Trong lịch sử quân sự Việt Nam, việc xây dựng các Khu kinh tế quốc phòng (KTQP) là sự phát triển sáng tạo kế sách “ngụ binh ư nông” của cha, ông. Trong điều kiện đất nước xây dựng hòa bình, cán bộ, chiến sĩ ngành kinh tế quân đội lại tiếp tục đi về những miền gian khó, cùng đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc nơi vùng sâu, vùng xa để xây dựng, phát triển các Khu KTQP; góp phần củng cố “phên dậu” quốc gia trong thời bình, thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng Cục trưởng Cục Kinh tế/BQP
Với đặc điểm điều kiện tự nhiên phức tạp, nước ta có trên 4.500 km đường biên giới trên bộ, địa hình chia cắt nhiều, chủ yếu là núi cao hiểm trở; bờ biển Việt Nam dài 3.260 km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, nhiều đảo có người dân sinh sống, vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh (QP, AN). Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, nhân dân miền núi, biên giới, hải đảo, đặc biệt là vùng kháng chiến cũ tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn; tỉ lệ hộ đói, nghèo phổ biến là trên 25%, có nơi tới 90%; vấn đề tái nghèo không dễ dàng giải quyết được trong một sớm, một chiều. Quốc phòng, an ninh địa bàn biên giới, trên biển, đảo thường có những diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, nhất là ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK; tình hình dân tộc, tôn giáo diễn biến phức tạp.
Để giải quyết những khó khăn trên, căn cứ vào kết quả đạt được của Binh đoàn 15 và Bộ đội Biên phòng trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 phê duyệt chương trình Phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) các xã đặc biệt khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng các vùng kinh tế mới, đỡ đầu, đón nhận khoảng 100.000 hộ dân đến lập nghiệp ở những vùng đất còn hoang hóa, biên giới, hải đảo. Đó chính là khởi đầu để Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng các Khu KTQP trên địa bàn cả nước. Mục tiêu xây dựng các Khu KTQP nhằm phát triển KT - XH vùng dự án, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm QP, AN ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của QP, AN, hình thành các cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới, biển, đảo trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 Đề án quy hoạch Khu KTQP(1) ; Chính phủ ban hành 02 Nghị định về Khu KTQP(2) ; các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách trong xây dựng, phát triển Khu KTQP. Hoạt động xây dựng, phát triển các Khu KTQP đã được đưa vào Luật Quốc phòng năm 2018 và các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng qua các thời kỳ.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong xây dựng các Khu KTQP giai đoạn 1999 - 2010, trên cơ sở chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển toàn diện các Khu KTQP đi vào thực chất, có chiều sâu, ổn định, bền vững. Đến hết năm 2024, Bộ Quốc phòng đã triển khai lực lượng xây dựng, phát triển 31 Khu KTQP trên các địa bàn chiến lược, đặc biệt khó khăn từ biên giới phía Bắc đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và trên biển, đảo. Các Khu KTQP đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, góp phần tạo nên diện mạo, thế và lực mới cả về chính trị, KT - XH và QP, AN trên các vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Việc xây dựng, củng cố, phát huy hiệu quả hệ thống các Khu KTQP ở những địa bàn chiến lược về quân sự, quốc phòng đã tạo nên thế và lực mới trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Với việc đưa dân ra sinh sống ổn định tập trung tại khu vực biên giới, biển, đảo, địa bàn xung yếu, các Đoàn KTQP đã góp phần quan trọng hình thành các cụm làng, xã; tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc cả trên bộ và trên biển. Giai đoạn 2010 - 2024 đã xây dựng mới được trên 1.300 điểm dân cư tập trung, hỗ trợ ổn định đời sống cho hơn 98.000 hộ dân. Các cụm, điểm dân cư được xây dựng đã khắc phục cơ bản tình trạng một số xã “trắng dân”, trống dân, chưa thành lập được đơn vị hành chính, trắng đảng viên. Cơ cấu dân cư dọc biên giới được điều chỉnh; chính quyền cơ sở được củng cố; người dân yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế, trở thành nguồn lực quan trọng trong tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn ổn định chính trị trên địa bàn; từ đó, tạo nên thế trận QP, AN ngày càng vững chắc.
Đã tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với tổ chức lại dân cư, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định đời sống. Tuy nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, nhưng các hạng mục quan trọng, cấp thiết nhất, gắn trực tiếp với cuộc sống của người dân đã được lựa chọn để thực hiện đầu tư. Các công trình hạ tầng sau khi hoàn thiện đều được bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng quy định và được khai thác, sử dụng có hiệu quả; hỗ trợ tốt cho nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương. Tại các Khu KTQP tổ chức sản xuất tập trung (Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty Cà phê 15) đã tổ chức cho nhân dân trồng cao su, cà phê, điều cao sản, cây nguyên liệu giấy…; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 24.000 hộ gia đình đồng bào sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên. Tại các Khu KTQP không tổ chức sản xuất tập trung đã thực hiện giúp dân thông qua việc tổ chức nhiều mô hình sản xuất; làm dịch vụ 2 đầu (hỗ trợ giống, vốn, nguyên liệu, chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân). Nhờ đó, tại địa bàn Khu KTQP giao thông đã thuận lợi hơn; sản xuất hàng hóa từng bước hình thành và phát triển; người dân được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh; tập quán sản xuất du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy, tác động xấu đến môi trường, tự cấp tự túc dần được chuyển sang thâm canh bền vững; tỉ lệ hộ đói, nghèo giảm xuống hàng năm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; văn hóa, y tế, giáo dục từng bước được nâng cao.
Làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Quá trình xây dựng, phát triển các Khu KTQP luôn gắn chặt với nhiệm vụ công tác dân vận của các Đoàn KTQP. Với quan điểm: Ở đâu có dân, ở đó có bộ đội; các tổ chức của Đoàn KTQP gắn chặt với các tổ chức dân cư của địa phương, tạo nên hình ảnh quân - dân thắm thiết trên mọi lĩnh vực của đời sống. Bằng các hoạt động thiết thực, triệt để thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KTQP đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư, giữ đất, giữ làng, bảo vệ đường biên, mốc giới, kịp thời phát hiện, phối hợp với bộ đội và chính quyền phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động; đấu tranh với các loại tội phạm, loại bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, dụ dỗ, lôi kéo của các thế lực phản động… Trong các vụ biểu tình, bạo loạn, khủng bố ở Tây Nguyên (năm 2001, 2004, 2023), không có người dân nào ở địa bàn các Khu KTQP đi theo kẻ xấu chống phá chính quyền. Những việc làm thiết thực đó đã giúp nhân dân khu vực biên giới thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quân đội và yêu mến “Bộ đội Cụ Hồ”.
Làm tốt công tác tham mưu, giúp địa phương xây dựng chính quyền cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững mạnh. Các Đoàn KTQP luôn tích cực, chủ động trong việc tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền cơ sở tại địa phương; giúp địa phương phát triển đảng viên mới, xóa được 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; bồi dưỡng 2.766 quần chúng tạo nguồn phát triển Đảng; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ trưởng, phó thôn, bản, buôn, ấp, nhất là ở những nơi yếu kém; kiện toàn, củng cố giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội đi vào hoạt động có nền nếp. Hoạt động của đội ngũ Trí thức trẻ tình nguyện tại các Khu KTQP đã phát huy được vai trò xung kích của tuổi trẻ; cùng cán bộ, chiến sỹ các Đoàn KTQP tham gia phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng chính quyền cơ sở vùng dự án vững mạnh. Sự phối hợp giữa các lực lượng quân sự - biên phòng - công an trên địa bàn được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực; góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện nơi các Đoàn KTQP đứng chân vững mạnh; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất tích cực, việc xây dựng, phát triển các Khu KTQP thời gian qua vẫn còn có những mặt hạn chế:
Mục tiêu xây dựng các Khu KTQP còn một số nội dung chưa đạt; quy hoạch chưa đồng bộ, dẫn đến việc triển khai chồng chéo; việc phối hợp triển khai quy hoạch giữa các đơn vị với địa phương chưa cao, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư. Kinh tế - xã hội vùng dự án tuy có bước phát triển nhưng chưa nổi bật so với các địa bàn khác; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được từng bước cải thiện nhưng chưa bền vững, có địa bàn còn chậm phát triển hơn các vùng lân cận do quá phụ thuộc vào nguồn vốn Trung ương; tỉ trọng bố trí vốn thấp so với quy hoạch, dẫn đến làm chậm tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Mô hình tổ chức sản xuất tập trung tại các Khu KTQP trên địa bàn Tây Nguyên để thu hút đồng bào thiểu số vào làm tiềm ẩn rủi ro khi giá sản phẩm nông nghiệp không ổn định, khí hậu thời tiết thất thường, trong khi kinh tế hộ gia đình chưa được chú trọng đúng mức; cơ cấu dân cư trong khu vực có thể mất cân đối do nhu cầu tuyển dụng lao động nông nghiệp rất lớn; tổ chức dịch vụ 2 đầu hỗ trợ sản xuất cho đồng bào còn hạn chế về số lượng mô hình và hiệu quả hoạt động.
Một số Đoàn KTQP chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác dân vận; cán bộ Đoàn KTQP chưa thực sự tìm hiểu sâu, nắm vững phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào; sử dụng tiếng dân tộc tại chỗ và cán bộ là người dân tộc tại chỗ chưa được chú trọng, hiệu quả thấp. Quan hệ phối hợp của một số Đoàn KTQP với địa phương chưa thật chặt chẽ; nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư; xác định các công trình đầu tư; phối hợp lồng ghép các nguồn vốn; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Biên chế tổ chức của Đoàn KTQP còn bất cập, chậm và chưa được kiện toàn theo chức năng, nhiệm vụ; cán bộ có chuyên môn về quản lý dự án, kỹ thuật nông, lâm nghiệp của Đoàn KTQP còn thiếu và yếu. Địa bàn quản lý của Đoàn KTQP rộng và phân tán, có khi trải rộng trên 2 - 3 tỉnh, cả vùng biển rộng lớn, trong khi quy mô của Đoàn lại thu nhỏ; nên công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án gặp khó khăn và hiệu quả chưa cao.
Để thời gian tới, việc xây dựng, phát triển các Khu KTQP đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục làm tốt việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển các Khu KTQP. Chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển các Khu KTQP theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định; phối hợp chặt chẽ với địa phương và các bộ, ngành liên quan của Nhà nước triển khai thực hiên tốt các mục tiêu và tiến độ tại Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước; ưu tiên triển khai xây dựng Khu KTQP Trường Sa, Tây Nam Bộ, Vịnh Bắc Bộ. Chuẩn bị các yếu tố, rà soát xây dựng quy hoạch mới để dự kiến sau năm 2025 tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển các Khu KTQP ở các vùng biên giới, biển, đảo, vùng đặc biệt khó khăn để tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc gắn với xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2026 - 2035, định hướng đến năm 2045.
Hai là, đẩy mạnh công tác hỗ trợ dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với đời sống người dân. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn Khu KTQP, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện làm tốt công tác thống kê các hộ nghèo, khó khăn để có biện pháp hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở; nâng cao đời sống cho người dân. Sắp xếp, ổn định dân cư trong Khu KTQP gắn với quy hoạch dân cư của tỉnh, huyện. Đẩy mạnh việc bàn giao đất cho địa phương; chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định, tạo quỹ đất để giao cho địa phương bảo đảm cho người dân. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình gắn chặt với đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thực hiện có hiệu quả các dự án lồng ghép, các Chương trình mục tiêu quốc gia để nhanh chóng tạo nên bộ mặt mới trong phát triển KT - XH trên tuyến biên giới. Các bản, cụm bản được xây dựng đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu; đủ đất ở và đất sản xuất cho người dân. Khẩn trương quyết toán các công trình hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ba là, tổ chức lại các mô hình sản xuất tại các Khu KTQP. Các mô hình sản xuất tại các Khu KTQP được tổ chức lại theo hướng: tập trung ưu tiên phát triển kinh tế hộ gia đình; đẩy mạnh hình thức dịch vụ 2 đầu (hỗ trợ giống, vốn, nguyên liệu, chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân), kết hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương với các đơn vị KTQP trong mọi hoạt động phát triển KT - XH, giúp dân phát triển kinh tế thông qua hoạt động trực tiếp của Đoàn KTQP hoặc giúp chính quyền địa phương tổ chức dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Không để đồng bào trong vùng dự án Khu KTQP nghèo đói; bảo đảm đủ diện tích đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; từng bước giúp dân thoát nghèo, nâng cao và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, ổn định, phát triển cuộc sống. Chuẩn bị sẵn sàng mọi yếu tố để có thể chuyển giao nhiệm vụ và cơ sở vật chất cho chính quyền địa phương khi có yêu cầu.
Bốn là, đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường nguồn lực tài chính và phối hợp chặt chẽ với địa phương lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xã hội trong xây dựng Khu KTQP. Báo cáo Chính phủ và các cơ quan của Nhà nước tăng cường vốn đầu tư hàng năm thuộc ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng, phát triển Khu KTQP; sắp xếp, ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo bền vững; đảm bảo quy hoạch được thực hiện đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ cấu lại vốn đầu tư, tập trung cho dân phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ cho phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng doanh trại gắn với chuyển giao cho cơ sở chính quyền làm việc về sau. Nghiên cứu và xây dựng các chính sách phù hợp nhằm thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế tham gia thích hợp vào xây dựng các Khu KTQP. Phát huy vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp quân đội trong đầu tư, hỗ trợ các nguồn lực; làm nòng cốt giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đề xuất với Chính phủ phương án sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất; đầu tư các tiểu dự án trong địa bàn Khu KTQP thông qua Đoàn KTQP. Tích cực tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với xây dựng địa bàn Khu KTQP vững mạnh; huy động hiệu quả hơn các nguồn lực của doanh nghiệp quân đội tham gia hỗ trợ các huyện nghèo. Phối hợp với địa phương triển khai các mô hình hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo gắn với QP, AN. Sử dụng hiệu quả đội ngũ Trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu KTQP.
Năm là, thống nhất tổ chức biên chế, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn KTQP và đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp quản lý địa bàn Khu KTQP. Tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của Đoàn KTQP phù hợp tình hình mới. Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ đủ khả năng làm chủ đầu tư dự án trong Khu KTQP. Xây dựng tổ chức, biên chế phù hợp; tăng cường quân số cho các đơn vị, đội sản xuất. Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ là người dân tộc ở địa phương, Trí thức trẻ tình nguyện. Tập trung huấn luyện, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KTQP đủ năng lực, trình độ chuyên môn; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng tham gia thực hiện giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Khu KTQP theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng công tác xây dựng thế trận QP, AN bền vững, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững mạnh thông qua việc bố trí dân cư, huấn luyện quân nhân dự bị, xây dựng và luyện tập thành thạo các phương án tác chiến.
Xây dựng, phát triển các Khu KTQP là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước. Thực tiễn hoạt động của các Khu KTQP đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt cả về KT - XH và QP, AN. Ý thức rõ vinh dự, trách nhiệm và chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, các cơ quan, đơn vị, Đoàn KTQP cần tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển các Khu KTQP, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
(1) Thông qua các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 277/QĐ-TTg ngày 31/3/2000; số 43/2002/QĐ-TTg ngày 21/03/2002; số 1391/QĐ-TTg ngày 09/8/2010; số 49/QĐ-TTg ngày 24/6/2020.
(2) Các Nghị định của Chính phủ: số 44/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về xây dựng Khu KTQP; số 22/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 về Khu KTQP.
THIẾU TƯỚNG, TS. TRẦN ĐÌNH THĂNG CỤC TRƯỞNG CỤC KINH TẾ/BQP