Công tác Hậu cần - Kỹ thuật trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (Tháng 3/1975)

29/03/2022, 09:43

Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 phát triển thuận lợi, tạo ra đột biến chiến lược lớn. Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, trên hướng Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, ta mở 02 chiến dịch quy mô vừa. Khi thời cơ xuất hiện, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 cùng Quân đoàn 2 phối hợp tiến hành chiến dịch lớn giải phóng Huế và Đà Nẵng.

Bộ đội ta tiến vào cửa Ngọ Môn (Huế) sáng ngày 26/3/1975.

Đến đầu tháng 3/1975 mọi hoạt động chuẩn bị và tác chiến diễn ra đúng kế hoạch tác chiến cơ bản 1975 - 1976. Quân khu Trị Thiên đã tích cực chuyển quân từ Quảng Trị vào phía Tây và Tây Nam Huế, chỉ để lại một bộ phận cần thiết đủ sức giữ vùng giải phóng Quảng Trị. Đồng thời, bí mật xây dựng một trận địa pháo thọc sâu (04 khẩu 130mm) có tầm bắn hiệu quả tới cảng Tân Mỹ - Thuận An để chặn địch rút theo đường biển. Từ ngày 08 - 19/3, Quân khu Trị Thiên phối hợp với 1 bộ phận Quân đoàn 2 nổ súng đánh chiếm một số mục tiêu ở tuyến phòng thủ vòng ngoài, gây cho địch nhiều tổn thất, buộc địch rút chạy khỏi Quảng Trị; uy hiếp mạnh Đường số 1 (đoạn Cầu Chuối - Phú Lộc). Ngày 20/3, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Nguyễn Văn Thiệu phải cho Quân đoàn 1 Ngụy sớm rút khỏi Thừa Thiên - Huế về phòng thủ ở Bắc đèo Hải Vân, nhằm chặn đứng quân ta, tăng cường lực lượng giữ Căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng.
 
Ngày 21/3, cuộc tiến công giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên bước vào giai đoạn quyết định. Ở cánh Bắc, lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và nhân dân tiến công, nổi dậy từ phía Bắc, Tây Bắc xuống đồng bằng ven biển các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà; áp sát phía Bắc và phía Tây thành phố Huế. Cụm pháo của Quân khu chi viện hỏa lực cho bộ binh tiến công các mục tiêu chủ yếu và chế áp các mục tiêu quan trọng của địch như: An Lỗ, Mang Cá Lớn, Ấp Năm, Phú Bài, cảng Tân Mỹ - Thuận An… Ở cánh Nam, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang huyện Phú Lộc đánh chiếm các mục tiêu, cắt đường rút chạy của địch về đèo Hải Vân (đoạn Quốc lộ 1A từ Cầu Chuối đi Lăng Cô); Sư đoàn 324 (khi đó trực thuộc Quân đoàn 2) cùng lực lượng vũ trang các huyện Phú Vang, Hương Thủy tiến công các mục tiêu ở Đông Nam thành phố Huế, chặn địch rút chạy xuống cửa biển Thuận An.
 

Quân giải phóng tiến vào cầu Tràng Tiền (Huế)
 
Pháo binh Quân đoàn 2 di chuyển xuống gần Đường số 1, cùng pháo binh Quân khu Trị Thiên khống chế cảng Tân Mỹ - Thuận An từ ngày 23/3, ngăn chặn địch chạy thoát bằng đường biển. Đồng thời, đặc công ta tổ chức phong tỏa cửa biển Thuận An và cửa biển Tư Hiền, không cho tàu thuyền địch ra vào phá Tam Giang đón đồng bọn tháo chạy.
 
Bị dồn vào tình cảnh khốn cùng, nhưng Sư đoàn 1 và Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ Ngụy vẫn ngoan cố chống cự quyết liệt hòng phá vòng vây. Từ ngày 21 - 23/3, các trận đánh diễn ra rất ác liệt, vòng vây càng thít chặt, dồn địch vào khu vực Huế - Thuận An và đoạn Đường số 1 từ Huế đi Phú Bài, tinh thần quân Ngụy ngày càng hoảng loạn. Ngày 24 và sáng 25/3, cả cánh Bắc và cánh Nam, lực lượng ta tập trung sức mạnh đánh thẳng vào Huế, nhất là đoạn đường từ Huế xuống cảng Tân Mỹ - Thuận An. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 25/3, lá cờ cách mạng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu trước Đại nội Huế, báo hiệu toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng. Các đơn vị khẩn trương xốc lại lực lượng, nhanh chóng phát triển thế tiến công vào phía Nam và giúp nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm lập lại sinh hoạt bình thường.
 
Phối hợp với hướng tiến công ở phía Bắc đèo Hải Vân, ngày 24 và 25/3, Sư đoàn 2 và lực lượng vũ trang địa phương Quân khu 5 giải phóng thị xã Tam Kỳ và toàn tỉnh Quảng Ngãi, phần lớn tỉnh Quảng Đà. Lúc này ở Đà Nẵng còn hơn 7 vạn quân Ngụy, nòng cốt là Sư đoàn 3 và Sư đoàn lính thủy đánh bộ, vũ khí trang bị còn mạnh, nhưng trong thế bị cô lập, tinh thần rất rệu rã, khó thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt. Biết không thể giữ nổi Đà Nẵng, địch đã bỏ kế hoạch co cụm và gấp rút cho máy bay di tản cố vấn Mỹ cùng một số sĩ quan cấp cao về Sài Gòn, càng làm cho binh lính của chúng thêm phần hỗn loạn.
 
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định địch ở Đà Nẵng có thể rút chạy sớm, do đó chỉ đạo Quân đoàn 2, Quân khu 5 đánh thẳng vào Đà Nẵng theo phương châm: “Kịp thời, nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Đà Nẵng được thành lập, do đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy Chiến dịch.
 
Ngày 27/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh chị thỉ cho Quân đoàn 2 và Quân khu 5: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương. Cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”. Thực hiện chỉ thị trên, quân ta từ các hướng Bắc, Tây Nam và Nam thần tốc tiến vào giải phóng Đà Nẵng. 
 

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng
 
6 giờ ngày 28/3, trận địa pháo cơ giới của Quân đoàn 2 bắt đầu chế áp sân bay, quân cảng Đà Nẵng, sở chỉ huy Quân đoàn 1 Ngụy, sân bay Nước Mặn và bán đảo Sơn Trà. Ở phía Bắc, Sư đoàn 325 cùng xe tăng tiến công theo trục Đường số 1, nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch, vượt lên đánh chiếm đèo Hải Vân, kho xăng Liên Chiểu, tiến về chiếm bán đảo Sơn Trà. Ở phía Tây Nam, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 có xe tăng, xe thiết giáp đi cùng tiến công tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn 3 của Ngụy ở Phước Tường, sau đó tiến nhanh vào thành phố, hội quân với Sư đoàn 325 ở Sơn Trà. Ở phía Nam, Sư đoàn 2, Quân khu 5 nhanh chóng vượt sông Bà Rén, Vĩnh Điện, từ Quảng Ngãi đánh ra, tiêu diệt Sư đoàn 3 Ngụy, phối hợp chặt chẽ với 2 trung đoàn của tỉnh và biệt động Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, Sở chỉ huy Quân đoàn 1 Ngụy; tiến sang bán đảo Sơn Trà, hội quân với Quân đoàn 2. Hết ngày 28/3, ta đã chiếm cầu Trịnh Minh Thế và nhiều mục tiêu quan trọng trong thành phố Đà Nẵng. Địch còn lại chống cự quyết liệt, nhưng trước sức tiến công mãnh liệt của ta, chúng càng hoảng loạn và tan rã nhanh. Thừa thắng xốc tới, ta mở đợt công kích cuối cùng đánh chiếm các mục tiêu còn lại, xóa sổ Quân đoàn 1 Ngụy.
 
Sau 32 giờ đồng hồ chiến đấu thần tốc, táo bạo, quyết thắng của bộ đội chủ lực, được lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương phối hợp nổi dậy giành chính quyền, 15 giờ ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, bị bắt sống và tan rã. Ta thu 69.000 khẩu súng các loại, 109 khẩu pháo 105mm và 175mm, 138 xe tăng và xe thiết giáp, 115 máy bay, 47 tàu chiến và 102.207 tấn chiến lợi phẩm… Đây là chiến thắng to lớn, nhanh, gọn trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; có phần đóng góp xứng đáng của công tác hậu cần - kỹ thuật.
 
Công tác hậu cần - kỹ thuật chiến dịch Huế - Đà Nẵng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự kế thừa và phát triển từ kế hoạch bảo đảm cho tác chiến cơ bản 02 năm 1975 - 1976. Trong chiến dịch, ta phải bảo đảm kỹ thuật cho hơn 2.000 xe các loại, 100 khẩu pháo cỡ lớn cùng hàng nghìn tấn đạn dược, vật tư các loại…; thời gian chuẩn bị trực tiếp ngắn, yêu cầu tác chiến rất khẩn trương, với nhiều tình huống đột biến. Trong khi bộ máy tổ chức chiến dịch và hậu cần - kỹ thuật trên thực tế chưa kịp hình thành, mọi hoạt động chiến dịch do Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Hoạt động bảo đảm hậu cần - kỹ thuật do lực lượng từng Quân khu và Quân đoàn 2 phối hợp tiến hành, có sự chỉ đạo chi viện của Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật.
 
Quân khu Trị Thiên triển khai các căn cứ hậu cần - kỹ thuật phía trước ở Củng Cáp - Nam Đông bảo đảm tác chiến ở vùng giáp ranh và đồng bằng. Từ tiếp nhận hàng do Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuyển tới (29.139 tấn, trong đó có 2.000 tấn vũ khí, đạn) và nguồn khai thác tại chỗ; đến tháng 3/1975, dự trữ vật chất của Quân khu đạt 8.145 tấn, trong đó 2.400 tấn vũ khí đạn, đủ bảo đảm cho tác chiến 6 - 8 tháng.
 
Quân khu 5 triển khai căn cứ hậu cần - kỹ thuật H5 ở Tây Bắc huyện Bình Sơn, bảo đảm cho Lữ đoàn 52 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công Quảng Ngãi; căn cứ H1 ở Bắc huyện Đại Lộc, bảo đảm cho Sư đoàn 2, một bộ phận Lữ đoàn 52 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công Đà Nẵng. Nguồn bảo đảm do miền Bắc chi viện, đặc biệt là vũ khí đạn, khí tài xe - máy giữ vai trò quyết định trong bảo đảm cho xây dựng và chiến đấu của Quân khu 5. Từ sau Hiệp định Pari đến tháng 3/1975, miền Bắc đã chi viện cho Quân khu 5 hơn 95.195 tấn vật chất các loại (trong đó 17.000 tấn vũ khí đạn, vật tư xe - máy, 4.983 tấn xăng dầu…). Vì vậy, trước khi mở chiến dịch, Quân khu 5 có 900 xe ô tô, 500 xe đạp thồ, 26 thuyền và thuyền máy đẩy; dự trữ 9.894 tấn vật chất, trong đó có 2.300 tấn vũ khí đạn, 230 tấn xăng dầu…
 
Để chuẩn bị cho thời cơ lớn, từ cuối năm 1974, Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 đã tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe, pháo ở kho và các đơn vị, trọng tâm là đạn pháo, đạn cối. Từ đó xây dựng kế hoạch, phân công, phân cấp cho các tuyến tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Riêng việc nâng cấp hệ số kỹ thuật xe gặp trở ngại lớn do không đủ vật tư, phụ tùng thay thế. Trước tình hình đó, từ cuối tháng 12/1974, các đơn vị đã phát động đợt thi đua đột kích sửa chữa xe pháo với sự chi viện của Trạm T201 và T285 (sau này là Trạm T151A và T153A) của Tổng cục Kỹ thuật. Nhờ vậy, đã nâng cao được hệ số kỹ thuật của các loại vũ khí, trang bị. Trước chiến dịch mở màn, Quân đoàn 2 đã sửa chữa được 404 xe hư hỏng vừa và nặng, trong đó có 58 xe xích, sửa chữa 589 khẩu pháo cối và 1.200 khẩu súng; hệ số kỹ thuật xe vận tải tăng từ 48% lên 70%, xe kéo pháo từ 65% lên 80%, xe xích từ 42% lên 92%; hệ số kỹ thuật pháo đất của Quân đoàn 2 đạt 100%, của các Sư đoàn, Lữ đoàn đạt 85%, pháo cao xạ 95%, ĐKB và súng cối 93%, bảo dưỡng trên 7.000 tấn đạn các loại. Quân khu 5 nâng cao hệ số kỹ thuật xe vận tải từ 35% lên 53%, pháo cơ giới các loại từ 50% lên 90%...
 
Sau khi hình thành xong tổ chức biên chế, Quân đoàn 2 khẩn trương chuẩn bị tác chiến. Quá trình chuẩn bị và tác chiến được Tổng cục Kỹ thuật, Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 chi viện bảo đảm. Quân đoàn 2 triển khai 02 căn cứ phía trước: căn cứ Nam Đông bảo đảm cho Sư đoàn 324 và Sư đoàn 325 tiến công Huế; căn cứ Thượng Đức bảo đảm cho Sư đoàn 304 chiến đấu trên hướng này; Quân đoàn dự trữ được 9.004 tấn vật chất các loại, trong đó hơn một nửa để ở căn cứ phía sau tại Cam Lộ, Quảng Trị.
 

Giải phóng Tam Kỳ - Quảng Nam ngày 29.3.1975
 
Từ ngày 04 - 20/3/1975, ngành hậu cần - kỹ thuật Quân đoàn 2 vừa bảo đảm cho các đơn vị tiến công địch vòng ngoài; vừa gấp rút chuẩn bị cho giải phóng Huế và Đà Nẵng. Thời tiết mưa nhiều gây tắc Đường 14 mới, Đường 73, 74, 10C; nhu cầu vận chuyển rất lớn, nhưng lại thiếu phương tiện vận tải… Trong khi đó, từ ngày 01 - 15/3, Bộ Tư lệnh Trường Sơn mới giao cho Quân đoàn 2 được 270 tấn vật chất các loại… Theo yêu cầu tác chiến, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325; Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 và pháo lớn của Quân đoàn cùng cơ động bằng ô tô từ Cam Lộ vào vị trí tập kết nên việc vận chuyển càng căng thẳng. Để khắc phục khó khăn, Quân đoàn đã tổ chức Ban chỉ huy điều chỉnh giao thông, giao Tiểu đoàn vận tải 32 tập trung xe, ưu tiên vận chuyển 630 tấn đạn từ Cam Lộ vào Nam Đông (240 km, 10 chuyến/ngày); huy động tối đa xe của Quân đoàn (cả xe một cầu, hai cầu), xe kéo pháo của Sư đoàn 673 (35 xe), Sư đoàn 324 (20 xe), Sư đoàn 325 (7 xe), để vận chuyển vật chất ra phía trước. Tổng cục Hậu cần và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tăng cường tạo chân hàng cho Quân đoàn; hiệp đồng với Quân khu Trị Thiên chi viện đạn pháo 130 mm và 122 mm cho Quân đoàn. Đến ngày 20/3/1975, các đơn vị có dự trữ 1 - 1,3 cơ số đạn; kho Quân đoàn có 0,6 - 0,8 cơ số, đã đưa lên trận địa 1.220 quả đạn 130 mm và 122 mm, còn lại dự trữ ở kho Nam Đông…
 
Sau khi giải phóng Huế, từ trưa 25/3, ta chuyển sang bao vây, truy quét tàn quân địch ở cửa biển Thuận An và cửa biển Tư Hiền. Để kịp thời đáp ứng các yêu cầu tác chiến, hậu cần - kỹ thuật Quân đoàn 2 đã tổ chức lực lượng cơ động gồm: 01 đại đội kho, 01 trạm sửa chữa pháo do Phòng Tham mưu hậu cần chỉ huy; đi theo Sở chỉ huy phía trước của Quân đoàn; triển khai ở La Sơn - Bàn Môn Hạ để bảo đảm cho các đơn vị.
 
Sáng ngày 26/3/1975, ta tiến công địch ở cửa biển Thuận An, cửa biển Tư Hiền, hậu cần - kỹ thuật Quân đoàn 2 đã tổ chức vận chuyển vật chất (chủ yếu là đạn pháo) từ Cam Lộ theo Đường 1 vào La Sơn bổ sung cho đơn vị. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Hậu cần và Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao hàng cho Quân đoàn ở La Sơn. Nhưng do đường xa, trơn lầy, cầu Phú Bài bị địch đánh sập, không tiếp tế được, vật chất mang theo rất mỏng… Trước tình hình đó, lực lượng hậu cần - kỹ thuật cơ động của Quân đoàn đã nhanh chóng thu hồi chiến lợi phẩm (chủ yếu gồm đạn, xăng dầu) bổ sung cho các đơn vị. Đặc biệt, đã bổ sung kịp thời đạn cho trận địa pháo ở Mũi Trâu bắn chặn không cho tàn quân địch rút lui theo cửa biển Tư Hiền và bảo đảm cho các mũi tiến công phát triển theo Đường số 1 vào giải phóng Đà Nẵng ngày 28/3.
 

Lược đồ chiến dịch Huế - Đà Nẵng
 
Trong chiến dịch này, khi các đơn vị tiến công giải phóng Đà Nẵng, Quân khu 5 đã huy động tối đa khả năng tại chỗ, kết hợp sử dụng chiến lợi phẩm để bảo đảm cho tác chiến. Đại đội xe tải của Tiền phương Cục Hậu cần và phương tiện của căn cứ H1 đã vận chuyển gấp vũ khí, đạn hỏa lực, xăng dầu, lương khô… bổ sung cho đơn vị. Mũi hậu cần - kỹ thuật bảo đảm cho hướng Tây Nam tiến ra giải phóng Đà Nẵng đã huy động 320 tấn vật chất dự trữ ở kho Làng Hồi (có 180 tấn vũ khí, đạn và 60 tấn xăng dầu…) đưa đến phía Nam cầu Bà Rén, cầu Lâu, bảo đảm cho bộ đội chiến đấu. Trong 6 ngày chiến dịch, Quân khu đã chuyển được trên 1.200 tấn vật chất các loại đến các hướng tiến công vào Đà Nẵng. Hội đồng cung cấp tiền phương Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với hậu cần tỉnh đội huy động nguồn lực trong nhân dân, của hậu cần tỉnh đội và từ các “lõm hậu cần” trong nội bộ bảo đảm cho lực lượng vũ trang cùng nhân dân nổi dậy, trước hết bảo đảm cho 10 đại đội bộ đội địa phương mới tăng cường từ du kích xã lên; trang bị cho Trung đoàn 97 chủ lực tỉnh và các đội biệt động… Quá trình tác chiến đã huy động trên 700 chiếc thuyền, 1.000 lượt xe ô tô, xe lam của nhân dân để cơ động bộ đội tiến vào giải phóng Đà Nẵng.
 
Tính chung trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ta đã bảo đảm 17.358 tấn vật chất các loại, trong đó 1.895 tấn vũ khí đạn, 6.266 tấn xăng dầu…; thu 102.027 tấn chiến lợi phẩm các loại, chủ yếu là đạn pháo lớn, phương tiện vận tải, xăng dầu; kịp thời bổ sung cho các đơn vị tăng cường khả năng chiến đấu để phát triển tiến công liên tục, giành thắng lợi nhanh chóng.
 
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà  Nẵng đã tạo ra đột biến chiến lược “một ngày bằng hai mươi năm” để đi đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù thời gian chuẩn bị trực tiếp của chiến dịch Huế - Đà Nẵng rất ngắn (khoảng 1 tuần), trong tình thế rất khẩn trương, nhưng được hậu cần - kỹ thuật chiến lược chi viện, cùng nỗ lực vượt bậc của từng Quân khu và Quân đoàn 2 nên đã bảo đảm cho tiến hành chiến dịch tiến công với tốc độ cao, chiều sâu chiến dịch lớn; kết hợp chặt chẽ hậu cần - kỹ thuật cơ động của Quân đoàn với hậu cần - kỹ thuật tại chỗ của các Quân khu trên địa bàn chiến dịch; phát huy các nguồn lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho tác chiến thắng lợi./.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG