Chủ trương, giải pháp đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học quân sự

08/04/2023, 15:23

Nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học quân sự nói riêng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Quán triệt tinh thần đó, toàn quân cần có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thực hiện thắng lợi khâu đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học tại Quân chủng Hải quân

Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học quân sự và đưa nội dung này thực sự là động lực then chốt để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính định hướng dài hạn và xuyên suốt đối với công tác quan trọng này. Đặc biệt vừa qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tổng kết Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; đồng thời, ban hành Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 về lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Dưới ánh sáng của các nghị quyết đó cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hoạt động nghiên cứu khoa học quân sự đã được tổ chức triển khai tương đối đồng bộ, thống nhất, toàn diện và có bước phát triển mới trên các lĩnh vực: khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự,... phục vụ thiết thực, hiệu quả cho các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội. Thông qua triển khai các chương trình, đề án lớn hướng đến các sản phẩm có tính đồng bộ cao, cấp độ kỹ thuật phức tạp,... ta đã làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào sản xuất loạt để phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; đồng thời, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ trên nhiều lĩnh vực1. Trình độ nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ phụ trợ đã có bước phát triển mới. Trình độ khoa học và công nghệ trong các sản phẩm đã từng bước tiếp cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực đang tiếp cận trình độ thế giới.
 
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học quân sự trong những năm qua vẫn còn có mặt hạn chế, bất cập. Đơn cử như, nhiệm vụ nghiên cứu chưa có quy hoạch đồng bộ, thống nhất và chưa thực sự xuất phát từ thực tiễn, cũng như tập trung cho nhiệm vụ trọng điểm; thời gian ứng dụng vào sản xuất còn chậm; chưa có cơ chế thử nghiệm sản phẩm sau nghiên cứu tại các đơn vị; sản phẩm khoa học và công nghệ trình độ cao đưa vào trang bị cho Quân đội còn ít; trình độ nghiên cứu, nguồn lực và khả năng đảm bảo kỹ thuật,... có mặt còn hạn chế, nhất là đối với các ngành, loại vũ khí, khí tài mới được trang bị có ứng dụng công nghệ cao. Nguyên nhân hạn chế nêu trên chủ yếu do việc phối hợp, hợp tác trong nghiên cứu giữa các đơn vị trong và ngoài Quân đội chưa chặt chẽ, hiệu quả, còn tồn tại việc độc quyền, khép kín, thiếu hợp tác, trao đổi thông tin, giấu các bí quyết công nghệ; cơ chế quản lý và triển khai nghiên cứu, sản xuất còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách về khoa học và công nghệ của Nhà nước ban hành còn chưa thật sự đồng bộ; kinh phí đầu tư cho mặt công tác này tuy đã có điều chỉnh tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, xây dựng Quân đội.
 
Hiện nay và trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các nước lớn điều chỉnh chính sách quốc phòng, cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt; sự xuất hiện của các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới. Đối với Quân đội, mặc dù đã được bổ sung, trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại nhưng trong biên chế vẫn còn không ít vũ khí, trang bị kỹ thuật cũ, đã qua sử dụng nhiều năm, đa dạng về chủng loại, trong khi vật tư, phụ tùng thay thế, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn, v.v. Điều đó đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học quân sự cần phải được quan tâm đầu tư, đổi mới và phát triển, thực sự đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
 
Thực hiện điều đó, trước hết cần xác định rõ các chủ trương, định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong Quân đội, cả trung và dài hạn. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển khoa học và công nghệ quân sự; chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; trực tiếp là Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW, Kế hoạch số 439/KH-BQP, ngày 20/02/2023 thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trong Quân đội. Trên cơ sở đó, xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, người chỉ huy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động. Trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh, năng lực của mình, xây dựng chiến lược nghiên cứu, phát triển riêng theo tính đặc thù của từng ngành, bảo đảm phù hợp với chiến lược Quân sự, chiến lược Quốc phòng; tăng cường nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu công nghệ nền, nghiên cứu công nghệ lõi và giải mã công nghệ, cùng hướng đến sản phẩm mục tiêu lớn, hàm lượng khoa học cao.
 
Để đạt hiệu quả cao, cần tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý khoa học quân sự và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân trong khảo sát đánh giá thực trạng, đề xuất nhu cầu và thường xuyên làm tốt công tác định hướng hoạt động khoa học và công nghệ. Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu với lộ trình mang tính dài hạn thông qua chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng; đồng thời, làm tốt công tác xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ 5 năm và hằng năm để có định hướng, điều chỉnh phù hợp, kịp thời, sát với nhu cầu thực tế. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, trước hết là của lãnh đạo, chỉ huy các cấp về vị trí, vai trò công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; thống nhất nhận thức phát huy, phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự là nhiệm vụ then chốt để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại.
 
Hai là, chủ động rà soát thống nhất quy hoạch nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư, phụ tùng và các yêu cầu với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cơ quan chức năng, các đơn vị tăng cường phối hợp, rà soát, xây dựng quy hoạch nhu cầu vũ khí, trang bị; trong đó, cần xác định rõ sản phẩm nào mua sắm nhập khẩu, sản phẩm nào cần nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, sản phẩm nào định hướng tự nghiên cứu thiết kế, chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó, xác định yêu cầu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ để nghiên cứu phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo đảm đúng định hướng theo quy hoạch trang bị của Bộ, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật, nhất là đối với các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Ưu tiên bảo đảm vũ khí, trang bị cho một số lực lượng của Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển và Lục quân. Theo đó, với sản phẩm vũ khí, trang bị mua sắm nhập khẩu, nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài phải có sự chọn lọc, ưu tiên vũ khí, trang bị phòng thủ - phản công kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương vũ khí, trang bị đã sản xuất được trong nước, đảm bảo yêu cầu chiến thuật, kỹ thuật tương đương sản phẩm nhập ngoại, giá thành thấp hơn thì không nhập khẩu từ nước ngoài. Với các sản phẩm vũ khí, trang bị định hướng nghiên cứu, chuyển giao sản xuất trong nước, cần kết hợp giữa quy hoạch của Bộ, đánh giá thực trạng và khảo sát nhu cầu tại các đơn vị, xây dựng danh mục cần nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, đề nghị Bộ Quốc phòng phê duyệt, làm cơ sở để mở các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Danh mục các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cần có tính trung hạn và dài hạn, hướng đến sản phẩm mục tiêu lớn, hàm lượng khoa học cao; hằng năm, rà soát, bổ sung vào danh mục định hướng đề tài, nhiệm vụ cần nghiên cứu, đảm bảo sát nhu cầu của đơn vị.
 
Ba là, tập trung xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quân sự. Chú trọng nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, tổ chức khoa học, công nghệ; tăng cường công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu, quản lý theo hướng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đẩy mạnh các giải pháp thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ phục vụ quốc phòng; quy hoạch và đầu tư chiều sâu phát triển cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc thù quân sự. Để đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, Cục Khoa học quân sự tiếp tục tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học giỏi ở các nước có trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự tiên tiến; đẩy mạnh thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng phù hợp nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật trong Quân đội; tăng cường cử cán bộ đi thực tập sinh tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật ở các nước tiên tiến để học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tôn vinh, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài để thu hút chuyên gia trong các ngành khoa học, công nghệ trọng điểm, nhất là các ngành công nghệ cao. Đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư chiều sâu phát triển cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, đào tạo và dịch vụ khoa học, công nghệ; đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học giải quyết được các nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.
 
Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, đòi hỏi công tác nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự cần phải được đầu tư, đổi mới. Cùng với những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá trên, Cục Khoa học quân sự chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, trên cơ sở đó kiến nghị với Bộ cân đối giữa nguồn lực đầu tư và nhu cầu sản phẩm cần nghiên cứu chế tạo. Kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu  quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Đồng thời, đổi mới đồng bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn nhiệm vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và tiến lên hiện đại.
 
Thiếu tướng, PGS, TS. NGÔ VĂN GIAO
Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng
____________________       
 
1 - Đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, trang bị mới cho các lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc, như: hệ thống cảnh giới vùng trời, vùng biển, một số loại ra đa quân sự (cảnh giới, điều khiển hỏa lực), đạn dược hải quân, vũ khí dưới nước, máy thông tin liên lạc, tổng đài quân sự, thiết bị trinh sát, gây nhiễu, chế áp điện tử. Đối với lục quân, đã nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật như súng, đạn, ngòi nổ, mìn, khí tài quan sát ngắm bắn,... cho sư đoàn bộ binh đủ quân, v.v.