Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đã chấm dứt hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc ta. Nhưng nền độc lập ấy luôn bị các thế lực phong kiến phương Bắc đe dọa. Mùa Xuân năm 981, mấy vạn quân Tống sang xâm lược, đã bị quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn đánh tan. Không từ bỏ dã tâm xâm lược, thế kỷ XI, nhà Tống lại ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình hình ấy, quân dân nhà Lý dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã thực hiện "Tiên phát chế nhân" tiêu diệt các căn cứ quân sự, hậu cần xâm lược ở Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu (1075 - 1076). Sau đó, quân dân nhà Lý nhanh chóng chuẩn bị kháng chiến, làm nên chiến thắng Như Nguyệt (1077), đánh bại ý chí xâm lược của nhà Tống, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công tác hậu cần có vai trò quan trọng trong hai trận đánh nổi tiếng đó.
Quân Đại Việt tiến công Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu năm 1075.
1. Trận tiến công Châu Khâm, Liêm, Ung (1075 - 1076)
Để chuẩn bị tiến công xâm lược, nhà Tống đã xây dựng các căn cứ quân sự, hậu cần làm nơi xuất phát của các cánh quân ở vùng giáp biên giới Đông Bắc nước ta. Đây là vùng tập trung nhiều đầu mối giao thông thủy - bộ tiến xuống Đại Việt, nhà Tống kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) giữ vị trí quan trọng nhất, nơi tập kết quân rất tiện lợi vì có nhiều đường đi đến các tỉnh biên giới nước ta (khoảng 150 km) và đến hai cửa biển Khâm Châu và Liêm Châu (Quảng Đông) khoảng 120 km. Căn cứ Ung Châu có 5 trại lính, thành trì vững chắc, nhiều kho tàng cất trữ lương thảo... Ung Châu cùng với các trại quân biên giới và hai cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu trở thành "những mũi dao nhọn" de dọa sự sống còn của nước Đại Việt.
Trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, Lý Thường Kiệt quyết định tiến công trước để tự vệ một cách chủ động phá tan chuẩn bị của kẻ thù, đẩy chúng vào thế bị động ngay từ đầu. Ngày 27/10/1075, hơn 10 vạn quân thủy - bộ do Lý Thường Kiệt chỉ huy bất ngờ tập kích vào các căn cứ xâm lược của quân Tống mà trung tâm là thành Ung Châu. Cùng với các đạo quân bộ đánh phá các trại quân Tống dọc biên giới, đạo quân chủ lực do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy dùng thuyền vượt biển đánh Khâm Châu, Liêm Châu. Ngày 30/12/1075, quân ta chiếm được Khâm Châu, ngày 2/1/1076) làm chủ cửa biển Liêm Châu. Trước những thất bại to lớn và bất ngờ đó, vua Tống đã phải hạ chiếu cho viên chỉ huy Quảng Tây: "Nếu chừng quân Giao Chỉ tới đâu mà không đủ quân thì chỉ giữ mấy chỗ hiểm yếu mà thôi, chỗ nào có tiền, vải, lương thực thì phải chở tháo đi, đừng để lọt vào tay quân giặc - chỉ quân Đại Việt".
Sau khi chiếm được Khâm Châu và Liêm Châu, ngày 18/01/1076, quân ta từ hai hướng hình thành hai gọng kìm tiến lên vây hãm thành Ung Châu. Ngày 11/2/1076, Lý Thường Kiệt tổ chức diệt viện binh Tống ở ải Côn Lôn (phía bắc Ung Châu), giết chết tại trận Trương Thủ Tiết, viên chỉ huy đạo viện binh này. Sau 42 ngày vây hãm, công phá liên tục, quân ta hạ được thành Ung Châu, phá hủy hết thành trì; phá kho tàng trong vùng, thu lương thực, vũ khí và lấy đá lấp sông để chặn quân viện của địch. Sau đó, Lý Thường Kiệt đem quân uy hiếp Tân Châu, viên chỉ huy thành Tân Châu là Cổ Căng Lặc khiếp sợ, bèn bỏ thành chạy trốn.
Mục tiêu tác chiến đã hoàn thành thắng lợi, đầu tháng 3/1076, Lý Thường Kiệt nhanh chóng rút quân, cùng triều đình nhà Lý lo chuẩn bị chống giặc, vì nhà Tống thế nào cũng cho quân sang xâm lược nước ta. Bằng cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ vào quân địch chuẩn bị xâm lược, quân đội nhà Lý đã "chặn mũi nhọn của giặc", đẩy chúng vào thế bị động đối phó ngay từ đầu; bao nhiêu căn cứ quân sự hậu cần nhà Tống chuẩn bị bấy lâu bỗng chốc bị phá tan tành... Đây là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ 2 dưới sự lãnh đạo của nhà Lý. Trong trận này, quân đội nhà Lý đã giải quyết thành công những vấn đề khó khăn trong bảo đảm hậu cần, đó là:
Một là, giữ vững hậu phương chiến dịch khi chủ động tiến công trước phá chuẩn bị của giặc. Lý Thường Kiệt niêm yết bảng ở khắp nơi, tuyên bố cho nhân dân nước Tống biết rõ mục đích của cuộc tấn công là để tự vệ, nhằm ngăn chặn âm mưu xâm lược nước Đại Việt đã được triều đình nhà Tống sắp đặt và chuẩn bị từ lâu. Đường lối và mục đích quang minh, chính đại đó có sức thuyết phục đối với nhân dân nước Tống, đã bảo đảm cho quân ta giữ vững được hậu phương chiến dịch, tạo thuận lợi cho việc bảo đảm hậu cần, tiếp tế khi quân ta đánh sâu vào đất địch có kết quả. Không những thế, lại tranh thủ được ủng hộ của nhân dân nước Tống trong việc vận chuyển cho quân nhà Lý.
Hai là, tổ chức thành công tuyến vận tải đường thủy từ hậu phương tới chiến trường xa để cơ động lớn lực lượng và bảo đảm hậu cần. Quân đội Đại Việt đã nhanh chóng tập trung chiến thuyền với số lượng lớn để tổ chức tốt vận chuyển đường thủy cho một lực lượng khoảng 5 vạn quân vượt biển đổ bộ thẳng vào cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu. Đạo thủy quân này do Lý Thường Kiệt đích thân chỉ huy là đạo quân chủ lực, có hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí… để bảo đảm cho trận đánh. Với khối lượng quân đông cũng như trang bị vật chất mang theo lớn, hành quân bằng đường biển để tiến công địch, công tác hậu cần thời đó phải giải quyết thành công một vấn đề then chốt nhất là bảo đảm giao thông vận tải. Sử sách không ghi rõ chi tiết về cách tổ chức và tiến hành, nhưng qua tác chiến chiến dịch và trở về an toàn trong chiến thắng cho thấy, quân đội nhà Lý đã tổ chức công tác giao thông vận tải đường thủy rất giỏi mới có thành công đó.
Ba là, thực hiện vừa triệt phá, vừa lấy của địch để giết địch. Trong trận đánh này, quân đội nhà Lý đã giành được thắng lợi to lớn, không những có ý nghĩa chiến lược về quân sự, mà còn cả về hậu cần nữa. Quân ta đánh chiếm hàng loạt căn cứ quân sự và hậu cần, phá hủy và tịch thu rất nhiều vũ khí, lương thực, thuyền bè… Việc tích cực đánh chiếm nguồn hậu cần của địch, vừa để bảo đảm cho quân ta trong tấn công địch, vừa thu về được một nguồn dự trữ vật chất to lớn, bảo đảm cho cuộc kháng chiến sau này.
2. Trận Như Nguyệt (năm 1077)
Sau thắng lợi ở Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, Lý Thường Kiệt rút quân về nước, tích cực chuẩn bị phòng thủ chống quân Tống xâm lược.
Cuối năm 1076, quân Tống bắt đầu cuộc nam chinh xâm lược nước ta. Vua Tống là Tống Thần Tông giao cho Quách Quỳ và Triệu Tiết (phó tướng) là các võ tướng có nhiều kinh nghiệm trận mạc cầm đầu đội quân hơn 30 vạn tên (trong đó có 10 vạn quân chiến đấu tinh nhuệ gồm bộ binh và kỵ bính; 1 vạn ngựa và 20 vạn phu vận chuyển lương thảo), tập trung ở Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu tiến xuống nước ta theo đường bộ và đường biển.
Lược đồ trận chiến tại phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077.
Trong điều kiện so sánh lực lượng chênh lệch giữa ta và địch và trước sức tiến công ào ạt của hàng chục vạn quân Tống, nếu ta đưa toàn bộ lực lượng ra quyết chiến với địch sẽ hết sức bất lợi. Để bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và địa bàn cơ bản của đất nước, hạn chế tối đa thiệt hại do quân xâm lược tàn phá và giành thắng lợi cho dân tộc, Lý Thường Kiệt chủ trương không chặn địch tại biên giới, nhưng cũng không tạm thời rút lui chiến lược để cho quân địch tiến vào nước ta quá sâu. Do nắm chắc tình hình địch và những con đường chúng có thể tấn công, Lý Thường Kiệt đã cân nhắc, chủ động chuẩn bị các mặt cho cuộc kháng chiến. Một mặt, Lý Thường Kiệt giao cho các địa phương tổ chức các đạo quân tận dụng thế thiên hiểm xây dựng thế trận, đánh kiềm chế tiêu hao các đạo quân địch. Sau khi chúng vượt qua, đẩy mạnh hoạt động vùng sau lưng quấy rối và ngăn chặn tuyến tiếp tế hậu cần của quân Tống. Đặc biệt, về kế sách chiến lược, ông đã cho xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) chặn địch, hãm chúng vào tình trạng bị tiêu hao, mệt mỏi, khốn đốn, rồi thực hiện trận phản công quyết chiến chiến lược giành thắng lợi. Trên hướng biển, Lý Thường Kiệt bố trí lực lượng thủy binh ở Đông Kênh, do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy, nhằm ngăn chặn, không cho thủy binh địch vào đất liền hợp quân với bộ binh và kỵ binh trên đất liền... Như vậy, Lý Thường Kiệt đã xây dựng được thế trận có chính diện và chiều sâu, có trọng điểm, phối hợp chặt chẽ quân chủ lực và quân địa phương, nhằm đánh dịch cả trước mặt và sau lưng. Đây là lần đầu tiên từ trước đến khi đó, ta lập chiến tuyến đánh giặc.
Cuối năm 1076, thủy quân địch từ Khâm Châu tiến về Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh). Bộ binh và kỵ binh Tống tập trung ở Ung Châu, ngày 08/01/1077 chúng tiến vào vùng Đông Bắc nước ta theo nhiều ngả, nhằm tiến về Thăng Long. Ngày 18/1/1077, đạo quân chủ lực của quân xâm lược Tống do Quách Quỳ chỉ huy đã tiến tới bờ bắc sông Cầu nhưng phải dừng lại trước tuyến phòng thủ của quân nhà Lý.
Để có thể nhanh chóng đánh chiếm được kinh thành Thăng Long và vùng đồng bằng, Quách Quỳ quyết tâm tổ chức đột phá vượt sông chọc thủng tuyến phòng thủ của ta. Chúng dùng một lực lượng tinh nhuệ, bắc cầu phao ở bến đò Như Nguyệt, vượt sông tấn công vào bờ nam phòng tuyến sông Cầu. Đội tiên phong gồm khoảng 2.000 quân, do Miêu Lý chỉ huy, tạo thành một mũi nhọn chọc thủng tuyến phòng thủ của quân ta và cũng có toán đã tiến đến cách kinh thành Thăng Long chừng 15 dặm (1 dặm = 500 m). Quân ta do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã kịp thời tổ chức phản kích, quân địch bị tổn thất nặng nề. Trận tấn công lần thứ nhất của quân Tống bị bẻ gãy.
Sau thất bại trên, Quách Quỳ chỉ còn hy vọng đợi thủy binh vào để phối hợp vượt sông. Nhưng thủy quân Tống do Hoà Mân và Dương Tùng Tiên chỉ huy đã bị quân của Lý Kế Nguyên chỉ huy đánh thiệt hại lớn ở vùng biển Vĩnh An. Chờ mãi không thấy thủy quân đến, Quách Quỳ phải tự mở cuộc tấn công. Chúng huy động lực lượng lớn, cho đóng những chiếc bè có thể chở mỗi lần 500 quân, hết lớp này đến lớp khác vượt sang bờ nam sông Cầu. Nhưng vấp phải phòng tuyến kiên cố, dày đặc chướng ngại và đề kháng mạnh mẽ của quân ta, quân Tống phần bị tiêu diệt, phần xin hàng, cả đạo quân vượt sông bị tan vỡ.
Sau hai lần tấn công lớn không thành, quân Tống lâm vào tình trạng khốn quẫn: Thiếu lương ăn, thiếu thuyền bè để tiếp tục chiến đấu, quân lính bị giết chết, bị thương và ốm đau nhiều. Sử cũ chép: “Quách Quỳ án binh 40 ngày, lương thảo không chở đến được... tám vạn quân sĩ chết mất quá nửa”.
Di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt hiện nay
Chính vào lúc đó, Lý Thường Kiệt tổ chức cho hai vạn quân từ Vạn Xuân ngược sông Như Nguyệt, tiến công vào tuyến phòng ngự của đạo quân do Quách Quỳ chỉ huy; trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Nhân lúc quân giặc rối loạn, quân ta tổ chức một hướng tập kích khác vào các doanh trại chính của đạo quân do Triệu Tiết chỉ huy ở phía Bắc bến đò Như Nguyệt. Quân Tống mười phần chết đến năm, sáu phần. Quách Quỳ và thuộc hạ than thở với nhau: "Số quân đem đi 10 vạn, phu 20 vạn, nay đã chết mất quá nửa, số còn lại thì ốm đau, lương ăn đã cạn". Sau đòn phản công quyết định này của Lý Thường Kiệt, quân Tống rơi vào thế cùng, lực kiệt, nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn đang đến gần; nhưng nếu rút lui thì mất thể diện "Thiên triều". Biết rõ ý chí xâm lược của quân thù đã bị đè bẹp, Lý Thường Kiệt chủ động đề nghị "giảng hòa", mở lối thoát cho quân Tống rút và kết thúc chiến tranh. Tháng 3/1077 quân Tống bí mật rút lui vào ban đêm trong sự hỗn loạn, đó là cuộc tháo chạy của bọn bại binh, bại tướng. Với chiến thắng Như Nguyệt mùa xuân năm 1077, quân và dân nhà Lý đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Và trong vòng 200 năm sau đó, nhà Tống không dám xâm lược nước ta nữa.
Trong trận Như Nguyệt, quân dân nhà Lý đã giải quyết thành công việc bảo đảm hậu cần cho trận phản công chiến lược, thể hiện trên các khía cạnh sau:
Một là, bảo đảm hậu cần cho tổ chức phòng thủ trong một thời gian rất ngắn. Hậu cần của quân đội nhà Lý vừa mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm cho đại binh cơ động tác chiến phá chuẩn bị của địch trở về, nay lại phải gấp rút bảo đảm hậu cần cho quân ta tổ chức tuyến phòng thủ sông Cầu. Những công việc lớn lao đó đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian của nhân dân và quân đội, phải có những cố gắng, nỗ lực rất lớn, có khả năng huy động các nguồn lực cao với phương pháp linh hoạt mới có thể giải quyết được.
Phòng tuyến sông Cầu là một công trình kiến trúc quân sự quy mô lớn. Quân và dân nhà Lý đã sử dụng dòng sông Cầu làm vật cản tự nhiên. Từ giữa tháng 4 đến cuối năm 1076, quân dân ta đã dồn sức xây dựng xong tuyến phòng ngự với thành lũy đất cao hàng mét, dài 80 km suốt từ làng Đa Hội đến núi Ông Sư. Hàng vạn cây cọc vót nhọn làm các hàng rào và làm chông được nhanh chóng cắm xuống phía nam bờ sông Cầu để ngăn chặn quân Tống đổ bộ.
Mặt khác, công tác hậu cần còn phải "lập trại ven sông", tức là xây dựng hệ thống doanh trại dọc theo tuyến phòng thủ sông Cầu để làm nơi trú quân, tổ chức phòng giữ. Quá trình xây dựng tuyến phòng thủ sông Cầu, còn phải lo bảo đảm lương thực, vũ khí, trang bị thuyền, bè cho một đạo quân 10 vạn người gồm cả bộ binh, thủy binh "ngày ngày tụ tập binh lính để tập trận".
Hai là, tổ chức bảo đảm thành công cho trận phản công chiến lược. Quân dân nhà Lý đã bí mật tiến hành tích trữ, chuẩn bị một số lượng lớn chiến thuyền, trên đó trang bị nhiều vũ khí. Các chiến thuyền được cất giấu kín đáo, khiến địch mấy lần tấn công sang phòng tuyến quân ta ở bờ nam sông Cầu nhưng đều không phát hiện được. Vì vậy, khi thời cơ phản công xuất hiện, hậu cần quân đội nhà Lý đã nhanh chóng tập trung 400 chiếc thuyền chiến, chuyển mấy vạn quân ào ạt tấn công sang doanh trại quân Tống ở bờ bắc sông Cầu. Bảo đảm các loại phương tiện vượt sông cũng như vũ khí trang bị đúng thời cơ để đánh trận quyết chiến chiến lược lớn mang tính tổng hợp giành thắng lợi một cách nhanh chóng, hậu cần quân đội đời Lý đã góp phần quan trọng vào chiến thắng vẻ vang đó.
Cơ sở để bảo đảm vật chất cho việc xây dựng phòng tuyến sông Cầu cũng như tổ chức bảo đảm cho trận quyết chiến chiến lược thắng lợi chính là vì quân dân Đại Việt có được một hậu phương vững chắc, khá giàu mạnh mà vùng hậu phuơng trực tiếp đóng góp phần lớn sức người, sức của chính là vùng trung du Bắc Bộ.
Ba là, quân dân nhà Lý đã thực hiện kết hợp chặt chẽ các lực lượng chủ lực và địa phương, trên bộ và thủy binh, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp có trọng điểm để chia cắt và tiêu hao, tiêu diệt địch. Đặc biệt, chú trọng đánh sau lưng địch và chặn cắt tiếp tế của địch mặc dù chúng tổ chức 20 vạn phu tổ chức tuyến tiếp tế dài, kết hợp cướp bóc tàn bạo. Nỗ lực đó góp phần quyết định đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, đẩy chúng vào thế khốn quẫn và thất bại.
⃰ ⃰
⃰
Cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân nhà Lý là trang sử hào hùng trong lịch sử dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta chủ động tiến công phá chuẩn bị của quân xâm lược để tự vệ một cách tích cực. Sau đó, quân dân ta lại tổ chiến tuyến với lối đánh chính quy, kết hợp với đánh du kích rộng khắp, tích cực triệt phá tuyến chi viện hậu cần của địch. Tư tưởng xuyên suốt của quân dân nhà Lý là tư tưởng chủ động tiến công. Công tác hậu cần đã góp phần quan trọng vào thực hiện tư tưởng đó để làm nên thắng lợi oanh liệt trong hai trận đánh nổi tiếng trên./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tìm hiểu công tác hậu cần thời xưa, Tổng cục Hậu cần, Hà Nội, 1977.
2. Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb QĐND, Hà Nội, 1976.
Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang