Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến lược

01/04/2019, 08:53

Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: Xây dựng “thế trận lòng dân” tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và nền an ninh nhân dân (ANND).

Ảnh minh họa.

Có kế sách ngăn ngừa xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng an ninh (QPAN) trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH); chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo…
 
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược trọng yếu trong thế trận phòng thủ của Quân khu 2 và cả nước. Đây cũng là một trong những địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Điện Biên đã phát huy nội lực, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. GRDP tăng trưởng bình quân 7,15%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,31 triệu đồng/người/năm; chính trị, xã hội ổn định, văn hóa phát triển, QPAN được củng cố; quan hệ đối ngoại được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
 
Những kết quả trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực để Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, CNH, HĐH. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, tốc độ tăng trưởng kinh tế và các mặt khác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều thế mạnh chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả. Kết cấu hạ tầng cơ sở tuy có nhiều cải thiện, nhưng còn thấp kém, chưa đồng bộ. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Hệ thống chính trị ở cơ sở có nơi còn yếu, trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác QPAN có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; các hoạt động vi phạm pháp luật trên địa bàn, ở khu vực biên giới có những diễn biến phức tạp...
 
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XIII (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tập trung phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN, phấn đấu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đại hội đề ra mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung xóa đói giảm nghèo, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển toàn diện văn hóa-xã hội (VH-XH), không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, sớm đưa Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển.
 
Để đạt được chỉ tiêu, yêu cầu đề ra, tỉnh tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình công tác trọng tâm; với các đề án, kế hoạch có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và triển khai các đề án cụ thể đối với từng ngành, từng địa phương. Trong phát triển KT-XH, tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch; huy động nguồn lực, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, đề án tạo thuận lợi phát triển kinh tế, VH-XH; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực một cách vững chắc; phát triển mạnh kinh tế vùng và các thành phần kinh tế.
 
Tỉnh tập trung giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách xã hội; tăng cường phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị y tế và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở vùng xâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
 
Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường QPAN, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục QPAN, nhất là bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, GDQP cho học sinh, sinh viên, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân trong quán triệt và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QPAN. Toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch trong khu vực phòng thủ (KVPT) cấp tỉnh, huyện. LLVT tỉnh phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế, VH-XH gắn với xây dựng tiềm lực QPAN và tiềm lực chính trị tinh thần. “Thế trận lòng dân” trong KVPT được củng cố, tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, xây dựng nền QPTD vững mạnh.
 
Tỉnh đẩy mạnh và tập trung hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý công tác QS, QP địa phương; trong đó, đặc biệt chú trọng kiện toàn tổ chức đảng ở cơ sở, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quân sự, các LLVT, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh đối với nhiệm vụ QS, QP địa phương. Chăm lo xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tiềm lực kinh tế trong KVPT; kiên quyết làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" và lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Tăng cường xây dựng KVPT tỉnh, huyện vững chắc; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, diễn tập theo kế hoạch, phương án phòng thủ khu vực đã được phê duyệt, bảo đảm "thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm". Điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ, động viên quốc phòng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN và đối ngoại.
 
Những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao. Cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ việc phối hợp các cơ quan, ban ngành với LLVT, trong đó lực lượng quân sự, công an làm nòng cốt trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch hiệp đồng, phối hợp xử lý hiệu quả các tình huống về QPAN, đối ngoại. Cùng với làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, LLVT các cấp trong tỉnh phát huy tốt vai trò trong tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền cơ sở; xây dựng các chương trình dự án, đề án trong khu kinh tế-quốc phòng; tham gia hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc y tế, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường... được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin cậy, đánh giá cao.

MÙA A SƠN
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên