tây Bắc gồm Đại đoàn 308, 312, 316 (thiếu), Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội sơn pháo 75 ly, 3 đại đội súng cối 120 ly, 1 trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương, do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; tổng quân số hơn 35.000 người, thời gian dự kiến 4 tháng, chia thành 3 đợt. Đợt 1, ta tập trung diệt địch giải phóng Nghĩa Lộ và Phù Yên; đợt 2, phát triển tiến công, quét sạch địch tới bờ sông Đà, tiến lên Sơn La; đợt 3, tiến công địch ở Nà Sản. 
 
Nhu cầu vũ khí đạn, dược của chiến dịch dự kiến 127 tấn, Tổng cục Cung cấp sẽ chuẩn bị và đưa 81 tấn qua hữu ngạn sông Hồng để vận chuyển lên các kho trung tuyến. Số còn lại để ở kho Hào Gia và Mậu A (bên tả ngạn sông Hồng), chờ khi bộ đội vượt sông, dân công sẽ chuyển tiếp để bảo đảm cho hướng Nghĩa Lộ. Cục Quân khí còn bố trí 1 kho nhỏ ở Thạch Kiệt phục vụ cho hướng Gia Phù và chuẩn bị sẵn số vũ khí dự trữ ở Đoan Hùng để bổ sung cho tác chiến khi cần. Do đường vận chuyển rất khó khăn nên hậu cần chiến dịch đề xuất dự kiến sử dụng vũ khí đạn dược chiến lợi phẩm (của các chiến dịch trước) cho tác chiến.
 
Đến tháng 8/1952, vũ khí đạn chuẩn bị cho chiến dịch đã bảo đảm đủ và tập kết ở Mậu A 28 tấn, kho Yên Bái 58 tấn, Thu Cúc 41 tấn. Số vũ khí đạn dự trữ cũng được chuyển về kho Đoan Hùng và Sơn Dương. Các đơn vị tham gia chiến dịch được cấp đủ vũ khí đạn trước khi hành quân vào tập kết. Tuy nhiên, việc nắm thực lực không chắc nên phải cấp đổi và bổ sung nhiều lần rất vất vả.
 

Bộ đội xung kích đột phá tiêu diệt đồn Pú Chạng trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

 
Từ ngày 04 đến 06/9/1952 Bộ Tổng Tham mưu tổ chức quán triệt mục đích, yêu cầu, kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia chiến dịch. Phương châm tác chiến của chiến dịch là: đánh liên tục, dài ngày, từng bước vững chắc, nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng, bao vây chặt, truy kích đến cùng, diệt gọn. 
 
Đêm ngày 10 và 11/10/1952, các đơn vị vượt sông Hồng, bí mật tiến quân vào Tây Bắc. Trong 3 đêm tiếp theo, hậu cần chiến dịch đã huy rộng 2 phà và 432 chiếc thuyền, trong đó có 415 thuyền nan trọng tải 400 - 500 kg để chuyển hơn 1.000 tấn gạo, đạn và thực phẩm vượt sông Hồng ở các bến Mậu A, Cổ Phúc, Âu Lâu phục vụ chiến dịch. 
 
Đêm 14/10/1952, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, tiêu diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm (Ca Vịnh, Sài Lương, Pú Chạng, Nghĩa Lộ phố...). Chiến dịch phát triển nhanh, nhu cầu vận chuyển bổ sung vũ khí đạn, vật chất hậu cần càng khẩn trương. Đường vận chuyển chủ yếu theo Đường 13, nhưng lúc đó trời mưa tầm tã, đường trơn lầy, sụt lở, Bộ Tư lệnh chiến dịch phải tổ chức Ban Sửa chữa Đường 13 (gồm cán bộ Sở Giao thông công chính Yên Bái, chỉ huy Trung đoàn 151); sử dụng 6 đại đội công binh của Trung đoàn 151, hơn 4.000 dân công, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 đại đội 12,7 mm làm việc liên tục ngày đêm, đảm bảo thông suốt tuyến đường; nên đã vận chuyển bổ sung kịp thời vũ khí đạn cho các đơn vị tác chiến.
 
Nhằm cứu vãn tình hình, địch đổ quân tăng viện cho Tây Bắc, nhưng đã muộn. Bị ta tiến công liên tục, địch hoang mang, tan rã rút về co cụm ở hữu ngạn sông Đà. Ta đập tan toàn bộ phòng tuyến vòng ngoài của địch, từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai và kết thúc đợt 1 chiến dịch ngày 23/10/1952.
 

Đồn Sơn Bục ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị quân ta tiêu diệt trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952

 
Rút kinh nghiệm “Hận Khâu Vác - không bám sát thực tiễn, tổ chức các cung vận tải không hợp lý, vận chuyển được 30% nhu cầu”, chuẩn bị cho đợt 2, Bộ chỉ huy chiến dịch yêu cầu các đơn vị tổ chức lực lượng tham gia sửa đường, vận chuyển gạo, đạn, chuyển thương binh về tuyến sau... Liên khu Việt Bắc huy động gấp thêm 12.000 dân công, Liên khu 4 huy động 11.000 dân công phục vụ chiến dịch. Các tuyến vận tải được mở rộng, các trạm bố trí cung độ hợp lý, đời sống dân công được quan tâm hơn nên đã hoàn thành vận chuyển vũ khí đạn, vật chất, lương thực... từ Phú Thọ và Yên Bái sang hữu ngạn sông Hồng theo yêu cầu tác chiến. 
 
Giữa lúc ta khẩn trương chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch, địch vội vã tăng quân và ngày 05/11/1952 chúng mở cuộc hành quân “Loren” đánh lên Phú Thọ, nhằm kéo chủ lực ta về đối phó. Do đã dự kiến trước tình huống này, ta điều Trung đoàn 36/Đại đoàn 308 về Phú Thọ, cùng Trung đoàn 246/Liên khu Việt Bắc và Trung đoàn 176/Đại đoàn 316 đánh địch. Tổng cục Cung cấp giao cho các cơ sở hậu cần ở Phú Thọ, Yên Bái sơ tán kho tàng gấp, tổ chức gài mìn, đánh du kích để bảo vệ kho, xưởng; sử dụng lực lượng tại chỗ, vừa phục vụ bộ đội chiến đấu, vừa tiếp tục chuẩn bị cho đợt 2. Riêng Kho quân khí d5 ở Đoan Hùng không sơ tán kịp bị địch phá hủy, mất trên 100 tấn vũ khí đạn dược. Bị ta chặn đánh quyết liệt, ngày 14/11/1952 địch phải rút lui. Ta tiêu diệt 2.000 tên, phá hủy trên 100 xe các loại của địch. 
 
Trong đợt 2 (07 - 22/11/1952), bộ đội ta vượt sông Đà tiêu diệt các mục tiêu bên bờ hữu ngạn, phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở Mộc Châu; truy kích diệt địch trên Đường 41. Hướng vu hồi, ta đánh vào nam Lai Châu và bắc Sơn La, giải phóng Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, Thuận Châu, Sơn La (trừ Nà Sản). Trong đợt 2, ta tiêu diệt hơn 3.000 tên địch. Ban Cán sự Đường 41 đã tổ chức dân công gánh gạo, đạn bám sát bộ đội, bảo đảm cho các đơn vị truy kích địch trên Đường 41. Đồng thời, gấp rút sửa đường từ Xồm Lồm lên Mộc Châu, Cò Nòi để bảo đảm cho tác chiến phát triển và chuẩn bị cho đợt sau. Ngày 22/11/1952, địch bỏ các vị trí trên Đường 41 từ bắc Sơn La, về tập trung quân xây dựng Nà Sản thành tập đoàn cứ điểm để ngăn chặn ta tiến công. 
 

Bộ đội ta truy kích quân Pháp trên Đường 41 trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Đợt 3, ta chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Nà Sản của địch với phương châm: Đánh chỗ yếu trước, chỗ mạnh sau, bao vây toàn diện, công kích có trọng điểm, đánh ngoại vi trước, tranh thủ mở một mặt trước rồi đánh vào tung thâm, chuẩn bị hết sức đầy đủ, chiến đấu liên tục. Ngày 30/11/1952, đợt 3 bắt đầu, ta tiến công Nà Sản, tiêu diệt các cứ điểm Pú Hồng, Bản Hời, sau đó tiếp tục tiến công Nà Xi, Bản Vây, địch chống trả quyết liệt nên không thành công. Nhận thấy việc nắm địch chưa chắc, ta chưa đủ khả năng tiêu diệt Nà Sản và cần có thời gian chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu cách đánh hiệu quả tập đoàn cứ điểm phòng ngự của địch và huấn luyện bộ đội... nên Bộ Tư lệnh chiến dịch đã quyết định kết thúc chiến dịch ngày 10/12/1952. 
 
Sau 58 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt hơn 6.000 tên địch, thu gần 4.000 súng bộ binh các loại, 65 khẩu cối (60 và 81 mm), 11 khẩu pháo 105 mm, hơn 100 tấn đạn các loại, 98 máy vô tuyến điện, 7 xe jeep, bắn rơi 6 máy bay của địch... giải phóng vùng đất rộng 30.000 km2 với 250.000 dân, mở rộng căn cứ kháng chiến, mở đường sang Thượng Lào, phá thế uy hiếp của địch đối với căn cứ địa Việt Bắc ở phía tây. Hậu cần chiến dịch đã bảo đảm hơn 9.000 tấn vật chất, trong đó có 127 tấn vũ khí đạn dược, cứu chữa 2.535 thương binh... góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. Tổng Quân ủy đánh giá: “Thắng lợi của chiến dịch đặt nền tảng cho một căn cứ địa mới - căn cứ địa Tây Bắc. Rồi đây, dù tình hình trở nên khó khăn hay thuận lợi, căn cứ địa Việt Bắc và căn cứ địa Tây Bắc sẽ là một bảo đảm cho cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta và sẽ có ảnh hưởng đối với cách mạng Lào”.
 
Chiến dịch Tây Bắc là chiến dịch lớn, dài ngày, ở địa bàn rừng núi, hệ thống đường sá rất khó khăn, xa hậu phương, cơ sở hậu cần và tiềm lực tại chỗ rất nghèo nàn, địch lại đánh phá rất ác liệt... Thành công của công tác hậu cần - kỹ thuật chiến dịch này để lại nhiều bài học sâu sắc, quý giá, trong đó có bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương; về tổ chức bảo đảm với sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa hậu cần - kỹ thuật các cấp; tổ chức chỉ huy chặt chẽ và luôn bám sát thực tiễn chiến đấu để tổ chức bảo đảm. 
 
70 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển sáng tạo trong xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần - kỹ thuật hiện nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb QĐND, Hà Nội, 1995.
2. Hậu cần chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, Nxb QĐND, Hà Nội, 2001.
3. Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang