Các yếu tố tác động tới hoạt động của Đoàn Kinh tế quốc phòng hiện nay

13/06/2022, 07:49

Hoạt động của Đoàn KTQP trong triển khai xây dựng, phát triển các Khu KTQP hiện nay luôn chịu tác động tổng hợp của nhiều yếu tố (về địch, tự nhiên, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh...); đòi hỏi phải được nghiên cứu đầy đủ, chu đáo để chủ động có biện pháp thích ứng có hiệu quả, khong ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 4 - Quân khu 4 hướng dẫn nhân dân trồng cây dong riềng.

1. Dự báo về địch
 
a) Âm mưu thủ đoạn
 
Hiện nay, các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chuyển hóa chế độ chính trị của nước ta; khi không đạt được mục tiêu, chúng lấy cớ chống khủng bố và những cớ khác do chúng dựng lên để sử dụng sức mạnh quân sự hỗ trợ cho lực lượng phản động trong nước tiến hành bạo loạn lật đổ hoặc trực tiếp gây chiến tranh xâm lược.
 
Khi tiến hành chiến tranh xâm lược, địch thực hành tác chiến điện tử chế áp, phá vỡ hệ thống thông tin, trinh sát kỹ thuật, chỉ huy, điều khiển vũ khí của ta. Thực hành tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao. Thực hành tiến công trên bộ bằng lực lượng cơ động nhanh, đột kích mạnh, “đánh lướt” qua các mục tiêu vòng ngoài, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu. Sử dụng lực lượng chống đối bên trong tiến hành bạo loạn lật đổ, phối hợp đánh chiếm một số khu vực chiến lược; tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu tập trung đánh chiếm mục tiêu quyết định. 
 
b) Dự kiến các giai đoạn chiến tranh
 
Giai đoạn chuẩn bị chiến tranh: địch tạo cớ, xây dựng liên minh, cấm vận, bao vây, phong tỏa, cơ động triển khai lực lượng, phương tiện đến các căn cứ trong khu vực đã được chuẩn bị; thực hành xâm nhập của lực lượng tình báo, lực lượng tác chiến đặc biệt, tăng cường trinh sát đường không...
Giai đoạn tiến công bằng hỏa lực: tập trung đánh phá các mục tiêu trọng yếu ở các thành phố lớn, khu sơ tán làm việc của lãnh đạo, chỉ huy cấp cao, hệ thống phòng không, các sân bay, bến cảng, hệ thống chỉ huy thông tin, kho vũ khí, khu vực đóng quân, đài phát thanh, truyền hình, điện lực…; vừa đánh, vừa gây sức ép ngoại giao buộc ta phải khuất phục.
 
Giai đoạn tiến công trên bộ: thực hiện tiến công bằng các chiến dịch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tiến công đường bộ, kết hợp với bạo loạn bên trong đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, quan trọng của ta.
 
 c) Một số hình thức tác chiến chủ yếu của địch
 
Tiến công hỏa lực, nhằm tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu, hệ thống phòng không, các sân bay, bến cảng, hệ thống chỉ huy, thông tin, kho vũ khí, khu vực đóng quân, đài phát thanh, truyền hình, điện lực… 
 
Tiến công trên bộ, chú trọng tác chiến không phân tuyến, tổ chức các trận đánh cả từ xa và gần quân đối phương, giành thắng lợi quyết định; trong tiến công, quân Mỹ hết sức coi trọng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng giữa không quân, lục quân, đổ bộ đường không, tiến công trên bộ và hoạt động của lực lượng tác chiến đặc biệt.
 
Đổ bộ đường không, nhằm nhanh chóng thực hiện một nhiệm vụ của chiến dịch, chiến thuật; tạo ra những bất ngờ, buộc đối phương phải tác chiến trong thế bị động bất lợi; lực lượng đổ bộ đường không là lực lượng chủ yếu tiến công trong những tình huống phức tạp, nhất là khi lực lượng chiến dịch cơ động đường bộ gặp khó khăn.
 
Các Khu KTQP đều nằm sát, dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; là những địa bàn xung yếu, có vị trí chiến lược về QP, AN. Tuy giữa nước ta với các nước láng giềng đã có hiệp định và văn bản phân định biên giới, nhưng do lịch sử để lại nên vẫn tồn tại những mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền. Trên tuyến biên giới Việt - Trung, tình trạng xâm canh, xâm cư vẫn xảy ra (nhất là tuyến biên giới trong Khu KTQP Bắc Hải Sơn, Bình Liêu - Quảng Hà - Móng Cái), đòi hỏi phải tăng cường QP, AN để bảo vệ biên giới, bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia trên vùng biên giới. Trên tuyến biên giới Việt - Lào, lực lượng Phỉ Lào vẫn hoạt động, quấy phá. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tình hình nhiều nơi còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn định. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số thấp, nên dễ bị kẻ địch lôi kéo, lợi dụng. Bọn phản động, bất mãn trong một số tôn giáo vẫn lén lút hoạt động hoặc công khai truyền đạo, phát triển đạo trái phép, kích động giáo dân ở một số địa phương gây rối. Trong khi đó, LLVT trên địa bàn có hạn, một số xã chưa có điều kiện xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng bảo vệ an ninh tại chỗ. Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân để bảo vệ, kiểm soát biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Tất cả những vấn đề trên đã gây ra không ít khó khăn cho xây dựng và hoạt động của Đoàn KTQP, nhất là đưa dân trở lại biên giới để tạo nguồn lao động, phát triển sản xuất kinh doanh của địa phương, huy động vốn của các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào Khu KTQP...
 
Do vậy, các Đoàn KTQP cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế địa phương với củng cố QP, AN xây dựng địa bàn an toàn; kết hợp với chính quyền các địa phương trong vùng dự án, tổ chức di dân, giãn dân ra sát dọc biên giới để phát triển sản xuất và bảo vệ biên giới; phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Đoàn KTQP với các lực lượng khác trong Khu KTQP, làm nòng cốt cho toàn dân bảo vệ vững chắc hành lang biên giới của Tổ quốc; đẩy mạnh sản xuất bằng những hình thức phù hợp để nhanh chóng phát triển kinh tế địa phương và tăng nguồn dự trữ vật chất hậu cần tại chỗ.
 

Cán bộ, chiến sỹ  KTQP 345 - Quân khu 2 hướng dẫn nhân dân địa phương chăm sóc cây khoai tây
 
2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh
 
a) Yếu tố địa lý tự nhiên
 
Các Đoàn KTQP chủ yếu hoạt động ở vùng rừng núi. Địa hình vùng núi có cấu trúc phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao xen lẫn các hợp thủy nên trong các Khu KTQP có rất nhiều loại đất như: đất phù sa ngòi suối, đất đỏ vàng biến đổi, đất dốc tụ và đất có độ dốc. Đây là những lợi thế cơ bản cho việc phát triển sản xuất, tạo tiềm lực vật chất hậu cần.
 
Mỗi Khu KTQP có vị trí kinh tế khác nhau nhưng nhìn chung đều có tiềm năng to lớn về đất đai cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, các sản phẩm hàng hóa có giá trị để trao đổi với các vùng, địa phương lân cận và các nước láng giềng. Với lợi thế về diện tích đất tự nhiên, các Khu KTQP có tiềm năng về đồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, dê..., đặc biệt là phát triển đàn bò thịt.
 
Khí hậu vùng núi rất thuận lợi cho hệ thực vật phát triển như: cây ôn đới, cây á nhiệt đới và nhiệt đới. Vùng rừng núi nước ta có thảm thực vật phong phú, chủ yếu là rừng lá kim ôn đới và lá kim nhiệt đới. Nhưng hệ rừng nguyên sinh hiện nay còn rất ít mà thay vào đó là rừng tái sinh, rừng non, rừng mới trồng. Nhiều nơi do lối sống du canh, du cư của đồng bào dân tộc nên rừng bị chặt phá, đốt nương làm rẫy, cây rừng thưa thớt, chủ yếu là cây lùm bụi.
 
Lượng mưa trung bình hàng năm tương đối cao, nhưng phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Chế độ thủy văn ở vùng núi phức tạp, biến đổi theo mùa. Những tháng mùa mưa, nước từ trên núi đổ xuống, tạo ra dòng chảy mạnh gây nên hiện tượng xói mòn, sạt lở trên các địa hình dốc. Những tháng mùa khô, lượng mưa thấp, sông suối cạn kiệt gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng. Việc thiếu nước không những ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân. Nước sinh hoạt của bộ đội, nhân dân chủ yếu dưạ vào nguồn nước mặt, nước tự nhiên.
 
b) Yếu tố kinh tế
 
Kinh tế là yếu tố cơ bản tác động tới quá trình hoạt động của Đoàn KTQP trên các bình diện: đất đai; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, ngành; đặc điểm sản xuất của địa phương; nền kinh tế thị trường...
 
Đất đai là yếu tố cơ bản của sản xuất. Diện tích đất tự nhiên trong các Khu KTQP hiện nay rất lớn, song diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp trong tổng diện tích đất tự nhiên. Như ở Khu KTQP Bảo Lạc - Bảo Lâm/Quân khu 1 cho thấy: đất có độ dốc dưới 20° có khả năng trồng lúa, hoa màu, lương thực là 7.720 ha, chiếm 1% tổng diện tích; đất có độ dốc 20-25° là 19.307 ha, chiếm 20% tổng diện tích; đất có độ dốc trên 25° là 69.509 ha, chiếm 72% tổng diện tích. Đây là khó khăn, trở ngại lớn đối với hoạt động hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất của Đoàn KTQP. 
 
Sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của địa phương cũng có tác động tới hoạt động của Đoàn KTQP. Đối với miền núi nói chung, các địa phương trong Khu KTQP nói riêng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng phát triển ngành lâm nghiệp, nghề rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu sẽ có ưu thế và lợi thế so sánh hơn các ngành nghề khác nhưng phải có quy hoạch và kế hoạch phát triển hợp lý. 
 
Trên thực tế, sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã làm cho phần lớn nhân dân trong các Khu KTQP chuyển từ trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp một cách tự phát. Nếu mưa thuận, gió hòa, được giá thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời tiết khí hậu, thời vụ, điều kiện bảo quản, khả năng lưu thông, chi phí đầu vào, giá đầu ra của sản phẩm... nên đã có nhiều gia đình lâm vào tình cảnh bế tắc khi các yếu tố trên không thuận lợi. Cây trồng không cho thu hoạch do nắng hạn kéo dài hoặc do mất giá; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, trở nên dư thừa, tồn đọng mà lương thực lại thiếu. Trong điều kiện thời bình, việc thiếu đói lương thực chưa phải là quá khẩn cấp bởi kinh tế thị trường điều tiết và sự trợ giúp của Nhà nước; nhưng tiềm lực vật chất trên địa bàn bị suy giảm. Khi chiến tranh xảy ra, các Khu KTQP vốn là những địa bàn khó khăn về lương thực thì sẽ càng khó khăn hơn.
 
Chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế cũng có tác động không nhỏ đến hoạt động của Đoàn KTQP. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng hình thành những vùng sản xuất tập trung; theo hướng chuyên canh trong những năm vừa qua đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, tạo ra cơ sở vật chất trên các vùng này ngày càng vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho quốc phòng. Tuy nhiên, cũng do chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đã tạo ra sự phát triển không đều giữa các xã; khi chiến tranh xảy ra, các Đoàn KTQP huy động cơ sở vật chất tại chỗ bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng gặp khó khăn.
 
Đặc điểm cơ bản về sản xuất của nhân dân trong các Khu KTQP là tự cung tự cấp khép kín, tập quán canh tác quảng canh lạc hậu. Hậu quả là diện tích đất canh tác không tăng mà còn giảm đi do đất bị xói mòn, rửa trôi nhưng lại tăng diện tích đất trống đồi núi trọc do chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy gây ra; việc tận dụng canh tác trên đất trống đồi núi trọc còn nhiều hạn chế; chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung; do vậy, không thúc đẩy mở mang sản xuất và việc tạo tiềm lực vật chất càng khó hơn.
 
Sự tác động của cơ chế thị trường làm cho phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng giữa các vùng miền. Hơn nữa, trong thời gian dài, chưa có sự quan tâm đầu tư thích đáng của Nhà nước và các cấp, các ngành cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người nên kinh tế kém phát triển và tiềm lực vật chất cũng bị suy giảm.
 
Các công trình thủy lợi ở vùng cao thường có quy mô nhỏ, năng lực cấp nước hạn chế. Hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất còn manh mún. Hệ thống đường giao thông chưa được phát triển, chủ yếu là đường cấp phối, đường đất, đường mòn, đường lâm nghiệp hoặc khai thác đường quân sự làm gấp trước đây nên đi lại rất khó khăn. Tất cả những vấn đề đó phần nào làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, đồng nghĩa với tiềm lực vật chất, khả năng cơ động lực lượng không được tăng cường.
 
Như vậy, nền kinh tế thị trường cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, vùng và tập quán sản xuất của nhân dân đã làm nảy sinh những vấn đề bất cập về phát triển sản xuất, tạo nguồn vật chất; đòi hỏi phải được giải quyết một cách toàn diện, đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài mới có thể tạo nên tiềm lực vật chất vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho nhiệm vụ QP, AN trong Khu KTQP.
 
c)Yếu tố xã hội
 
Địa bàn các Khu KTQP có vị trí rất quan trọng về quốc phòng trong sự nghiệp BVTQ hiện nay. Tất cả các Khu KTQP được triển khai xây dựng sát dọc tuyến biên giới. Đây là những vùng xung yếu, địa bàn chiến lược về QP, AN của cả nước. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt - Trung, hậu quả cuộc chiến tranh biên giới để lại nhiều bãi mìn chưa được tháo gỡ, gây cản trở cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trên địa bàn vẫn còn xảy ra các vụ tranh chấp giữa nhân dân hai nước như lấn đất trồng hoa màu, xây mộ... Khu KTQP có quy mô không lớn, thường từ 5 ÷ 7 xã, thuộc 1 ÷ 3 huyện của 1 ÷ 2 tỉnh nên mang tính lãnh thổ, quy mô cấp tiểu vùng. Khu KTQP không phải là đơn vị hành chính nhưng do các cấp hành chính quản lý về đất đai, tài nguyên. Những vấn đề trên sẽ gây khó khăn không nhỏ cho quá trình hoạt động của Đoàn KTQP.
 
Số liệu thống kê ở một số huyện có Khu KTQP cho thấy các huyện miền núi có dân số ít, mật độ dân cư thưa thớt và nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái... Đặc điểm chung của đồng bào dân tộc là các điểm dân cư luôn gắn liền với đất canh tác lúa. Đặc điểm trên xuất phát từ thực tế cuộc sống của người dân sống trên núi cao, khi mà họ phải tự lo liệu lấy tất cả các nhu cầu cuộc sống hàng ngày và gần như cuộc sống càng cô lập, khép kín thì tính phân tán và không ổn định càng cao. 
 
Thời kỳ chiến tranh biên giới đã có hàng vạn đồng bào các dân tộc ở các tỉnh biên giới Việt - Trung như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai... đã di cư vào sâu trong nội địa hoặc đến một số tỉnh lân cận ở biên giới Việt - Lào, để lại nhiều thôn, bản giáp biên là các thôn, bản “trắng” về dân cư. Vấn đề dân di cư tự do có thể chưa kết thúc khi mà các điều kiện sống của người dân vùng cao còn thấp kém, kinh tế chưa phát triển thì một bộ phận dân cư vẫn sẽ ra đi. Tình trạng dân cư phân tán và di cư tự do đã làm nảy sinh sự thiếu hụt về nguồn nhân lực ở các Khu KTQP.
 
Tỷ lệ đói nghèo của các dân tộc miền núi phía Bắc là 13,8%, nhưng thực tế có nơi tỷ lệ này lên tới 40 ÷ 50% (như xã Lao Xả Phình và 20 xã chỉ đạo điểm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), nếu tính theo tiêu chí đói nghèo mới thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa.
 
Đội ngũ cán bộ cơ sở ít được đào tạo, bồi dưỡng; chính sách bồi dưỡng đối với cán bộ cơ sở còn chắp vá. Biểu hiện cụ thể là: hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền còn nhiều yếu kém; trình độ, năng lực của cán bộ cơ sở rất hạn chế cả về văn hóa, chuyên môn. Quản lý, điều hành của cán bộ chính quyền chủ yếu dựa vào thói quen, kinh nghiệm, tập quán... Những vấn đề trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở trong các Khu KTQP.
 
Như vậy, dân cư thưa thớt, tình trạng đói nghèo cùng với thiếu nguồn lao động... đã làm hạn chế đến sự phát triển kinh tế, xã hội; ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của Đoàn KTQP. Điều đó đặt ra những đòi hỏi bức thiết là phải điều chỉnh lại dân cư, đưa dân trở lại biên giới, xây dựng kết cấu hạ tầng để người dân yên tâm định canh định cư, từng bước đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, phát triển Khu KTQP.
 
d) Yếu tố QP, AN
 
Khu KTQP nằm trên địa bàn các tỉnh, huyện biên giới; xây dựng khu KTQP đặt trong tổng thể thế trận QPTD, chiến tranh nhân dân địa phương từ thời bình đáp ứng cho nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh. Tỉnh, huyện (có khu KTQP) có các nhiệm vụ QS, QP cơ bản:
 
- Chủ động ngăn chặn và xử lý kịp thời những vụ gây rối chính trị, vi phạm trật tự trị an, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định mọi mặt của tỉnh. Ngăn chặn, đấu tranh dập tắt các vụ bạo loạn lật đổ xảy ra trên địa bàn.
 
- Sẵn sàng đánh trả xung đột vũ trang, bao vây phong tỏa, lấn chiếm biên giới, tập kích hỏa lực của địch. Ngăn chặn địch tiến công, buộc chúng phải sa lầy, thất bại trong mọi tình huống, cùng với quân khu giữ vững khu vực phòng thủ và phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ vững chắc địa phương.
 
Vì vậy, các Đoàn KTQP phải được xây dựng vững mạnh toàn diện cả về lực lượng và thế trận, cả về thực lực và tiềm năng; cần được quản lý toàn diện, chặt chẽ và có kế hoạch, phương án sẵn sàng phối hợp với LLVT thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong KVPT tỉnh.
 
⁕    ⁕
 
Xây dựng các Khu KTQP là nhiệm vụ chiến lược, một quá trình khó khăn, gian khổ do tác động tổng hợp của các yếu tố. Bản thân các yếu tố đó luôn biến đổi, nên các Đoàn KTQP phải chủ động nghiên cứu cập nhật kịp thời, có giải pháp khoa học hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động trong tình hình mới, góp phần phát triển KT, tăng cường QP, AN trên các địa bàn chiến lược.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/BQP