Năm 2019 - Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ

15/02/2019, 14:40

Năm 2018, kinh tế - xã hội (KTXH) nước ta tiếp tục khởi sắc với tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 11 năm qua (tăng 7,08%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Trong bước khởi sắc chung đó, có sự đóng góp tích cực của lực lượng Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế (SX, XDKT). Các đơn vị, doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đã không ngừng đổi mới, nỗ lực vươn lên, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; vừa tham gia phát triển kinh tế đất nước, vừa gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong giải quyết các vấn đề khó khăn về quốc phòng - an ninh (QPAN), KTXH trên các địa bàn chiến lược, nơi biên giới, hải đảo, vùng biển đặc quyền kinh tế của Tổ quốc...

Đồng chí Thượng tướng Bế Xuân Trường, UVBCH TW Đảng, UV QUTW, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và kiểm tra hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp Cơ khí - Nhà máy Z131. Ảnh: Minh Trí

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với thực hiện tốt chức năng của một “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, Quân đội ta luôn tích cực, chủ động thực hiện chức năng của “đội quân lao động sản xuất” bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất, xây dựng kinh tế với QPAN và thu được những kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình thực hiện đã quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; lấy phát triển KTXH, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường QPAN là mục tiêu hàng đầu của các hoạt động SX,XDkT; kết hợp chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ QPAN; coi trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường, thực hiện phát triển bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Các đơn vị, DNQĐ đã phát huy được nội lực, khai thác mọi tiềm năng, đưa hoạt động SX,XDKT kết hợp với quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trên các mặt cơ bản sau:

Một là, đã xây dựng cơ chế chính sách, nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, các dự án lớn; phát huy hiệu quả các Khu KTQP gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước hết là Cục kinh tế, đã thường xuyên bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, chính sách liên quan đến hoạt động SX,XDKT của Quân đội, đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển KTXH và tăng cường QPAN trong giai đoạn mới. Trong đó, đã tham mưu cho QUTW ban hành kết luận về tăng cường lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội trong thời gian tới; trình Chính phủ ban hành Nghị định về kết hợp quốc phòng với KTXH và KTXH với quốc phòng. Chủ động, tích cực nghiên cứu xây dựng các đề án lớn như Đề án điều chỉnh quy hoạch các khu kTQP, Đề án Quân đội tham gia lao động SX, XDKT kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới… Cùng đó, tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng 28/33 khu kTQP theo Quyết định của Thủ trướng Chính phủ trong điều kiện nguồn lực bảo đảm còn khó khăn. Việc hệ thống các khu kTQP được triển khai và hoạt động hiệu quả đã trực tiếp giúp hình thành thế trận QPAN liên hoàn, vững chắc ở những địa bàn trọng yếu trên tuyến biên giới, tạo nên thế và lực mới cho QPAN bảo vệ biên giới. Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, các tuyến đường giao thông thiết yếu để giúp dân phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa; sự ra đời của các lớp học, điểm trường, nhà trẻ mẫu giáo, bệnh xá quân dân y, nhà văn hoá, hệ thống phát thanh nội bộ, các công trình cấp điện sinh hoạt, nước sạch, chợ nông thôn, chuồng, trại chăn nuôi, trại cây giống…, đã giúp duy trì cuộc sống ổn định cho các hộ dân tại nơi vùng biên còn nhiều khó khăn.

Các Đoàn KTQP còn tích cực tham gia phát triển KTXH địa phương, làm nòng cốt giúp dân xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ người dân địa phương phát triển sản xuất, ổn định sinh kế thông qua các hoạt động: xây dựng mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi (trồng rừng, cây ăn quả, cấy lúa nước, nuôi trồng thủy, hải sản), hỗ trợ trực tiếp (giống, vật tư sản xuất), hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi cho các hộ dân… Qua đó đã giúp thay đổi căn bản phương thức sản xuất chăn nuôi truyền thống của đồng bào từ “tự cấp, tự túc”, nhỏ lẻ, manh mún, dần chuyển sang hình thức thâm canh, sản xuất hàng hóa cho đồng bào Vùng dự án.

Thông qua tổ chức dịch vụ 2 đầu, trong suốt thời gian qua, các Đoàn kTQP đã hỗ trợ, giúp dân rất hiệu quả. Mặc dù số vốn lồng ghép từ các chương trình còn hạn chế, nhưng các Đoàn kTQP đã tổ chức được hàng trăm mô hình trình diễn và hỗ trợ trực tiếp, hội nghị đầu bờ và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho hàng nghìn hộ dân(1)… Các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018 của Chính phủ, gắn với xây dựng khu kTQP tiếp tục phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân tại các khu KTQP nhờ đó được cải thiện rõ nét, kinh tế hàng hóa dần hình thành.

Bên cạnh đó, các Đoàn kTQP đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đứng chân trên địa bàn, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, không tham gia các hoạt động xấu và trái pháp luật, không theo tà đạo, không di cư tự do, không khai thác, chặt phá rừng làm nương rẫy; đấu tranh phòng chống âm mưu của các thế lực thù địch…


Đoàn KTQP 338 xây dựng mô hình chăn nuôi điểm để nhân dân học tập.

Hai là, tập trung quyết liệt vào thực hiện đề án Cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 (Đề án 80). Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn quân năm 2018, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo sát sao và đã đạt được hiệu quả.

Với trách nhiệm chính trị cao, ngay sau khi Đề án 80 được phê duyệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung nỗ lực, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị chủ quản, doanh nghiệp có liên quan nghiêm túc vào cuộc, tích cực triển khai thực hiện Đề án. Bộ Quốc phòng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo cấp Bộ, các tổ công tác trung tâm, quy chế hoạt động; đồng thời, tổ chức Hội nghị quán triệt trong toàn quân. Qua đó đã thể hiện rõ mục tiêu, quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại DNQĐ, với trọng tâm là sáp nhập, cơ cấu lại các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có cùng ngành nghề; cổ phần hóa, thoái vốn triệt để đối với doanh nghiệp thương mại, xây dựng, dịch vụ, doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giải thể, phá sản đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa hoặc không cổ phần hóa được…

Quá trình sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập nảy sinh, nhưng đã cơ bản hoàn thành khối lượng lớn công việc, đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Đến nay, đã cơ cấu lại các doanh nghiệp quân đội giữ 100% vốn; qua cơ cấu đã cắt giảm nhiều ngành nghề không phù hợp; đồng thời cơ cấu lại một bước về tài chính quản trị kinh doanh, thoái vốn ra khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành…, nâng cao một bước đáng kể về hiệu quả. Cùng đó, đã chỉ đạo một số đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phương án chuyển thành Đoàn KTQP, tập trung xử lý tồn đọng về tài chính, sắp xếp lại các công ty con thành chi nhánh, cơ cấu lại các đơn vị phụ thuộc. Hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các bước để cổ phần hóa, cơ cấu lại, xử lý một bước về tài chính, xây dựng phương án sử dụng đất, chuẩn bị xác định giá trị doanh nghiệp để báo cáo Bộ, xây dựng các văn bản hướng dẫn cổ phần hóa, thoái vốn và chế độ chính sách đối với người lao động khi sắp xếp lại.

Các doanh nghiệp quân đội sau sắp xếp cơ bản duy trì được nhịp độ phát triển ổn định, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế quốc dân(2). Nổi bật là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã được bình chọn là một trong 50 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới với mức định giá gần 3,2 tỷ USD và tiếp tục là thương hiệu số 1 tại Việt Nam. Doanh thu trong năm 2018 của Viettel đạt 234.500 tỷ đồng (bằng 67% doanh thu các DNQĐ), lợi nhuận trước thuế đạt 37.630 tỷ đồng (bằng 83% lợi nhuận các DNQĐ), nộp ngân sách nhà nước đạt 37.000 tỷ đồng, tiền lương bình quân đạt 27,8 triệu đồng/người/ tháng.  Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục đứng vững trong Top 25 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới, đồng thời giữ vững thương hiệu là nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam; nắm giữ 50% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container của cả nước, 91,5% thị phần khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Tổng doanh thu năm 2018 của Tổng công ty ước đạt 16.294 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.060 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.049 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 23 triệu đồng/người/tháng. Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh, luôn sẵn sàng thực hiện tốt các chuyến bay chuyên cơ, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. kết quả sản xuất kinh doanh 2018 với tổng giờ bay đạt 11.774h/10.015h  (bằng 123% so với năm 2017); tổng doanh thu đạt 2.345 tỷ đồng (bằng 119% so với 2017); lợi nhuận đạt 260 tỷ đồng (bằng 141% so với 2017).

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trước đây là những doanh nghiệp nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng tới nay, nhờ có định hướng chiến lược đúng đắn đã vươn lên thành những tổng công ty có đủ khả năng tham gia xây dựng các dự án lớn của Nhà nước như Tổng công ty 319, Tổng công ty 789, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC, Tổng công ty 36…

Đối với khối doanh nghiệp cổ phần, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội MB đã dẫn đầu trong khối các công ty cổ phần có vốn góp của các doanh nghiệp Quân đội. Với vai trò là một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, phát triển an toàn bền vững, MB đang hướng tới mục tiêu TOP 5 Ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Cùng đó là nhiều công ty cổ phần đã thực sự khẳng định được vai trò, vị trí thương hiệu trên thị trường như Công ty CP 32, Công ty CP 22, Công ty CP 20/ TCHC…

Ba là, tập trung xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ lao động SX, XDKT của quân đội; đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại và tăng cường quản lý sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động SX, XDKT.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội có liên quan thời gian qua đã thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng nghị quyết lãnh đạo, chương trình, kế hoạch hành động với các giải pháp thiết thực. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng tích cực rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho triển khai thực hiện hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế quân đội.

Với những khó khăn, vướng mắc về công tác cổ phần hóa, tồn đọng về tài chính, cơ chế trong quản lý sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế…, Cục kinh tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội về cơ chế xử lý vướng mắc trong công tác cổ phần hóa các DNQĐ, xử lý tồn đọng tài chính đối với các DNQĐ, cơ chế chính sách đối với người lao động trong sắp xếp lại. Trực tiếp làm việc với lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp để đôn đốc triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết của QUTW, kết luận của Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng chặt chẽ, dừng mở mới các dự án; hoàn thành công tác thống kê, rà soát, tổng hợp đất quốc phòng sử dụng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế trong toàn quân... Tập trung kiểm tra các đầu mối đơn vị về các phương án đất quốc phòng thực hiện theo Thông tư 35/2009/TT-BQP, trình Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét, cho định hướng chỉ đạo...

Cùng với đó, tích cực phối hợp, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư cho các DNQĐ; tổ chức các hội chợ thương mại tại CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia đạt hiệu quả cả về chính trị - xã hội và kinh tế - thương mại; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ doanh nghiệp...

Cán bộ, bác sỹ Đoàn KTQP 5 tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Minh Tuấn

Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh các điều kiện thuận lợi từ kết quả nổi bật trong năm 2018 về ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 dự báo vẫn đối mặt với các thách thức đến từ nội tại của nền kinh tế và các thách thức tiềm ẩn đến từ sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ... Trước tình hình đó, cùng với toàn quân, lực lượng Bộ đội SX, XDKT cần nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia SX, XDkT, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, chủ động tham mưu cho QUTW, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ SX, XDKT kết hợp quốc phòng. Cùng với triển khai thực hiện Nghị định 164/2018/NĐ-CP về kết hợp quốc phòng với kTXH và kTXH với quốc phòng, cần tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách mới tập trung vào báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội cho chủ trương, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động SX, XDkT của Quân đội; Nghị định về quản lý khu kTQP… khi đã có cơ chế mới, cần tích cực tham mưu rà soát, điều chỉnh, xử lý các vấn đề về đất quốc phòng, đảm bảo theo đúng quy định, hiệu quả, không để vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín Quân đội.

Báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua các đề án lớn như: Đề án điều chỉnh quy hoạch các khu kTQP, Đề án Quân đội tham gia lao động SX, XDkT kết hợp quốc phòng trong tình hình mới, Đề án cơ cấu chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNQĐ… để triển khai thực hiện.

Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh nghiên cứu tham gia phát triển kinh tế biển cả về quy mô và hình thức, tập trung vào một số ngành nghề có hiệu quả, mang tính lưỡng dụng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với bảo đảm QPAN trên biển và ven biển để làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng khác phát triển kinh tế biển.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo xây dựng, phát huy hiệu quả các khu KTQP gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Để hoạt động xây dựng các khu kTQP đạt hiệu quả thiết thực, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể các khu kTQP phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, tính khả thi cao và đúng định hướng của Đảng, Nhà nước. Quy hoạch lại các khu kTQP cần bám sát Chiến lược quân sự - quốc phòng, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và thế trận phòng thủ khu vực, thế bố trí của các Quân khu, Quân chủng trong tình hình mới. Làm cho các khu kTQP thực sự là điểm tựa bảo vệ biên giới, biển đảo; đồng thời trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo theo quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 - khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quá trình triển khai xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch các khu KTQP cần phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ (vào cuộc) của các địa phương trên địa bàn, bởi chính sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất sẽ là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu xây dựng các khu KTQP. Cần phải lấy yên dân, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của dân làm mục tiêu cao nhất. Làm tốt việc này sẽ tạo dựng và củng cố thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc. Trong kế hoạch đầu tư cần phải cân đối lại cơ cấu vốn đầu tư, tăng tỉ trọng đầu tư cho các công trình có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân (thuỷ lợi nhỏ, nước sạch, cải tạo đồng ruộng, phát triển kinh tế đồi rừng, trại sản xuất...). Xây dựng cơ sở hạ tầng cho dân, kết hợp với làm dịch vụ hai đầu, hướng dẫn kỹ thuật cho dân là phương thức hoạt động hiệu quả của Đoàn kTQP. Tăng cường lồng ghép các nguồn vốn, phát huy hiệu quả các đề án khuyến nông, khuyên công nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Nghiên cứu áp dụng một số hình thức tổ chức, quản lý phù hợp: đơn vị sự nghiệp có thu, doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ 2 đầu..., nhằm mục tiêu giúp dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống (các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả tốt tại một số Đoàn kTQP).

Chủ động huy động sáng tạo nhiều nguồn lực (lồng ghép các chương trình dự án, huy động đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện, huy động sức dân...) để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển kTXH, củng cố QPAN trên các địa bàn chiến lược, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng các khu kTQP. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác chỉ đạo, bám nắm cơ sở để kiểm tra nắm tình hình, kịp thời tham mưu, chỉ đạo giải quyết các khó khăn vướng mắc từ cơ sở. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê báo cáo, đánh giá thực chất kết quả hoạt động xây dựng các khu KTQP.

Ba là, triển khai quyết liệt thực hiện Đề án Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp đến năm 2020, bằng các giải pháp đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao, linh hoạt, hài hòa trong xử lý cơ chế, chính sách. Quá trình đổi mới, sắp xếp cần tránh gây xáo trộn, bảo đảm đạt mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Thông qua đó, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giữ vững thương hiệu DNQĐ, kịp thời khắc phục triệt để những tồn tại, thiếu sót, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

Tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn DNQĐ sau khi có cơ chế mới, hình thành các Tổng công ty, chuyển các doanh nghiệp về nhà máy, xử lý tồn đọng tài chính để cổ phần hóa và chuyển doanh nghiệp sang Đoàn KTQP, tập trung chuyển đổi cơ chế đối với một số đơn vị, doanh nghiệp…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự chỉ đạo cương quyết,  sát sao của cấp uỷ đảng, chỉ huy các đơn vị; hướng dẫn cụ thể, kiểm tra đôn đốc thường xuyên của các cơ quan chức năng; sự tuyên truyền sâu rộng của các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức quần chúng trong doanh nghiệp; sự quyết tâm cố gắng nỗ lực trong triển khai thực hiện ở các doanh nghiệp và mỗi người lao động; sự hỗ trợ đúng mức về tài chính và việc bổ sung, sửa đổi kịp thời, đồng bộ các cơ chế chính sách của Nhà nước.

Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện các nội dung sau khi cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả theo đúng quyết định của Bộ Quốc phòng, tuân thủ pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch, kiên quyết đẩy lùi các hạn chế, tiêu cực làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn; tập trung cơ cấu lại về tài chính; sắp xếp lại tổ chức, biên chế gọn nhẹ, hiệu quả; xây dựng các điều lệ, quy chế, chiến lược phát triển..., áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến, cuộc Cách mạng 4.0 để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bốn là, quản lý giám sát, tăng cường hỗ trợ DNQĐ bằng các phương pháp tiên tiến, áp dụng CNTT, kết quả cuộc Cách mạng 4.0, xúc tiến thương mại vào những lĩnh vực mà Quân đội có thế mạnh; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hội nhập quốc phòng... Tích cực quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kT-XH. Tổ chức triển khai kế hoạch tổng thể về đầu tư ra nước ngoài của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, góp phần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tạo sân chơi cho các DNQĐ xuất khẩu hàng hóa, vươn ra các thị trường nước ngoài cho phù hợp; nâng cao chất lượng tổ chức các hội chợ thương mại tại thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó cần chú trọng tập trung vào 3 cuộc triển lãm, hội chợ ở Lào, Campuchia và Myanmar; đồng thời nghiên cứu triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế… Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngành; bồi dưỡng về luật quốc tế, thương mại quốc tế cho cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại…

Phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, năm 2019 lực lượng Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế tiếp tục bám sát mục tiêu, nỗ lực phấn đấu tạo bước đột phá mới trong thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trong thời kỳ mới; thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


(1). Đã có trên 200 lượt mô hình làm kinh tế được tổ chức kết hợp với các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hội nghị đầu bờ; đã có khoảng trên 16.000 lượt hộ nghèo được thụ hưởng dự án.

(2). Chỉ tính riêng các doanh nghiệp quân đội thuộc loại hình công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, thì doanh thu trong năm 2018 dự kiến đạt 347.143 tỷ đồng (đạt 102% so với KH năm); lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 45.100 tỷ đồng (đạt 102,4% so với KH năm);  nộp ngân sách dự kiến đạt 44.300 tỷ đồng (đạt 102,6% so với KH năm). Việc làm và thu nhập của người lao động cơ bản được đảm bảo, thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người/tháng (đạt 102% so với KH năm).

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng
Cục trưởng Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng