Đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong muôn vàn nỗi nhớ

26/07/2024, 08:29

Hà Nội ngày quốc tang thứ nhất (25-7), hàng triệu trái tim Việt Nam kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Ông đi xa mãi mãi đã một tuần rồi, nhưng lòng tôi vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau mất mát.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đoàn cán bộ Báo Quân đội nhân dân tại trụ sở Trung ương Đảng ngày 16-10-2020. Ảnh: PHÚ SƠN

Những ngày qua, báo chí trong nước, quốc tế đã đăng hàng nghìn bài viết về ông, dưới góc nhìn của các chính khách, chuyên gia trên mọi lĩnh vực của đời sống cũng như tình cảm của đồng bào, đồng chí, bạn bè, người thân... Tôi tự nhủ mình chỉ là một phóng viên chuyên trách có may mắn được tháp tùng ông trong những chuyến công tác trong nước và nước ngoài chưa đầy 3 năm (2012-2014), có lẽ cũng nên kiệm lời? Nhưng mấy ngày qua, tràn ngập trong tôi là muôn vàn nỗi nhớ về một con người đức độ, trí tuệ uyên bác, phong thái lịch lãm, nghiêm nghị mà gần gũi, giản dị mà thanh cao, sắc sảo mà khiêm nhường, một trái tim nóng bỏng, nồng nàn lòng yêu nước, thương người và một cái đầu lạnh, luôn luôn bình thản, tỉnh táo trước những phức tạp của thế sự...
 
Tôi như vẫn thấy bóng ông với mái tóc trắng như mây, khoan thai bước ra từ chiếc xe hơi Toyota Crown cũ, đi ngang qua vỉa hè để vào làm việc trong ngôi nhà Văn phòng Trung ương Đảng ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân; như vẫn thấy tay ông thoăn thoắt lia những nét chữ thanh mảnh, cố tốc ký đầy đủ những ý kiến của người dân mỗi lần tiếp xúc cử tri. Có câu nói: "Hương của các loài hoa không bay ngược chiều gió nhưng hương của người đức hạnh lại tỏa khắp muôn phương".
 
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một người như vậy. Từ những thôn xóm xa xôi đến các bản làng heo hút trên khắp đất nước, đồng chí đều được nhân dân yêu quý, đón chào. Tôi nhớ ngày 6-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến làm việc với đội ngũ cán bộ xã Đông Thanh (Lâm Hà, Lâm Đồng), buổi làm việc có đủ cán bộ lãnh đạo 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) diễn ra rất sôi nổi, thực chất nên kết thúc rất muộn vào lúc trời đã nhá nhem tối. Vậy nhưng hàng nghìn người dân biết tin đã đến tập trung trước cổng trụ sở UBND xã với mong ước được gặp Tổng Bí thư.
 
Bà Lê Thị Luyến, người dân thôn Trung Hà đã nắm tay Tổng Bí thư thật chặt và nói: "Tôi ao ước một lần được gặp Tổng Bí thư để nói rằng: "Dân chúng tôi ủng hộ công cuộc chống tham nhũng của Đảng nhiều lắm, cuộc chiến này vô cùng gian nan, mong đồng chí vững tay chèo lái sự nghiệp cao cả này". Hôm đó, Tổng Bí thư nói với nhóm phóng viên tháp tùng chúng tôi: "Ở Hà Nội, họp Trung ương, họp Quốc hội, thấy đất nước gặp biết bao nhiêu vấn đề nhức nhối, nhưng đi công tác cơ sở, thấy nhân dân vẫn tin tưởng vào Đảng, hy vọng, trông chờ vào Đảng bỗng thấy nhẹ cái đầu". Và cũng từ hôm đó, trong tôi nảy ra ý định viết những bài bút ký, ghi chép về tấm lòng, tình cảm của nhân dân các vùng miền trên cả nước đối với đồng chí Tổng Bí thư.
 
Năm 2015, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) đã in cuốn sách "Trong sâu lắng tình dân" của tôi, cuốn sách gần 300 trang, với hàng chục câu chuyện người thật, việc thật về tình yêu thương, quý trọng của nhân dân dành cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên (20-10-2015), Ban biên tập đã quyết định chọn cuốn sách làm quà tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp đồng chí đến thăm và làm việc với Báo.
 
Tôi đã rất hồi hộp xen lẫn chút lo lắng, vì khi xuất bản cuốn sách này, tôi đã không xin ý kiến của Tổng Bí thư. Khi tôi và lãnh đạo Nhà xuất bản mang bản thảo đến gặp đồng chí Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư, đồng chí ấy nói: "Nội dung cuốn sách rất tốt, đều là những bài báo đã công bố, nên các đồng chí cứ lặng lẽ mà xuất bản; nếu xin phép thì có khi Tổng Bí thư lại không đồng ý". Vì thế, khi nghe đồng chí Tổng Bí thư nói "rất bất ngờ và xúc động" với món quà tặng, tôi thở phào nhẹ nhõm với một niềm lâng lâng khó tả cứ dâng lên trong lòng.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà báo lớn với gần 30 năm làm báo chuyên nghiệp. Sự am hiểu sâu sắc nghề báo của ông đã giúp nhóm phóng viên tháp tùng chúng tôi rất nhiều trong tác nghiệp. Còn nhớ lần đi thăm Cuba năm 2012, vào một sáng tinh mơ, tôi và anh Bắc Văn (Báo Nhân Dân) bỗng nhận được điện thoại từ Thư ký Tổng Bí thư: "Các anh đến ngay, Tổng Bí thư cho gọi". Đến nơi, Tổng Bí thư cười tủm tỉm và nói: "Hôm qua tôi gặp đồng chí Fidel và đồng chí Raul, có nhiều chuyện thú vị lắm, tôi sẽ kể các cậu nghe làm tư liệu, rồi khai thác xem viết được cái gì thì viết". Thì ra, Tổng Bí thư biết chuyện phía bạn hạn chế số lượng phóng viên, chỉ cho phóng viên ảnh và quay phim vào tác nghiệp; ông chia sẻ nỗi niềm những phóng viên báo in chúng tôi bằng cách kể lại câu chuyện vào quãng thời gian rảnh hiếm hoi đầu giờ sáng.
 
Lần khác, trong chuyến thăm Italy, ông cũng chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện khi gặp Giáo hoàng. Còn những lần đi công tác trong nước, khi các anh cảnh vệ vì yêu cầu của việc bảo vệ ông, đã ngăn cản không cho chúng tôi tác nghiệp, ông nhẹ nhàng nói: "Ơ kìa, phải hỗ trợ nhà báo chứ". Nhờ những cử chỉ rất nhỏ ấy mà giữa nhóm phóng viên chuyên trách và các chiến sĩ cảnh vệ ngày càng thân thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong mỗi chuyến công tác. Tôi có cảm giác rằng, dù mỗi người một cá tính, nhưng những ai được ở gần ông, đều cố gắng học tập và noi gương ông. Từ những đồng chí trợ lý, thư ký, cảnh vệ, bác sĩ, phóng viên chuyên trách... đều muốn học ông đức tính khiêm nhường, đều ra sức học hỏi để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
 
Về sau, có điều kiện được gặp vợ con của ông, tôi nhận ra rằng họ cũng vậy, rất giản dị và khiêm tốn. Phu nhân của ông-bà Ngô Thị Mận là một người phụ nữ rất nhân hậu và chất phác. Dịp sinh nhật ông năm 2013, bà chỉ mời nhóm phóng viên chuyên trách và các anh vệ sĩ tiếp cận của ông sang ăn cơm tại nhà riêng ở làng Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội). Nhưng vì ngôi nhà của ông bà quá nhỏ, khi bày mâm thì sợ ngồi chật nên bà mới xếp thêm một mâm bên nhà người cháu họ ở ngay bên cạnh. Nhìn bà tất bật lo cơm nước và áy náy xin lỗi mấy anh em phải đi ngồi "mâm lẻ", tôi bỗng thấy bà sao gần gũi, thân thiết như mẹ của mình.
 
Với Báo QĐND, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một tình cảm rất đặc biệt. Tôi nhớ mãi hôm Tổng Bí thư đến thăm và làm việc với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (ngày 27-3-2012). Khi phát biểu kết luận, đồng chí Tổng Bí thư nói rằng đã "thu hoạch" được 5 vấn đề về công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Cả 5 vấn đề, đồng chí đều nhắc đến Báo QĐND. Đặc biệt là vấn đề đầu tiên: "Công tác Đảng, công tác chính trị là xây dựng con người, xây dựng tổ chức, phải rút ra bài học kinh nghiệm xương máu của Hồng quân Xô Viết, Quân đội phải luôn xác định rõ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu". Tổng Bí thư đã dừng lại khen ngợi chuyên mục "Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình" trên Báo QĐND và cho rằng, cần phải chú trọng phát hành Báo QĐND ra bên ngoài xã hội, cũng như chú ý phát triển báo điện tử (những nội dung này, tôi đã viết trong bản tin đăng Báo QĐND ngày 28-3-2012).
 
Ở hầu hết Hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương và Hội nghị quân chính hằng năm, Đại hội Đảng bộ Quân đội mà Tổng Bí thư dự, ông đều nhắc đến Báo QĐND. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ở cương vị nào ông cũng có ít nhất một chuyến thăm và làm việc với Báo QĐND. Trước năm 2011, Báo QĐND chỉ được cử phóng viên tháp tùng Tổng Bí thư trong những chuyến công tác nước ngoài, còn khi ông trở thành Tổng Bí thư (tháng 1-2011), từ ý kiến chỉ đạo của ông, Báo QĐND mới có phóng viên chuyên trách, tháp tùng Tổng Bí thư đi công tác cả ở trong nước và nước ngoài, cũng như được dự, đưa tin những cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Tổng Bí thư chủ trì.
 
Trong cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có bài "Xây dựng Báo QĐND xứng đáng là cơ quan báo chí chủ lực, tiêu biểu trong nền báo chí cách mạng Việt Nam", ông viết: "Báo QĐND đã đi đầu trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận chính trị; định hướng dư luận xã hội; công tác xây dựng Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; làm tròn trọng trách của tờ báo Đảng trong lực lượng vũ trang nhân dân". Bài viết này chính là lá thư ông gửi Báo QĐND nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên (20-10-1950 / 20-10-2020). Dịp đó, ngày 16-10-2020, dù vô cùng bận rộn trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương nhưng ông vẫn dành thời gian tiếp đoàn cán bộ của Báo tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng.
 
Hôm đó, đồng chí Tổng biên tập đề nghị Tổng Bí thư huấn thị về định hướng phát triển tờ báo. Ông suy ngẫm một lúc rồi nhỏ nhẹ nói: “Ai cũng thấy, Báo QĐND có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống báo chí cách mạng của đất nước. Bây giờ báo chí nước ta phát triển rất mạnh mẽ, với đủ loại hình báo chí, báo in, phát thanh, truyền hình, điện tử, rất đông đảo. Nhưng vị trí, vai trò của Báo QĐND không thay đổi, nếu không muốn nói rằng ngày càng quan trọng hơn. Các đồng chí là tờ báo anh hùng của Quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng. Báo không chỉ thông tin những vấn đề trong Quân đội mà phản ánh đầy đủ tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói, trong thông tin, tuyên truyền về hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo của các đồng chí là tờ báo hàng đầu. Cũng là thông tin đa dạng, thông tin chung về mọi lĩnh vực cuộc sống nhưng các đồng chí có cách làm riêng, có dấu ấn. Tôi đề nghị các đồng chí dành thời gian thảo luận, làm rõ bản sắc của mình, rồi phát triển theo hướng đấy.

Làm thế nào để làm báo đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng tôn chỉ, mục đích mà vẫn thu hút bạn đọc ngày càng đông đảo”. Tôi nhớ, khi đồng chí Tổng biên tập đứng dậy kính chúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn mạnh khỏe để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và toàn dân ta tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, ông đã nắm chặt tay đồng chí Tổng biên tập và giữ thật lâu, rồi nhắn nhủ: “Cảm ơn lời chúc sức khỏe của các đồng chí. Tôi cũng chúc các đồng chí đã và đang công tác ở ngôi nhà số 7 Phan Đình Phùng luôn mạnh khỏe. Chúng ta cùng khỏe để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Tôi sẽ có thư gửi tới báo ta nhân ngày kỷ niệm trọng đại này. Tờ báo anh hùng như thế, biết viết gì đây? Khó, nhưng tôi sẽ cố gắng. Các đồng chí về, cho tôi gửi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe, thành công, hạnh phúc đến gia đình, người thân của các đồng chí”.
 
Mới đó mà giờ đây ông đã đi xa mãi mãi. Ông đã sống trọn cuộc đời vì dân, vì nước. Ông đã về với thế giới người hiền nhưng những câu nói nổi tiếng của ông giờ đang vang vọng, truyền cảm hứng sống mãnh liệt cho lớp lớp đồng bào. Tôi nhớ mãi lời ông trong buổi nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!". Đúng vậy, cả cuộc đời ông là một hành trình không ngơi nghỉ cho danh xưng "Người cộng sản". Ông rất thích xưng hô với mọi người bằng từ "đồng chí". Vì thế, tôi muốn dừng bút ở đây bằng chính tiêu đề bài viết: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong muôn vàn nỗi nhớ"
 

NGUYỄN HỒNG HẢI/QĐND Online