Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa bàn và đối tượng thụ hưởng.
Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 giúp nhân dân xã Lâm Đớt, huyện A Lưới làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: HOÀNG TRUNG
Đứng chân làm nhiệm vụ xây dựng Khu Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) A So-A Lưới trên địa bàn 4 xã: A Roàng, Lâm Đớt, Hương Phong, Đông Sơn của huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719), cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 92 (Quân khu 4) đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm nâng cao đời sống người dân.
Có dịp trở lại thăm các xã thuộc Khu KT-QP A So-A Lưới, điều khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng đó là vùng đất này đã “thay da đổi thịt” với những công trình dân sinh, trường học, trạm y tế, nhà cửa khang trang; hệ thống giao thông được bê tông hóa tạo thuận lợi cho đồng bào đi lại...
Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua Chương trình 1719 và sự chung tay của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, đặc biệt là cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92.
Đến nay, 4 xã vùng dự án cơ bản đã không còn nhà tạm; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới, nước sạch; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, các cháu học sinh trong độ tuổi đều được đến trường; hệ thống đường liên thôn, liên xã, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được nâng cấp, cải tạo và xây dựng cơ bản; đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, 4 xã thuộc Khu KT-QP A So-A Lưới đều là các xã biên giới đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô sinh sống; kinh tế chậm phát triển, nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều khu vực bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin còn sót lại sau chiến tranh...
Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và nhận rõ những thuận lợi, khó khăn của vùng, Đoàn KT-QP 92 đã họp, đề ra nhiều việc làm giúp nhân dân phát triển kinh tế. Trong đó, Đoàn chú trọng xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đem lại những đổi thay lớn cho toàn vùng.
Cùng cán bộ Đoàn KT-QP 92, chúng tôi đến thăm nhà bà Hồ Thị Xơ, trú tại thôn Loah-Ta Vai (xã Đông Sơn), đây là gia đình điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của bộ đội. Trước đây, kinh tế gia đình bà Xơ rất khó khăn, vợ chồng lại hay đau ốm. Tuy nhiên, được Đoàn KT-QP 92 hỗ trợ bò giống, vợ chồng bà Xơ tập trung chăm sóc, phát triển đàn bò lên tới gần 10 con.
Bà Xơ cho biết: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn bộ đội 92 đã tặng bò giống, còn hỗ trợ vợ chồng mình làm chuồng và kỹ thuật chăm sóc. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình mình đã có tiền cho con đi học, đầu tư mở rộng trồng trọt, chăn nuôi, sửa sang nhà cửa, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt cho gia đình, cuộc sống nay đã hết khổ rồi”.
Cũng như gia đình bà Xơ, những năm qua, hàng trăm hộ dân trong vùng dự án Khu KT-QP A So-A Lưới đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và tham gia các mô hình như: Trồng lúa nước, keo, ổi lai, hương nhu, nuôi bò và lợn nái sinh sản... đạt hiệu quả cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Đoàn KT-QP 92 còn huy động hàng nghìn ngày công giúp bà con gặt lúa, sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, làm đường bê tông, nạo vét kênh mương nội đồng; tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh; mở lớp xóa mù chữ miễn phí cho học sinh...
Theo Đại tá Lưu Đức Chinh, Chính ủy Đoàn KT-QP 92, nhằm làm cơ sở thực hiện có hiệu quả Chương trình 1719 và Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đoàn KT-QP 92 trên địa bàn A So, A Lưới giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa bàn và đối tượng thụ hưởng.
Trong năm 2023, Đoàn đã hỗ trợ 160 con bò lai sinh sản, 33 con trâu và các loại vật tư cho 193 hộ gia đình. Thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, Đoàn đã nhận nuôi, hỗ trợ 20 em học sinh với số tiền hơn 197 triệu đồng. Cùng với đó, Đoàn còn phối hợp kêu gọi, quyên góp được 412 suất quà trị giá 206 triệu đồng tặng bà con nhân dân; ủng hộ quỹ giảm nghèo huyện A Lưới hơn 40 triệu đồng...
Với sự giúp đỡ của Đoàn KT-QP 92, cùng sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bà con dân tộc nơi đây, “vùng rốn da cam” xưa đã có sự hồi sinh mạnh mẽ, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường, góp phần xây dựng Khu KTQP A So-A Lưới phát triển bền vững, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân nhân vững chắc nơi biên giới.
HOÀNG THÁI/QĐND Online