Những đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã tạo nên sức mạnh to lớn, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái góp công, góp sức mở đường ra Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Báo Nhân Dân, ngày 12-6-1954 có đăng bài "Chiến thắng Điện Biên Phủ và đồng bào Tây Bắc":
Lên đến Tây Bắc, gặp đồng bào là được nghe đồng bào tố khổ về trăm cay nghìn đắng đồng bào phải chịu khi giặc còn chiếm đóng: "Thằng Tây còn ở đây thì bản mường xơ xác, người ta gần rừng, xa ruộng mãi thôi". Cộng với tội ác của đế quốc thực dân, chế độ phong kiến thối nát từ nghìn xưa làm đồng bào nghẹt thở. Từ cuối năm 1952, phần lớn Tây Bắc đã dẹp hết giặc và tuy chế độ phong kiến ở đây chưa bị xóa bỏ, chính quyền dân chủ cũng đã đem lại cho đồng bào một ý thức mới về quyền sống và quyền sung sướng của mình.
Cuộc đời đang như một buổi bình minh rạng rỡ thì giặc nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, lăm le cướp lại Tây Bắc. Tất cả đồng bào Thái, Tày, Mông, Xá, Puộc... đoàn kết, vùng lên, nô nức tham gia kháng chiến, phục vụ bộ đội diệt giặc.
Cảnh ngộ gia đình bà Muôn ở xã Quài Cang thuộc huyện Tuần Giáo cũng là cảnh ngộ chung của nhiều gia đình đồng bào Thái trên này khi giặc Tây còn chiếm đóng, gia đình bà cứ hết mùa là phải lên rừng đào củ mài, có khi đói quá, hoa mắt, đào nhầm cả mả người ta; cầm được củ mài về nhà thì hai con đã đói, lả đi rồi không còn ra đón mẹ được nữa. Nghèo quá đến nỗi phải bán cả cái "ninh" (chõ gỗ xôi cơm) là vật cuối cùng đáng giá trong nhà. Bản mường giải phóng rồi, hai vợ chồng cùng nghĩ: "Đời bây giờ khác trước rồi. Phải chăm làm ăn và công tác để con cái mình không bao giờ khổ nữa". Được nhân dân tín nhiệm, bà làm ủy viên xã và ông làm Trưởng bản. Việc gì hai vợ chồng cũng bàn với nhau. Trong suốt thời kỳ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, hai vợ chồng lại càng khuyến khích nhau công tác, cùng thi đua sản xuất, thi đua giã gạo cho bộ đội. Thuế phải nộp có ba tạ thóc, hai vợ chồng bàn nhau cho Chính phủ vay thêm bảy tạ gạo. Những ngày mưa, cả hai vợ chồng cùng ra đường, động viên dân công, cùng lao động với tất cả bà con trong bản, trong xã. Bận trăm công nghìn việc vẫn trồng thêm được một vườn rau cho bộ đội. Con trai đầu lòng đến tuổi, ông bà đồng ý cho tòng quân ngay. Giữa lúc chiến dịch tiền tuyến cần gạo, bà xung phong một tạ, ông cũng xung phong thêm một tạ.
Trong chiến dịch này, đồng bào Mông cũng xuống núi đông chưa từng thấy bao giờ. Nhiều thanh niên Mông xung phong vào bộ đội địa phương. Đồng bào Mông ở trên núi cao hẻo lánh, cả ngày vợ chồng, mẹ con quấn quýt lấy nhau. Xa nhà đối với đồng bào là một sự hy sinh lớn. Anh Pải, một tân binh người Mông nói: "Ở trên núi thì người Mông chưa bao giờ có nhiều muối, nhiều vải bằng năm nay. Xuống đường cái thì người Mông có thể nghênh ngang mà đi rồi, không còn sợ ai đánh đập, bắt bớ. Khi còn giặc Tây thì có bao giờ người Mông được thế. Người Mông phải đi bộ đội đánh hết giặc Tây mới được".
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là vinh quang của Quân đội ta, của nhân dân ta. Đồng bào Tây Bắc đã góp phần xứng đáng làm nên vinh quang ấy. Đại tướng Tổng Tư lệnh đã gửi thư khen ngợi và cảm ơn đồng bào Tây Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã tặng thưởng cán bộ và nhân dân Tây Bắc Huân chương kháng chiến. Những vinh dự ấy càng thúc giục đồng bào tiến tới.
Trong mấy tháng phục vụ chiến dịch, nhân dân Tây Bắc trưởng thành bằng mấy năm bình thường. Lòng yêu nước và trình độ giác ngộ chính trị được đề lên một mức cao. Chiến dịch lịch sử này đối với đồng bào là một trường học sâu sắc. Đồng bào thường nói: "Chính phủ gọi ta đi phục vụ thế này không những là để dìu dắt ta đánh giặc giữ lấy bản mường mà còn để dạy bảo ta học tập biết nói, biết nghĩ, biết họp hành bảo ban nhau nữa".
Trên các công trường phục vụ, mối quan hệ anh em bình đẳng thân ái giữa các dân tộc càng gắn bó. Những gắng sức luôn luôn vượt mức bình thường để bảo đảm chiến thắng làm cho con người của mỗi dân tộc Tây Bắc nảy nở. Nhân dân Tây Bắc mạnh lên trong chiến đấu, càng thêm tin tưởng ở tiền đồ Tây Bắc xán lạn trong tiền đồ xán lạn của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Một trong những thành tích xây dựng lớn nhất của Tây Bắc sau giải phóng là con đường mới hàng mấy trăm cây số vắt ngang qua Tây Bắc, núi hiểm, đèo cao mà hai ô tô vẫn tránh nhau được. Con đường ấy in vết tay lao động của hàng vạn đồng bào dân công người Kinh, người Tày, người Thái, người Mông,... Chúng ta đã làm xong con đường ấy trong có bảy tháng trời sau khi vừa mới giải phóng một phần lớn Tây Bắc. Chúng ta đã bảo vệ con đường ấy suốt chiến dịch vừa qua, chống mọi trận mưa bom và mưa lũ. Con đường ấy chỉ cho ta thấy rằng đối với nhân dân ta vốn yêu lao động, nay dưới chính quyền dân chủ nhân dân có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lãnh đạo, không có việc gì là không làm được. Con đường ấy là tượng trưng cho tình đoàn kết và sự hợp tác bền chặt giữa các dân tộc chung sống trên dải đất này. Con đường ấy đã là con đường chiến thắng. Con đường ấy mãi mãi từ đây là con đường đem lại cho Tây Bắc ấm no và giàu thịnh.
Sách “Thép Mới viết về Điện Biên Phủ”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2014 (lược trích)