Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn chủ trì Lễ bế mạc Chương trình CEPPP - 2023

23/09/2023, 14:49

Chiều 21/9, tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4 (Miếu Môn, Hà Nội) đã diễn ra Lễ Bế mạc Chương trình đánh giá năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc, Nhóm chuyên gia GGHB Chu kỳ 4 (2021 - 2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì (sau đây gọi tắt là CEPPP-2023). Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo CEPPP-2023 chủ trì buổi lễ.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Dự buổi lễ có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; đại diện Đại sứ quán và Tùy viên Quân sự các nước ADMM+ tại Việt Nam; đại diện Ban Thư ký ASEAN, các giảng viên, học viên của 18 nước ADMM+.
 
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn phát biểu tại buổi lễ.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đánh giá cao những nỗ lực, sự đóng góp của toàn thể 18 đoàn quốc tế đến từ các quốc gia thành viên ADMM+ vào thành công của CEPPP-2023. Thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các nước ADMM+ trong chặng đường tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Việt Nam thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, lực lượng GGHB các quốc gia thành viên ADMM+ đã tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả, đóng góp vào thành công của Chu kỳ 4 Nhóm chuyên gia GGHB trong khuôn khổ ADMM+.
 
Các đoàn tham dự CEPPP-2023.
 
Gửi lời cảm ơn tới Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Quốc phòng Việt Nam trên vai trò đồng chủ trì CEPPP-2023, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn bày tỏ tin tưởng, thông qua cơ chế hợp tác ADMM+ nói chung mà cụ thể là hoạt động của Nhóm chuyên gia về GGHB, Việt Nam và Nhật Bản cùng các nước thành viên ADMM+ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực tham gia hoạt động GGHB, đóng góp hiệu quả vào hoạt động GGHB Liên hợp quốc trên thế giới trong thời gian tới.
 
Bà Matsuzawa Tomoko phát biểu tại buổi lễ.
 
Thay mặt các đại biểu quốc tế, bà Matsuzawa Tomoko, Giám đốc hợp tác quốc tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Trưởng Nhóm chuyên gia GGHB Nhật Bản, đồng chủ trì Nhóm chuyên gia chu kỳ 4 cảm ơn sự hiếu khách và đón tiếp chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam, sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Cục GGHB Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra CEPPP-2023. Theo bà Tomoko, Chương trình CEPPP-2023 đã đạt được mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác giữa các nước trong lĩnh vực GGHB; là một sự kiện đặc biệt và chưa từng có bởi có sự quy tụ của 3 thành phần, gồm:  Quan sát viên quân sự, công binh, quân y cùng học tập và huấn luyện; qua đó chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong các hoạt động GGHB, tiếp tục đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới.
 
Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức báo cáo kết quả CEPPP-2023 tại buổi lễ.
 
Sau 9 ngày tổ chức với các hoạt động phong phú gồm cả huấn luyện lý thuyết và diễn tập thực hành với sự tham gia của 18 đoàn quốc tế thuộc các quốc gia thành viên ADMM+, CEPPP-2023 đã thành công tốt đẹp. Theo đó, các học viên đã được giảng dạy lý thuyết chuyên sâu kết hợp với thực hành kỹ năng của từng bộ phận quan sát viên quân sự, công binh và quân y trong thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một hoạt động đa phương về GGHB Liên hợp quốc với quy mô lớn cả về lực lượng và phương tiện, góp phần khẳng định vai trò, uy tín, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương về GGHB Liên hợp quốc tại khu vực và trong khuôn khổ ADMM+. Thành công của hoạt động cuối chu kỳ lần này là kết quả quan trọng để báo cáo tại ADMM+ dự kiến sẽ diễn ra tại In-đô-nê-xi-a vào tháng 11/2023.
 
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.
 
Có thể khẳng định, Chu kỳ 4 (2021-2023) là một chu kỳ thành công của các quốc gia thành viên ADMM+ nói chung và của Nhóm chuyên gia ADMM+ về GGHB nói riêng. Hoạt động cuối chu kỳ lần này đã được tổ chức thành công tốt đẹp với những kết quả quan trọng, thiết thực, góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc của các quốc gia thành viên ADMM+; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và hiểu biết giữa các quốc gia thành viên ADMM+; đồng thời, đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

NGUYỄN BẰNG/BQP.VN