Trung Quốc giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

23/03/2022, 10:04

Sau năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, biến miền Bắc thành hậu phương lớn và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Với đường lối đúng đắn, độc lập, tự chủ, sáng tạo Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh đất nước với sức mạnh quốc tế tạo thành sức mạnh tổng hợp để từng bước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng, đi đến ngày toàn thắng 30/4/1975. 

Pháo cao xạ do Trung Quốc viện trợ

Với bề dày quan hệ và vị trí địa lý liền kề, Trung Quốc trở thành hậu phương lớn của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những năm 1954 - 1964, Trung Quốc tích cực giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Trung Quốc đã viện trợ kinh tế, kỹ thuật, cung cấp các thiết bị, xây dựng các cơ sở sản xuất công - nông nghiệp, các cơ sở đào tạo, xây dựng cầu đường... gửi chuyên gia sang giúp Việt Nam trong hầu hết các ngành kinh tế, tiếp nhận cán bộ, công nhân Việt Nam sang Trung Quốc học tập. Khi Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964) mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nước láng giềng khăng khít như môi với răng của Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam là những người anh em thân như ruột thịt của nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc quyết không khoanh tay ngồi nhìn mà không cứu. 
 
Cùng với sự ủng hộ về chính trị, ngoại giao... những năm 1954 - 1964 Đảng cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vũ khí, đạn dược để tăng cường tiềm lực kinh tế, quân sự để kháng chiến chống Mỹ. Trung Quốc giúp Việt Nam 900 triệu Nhân dân tệ không hoàn lại (trong đó, phần xây dựng kinh tế là 640 triệu). Theo 02 Hiệp định đã ký kết ngày 18/2/1959 và 31/1/1961, Trung Quốc đã cho Việt Nam vay 900 triệu Nhân dân tệ (300 triệu Nhân dân tệ và 141,750 triệu Rúp) với lãi suất 1% để phát triển kinh tế và văn hóa. Ngoài viện trợ kinh tế, Trung Quốc còn đào tạo 4.755 cán bộ, công nhân cho Việt Nam và gửi 5.837 chuyên gia sang giúp Việt Nam. Ngoài sự giúp đỡ của Trung ương, 4 tỉnh biên giới của Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam) đã ký kết thỏa thuận giúp đỡ 7 tỉnh biên giới của Việt Nam phát triển nông nghiệp, giao thông, công nghiệp...
 
Từ năm 1965 trở đi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc tăng cường ủng hộ Việt Nam trên nhiều phương diện chính trị, ngoại giao... và đẩy mạnh viện trợ vật chất cho Việt Nam, dù lúc đó Trung Quốc gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Ngày 24/1/1965, hai nước ký Hiệp định bổ sung về việc Trung Quốc giúp Việt Nam các trang bị quân sự vật tư hậu cần chủ yếu. Ngày 30/5/1965, hai nước ký Hiệp định về việc Trung Quốc giúp Việt Nam nâng cấp, mở rộng, làm mới 12 tuyến đường ô tô dài 1.782 km (trong đó làm mới 772 km, cải tạo 1.010 km) nhằm tăng khả năng vận chuyển phục vụ kinh tế - xã hội và tác chiến. Theo đó, Trung Quốc đưa sang Việt Nam 4 sư đoàn, tổ chức thành 22 trung đoàn (công binh, đường sắt, tên lửa, cao xạ, hậu cần...) với danh nghĩa Đội công trình làm đường của Bộ Giao thông Trung Quốc để tổ chức thi công. Chi phí làm đường, ngoài các khoản chi mua vật liệu tại chỗ, thuê nhân công phụ và giải phóng mặt bằng do Việt Nam chịu, số còn lại Trung Quốc viện trợ không hoàn lại. Bộ đội Trung Quốc còn giúp ta xây dựng 15 tuyến cáp dưới biển vùng Đông Bắc (ngày 30/8/1966 bàn giao). Ngày 20/7/1965, hai sư đoàn pháo phòng không Trung Quốc sang giúp Việt Nam bảo vệ 2 trục đường sắt từ Đáp Cầu lên Hữu Nghị Quan và từ Tiên Kiên lên Lào Cai. Bộ đội Trung Quốc tham gia chiến đấu 1.659 trận, bắn rơi 126 máy bay Mỹ. Từ năm 1965 - 1968, có 346 chuyên gia và 310.011 bộ đội Trung Quốc sang giúp Việt Nam. Trên tinh thần tự lực chiến đấu, ngày 4/12/1968, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương đưa bộ đội và chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam về nước; theo đó, tháng 1/1969 số chuyên gia và bộ đội Trung Quốc rút về nước. 
 

Trang bị quân sự do Trung Quốc viện trợ
 
Ngày 02/02/1966, tại Côn Minh, Bộ Tổng Tham mưu quân đội hai nước ký thỏa thuận việc Trung Quốc cung cấp hậu cần (vũ khí, đạn dược, khí tài công binh, thông tin, phụ tùng, thuốc men…) cho 2.200 bộ đội Việt Nam hoạt động ở Thượng Lào năm 1966. Ngày 23/6/1966, Trung Quốc ký với ta hiệp định viện trợ không hoàn lại những thiết bị sản xuất, sửa chữa của công binh xưởng quân khu và trạm quân giới cấp tỉnh đội, gồm thiết bị 7 binh công xưởng quân khu, 40 trạm sửa chữa quân giới tỉnh đội. Tháng 11/1966, Trung Quốc ký tiếp Nghị định thư bổ sung về viện trợ không hoàn lại những vật tư, trang bị quân sự cho ta trong năm 1967.
 
Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị Trung Quốc: Cho sử dụng cảng nước sâu, sân bay trong trường hợp các sân bay của Việt Nam không hoạt động được; giúp Việt Nam mở thêm đường bộ, kéo dài đường ống dẫn dầu của Việt Nam tới sát biên giới Trung Quốc; giúp xây dựng tuyến đường ngang Bình Gia - Ngô Khê - Sơn La dài 596 km, khối lượng đào đắp khoảng 20 triệu m3, có 6 cầu lớn dài khoảng 650 m (chưa kể phà qua sông Hồng) đường theo tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, tổng trị giá khoảng 20 triệu Nhân dân tệ; tiếp tục viện trợ không hoàn lại các trang thiết bị quân sự, vật chất hậu cần cho cả hai miền Nam, Bắc trong 02 năm 1967 và 1968. Trung Quốc cơ bản đáp ứng các đề nghị trên của Việt Nam. 
 
Từ năm 1965 - 1968, Trung Quốc viện trợ quân sự cho Việt Nam 170.798 tấn thiết bị, vật tư để xây dựng 8 công trình quân sự sản xuất thiết bị toàn bộ, tổng giá trị (quy đổi) hàng triệu Rúp: Nhà máy Z1 trị giá 3.319.340 Rúp, công suất sản xuất 50.000 khẩu súng tự động 7,62 K63/năm. Nhà máy Z2 mở rộng trị giá 3.319.340 Rúp sản xuất các loại đạn súng máy, súng trường, 12,7 mm; xưởng đúc vỏ đạn cối trị giá 273.280 Rúp; xưởng gia công nhồi đạn cối trị giá 1.789.300 Rúp; xưởng sản xuất đạn B40, lựu đạn chống tăng, trị giá 816.240 Rúp; xưởng sản xuất ống nổ đạn cối trị giá 1.026.000 Rúp; xưởng sản xuất ngòi nổ đạn cối trị giá 1 triệu Rúp; xưởng sửa chữa súng trung, đại liên trị giá 2.280.000 Rúp. Về vật chất, từ năm 1965 - 1968, Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 36.448 tấn vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men… trị giá 922 triệu Nhân dân tệ.
 
Tháng 5/1969, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị Trung Quốc viện trợ khoảng 250 - 270 triệu Nhân dân tệ, gồm các trang thiết bị, khí tài bổ sung và tăng cường cho lực lượng vũ trang miền Nam, chủ yếu là súng bộ binh, súng cối, ĐKZ, súng 12,7 mm, hỏa tiễn và đạn, máy vô tuyến 2W và 15W, điện thoại và dây, các vật tư bảo đảm sinh hoạt; 1 trung đoàn cao xạ 57 mm, 6 tiểu đoàn 37 mm, các khí tài công binh, thông tin vật tư để sản xuất hộp lọc độc, 1 tiểu đoàn xe tăng lội nước và vật tư bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội miền Bắc. Ta còn đề nghị Trung Quốc tiếp tục giúp nghiên cứu sản xuất khí tài trang bị cho đặc công nước, các loại tàu của hải quân có thể chạy được trên bộ, xin nhận các tàu còn gửi lại Trung Quốc, các trang bị, khí tài thuộc hiệp định viện trợ giai đoạn 1964 - 1967 còn để lại. Để bảo đảm cho các đơn vị bộ đội Việt Nam đang hoạt động trong vùng Mường Sài, Nậm Thà, Phôngsalỳ của Pathét Lào, việc tiếp tế rất khó khăn; tháng 6/1969, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam gửi Thư số 139/TM đề nghị Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giúp đỡ trang bị, vũ khí cho các đơn vị nói trên. 
 
Trong giai đoạn 1969 - 1972, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam 761.001 tấn hàng quân sự, trị giá 686.659 triệu Nhân dân tệ (năm 1969 là 250 triệu Nhân dân tệ; năm 1970 là 86,659 triệu Nhân dân tệ; năm 1971 là 350 triệu Nhân dân tệ). Ngoài ra, Trung Quốc còn giúp 60 triệu USD để mua sắm tại chiến trường (gồm cả tiền mua 420.000 tấn gạo và 100.000 tấn thực phẩm tại chỗ). Tính chung từ năm 1955 - 2/1971, Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam là 6.447 triệu Nhân dân tệ và 10 triệu Rúp, cho vay dài hạn không lấy lãi là 300 triệu Nhân dân tệ và 227 triệu Rúp. Tổng số tất cả quy theo Rúp là 1.775 triệu Rúp. 
 
 Từ tháng 2 - 5/1972, Mỹ đã rải mìn, thủy lôi phong tỏa các cửa sông, cảng biển; đánh phá ác liệt các tuyến đường sắt nối liền với Trung Quốc và các tuyến giao thông đường bộ nhằm ngăn chặn nguồn viện trợ của quốc tế cho Việt Nam; cắt đứt chi viện của miền Bắc cho miền Nam, buộc Việt Nam nhượng bộ trong đàm phán ở Pari. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã thương lượng và được Chính phủ Trung Quốc đồng ý cho sử dụng cảng Phòng Thành và để một số tàu biển chở hàng viện trợ quốc tế cho Việt Nam được bốc dỡ hàng ở cảng Trạm Giang (Quảng Đông), từ đó hàng chuyển vào Việt Nam bằng đường sắt qua Lạng Sơn. Lúc này, tuyến đường sắt Hà Nội - Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) là con đường duy nhất để nhập hàng viện trợ quốc tế. Ban Điều hòa nhập khẩu hàng viện trợ của ta ở Lạng Sơn đã phối hợp với phía Trung Quốc bảo đảm hằng ngày có một đoàn tàu quân sự chở 1.000 tấn hàng vào Việt Nam. Trên hướng Quảng Tây, Trung Quốc điều động 3 trung đoàn ô tô đi theo 3 tuyến đường từ Sùng Tả, Ninh Minh, Bằng Tường vận chuyển hàng cho Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam thương lượng với Liên Xô và Trung Quốc chở vũ khí do Liên Xô viện trợ tới Hoa Nam bằng đường sắt rồi chuyển ra cảng Hậu Thủy ở đảo Hải Nam; các tàu của ta nhận hàng tại đây đi thẳng vào miền Nam. Cùng thời gian này, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, trong thời gian ngắn, ta hoàn thành lắp đặt hai hệ thống đường ống quốc gia, mỗi tuyến gồm đường ống xăng và điêzen để tiếp nhận xăng dầu từ Trung Quốc qua biên giới ở Quảng Ninh và Lạng Sơn chuyển về Hà Nội và vào các chiến trường. Riêng kho đầu mối Đồng Đăng, Lạng Sơn (tuyến T72A), tiếp nhận 15.000 - 20.000 tấn xăng dầu/tháng. Nhờ những nỗ lực trên, năm 1972 ta đã tiếp nhận được 382.433 tấn hàng viện trợ quân sự (không kể xăng dầu chuyển qua đường ống). 
 
Nhằm giúp Việt Nam chống chiến lược phong tỏa của Mỹ, từ 4/8/1972 -  7/5/1973 Trung Quốc đưa một số tàu và chuyên gia sang quét được 42 quả thủy lôi các loại và cùng với phía Việt Nam vớt 4 quả khác, lần lượt khai thông tuyến hàng hải từ các cảng đến vùng quần đảo Đông Bắc, Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả. 
 
Các trang bị, khí tài Trung Quốc giúp đều có chất lượng, phát huy tác dụng tốt trên chiến trường. Đặc biệt, năm 1971 Trung Quốc giúp nhiều vũ khí, khí tài cải tiến có chất lượng tốt hơn, trọng lượng nhẹ hơn, thỏa mãn các nhu cầu của ta đề ra trong các đơn đặt hàng và nhu cầu tăng thêm đột xuất. Quân và dân ta phát huy, sử dụng có hiệu quả sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, nhất là viện trợ quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô để từng bước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và đi đến thắng lợi cuối cùng. 
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, viện trợ và vốn vay dài hạn của Trung Quốc chiếm 46% tổng số viện trợ và vốn vay dài hạn các nước dành cho Việt Nam; riêng viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc chiếm 71%. Phần lớn số viện trợ này tập trung vào giai đoạn 1966 - 1968. Ngoài ra, từ năm 1955 - 1975, Trung Quốc đã đào tạo cho Việt Nam 16.275 cán bộ, công nhân kỹ thuật; từ năm 1955 - 2/1971, Trung Quốc đã cử 7.000 chuyên gia kỹ thuật sang giúp Việt Nam về thiết kế, thi công xây lắp, quản lý các ngành giao thông, bưu điện... 
 
Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của nhân dân Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ. Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam khi đó là mối quan hệ ủng hộ, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau. Các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc khẳng định: Trung Quốc không coi viện trợ là giúp đỡ một bên, mà là viện trợ lẫn nhau. Nhân dân Việt Nam kháng chiến đổ máu hy sinh trên tuyến đầu chống Mỹ, đó là sự chi viện mạnh mẽ biết bao đối với nhân dân Trung Quốc đang tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân Trung Quốc, Đảng cộng sản Trung Quốc phải cảm ơn nhân dân Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ. Có thể hiểu, Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ đã tạo ra vành đai an ninh an toàn, ngăn chặn và đẩy sự nhòm ngó của đế quốc Mỹ ra xa biên giới Trung Quốc. Song, đáng tiếc là ở một số thời điểm trước những thử thách nghiêm trọng, Trung Quốc đã gây ra những trở ngại nhất định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Nxb CTQG, Hà Nội, 2013.
2. Tổng kết hậu cần kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Nxb QĐND, Hà Nội, 2001.
3. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 2 (1954-1975). Nxb QĐND, Hà Nội, 1999.

ĐẠI TÁ, THS. TRẦN ĐÌNH QUANG