Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I-2024 đạt 5,66%, cao nhất của quý I trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, một trong những giải pháp trọng tâm là làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Ảnh minh họa: vneconomy.vn
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I-2024 đạt 5,66%, cao nhất của quý I trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2024 của nước ta dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết, thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới.
Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng... Những vấn đề này có nguyên nhân từ tác động bất lợi của các yếu tố bên ngoài và cả những vấn đề nội tại của nền kinh tế, như: Quy mô còn nhỏ, có độ mở lớn, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh còn hạn chế, điểm nghẽn về tăng năng suất lao động, năng lực sản xuất...
Để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024, một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước...
Có thể nhận thấy, trong thời gian qua, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế đất nước đến từ các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, khu vực dịch vụ, tiêu dùng trong nước, thu hút vốn FDI, đầu tư công và đầu tư của toàn xã hội... Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cần khơi thông các điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh, quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kéo dài.
Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nguồn lực từ đầu tư công cần được khai thác hiệu quả, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, đặc biệt vào những lĩnh vực trọng yếu như hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, những lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh... còn nhiều dư địa phát triển, cần được ưu tiên, khuyến khích để trở thành động lực tiếp nối trong tương lai.
MẠNH HƯNG/QĐND Online