Mấy vấn đề về bảo đảm hậu cần chống chia cắt chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

25/06/2024, 14:09

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), việc chống địch chia cắt chiến lược là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt, có thể tiến hành ngay từ đầu hoặc trong suốt quá trình chiến tranh, nhằm đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược của địch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường. Để thực hiện mục tiêu đó, cần tiến hành tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp lập thế, tạo lực, tổ chức chỉ huy, điều hành tác chiến;... trong đó, bảo đảm hậu cần chống chia cắt chiến lược là một nội dung quan trọng cần quan tâm nghiên cứu.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng tham quan mô hình sáng tạo đường ống xăng dầu trong dã ngoại. Nguồn: nhandan.vn

Từ góc độ quốc phòng, an ninh cho thấy, trong tương lai, nếu kẻ địch liều lĩnh xâm lược nước ta, chúng sẽ sử dụng tổng hợp các phương thức, thủ đoạn tác chiến; trong đó, chia cắt chiến lược là biện pháp tác chiến phổ biến, nhằm chia cắt, phá vỡ liên kết thế trận tác chiến chiến lược của ta, cô lập các vùng, miền (chiến trường), tạo điều kiện thuận lợi đánh chiếm các mục tiêu chiến dịch, chiến lược. Đây là biện pháp tác chiến được địch hết sức coi trọng và thường được tiến hành trên địa bàn chiến lược trọng yếu, địa hình phức tạp, thuận lợi cho việc chia cắt, phong tỏa, khống chế. Trong khi đó, địa hình nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam, có chiều ngang hẹp, lại nằm bên bờ Biển Đông nên dễ bị địch chia cắt chiến lược theo hướng Đông - Tây, trọng điểm là khu vực miền Trung. Với ưu thế về vũ khí, trang bị hiện đại, khả năng cơ động cao,... đòn chia cắt của địch sẽ diễn ra bằng tác chiến liên hợp, hiệp đồng quân chủng, binh chủng, kết hợp tiến công hỏa lực với tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tác chiến không gian mạng, chiến tranh thông tin và hỗ trợ của lực lượng phản động nội địa, thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh vào, v.v.
 
Chống chia cắt chiến lược là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược của địch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường; giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng thủ chiến lược trên từng chiến trường, hướng chiến lược và cả nước. Tác chiến chống chia cắt chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tiến hành trong điều kiện mới, dựa trên nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển ở trình độ cao; trong đó, nền tảng là thế trận phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ địa phương đã được chuẩn bị trước từ thời bình. Về mặt hậu cần, tiềm lực và thế trận hậu cần các cấp được tăng cường cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước. Hậu cần khu vực phòng thủ được xây dựng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; các căn cứ (phân căn cứ), cơ sở hậu cần chiến lược, chiến dịch trên các vùng, miền (chiến trường) được quy hoạch, xây dựng, chuẩn bị trước một bước hình thành các khu vực hậu cần mạnh, đồng bộ về mọi mặt, có khả năng độc lập bảo đảm cho các hướng, địa bàn chiến lược, v.v.
 
Tuy nhiên, xuất phát từ đối tượng địch và đặc điểm tác chiến chống chia cắt chiến lược, công tác bảo đảm hậu cần sẽ rất nặng nề, mang tính tổng hợp cao. Việc duy trì bảo đảm liên tục cho tác chiến trên địa bàn rộng, với nhiều quy mô, thành phần lực lượng, loại hình tác chiến, tình huống diễn biến nhanh, phức tạp, khối lượng vật chất, vũ khí, trang bị phải bảo đảm lớn, yêu cầu rất khẩn trương,... là những thách thức, khó khăn không hề nhỏ với hậu cần các cấp. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến, đòi hỏi công tác hậu cần phải giải quyết nhiều vấn đề. Bài viết xin trao đổi một số nội dung về chuẩn bị hậu cần chống chia cắt chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 
1. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng hậu cần tại chỗ, cốt lõi là hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh. Đây là vấn đề có tính nền tảng của hậu cần chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cho lực lượng vũ trang và nhân dân bám trụ chiến đấu bảo vệ địa bàn; đồng thời, sẵn sàng bảo đảm cho các đơn vị chủ lực cơ động tác chiến theo quyết tâm, kế hoạch tác chiến chiến lược. Theo đó, trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội ngay từ thời bình, cùng với quy hoạch, xây dựng hậu cần chiến lược, chiến dịch trên các vùng, miền (chiến trường), cần tích cực, chủ động xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp, hậu cần quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” làm nòng cốt để xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ các cấp vững mạnh, đặc biệt là các địa bàn chiến lược trọng điểm, địa bàn giáp ranh giữa các quân khu, chiến trường và khu vực dự kiến địch có thể chia cắt chiến lược. Để làm được điều đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực vật chất, xây dựng các cơ sở hậu cần, lực lượng hậu cần nhân dân rộng khắp trên các địa bàn theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI); Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ, v.v. Tập trung chỉ đạo xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận, đảm bảo liên kết chặt chẽ với hậu cần chiến dịch, chiến lược, hình thành bảo đảm hậu cần tại chỗ hoàn chỉnh theo khu vực thực sự vững chắc.
 
Quá trình thực hiện, cần chủ động tạo nguồn dự trữ vật chất, phương tiện theo phương châm “toàn diện, có trọng điểm, có chiều sâu”, nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ; đồng thời, xây dựng, hoàn thiện kế hoạch huy động lực lượng, vật chất, phương tiện bảo đảm cho các tình huống quốc phòng và cho năm đầu, thời kỳ đầu chiến tranh có tính khả thi cao. Chú trọng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, bến bãi, các công trình lưỡng dụng, tích cực triển khai xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ, cơ sở hậu cần bí mật,... sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến phòng thủ và chống chia cắt chiến lược.
 
2. Quy hoạch, xây dựng thế trận hậu cần chống chia cắt chiến lược liên hoàn, vững chắc, cơ động, hình thành các khu vực hậu cần hoàn chỉnh, có khả năng độc lập bảo đảm cho từng khu vực, địa bàn tác chiến. Bảo đảm hậu cần chống chia cắt chiến lược do hậu cần chiến lược kết hợp với hậu cần quân khu, các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên địa bàn và các đơn vị tham gia tác chiến tiến hành. Căn cứ vào dự kiến quyết tâm chống chia cắt chiến lược, hậu cần chiến lược chủ trì cùng với hậu cần quân khu chủ động xây dựng phương án tổng thể về tổ chức sử dụng lực lượng, quy hoạch thế bố trí căn cứ, phân căn cứ hậu cần, hệ thống bệnh xá, bệnh viện, kho tàng, cơ sở sản xuất,... trực tiếp bảo đảm cho tác chiến, ưu tiên các địa bàn trọng điểm, khu vực dự kiến mở chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công địch chia cắt chiến lược, v.v. Việc tổ chức sử dụng, bố trí từng thành phần, lực lượng hậu cần phải phù hợp với quyết tâm tác chiến chiến lược; phát huy cao nhất khả năng, sở trường của từng lực lượng; tạo sự liên kết vững chắc giữa hậu cần các cấp, kết hợp chặt chẽ hậu cần tại chỗ và cơ động, đảm bảo có thể chuyển hóa linh hoạt để chi viện lẫn nhau trong các tình huống.
 
Trong tác chiến nói chung, chống chia cắt chiến lược nói riêng, dù diễn ra ở địa bàn nào cũng phải tiến hành trên nền tác chiến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ địa phương. Do đó, quy hoạch xây dựng thế trận hậu cần tác chiến chống chia cắt chiến lược phải dựa vào thế trận hậu cần tác chiến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố,... để triển khai bố trí lực lượng hậu cần chiến lược, chiến dịch,... nhằm hình thành các khu vực hậu cần hoàn chỉnh, có khả năng bảo đảm tổng hợp, độc lập cao. Hiện nay, trên cơ sở phân vùng chiến lược, phân chia chiến trường, hậu cần chiến lược và các quân khu, các tỉnh, thành phố cần tích cực triển khai xây dựng thế trận hậu cần bảo đảm cho tác chiến phòng thủ và chống chia cắt chiến lược. Trước hết, tập trung hoàn thiện quy hoạch tổng thể thế trận hậu cần, trên cơ sở đó huy động nguồn lực từng bước triển khai xây dựng các căn cứ (phân căn cứ) hậu cần, căn cứ hậu phương khu vực phòng thủ, mạng đường giao thông và hệ thống kho tàng, bến bãi, hang, hầm dự trữ vật chất, cất giấu phương tiện, v.v. Quá trình thực hiện triệt để tận dụng, cải tạo địa hình có lợi, chú trọng các biện pháp bảo vệ, giữ bí mật; kết hợp lưỡng dụng kinh tế và quốc phòng, phòng thủ dân sự và bảo đảm cho tác chiến để nâng cao hiệu quả đầu tư. Khi chiến tranh xảy ra, hậu cần chiến lược (chiến trường), hậu cần quân khu căn cứ quyết tâm chống chia cắt chiến lược và tình hình có liên quan để bổ sung, điều chỉnh lực lượng, hoàn thiện thế trận. Trường hợp phải thay đổi phương án bố trí, cần tận dụng triệt để kết quả chuẩn bị trước, nhất là các khu vực bố trí dự bị, căn cứ (phân căn cứ) hậu cần của quân khu, quân đoàn, cơ sở hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên địa bàn để nhanh chóng triển khai lực lượng, chuyển hóa thế trận, kịp thời bảo đảm cho tác chiến, sau đó củng cố, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế.
 
3. Thống nhất chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong tổ chức chuẩn bị hậu cần tác chiến chống chia cắt chiến lược. Đây là nội dung quan trọng, quyết định kết quả bảo đảm hậu cần cho hoạt động tác chiến quan trọng này, bởi đó không chỉ bao gồm khối lượng công việc đồ sộ, mà còn do nhiều cấp, ngành, lực lượng tiến hành, v.v. Vì vậy, ngay từ thời bình, có thể chủ động nghiên cứu phân định rõ nội dung, mức độ, phạm vi chuẩn bị, trách nhiệm của hậu cần chiến lược, hậu cần quân khu, khu vực phòng thủ và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp, hiệp đồng, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả chuẩn bị hậu cần cho nhiệm vụ tác chiến chiến lược này. Để việc thực hiện đạt hiệu quả cao, cần quán triệt, nhất quán quan điểm: chuẩn bị hậu cần tác chiến chống chia cắt chiến lược là một nội dung trong tổng thể chuẩn bị hậu cần chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, mà trực tiếp là chuẩn bị hậu cần cho tác chiến chiến lược trên các chiến trường và tác chiến phòng thủ quân khu. Phải tích cực, chủ động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; trong đó, hậu cần chiến lược là nòng cốt, hậu cần quân khu là trung tâm, hậu cần khu vực phòng thủ địa phương là cơ sở để triển khai thực hiện. Cùng với đó, chú trọng nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm bảo đảm hậu cần trong chiến tranh giải phóng và các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang trên thế giới thời gian gần đây để đề xuất bổ sung, hoàn thiện lý luận bảo đảm hậu cần tác chiến chống chia cắt chiến lược, phù hợp với tiến trình hiện đại hóa Quân đội và ngành Hậu cần, sự phát triển của đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
 
Công tác bảo đảm hậu cần tác chiến chống chia cắt chiến lược bao gồm nhiều nội dung; công tác chuẩn bị, thực hành bảo đảm rất nặng nề, phức tạp và là vấn đề đang trong quá trình phát triển. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện lý luận và chỉ đạo triển khai chuẩn bị trên thực tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

ĐẠI TÁ, TS. CAO VĂN KẾ/Tạp chí QPTD