Viettel Hà Nội: Đẩy mạnh thi đua, đột kích vào việc khó, việc mới

06/05/2024, 07:49

Những năm qua, công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) và Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) của Viettel Hà Nội, Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) luôn được cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, các mặt công tác. Qua đó tạo ra bầu không khí thi đua sôi nổi, lan tỏa rộng khắp, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên cống hiến hết mình, đột kích vào những việc khó, việc mới.

Cán bộ Viettel Hà Nội giới thiệu về các sản phẩm tiên tiến của đơn vị.

Thiết thực, cụ thể, đo đếm được
 
Đây cũng là phương châm thực hiện công tác TĐKT và Phong trào TĐQT của Viettel Hà Nội xuyên suốt thời gian qua. Tức là việc triển khai công tác TĐKT và Phong trào TĐQT luôn bám sát chủ đề và phương châm hành động của Tập đoàn, Tổng công ty; gắn với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, sát với đặc thù của từng tập thể, từng cá nhân. Nội dung thi đua tập trung vào nhiệm vụ chính trị trung tâm, việc mới, việc khó hoặc những tồn tại, hạn chế kéo dài của các cơ quan, đơn vị.
 
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá QNCN Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Viettel Hà Nội cho biết: “Hằng tháng, hằng quý, Ban giám đốc, chỉ huy và cán bộ các khối cơ quan đều phải dành thời gian đi cơ sở, trực tiếp làm việc cùng đơn vị, nắm bắt, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
 
Từ đó xây dựng các kế hoạch, phong trào thi đua sát thực tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển hạ tầng, xây dựng môi trường làm việc văn hóa, gắn kết các lực lượng, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, phát triển bền vững”.
 
Đến với cửa hàng Viettel Mê Linh thuộc Viettel Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi bị thu hút bởi lượng khách hàng đông đúc và bầu không khí làm việc sôi động. Ít ai biết rằng, vào đầu năm 2019, cửa hàng đứng trước tình thế bấp bênh với rất nhiều khó khăn, thách thức: Nhiều tháng liên tiếp doanh thu thấp; có một số sự vụ xảy ra; nhân viên mới, chưa nắm chắc nghiệp vụ; tỷ lệ khách hàng rời mạng và khiếu nại khá cao so với chi nhánh.
 
Chị Nguyễn Việt Thắng, Cửa hàng trưởng cửa hàng Viettel Mê Linh chia sẻ: “Để thay đổi tình trạng trên, sau lễ sơ kết công tác sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, Viettel Hà Nội đã cử cán bộ xuống tăng cường tại cửa hàng; đánh giá, định hướng, hỗ trợ cửa hàng xây dựng các chương trình thi đua thực hiện chủ đề Phong trào TĐQT của năm là “Đổi mới, đổi mới, đột phá, tiên phong” nhằm giúp cửa hàng giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng. “Công thức” cụ thể trong thi đua được cửa hàng chọn ra khi ấy là "2+2+2", tức là mỗi tháng chọn ra 2 vấn đề tồn tại, nêu 2 nguyên nhân, thực hiện hiệu quả 2 biện pháp khắc phục”.
 
Nội dung, biện pháp của chương trình thi đua đã đánh đúng, trúng các hạn chế còn tồn đọng nên nhanh chóng đẩy mạnh khí thế thi đua tại cửa hàng, thúc đẩy cán bộ, nhân viên quyết tâm phấn đấu, cùng đoàn kết, đồng lòng và cùng cố gắng. Hiệu quả đem lại một cách rõ rệt: Đến cuối năm 2019, cửa hàng Viettel Mê Linh tăng liền 36 bậc, vươn lên đứng thứ 2 trong 45 cửa hàng của Viettel Hà Nội.
 
Nhận thấy tác động tích cực, cửa hàng Viettel Mê Linh tiếp tục tiến bước, hăng hái tham gia các phong trào, chương trình thi đua do cấp trên tổ chức như: “Thi đua bán hàng giỏi”, “Nhanh để chiến thắng”, “Giải pháp hay, nhận ngay tiền thưởng”, “Đội bán hàng xuất sắc tốt lên mỗi ngày”, “Đoàn kết, đồng lòng, thần tốc, quyết thắng”... và đúc kết thành cách làm phù hợp nhất để nâng cao hiệu quả công tác sản xuất, kinh doanh dựa trên đặc điểm, tình hình thực tế của đơn vị. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay, cửa hàng Viettel Mê Linh liên tục đứng thứ nhất trong Viettel Hà Nội và lọt vào tốp 3 các cửa hàng trên toàn quốc; 100% cán bộ, nhân viên cửa hàng lọt tốp 10 của Viettel Hà Nội.
 
Khẳng định vị thế tiên phong 
 
Thông tin tại Đại hội TĐQT giai đoạn 2019-2024 do Viettel Hà Nội tổ chức vừa qua cho thấy: Trong thời gian qua, Viettel Hà Nội đã phát động, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua thường xuyên, 23 đợt thi đua cao điểm, đột kích với hàng trăm chương trình thi đua kích thích sản xuất, kinh doanh có nội dung, chỉ tiêu tập trung vào tăng doanh thu, thuê bao, thị phần, tăng năng suất bán hàng.
 
Tính đến nay, Viettel Hà Nội là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Viettel 63 tỉnh/thành phố đạt doanh thu dịch vụ vượt mốc 10.000 tỷ đồng và vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
 
Với khẩu hiệu hành động “Chung sức đồng lòng-Kiên định mục tiêu-Thực thi sáng tạo”, giai đoạn 2024-2029, Viettel Hà Nội xác định tiếp tục nâng cao chất lượng công tác TĐKT và Phong trào TĐQT; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; đề ra mục tiêu phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2024-2029, tập trung vào 3 lĩnh vực: Chuyển đổi số; phổ cập điện thoại thông minh đến 100% người dân, mở rộng cơ hội tiếp cận internet tốc độ cao cho mọi nhà; phấn đấu đạt vị trí số 1 về kinh doanh dịch vụ cố định và giải pháp công nghệ thông tin, dịch vụ số trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
 
Tại Đại hội TĐQT giai đoạn 2019-2024, các đại biểu đã đưa ra nhiều biện pháp để thực hiện tốt các mục tiêu trên, tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu của Viettel Hà Nội trong thi đua. Trung tá QNCN Phùng Văn Trượng, Phó trưởng phòng Kinh doanh Viettel Hà Nội chỉ ra: Các phong trào thi đua được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, gắn với hiệu quả và thu nhập của người lao động đã thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho cán bộ, nhân viên dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Còn Thượng tá QNCN Trần Lê Phong, Phó giám đốc Hạ tầng Viettel Hà Nội chia sẻ: “Nếu nội dung phong trào thi đua bám sát đặc điểm, công việc của đơn vị, phát động, triển khai đúng vào các thời điểm then chốt thì sẽ phát huy được tối đa nguồn nhân lực, trí tuệ của toàn thể cán bộ, nhân viên đơn vị trong thi đua, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cấp trên giao đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt”.
 
Một trong số biện pháp nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, nhân viên Viettel Hà Nội là cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, nhân viên về công tác TĐKT và Phong trào TĐQT nhằm xây dựng động cơ thi đua đúng đắn, hành động tích cực, tự giác trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua; làm cho thi đua trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người, mỗi tổ chức với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất.
 
Bên cạnh đó, cần kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả công tác TĐKT, bảo đảm đúng, trúng, hiệu quả; thực hiện tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến để rút ra những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, động viên, thúc đẩy giáo dục, thu hút mọi người tích cực tham gia thi đua.

TRẦN ANH MINH/QĐND Online