Liên khu 5 với Chiến dịch Điện Biên Phủ

04/05/2024, 15:42

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi của quân và dân ta, đặc biệt là vai trò quan trọng, quyết định của Quân đội nhân dân Việt Nam non trẻ khi đánh bại đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp. Dưới góc độ nghệ thuật quân sự, thắng lợi đó không chỉ là nghệ thuật tác chiến ở Mặt trận Điện Biên Phủ, mà còn là thành quả của nghệ thuật phối hợp tác chiến chiến lược giữa các chiến trường; trong đó, Liên khu 5 là một hướng quan trọng, trực tiếp “chia lửa” cùng Điện Biên Phủ để đi đến thắng lợi quyết định.

Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Liên khu 5 sau chiến thắng ĐăkPơ (được ví như “Điện Biên Phủ” của Liên khu 5) năm 1954. Ảnh tư liệu.

Liên khu 5 phối hợp cùng Điện Biên Phủ, đập tan “Kế hoạch Nava”
 
Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh Quân đội Pháp tại Đông Dương, tướng Nava đã đưa ra “Kế hoạch Nava” với tham vọng trong vòng 18 tháng sẽ xoay chuyển cục diện chiến trường, giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự””1. Với toan tính: vùng “Liên khu 5, cùng với những căn cứ địa trên vùng cao nguyên Bolovens là một mối nguy cơ thường xuyên đối với tất cả vùng Nam Đông Dương,… Việc giải phóng vùng này sẽ có một ảnh hưởng về mặt tinh thần rất lớn đối với toàn bộ nước Việt Nam, kể cả trong những vùng Việt Minh kiểm soát”2, thực dân Pháp xác định một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong Đông Xuân 1953 - 1954 là phải xóa cho bằng được vùng tự do của Việt Minh ở Liên khu 5, “chiếm giữ tiến tới bình định hoàn toàn vùng đất này”3. Thực hiện tham vọng đó, thực dân Pháp ráo riết điều chỉnh, bổ sung các đơn vị, dồn quân vào Liên khu 5 với quy mô ước tính gần 50.000 tên cùng trang bị hùng hậu để triển khai Cuộc hành quân Atlante.
 
Trước âm mưu của Pháp, quán triệt quan điểm của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”, Liên khu ủy 5 xác định chủ trương: tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là phía Bắc, đi đôi với củng cố vùng tự do; đồng thời, chỉ đạo chú trọng nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường chính (Bắc Tây Nguyên) với chiến trường toàn quốc, v.v. Thực hiện chủ trương đó, Liên khu 5 quyết định tập trung quân chủ lực tiến công lên Bắc Tây Nguyên nhằm nối liền vùng tự do của Liên khu với Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Cùng với đó, dùng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương để kìm chân, từng bước tiêu hao, tiêu diệt, bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét của địch; kết hợp đẩy mạnh hoạt động vùng địch hậu, biến cả Liên khu thành một chiến trường, thường xuyên uy hiếp, đe dọa địch từ mọi hướng. Đây là một quyết định sáng suốt, táo bạo, mang tính đột phá, làm cho quân Pháp hoàn toàn bất ngờ, đang từ thế chủ động tiến công phải chuyển sang bị động đối phó và nhận kết quả thảm bại.
 
Ngày 20/01/1953, Cuộc hành quân Atlante bắt đầu bằng việc quân Pháp đổ bộ lên Tuy Hòa và từng bước mở rộng vùng chiếm đóng ở Phú Yên. Tại đây, chúng không những không tìm diệt được chủ lực của ta, mà còn bị thế trận chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích của ta kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt. Ngày 26/01/1953, Liên khu 5 mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, với khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân Liên khu, chỉ sau hơn một tuần, tỉnh Kon Tum được hoàn toàn giải phóng; vùng tự do Liên khu 5 được nối liền với Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, nguy cơ chiến trường Đông Dương bị chia cắt làm đôi, điều mà quân Pháp e ngại nhất đã hiện hữu.
 
Dù mất Kon Tum, song Pháp vẫn cho rằng nếu tiếp tục đánh mạnh vào vùng tự do thì ta sẽ phải rút quân về để đối phó. Vì vậy, ngày 12/3/1953, chúng cho quân đổ bộ lên Quy Nhơn, kết hợp cùng cánh quân từ hướng Nam tiến ra đánh chiếm Bình Định. Đúng một ngày sau đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ được mở màn, và liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng càng khích lệ quân ta tiến lên diệt địch và làm cho tinh thần quân Pháp trên chiến trường Liên khu 5 thêm hoang mang, dao động. Trong khí thế đó, quân và dân Bình Định anh dũng chiến đấu, buộc địch co cụm ở thị xã Quy Nhơn, không hoàn thành mục tiêu nối liền Quy Nhơn với An Khê và Pleiku theo kế hoạch.
 
Đoàn xe thuộc Binh đoàn cơ động số 100 (GM100) của thực dân Pháp bị Liên khu 5 tiêu diệt trong trận Đắk Pơ - Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (năm 1954). Ảnh tư liệu.
 
Tiếp đà thắng lợi của đợt hai Chiến dịch Điện Biên Phủ, Liên khu 5 liên tục đẩy mạnh tiến công địch trên các hướng. Hướng Bắc Tây Nguyên, ta tiếp tục chia cắt Đường 19, vây ép và uy hiếp mạnh An Khê, Pleiku, chặn đánh quân chi viện, gây cho chúng những thiệt hại nặng nề. Hướng Phú Yên, Trung đoàn 803 chuyển về hoạt động ở phía Tây của Tỉnh, phối hợp cùng bộ đội địa phương và du kích liên tục bám đánh, tiêu hao hàng nghìn tên địch. Hướng Nam Tây Nguyên, bộ đội địa phương Đắk Lắk đẩy mạnh tiến công các vị trí xung quanh Buôn Ma Thuột; bộ đội địa phương Lâm Đồng cũng chia cắt nhiều vị trí trên trục Đường 20, buộc Pháp phải điều quân từ Phú Yên lên phối hợp bảo vệ khu vực này. Ở các vùng địch tạm chiếm, bộ đội địa phương cũng hoạt động mạnh, phối hợp nhịp nhàng cùng chiến trường chính Bắc Tây Nguyên. Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trên các chiến trường đã làm giảm đi đáng kể nhịp độ tiến công của Pháp ở vùng tự do; đồng thời, triệt để giam chân chúng ở chiến trường Liên khu 5, không cho chúng có cơ hội rút quân ứng cứu cho Điện Biên Phủ. Chính Nava phải thú nhận: “Các cuộc tấn công của Việt Minh vào vùng Trung - Nam Lào, vào Tây Nguyên cầm chân các lực lượng của chúng ta tại đấy và ngăn chặn mọi việc huy động các binh đội cơ động, cho dù chúng đóng ở đâu. Chúng ta không thể rút bớt lực lượng từ bất cứ chiến trường nào, thậm chí những đơn vị vừa mới thành lập cũng đã bị đưa hết vào cuộc chiến”4.
 
Ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, hơn 16.000 quân Pháp bị diệt và bắt sống, “Kế hoạch Nava” cơ bản đã phá sản. Nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, phát huy khí thế thắng lợi của Điện Biên Phủ, Liên khu ủy 5 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch trên khắp các chiến trường, tạo nên những đòn đánh bồi, đánh hiểm có ý nghĩa quân sự, chính trị quan trọng, góp phần buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơnevơ.
 
Qua hơn bảy tháng liên tục chiến đấu, quân và dân Liên khu 5 đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 tên địch, thu 7.500 súng, 400 tấn đạn, 373 xe quân sự các loại; giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum và phần lớn tỉnh Gia Lai; vùng tự do được củng cố, mở rộng ra đến Nam sông Cẩm Lệ. Quan trọng hơn, chiến trường Liên khu 5 đã phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với chiến trường chính Điện Biên Phủ và các hướng chiến lược khác, đẩy quân Pháp vào thế bị phân tán, kiềm chế, không thể cơ động ứng cứu cho nhau. Thắng lợi của mặt trận này đều có vai trò “chia lửa” của mặt trận kia; cùng nhau kìm chân địch, không cho chúng ứng viện cho nhau; cùng nhau thi đua giết giặc, lập công, giành thắng lợi. Đây chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất thủ của quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
 
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 phát huy hào khí Điện Biên Phủ trong thời kỳ mới
 
Phát huy hào khí Điện Biên Phủ, suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng vũ trang Quân khu 5 luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ cùng chiến trường cả nước làm nên những chiến công vang dội, như: Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường, Pleime (năm 1965), Đắk Tô - Tân Cảnh (năm 1972), Nông Sơn - Thượng Đức (năm 1974); đặc biệt, là đòn “điểm huyệt” độc đáo Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên (năm 1975), mở màn xuất sắc cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Hào khí Điện Biên Phủ còn được phát huy, tạo sức mạnh tinh thần to lớn để lực lượng vũ trang Quân khu 5 phối hợp cùng các cánh quân tình nguyện Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn phản động, diệt chủng Pônpốt - Iêngxari, hồi sinh đất nước và dân tộc. Trong thời kỳ mới, hào khí ấy được chuyển hóa thành nguồn lực chính trị - tinh thần thấm sâu trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, tạo động lực to lớn để Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
 
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tự hào về truyền thống vẻ vang, lực lượng vũ trang Quân khu 5 càng ý thức sâu sắc trách nhiệm phải tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống ấy lên tầm cao mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai toàn diện, hiệu quả quan điểm, đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, trọng tâm là: Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược an ninh mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Luật Quốc phòng, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Dự báo chính xác tình hình, các tình huống quốc phòng, an ninh, kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối sách linh hoạt, đúng đắn, giải quyết tốt các vấn đề, tình huống phức tạp nảy sinh trên địa bàn.
 
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng phòng thủ Quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trong tình hình mới. Tập trung nghiên cứu, điều chỉnh thế trận và xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc trên từng địa bàn. Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị trên địa bàn chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở; giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc trong nhân dân,... góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững và tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết hữu nghị với nhân dân và Quân đội các nước Lào và Campuchia.
 
Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, phát huy tốt vai trò “hạt nhân” lãnh đạo đơn vị. Đẩy mạnh đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo; xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn đơn vị. Nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả đất nước.
 

/Tạp chí QPTD