Nắng nóng tại châu Á gây khó khăn cho vận hành hiệu quả năng lượng tái tạo

24/06/2023, 15:15

Nắng nóng kỷ lục trên khắp châu Á đang làm gia tăng áp lực đối với hạ tầng điện tái tạo, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của nguồn cung dự phòng, việc nâng cấp hệ thống truyền tải điện.

Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nắng nóng kỷ lục trên khắp châu Á đang làm gia tăng áp lực đối với hạ tầng điện tái tạo, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của nguồn cung dự phòng, việc nâng cấp hệ thống truyền tải điện và các cải cách thuế quan để đảm bảo nguồn cung, cũng như ngăn chặn xu hướng sử dụng năng lượng xanh đang bị chậm lại.
 
Nhiệt độ tại nhiều nơi đã vượt 40 độ C vào cuối tháng 4, sớm hơn bình thường, dẫn đến hư hại về hạ tầng và mất điện trên diện rộng. Một quan chức Bộ Điện lực Ấn Độ cho biết bang Rajasthan, địa phương có sản lượng điện Mặt Trời lớn nhất nước này, đã nhận được cảnh báo sớm về các vấn đề kỹ thuật có thể phát sinh khi nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo tăng lên.
 
Tuy nhiên, việc cải thiện năng lực lưới điện đòi hỏi nâng cấp tốn kém. Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo chỉ riêng việc nâng cấp mạng lưới truyền tải và phân phối nhiều khả năng sẽ tiêu tốn tới ít nhất 2.000 tỷ USD trong thập kỷ tới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 
Nhà phân tích hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng sạch và Không khí Lauri Myllyvirta nhận định việc phần lớn châu Á thiếu chính sách thuế quan phù hợp để khuyến khích chỉ sử dụng các nhà máy khí đốt và điện than vào các giờ cao điểm trong ngày có thể buộc các nhà cung cấp điện phải vận hành các nhà máy nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất có thể.
 
Do nhu cầu điện tăng cao, Ấn Độ đang kéo dài thời hạn sử dụng của các nhà máy điện than. Nước này cũng tăng cường sản xuất than và nâng mức dự trữ lên cao nhất kể từ đại dịch COVID-19, đồng thời gia hạn các biện pháp khẩn cấp nhằm buộc các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu để cho sản lượng tối đa.
 
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, công suất năng lượng xanh tại châu Á đã tăng 12% trong năm 2022, tốc độ tăng nhanh nhất trong các khu vực lớn. Wood Mackenzie dự báo tỷ trọng của năng lượng tái tạo, trong đó có hydro trong nguồn cung điện của châu Á, dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với mức của năm 2011 lên 28% trong năm nay.
 
Phần lớn mức tăng này là nhờ điện gió và Mặt Trời, hiện đang chiếm tổng cộng 14% trong tổng nguồn cung điện, cao hơn nhiều so với mức 1% vào năm 2011.
 
Không giống như nguồn điện từ hydro và khí đốt, nguồn điện từ Mặt Trời và gió đều khó để dự báo và kiểm soát do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và không thể nhanh chóng tăng lên hay giảm đi theo thay đổi của nhu cầu.
 
Theo chuyên gia, nếu không có các chính sách thuế quan phù hợp để khuyến khích sản xuất nhiệt điện linh hoạt, điều này sẽ dẫn tới chậm trễ trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Do đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng lưới điện có khả năng điều hòa điện áp và tần số dựa trên thay đổi của nguồn cung điện Mặt Trời.
 
Trung Quốc và Ấn Độ đang xem xét các cách thức để khuyến khích sản xuất điện linh hoạt, song vẫn chưa thể áp dụng chính sách toàn diện nào. Đặc biệt, bang Rajasthan của Ấn Độ  đang đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dao động về điện áp do biến động bất thường của sản lượng điện Mặt Trời.
 
Một quan chức Ấn Độ nhấn mạnh khi lưới điện gặp sự cố, các nguồn năng lượng tái tạo cần phải duy trì kết nối và hỗ trợ lưới điện, trong khi các nguồn điện lân cận cần hỗ trợ sản lượng điện để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, nhiều nhà máy năng lượng tái tạo hiện chưa thể đáp ứng yêu cầu này.

ĐẶNG THỊ NGUYỆT ÁNH/TTXVN