Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của tuổi trẻ trong chuyển đổi số

31/03/2024, 10:41

Hàng chục nghìn tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng những mô hình, công trình số của thanh niên được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn thể hiện sự chủ động, sáng tạo, tiên phong, đóng góp tích cực của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
 

Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức chương trình hỗ trợ người dân, thanh niên bán nông sản trực tuyến.

Dấu ấn số hóa những công trình, phần việc
 
Hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2024, tuổi trẻ xã Bình Định (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) tích cực cùng lực lượng chức năng đẩy nhanh tiến độ cài đặt ứng dụng, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân địa phương. Theo đồng chí Vũ Đức Cường, Bí thư Đoàn xã Bình Định, thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", Đoàn Thanh niên xã thành lập 4 tổ công nghệ số cộng đồng, triển khai nhiều đợt ra quân hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; hỗ trợ các hộ kinh doanh tạo mã QR, giúp người dân tiếp cận và trải nghiệm các phương thức thanh toán hiện đại...
 
Không chỉ ở xã Bình Định, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc chỉ đạo 100% đoàn cơ sở thành lập các đội tình nguyện với hơn 3.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID. Các hội nghị, hoạt động của tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh cũng tăng cường sử dụng các ứng dụng số giúp mở rộng quy mô tổ chức, giảm chi phí và thời gian; hoạt động tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh bằng việc ứng dụng các kênh tuyên truyền mới như TikTok; triển khai ứng dụng QR Art; ra mắt Chuyên mục "Mỗi tuần một điều luật" trên trang Facebook Tỉnh đoàn...
 
Phát huy lợi thế nhanh nhạy trong cập nhật công nghệ mới của thanh niên, Tỉnh đoàn Long An chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn; có hơn 5.000 ĐVTN tham gia gần 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng. Cùng với đó, định kỳ hằng quý, gần 200 đội hình “IT xanh” của tuổi trẻ địa phương đồng loạt ra quân tuyên truyền về CĐS tại các xã, phường, thị trấn. Năm 2023, các đội hình “IT xanh” tổ chức hơn 5.000 buổi tuyên truyền CĐS cho hơn 70.000 lượt ĐVTN và người dân. Đến nay, hơn 70% cán bộ Đoàn, đoàn viên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử, cài đặt các ứng dụng CĐS của tỉnh và Trung ương.
 
Trong năm 2023, có hơn 74.000 tổ công nghệ số cộng đồng với nòng cốt là lực lượng ĐVTN được thành lập tại 63/63 tỉnh, thành phố với hơn 348.000 thành viên. Các tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” các nội dung, kỹ năng số cơ bản, như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương...
 
Dấu ấn CĐS của Đoàn còn thể hiện sinh động qua việc giao dịch bán hàng, quảng bá sản phẩm của thanh niên và hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến. Tiêu biểu như sự kiện Trung ương Đoàn tổ chức thành công 3 hoạt động về CĐS trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên tại tỉnh Bắc Kạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó “Chợ phiên OCOP” bán đặc sản của Bắc Kạn kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, thu về gần 300 triệu đồng; video quảng bá đặc sản của tỉnh đạt 12 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok...
 
Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định CĐS là một trong 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2022-2027. Thời gian qua, tinh thần CĐS được thực hiện xuyên suốt trên các mặt công tác, đồng bộ ở tổ chức đoàn các cấp. Việc triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, số hóa dữ liệu toàn bộ đoàn viên; tổ chức học tập, kiểm tra Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII trên ứng dụng Thanh niên Việt Nam với hơn 6,3 triệu tài khoản sử dụng; triển khai các tổ hỗ trợ CĐS cho người dân, hoạt động livestream quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... là những minh chứng rõ nét về vai trò của tổ chức đoàn trong CĐS.
 
Thành tựu đáng ghi nhận là nhiều phương thức hoạt động của Đoàn được thay đổi thông qua công nghệ số. Đó là sự chuyển đổi trong công tác điều hành, chỉ đạo, quản trị công việc, thông tin, báo cáo; ứng dụng các công nghệ số trên nhiều lĩnh vực công tác, sản xuất, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, quốc phòng, an ninh; giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, sản phẩm do thanh niên sản xuất... Với việc thay đổi phương thức triển khai truyền thống, thông tin nhanh hơn, kịp thời, chính xác, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các đợt thi đua cao điểm như Tháng thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè... cũng ghi dấu ấn đậm nét về hàng loạt công trình, phần việc thanh niên được thực hiện từ CĐS. Các tổ chức đoàn và tuổi trẻ đã chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi nhận thức và hành động để đưa công nghệ số, CĐS đi vào cuộc sống.

Tuổi trẻ tỉnh Thanh Hóa quét mã QR tìm hiểu thông tin về di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trên địa bàn. 
 
Tránh hình thức, khẩu hiệu suông
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai CĐS trong tổ chức đoàn trên phạm vi cả nước còn một số khó khăn và chưa đồng bộ. Một phần nguyên nhân trở ngại là cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ CĐS chưa đầy đủ ở nhiều vùng, miền, tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin; quá trình ứng dụng công nghệ, thực hiện CĐS chưa đồng đều giữa các đối tượng đoàn viên và giữa các huyện đoàn, thành đoàn, đoàn trực thuộc. Một bộ phận ĐVTN có tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi và ứng dụng công nghệ, chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ. Ở một số nơi, việc CĐS chưa thực chất, còn biểu hiện hình thức, chạy theo phong trào, khẩu hiệu nhiều mà hành động thì hạn chế...
 
Để góp phần giải quyết thực trạng trên, đồng thời phát huy vai trò xung kích của thanh niên, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của Đoàn trong CĐS, Trung ương Đoàn xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2030" với nhiều nhóm giải pháp, hướng tới mục tiêu hỗ trợ người trẻ nâng cao nhận thức; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số.
 
Trao đổi về nội dung này, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng, muốn CĐS thành công phải có những con người làm việc được ở môi trường số, trong đó yếu tố quan trọng là nhận thức số và năng lực số. CĐS được xem là “thay đổi có tính chất phá hủy”, tức là thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, làm việc cũ. Do đó, nếu nhận thức không đúng vai trò thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi. Năng lực số chính là năng lực sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông; thái độ, kiến thức, kỹ năng... giúp ĐVTN học tập, làm việc được trong môi trường số. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của Đoàn là tạo môi trường để tuổi trẻ rèn luyện nâng cao năng lực số. Bên cạnh đó, từng ĐVTN cần có ý thức tham gia vào quá trình CĐS và tự nâng cao năng lực số.
 
Tại Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” do Trung ương Đoàn tổ chức, nhiều chuyên gia, cán bộ Đoàn, ĐVTN chung nhận định rằng, để khơi dậy, phát huy mạnh mẽ vai trò, thế mạnh của Đoàn trong CĐS, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ thì việc tăng cường năng lực số cho ĐVTN đóng vai trò tiên quyết. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về CĐS, Đoàn Thanh niên cần chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực số như năng lực sử dụng thiết bị, phần mềm, khai thác dữ liệu, thông tin; năng lực giao tiếp, hợp tác; tổ chức thêm các sân chơi, mô hình mới có tính dẫn dắt xu hướng công nghệ dành cho tuổi trẻ... Điều đáng lưu ý là các hoạt động cần đi vào thực chất, lấy tính hiệu quả và thanh niên làm trung tâm; tránh các hoạt động, việc làm hình thức, khẩu hiệu suông tạo tâm lý không tích cực, giảm niềm tin của thanh niên vào công cuộc CĐS.
 

BẢO ANH/QDND Online