Bảo đảm vũ khí cho lực lượng vũ trang trong tiền khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám năm 1945

20/07/2022, 07:43

Từ khi ra đời lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xác định đánh đổ đế quốc, phong kiến bằng bạo lực cách mạng. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), các đội Tự vệ đỏ đã được thành lập với vũ khí thô sơ tự tạo cùng nhân dân chống lại khủng bố của quân thù. Đến Hội nghị lần thứ 6 (1939), Trung ương Đảng ta khẳng định phải thành lập “Quốc dân cách mạng quân và nó nhất thiết phải được trang bị vũ khí và từng bước vũ khí phải được đổi mới theo hướng hiện đại hóa”. Đây là những định hướng cơ bản, quyết định sự hình thành phát triển của ngành kỹ thuật trong tiền khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám và sau này.

Tự vệ Hà Nội sử dụng đại liên Hotchkiss M1914 thu được của Pháp.

Ở Nam Bộ, từ tháng 3/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã tích cực chuẩn bị vũ trang bạo động. Nhiều nơi, quần chúng tước đoạt vũ khí của bọn hương quản, mã tà gian ác, vận động binh lính bị đẩy đi đánh nhau với quân Thái Lan bỏ ngũ giao súng cho cách mạng. Các hoạt động quyên góp tiền, vật tư... để hình thành các xưởng chế tạo vũ khí diễn ra sôi động khắp nơi. Liên tỉnh ủy Tân An - Mỹ Tho đã thành lập xưởng Mớp Xanh (Bình Thạnh, Thủ Thừa, Long An) với vốn liếng ban đầu là 15 đồng, do đảng viên Huỳnh Văn Xá phụ trách. Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, xưởng đã chế tạo thành công 300 quả mìn, 8 khẩu súng “vòi siêu”, tuy khả năng sát thương không cao nhưng tiếng nổ to làm địch khiếp sợ. Đây là xưởng quân giới đầu tiên của LLVT ta trong tiền khởi nghĩa. Ngày 23/11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, lan rộng trong 18/20 tỉnh, nhiều đội du kích được thành lập với vũ khí tự tạo, do xưởng Mớp Xanh cung cấp và cướp được của địch. Địch tập trung đàn áp, khủng bố; vì chưa có căn cứ, thiếu kinh nghiệm chống khủng bố nên tổ chức vũ trang của cuộc khởi nghĩa này chỉ duy trì được thời gian rất ngắn.
 
Với tập quán sản xuất, sinh sống, các gia đình miền núi thường tự rèn  dao đi rừng, súng kíp để săn chim, thú. Tháng 9/1940, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, nhân dân Bắc Sơn đứng lên khởi nghĩa vũ trang thì đây là nguồn trang bị đầu tiên của các đội du kích. Trong một số trận sau đó, du kích đã thu được vũ khí đạn của địch nhưng số lượng rất hạn chế. Việc mua sắm vũ khí rất khó khăn, giá rất đắt, lượng tiền, vàng quyên góp được không nhiều… nên giai đoạn đầu trang bị của du kích chủ yếu là vũ khí thô sơ, súng đạn rất ít. Ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên Bắc Sơn chỉ đạo phong trào và cùng các đảng viên ở đây thành lập Đội du kích Bắc Sơn, căn cứ Ngư Viễn - Vũ Lăng làm chỗ đứng chân hoạt động phát triển lực lượng. Tháng 11/1940, sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định tiếp tục duy trì các đội du kích, củng cố, mở rộng căn cứ, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Trung ương Đảng được cử lên Bắc Sơn tiếp tục chỉ đạo phong trào. Các đội viên du kích được phân thành các tổ về từng bản cùng nhân dân sản xuất, xây dựng cơ sở, chống địch càn quét, khủng bố. Vì vậy, mặc dù lực lượng còn nhỏ bé, trang bị vũ khí thô sơ nhưng được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, du kích Bắc Sơn đã bảo toàn được lực lượng trước sự khủng bố trắng của địch.
 
Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, cuối tháng 6/1940, Pháp huy động hơn 4.000 quân bao vây, càn quét, kiểm soát gắt gao khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai nhằm “tát nước bắt cá”. Giữa vòng vây quân thù, tháng 9/1941, Đội cứu quốc quân thứ 2 được thành lập với 47 người (3 nữ) ở khu rừng Khuôn Mánh, Ngọc Mỹ, Tràng Xá, Võ Nhai, vũ khí có 3 súng khai hậu, một số súng kíp và dao găm. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sau khi thành lập đội, các đội viên được phân tán về các thôn, bản gây dựng cơ sở, cùng dân sản xuất, chống càn, chống khủng bố trắng, nên duy trì được phong trào cách mạng, bảo toàn được lực lượng và căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai được củng cố, mở rộng thêm. Đến năm 1942, đã hình thành các châu, tổng, xã “hoàn toàn” Việt Minh. Phong trào cách mạng lan rộng sang cả Định Hóa, Chợ Chu (Thái Nguyên), Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang). Tháng 5/1941, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, lực lượng tự vệ cứu quốc và du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Cứu quốc quân. 
 

Tiểu liên, súng carbine do Mỹ, Pháp sản xuất được các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sử dụng.
 
Con đường cách mạng của nước ta là bạo lực cách mạng, nên vấn đề trang bị vũ khí cho LLVT luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. “Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc” (1941) do Hội Nghị Trung ương lần thứ 8 thông qua quy định: “Mỗi đội viên phải tự mua sắm lấy khí giới như gươm, giáo, mác…; nếu có thể sắm được súng, cốt mìn thì càng tốt”. Đồng thời, Trung ương Đảng còn yêu cầu: “Các đội du kích phải cướp khí giới địch, vừa đánh, vừa vũ trang”. Trong chỉ thị “Sửa soạn tổng khởi nghĩa” (5/1944), Tổng bộ Việt Minh chỉ rõ: “Một dân tộc bị áp bức cũng như một giai cấp bị bóc lột, muốn tự giải phóng phải cầm võ khí trong tay mà chiến đấu… Dân ta muốn đánh đổ Nhật, Pháp không thể không sắm sửa và tập dùng võ khí. Có hai cách kiếm võ khí là tự chế, mua và chiếm của giặc... Phải hết sức cổ động quần chúng nhiệt liệt tham gia các cuộc quyên tìm mua võ khí hay các “ngày mua súng”… cổ động quần chúng quyên các thứ cần thiết cho việc chế võ khí như đồng, chì, sắt… ”
 
Thực hiện chủ trương trên của Đảng, tháng 3/1944, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định tổ chức xưởng nghiên cứu, sản xuất mìn (địa lôi), lựu đạn ở Lũng Hoàng (Lam Sơn), Hòa An, Cao Bằng, do đảng viên Đặng Văn Cáp phụ trách. Sau một thời gian nghiên cứu, chế thử, xưởng đã chế tạo được lựu đạn kiểu Mỹ vỏ bằng gang, sửa được súng kíp, súng trường. Giữa năm 1944, Xứ ủy Bắc kỳ cho thành lập xưởng chế tạo vũ khí ở Làng Chè, Tiên Du, Bắc Ninh, do đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân và Ngô Gia Khảm phụ trách. Mỗi tháng xưởng có thể chế tạo 40 - 50 quả lựu đạn vỏ gang kiểu dập, cung cấp cho Cứu quốc quân và tự vệ.
 
 Như vậy, cùng với xưởng Mớp Xanh ở Nam Bộ, Lũng Hoàng (Cao Bằng) và Làng Chè (Bắc Ninh) là những xưởng quân giới đầu tiên của ngành kỹ thuật đã cung cấp một số lựu đạn, mìn cho các tổ chức vũ trang thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tuy hiệu quả diệt địch chưa cao, số lượng còn ít nhưng là những vũ khí đầu tiên của ta chế tạo, thể hiện ý chí tự lực tực cường, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi “Sắm vũ khí, đuổi thù chung” của Trung ương Đảng (8/1944), nhân dân các địa phương đã tích cực quyên góp tiền, vàng cho “quỹ mua súng” của Việt Minh. Để chuẩn bị cho thời cơ lớn, cùng với củng cố, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, việc phát triển LLVT được Đảng ta rất chú trọng. Ở Bắc Sơn - Võ Nhai, lực lượng Cứu quốc quân phát triển nhanh, quân số lên tới hơn 400 người. Và ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, vùng căn cứ thuộc Châu Nguyên Bình, Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ, gồm 34 người, có 17 súng trường, 14 súng kíp, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao tổ chức chỉ huy đội. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Những hoạt động đầu tiên của đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của địch. Nguồn cung cấp sẽ dựa vào nhân dân”, ngày 25/12/1944, Đội ra quân đánh thắng trận đầu tiên: diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần, thu được nhiều nhiều súng, đạn, đủ trang bị cho các đội viên, còn súng kíp chuyển giao cho du kích. Phát huy thắng lợi, Đội hành quân lên Bảo Lạc đánh thắng trận Đồng Mu, quay về Thông Nông hoạt động vũ trang tuyên truyền. Đầu năm 1945, Đội tiếp tục vũ trang tuyên truyền khôi phục con đường “Nam tiến” và đánh một số trận, thu nhiều vũ khí trang bị cho các đội viên mới được bổ sung, trong đó có trận diệt địch ở đèo Cao Bắc (gần Nà Ngần), thu 30 súng, nhiều đạn dược… Lúc này, căn cứ địa cách mạng mở rộng sang Ngân Sơn, Chợ Chu, Chợ Đồn, Đại Từ, Định Hóa, Sơn Dương… nối liền với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Nhờ có căn cứ vững chắc, LLVT phát triển, nhân dân khắp nơi hăng hái, gấp rút chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành độc lập.
 

Vũ khí thô sơ từ các vật dụng hàng ngày được bộ đội Việt Minh sử dụng trong chiến đấu.
 
Đêm 9/3/1945, Phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền đô hộ của thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã có chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện chỉ thị của Đảng, các tổ chức vũ trang đẩy mạnh hoạt động, tước khí giới của địch, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng, phát triển các đội du kích, tự vệ. Ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang..., Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành nhiều đội. Trên đường “Nam tiến”, các đội đã thu hàng ngàn súng (có cả súng máy và súng cối) của tàn quân Pháp bị Phát xít Nhật đánh đuổi. Ở Quảng Ngãi, tỉnh ủy lâm thời quyết định khởi nghĩa chiếm đồn Ba Tơ, thu 27 súng và 50 hòm đạn, ngày 14/3/1945, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, xưởng rèn vũ khí của đội đặt ở Xuân Phổ, Tư Nghĩa. Ở Nam Bộ, sau thời gian địch khủng bố trắng, phong trào cách mạng được khôi phục, nhiều đội tự vệ, du kích được tổ chức lại, các vũ khí cất giấu trước đây được tổ chức tìm lại để trang bị cho các đội viên. 
 
Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang phát triển mau lẹ, từ 15 - 20/4/1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, trong đó xác định: “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp lúc này” và quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Về vũ khí, Hội nghị yêu cầu phải kiểm kê, quản lý chặt chẽ và do Ủy ban quân sự quyết định phân phối; lập các xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí, tìm nhân viên kỹ thuật; ra sức thu nhặt và mua vũ khí... Ngày 15/5/1945, tại đình Làng Quặng, Định Biên, Định Hóa, Thái Nguyên, Việt Nam Giải phóng quân làm lễ ra mắt với lực lượng lên tới 13 đại đội tập trung và nhiều đội vũ trang tuyên truyền ở các địa phương; ngoài hàng ngàn súng thu được của địch, các đội còn được trang bị lựu đạn, mìn với chất lượng tốt hơn của các xưởng Lũng Hoàng, Làng Chè. Cuối tháng 5/1945, sau khi ta đánh bại cuộc càn quét của hơn 2.000 quân phát xít Nhật, thu chiến lợi phẩm, trong đó có nhiều súng, đạn trang bị cho các đội vũ trang; đồng thời, Khu giải phóng gồm 6 tỉnh (Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái) và một số địa bàn lân cận như Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên với diện tích hơn 4.000 km2, 1 triệu dân cũng được thành lập cùng với hàng loạt chiến khu địa phương trở thành căn cứ hậu phương tại chỗ cung cấp sức người, sức của cho các LLVT trong tổng khởi nghĩa. 
 
Thực hiện quyết định của Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào:  Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phát Quân lệnh số 1, yêu cầu Giải phóng quân “tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng điểm của quân địch, đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng... Khi đánh được một trận thì lập tức bổ sung bộ đội với số vũ khí thu được”. Dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh, từ chiều 16/8 - 20/8/1945, các đơn vị Giải phóng quân cùng nhân dân Thái Nguyên đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền; hơn 600 khẩu súng và nhiều đạn dược thu được của địch đã được trang bị cho 2 chi đội Giải phóng quân mới thành lập. Cùng thời gian này, nhiều địa phương cũng khởi nghĩa vũ trang giành được chính quyền. Tại thủ đô Hà Nội, các đội xung phong công tác và tự vệ với trang bị súng ngắn, súng trường, lựu đạn và phần lớn là vũ khí thô sơ dẫn đầu các đoàn quần chúng đánh chiếm Bắc Bộ phủ, Trại bảo an... và ngày 19/8 khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi. Rất nhiều Giải phóng quân và tự vệ Hà Nội được trang bị súng mới thu được của địch để canh giữ các công sở, kho tàng, giữ gìn trị an... Tiếp đó ngày 23/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế và hai hôm sau (25/8/1945), khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn - Gia Định thắng lợi... Chỉ trong vòng 12 ngày đêm, Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước.
 
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ các đội tự vệ du kích đầu tiên với vũ khí trang bị thô sơ, mặc dù bị địch càn đi quét lại, khủng bố gắt gao nhưng nhờ dựa chắc vào dân, ra sức xây dựng, củng cố, mở rộng căn cứ, vừa đánh vừa xây dựng và trang bị... các đội du kích đã phát triển rộng khắp dẫn tới sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân. Đây là nhân tố góp phần quyết định cùng toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên CNXH ở Việt Nam.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang