Một số giải pháp xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược trong tình hình mới

23/02/2023, 08:59

Lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược là lực lượng dự bị động viên hậu cần trong thời bình, được sắp xếp vào các cơ quan, đơn vị bảo đảm hậu cần cấp chiến lược, nhằm sẵn sàng động viên mở rộng lực lượng theo biên chế thời chiến. Bởi vậy, xây dựng lực lượng này có số lượng phù hợp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc là vấn đề rất quan trọng, cần có giải pháp đồng bộ, khả thi.

Xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược là một nội dung quan trọng trong xây dựng lực lượng dự bị động viên của toàn quân, được tiến hành ngay từ thời bình, với tổng thể các biện pháp, từ xác định nhu cầu, tổ chức biên chế, sắp xếp, đến quản lý, huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của quân nhân, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên hậu cần cấp chiến lược, v.v. Để góp phần xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong các trạng thái quốc phòng, những năm qua, Tổng cục Hậu cần đã kết hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan, tổ chức xây dựng lực lượng này cả về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng ngành Hậu cần Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, sẵn sàng mở rộng biên chế, bảo đảm hậu cần trong mọi tình huống. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác quan trọng này, có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức; việc tạo nguồn, sắp xếp, quản lý, huấn luyện, diễn tập ở một số đơn vị, địa phương còn bất cập, nên chất lượng có mặt còn hạn chế, tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự thấp. Đặc biệt hiện nay, do tác động của mặt trái cơ chế thị
 
trường cũng như sự phát triển năng động, đa dạng của các thành phần kinh tế,... nên nguồn lực lượng dự bị động viên hậu cần nói chung, lực lượng dự bị hậu cần chiến lược nói riêng có nhiều biến động. Trong khi đó, Luật Dự bị động viên năm 2019 và chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại đã đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện đối với lực lượng này. Để xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số nội dung giải pháp chủ yếu, trọng tâm sau:
 
Một là, đẩy mạnh công tác tạo nguồn, sắp xếp lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược theo hướng gần, gọn địa bàn và đúng chuyên nghiệp quân sự. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu bảo đảm nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược; bởi đây là lực lượng chuyên môn kỹ thuật, gồm nhiều chuyên ngành khác nhau, có những ngành mang tính đặc thù cao, như: y, dược, vận tải,… đòi hỏi sắp xếp phải đúng chuyên ngành mới có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ khi được động viên. Trong khi đó, đối tượng để sắp xếp, biên chế vào các cơ quan, đơn vị hậu cần chiến lược rất đa dạng, bao gồm cả sĩ quan, quân nhân xuất ngũ; sinh viên được đào tạo từ các trường đại học; quân nhân dự bị hạng hai là các y, bác sĩ thuộc các trung tâm y tế, bệnh viện địa phương, lái xe, phương tiện kỹ thuật của các nhà máy, xí nghiệp, công ty,… đang sinh hoạt, làm việc ở các môi trường, điều kiện khác nhau. Trước thực trạng này, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần xác định và thực hiện đồng bộ, khoa học, phù hợp các biện pháp nhằm tạo ra lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược đủ về số lượng, tốt về chất lượng, có lượng dự trữ dồi dào, đáp ứng kịp thời các tình huống. Trong đó, với nguồn từ quân nhân xuất ngũ hằng năm, cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các đơn vị thường trực để huấn luyện đầy đủ, rèn luyện một cách toàn diện để quân nhân có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đơn vị dự bị động viên. Với nguồn từ đội ngũ quân nhân dự bị đã có, căn cứ vào kết quả phúc tra, rà soát để chọn ra số xếp đúng, gần đúng hoặc không đúng chuyên nghiệp quân sự, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện bổ sung sát từng đối tượng. Với nguồn từ lực lượng dân quân tự vệ, trên cơ sở yêu cầu về số lượng của từng chuyên ngành còn thiếu, cần thường xuyên rà soát, nắm chắc đối tượng, nhất là những ngành đòi hỏi trình độ cao để xác định kế hoạch tạo nguồn cho phù hợp. Nguồn này thường được sử dụng cho cả đơn vị dự bị động viên hậu cần có tính chuyên nghiệp cao (y, dược,...) và tương đối đơn giản.
 
Yêu cầu đặt ra là cần sắp xếp những quân nhân dự bị có nơi cư trú gần nhau, gọn theo đầu mối đơn vị, kết hợp giữa đúng chuyên nghiệp quân sự với gần, gọn địa bàn động viên; trong đó, ưu tiên đúng chuyên nghiệp quân sự là chính. Đối với phương tiện kỹ thuật sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên, phải có tính năng, tác dụng và tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với yêu cầu sử dụng theo biên chế của từng đơn vị; trường hợp không có phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sử dụng thì sắp xếp phương tiện kỹ thuật có tính năng tương ứng. Để bảo đảm sẵn sàng huy động kịp thời, đủ về số lượng, Tổng cục Hậu cần cần quy định quân nhân dự bị và các phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên hậu cần chiến lược phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp.
 
Hai là, tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược. Quản lý lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược cơ bản thuộc trách nhiệm của địa phương, cơ quan hậu cần chiến lược có trách nhiệm phối hợp thực hiện và chịu trách nhiệm tổ chức thâm nhập để nắm tình hình các mặt. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược lại thường xuyên hoạt động phân tán trong các ngành kinh tế, xã hội khác nhau; sức khỏe, độ tuổi của quân nhân dự bị thường xuyên thay đổi; số lượng lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược lớn, nhiều chuyên ngành khác nhau, phân bố trên địa bàn cả nước; tính biến động cao,… nên gặp khó khăn nhất định trong công tác quản lý. Đối với phương tiện kỹ thuật, do tính chất đặc thù, các phương tiện hoạt động phân tán trên khắp mọi miền đất nước; việc chuyển nhượng, đổi chủ sở hữu, thay đổi người điều khiển diễn ra thường xuyên; quá trình hoạt động phương tiện bị xuống cấp tự nhiên hoặc hư hỏng do va quệt, tai nạn,… làm cho nguồn này cũng luôn bị biến động. Do đó, cơ quan hậu cần chiến lược phải thường xuyên nắm chắc cả về số lượng và chất lượng thực sự của lực lượng dự bị động viên hậu cần đã sắp xếp vào biên chế của cơ quan, đơn vị hậu cần chiến lược. Trong đó, phải nắm chắc tổng số lực lượng đã được địa phương sắp xếp, số còn thiếu so với biên chế; tỷ lệ đúng, gần đúng, không đúng chuyên nghiệp quân sự; điều kiện, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, độ tuổi, nhận thức chính trị, địa bàn sinh sống, làm việc,… của từng đối tượng. Để thực hiện, cơ quan hậu cần chiến lược cần phối hợp chặt chẽ với địa phương giao nguồn và các cơ quan, đơn vị có liên quan; xây dựng hệ thống quản lý phù hợp, phân định rõ phạm vi, trách nhiệm công việc trong quản lý giữa địa phương và đơn vị; thực hiện tốt công tác thâm nhập, phúc tra hằng năm; triển khai tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; duy trì nền nếp sinh hoạt đơn vị dự bị động viên, sinh hoạt sĩ quan dự bị. Ngoài ra, Tổng cục Hậu cần cần sớm thống nhất, hoàn thiện hệ thống sổ sách, mẫu biểu đăng ký, thống kê cả về số lượng và chất lượng; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ trong phối hợp quản lý, như: thiết lập dữ liệu lực lượng dự bị động viên dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, phân cấp sử dụng chương trình dữ liệu dùng chung trong công tác quản lý; hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các cơ quan, ban, ngành có liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể, chu đáo; tổ chức thực hiện đầy đủ việc đăng ký, quản lý, sắp xếp, phúc tra, kiểm tra, huấn luyện, diễn tập,… cho lực lượng này.
 
Ba là, huấn luyện thiết thực, đồng bộ, phù hợp với từng đối tượng, nâng cao trình độ mọi mặt cho lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược. Cũng giống như lực lượng dự bị động viên ở các chuyên ngành khác, lực lượng dự bị động viên hậu cần sinh sống, lao động ở địa phương; do lâu ngày không tiếp xúc với kiến thức chuyên ngành nên chuyên môn nghiệp vụ dễ bị mai một. Trong khi đó, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại, yêu cầu công tác bảo đảm hậu cần ở cấp chiến lược đòi hỏi ngày càng cao. Do vậy, công tác huấn luyện cho lực lượng này phải bảo đảm thiết thực, đồng bộ cả về kỹ thuật, chiến thuật theo chuyên môn nghiệp vụ ở các đơn vị hậu cần cấp chiến lược. Mặt khác, do nguồn dự bị động viên về hậu cần có hạn, lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược thường phải sắp xếp cả quân nhân chuyên nghiệp hạng một và hạng hai, dẫn đến đối tượng huấn luyện không đồng nhất. Thực tiễn cho thấy, quân nhân dự bị hạng hai phần đông có kiến thức chuyên môn tốt như y sĩ, bác sĩ, lái xe,... nhưng kiến thức quân sự còn thấp; quân nhân dự bị hạng một là các hạ sĩ quan, binh sĩ đã phục vụ trong Quân đội, tuy có kiến thức tốt về quân sự nhưng trình độ chuyên môn trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Lực lượng dự bị động viên hậu cần lại công tác ở nhiều chuyên ngành khác nhau, đòi hỏi được huấn luyện khác nhau. Trong khi đó, điều kiện kinh phí huấn luyện còn hạn hẹp, mỗi năm chỉ huấn luyện được một số lượng giới hạn quân nhân dự bị. Vì vậy, cần lựa chọn nội dung, phương pháp huấn luyện phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm cho từng đối tượng. Nội dung huấn luyện cần tập trung vào các kiến thức, kỹ năng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh đã sắp xếp của từng quân nhân dự bị; bổ sung những kiến thức quân sự còn thiếu, yếu; bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị nói chung, nhất là nhận thức trách nhiệm đối với công tác động viên. Tổ chức huấn luyện theo các chuyên ngành; chú trọng huấn luyện thực hành, tăng cường kết hợp với diễn tập của đơn vị để nâng cao chất lượng. Trong tổ chức diễn tập, phải thực hiện đúng thứ tự nội dung, các bước công tác; tình huống sát với nhiệm vụ bảo đảm tác chiến chiến lược. Hằng năm, Tổng cục Hậu cần hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương liên quan để lập kế hoạch diễn tập của cả đơn vị và địa phương trong huy động, giao nhận lực lượng dự bị động viên để tạo sự gắn kết, liên thông giữa trạng thái sẵn sàng chiến đấu của đơn vị với trạng thái quốc phòng của địa phương trong các tình huống đặt ra. Mọi công việc phải được tiến hành song song giữa địa phương và đơn vị, bảo đảm sát tình huống.
 
Xây dựng lực lượng dự bị động viên nói chung, lực lượng dự bị động viên hậu cần chiến lược nói riêng, đáp ứng yêu cầu mới cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ ở tất cả các khâu, bước, các nội dung, các mặt công tác và các thành phần chủ thể tham gia. Đây là vấn đề quan trọng, cần được nhìn nhận, đầu tư, thực hiện một cách thích đáng để xây dựng lực lượng này có số lượng hùng hậu, chất lượng cao, góp phần xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

PGS, TS. VŨ QUỐC HUY/Học viện Hậu cần