Chắp cánh Điện Biên

07/05/2024, 13:27

Từ mảnh đất bị bom cày đạn xới, thấm đẫm mồ hôi, máu xương của quân và dân ta, tỉnh Điện Biên đang phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Một góc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: VŨ LỢI

70 năm vươn mình
 
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, cả lòng chảo Điện Biên như sống lại không khí hào hùng của ngày chiến thắng. Trên đường phố của TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), đâu đâu cũng rợp bóng cờ, hoa, băng rôn, tranh cổ động. Tại các điểm di tích lịch sử, đông đảo du khách về tham quan nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024)... Đã tròn 7 thập kỷ ghi dấu chiến thắng lịch sử, song cựu chiến binh Bùi Kim Điều (trú tại tổ 9, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) vẫn không quên một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận đánh khốc liệt giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn chiến hào...
 
Đặc biệt là cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng. Bước trên con đường dẫn lên đỉnh đồi A1, phóng tầm mắt ra xung quanh, người chiến sĩ Điện Biên năm nào lại rưng rưng trước sự "thay da đổi thịt" của mảnh đất lịch sử này. “Điện Biên giờ đổi thay nhanh chóng quá. Thành phố khoác lên mình những gam màu tươi sáng với diện mạo đô thị khang trang, nông thôn đổi mới. Đường sá được mở rộng, sạch đẹp, nhà mái ngói, mái bằng, cao tầng mọc lên san sát", ông Điều xúc động nói.
 
Việc đưa Cảng hàng không Điện Biên vào khai thác trở lại từ tháng 12-2023 mang ý nghĩa quan trọng, khơi thông điểm nghẽn về giao thông, góp phần khai phá tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nêu cao truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước hội nhập cùng cả nước. Cùng với tập trung cho sản xuất nông-lâm nghiệp, trồng cây dược liệu, cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, mắc ca...), tỉnh cũng chú trọng thúc đẩy thương mại, dịch vụ, du lịch. Mỗi năm, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, truyền thống văn hóa, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương.
 
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh với năm 2010 đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,32%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 48 triệu đồng/năm. Các chỉ tiêu như: Tổng thu ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao, du lịch cơ bản đều tăng. Riêng quý I-2024, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 6,07% (xếp thứ 4/14 tỉnh trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc và xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt gần 450 nghìn lượt, tăng 146% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tỉnh có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 44 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14,12 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5.000 căn nhà dành tặng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
 
Tầm nhìn mới
 
Trung tuần tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nền tảng vững chắc để địa phương tiếp tục phát triển dựa trên lợi thế về vị trí địa lý và khát vọng vươn mình. Cụ thể, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030 là đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, đạt năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 10,51%/năm. Đến năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa phấn đấu đạt trên 32%; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn dưới 8%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 48%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
 
Đáng chú ý, Điện Biên lựa chọn 3 khâu đột phá: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá, động lực phát triển; ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mặt khác, tỉnh xác định 4 trục động lực kinh tế. Đó là trục kinh tế động lực theo Quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên-Sơn La-Hà Nội, gắn với Cảng hàng không Điện Biên. Đây được xem là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng. Cùng với đó là các trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 12, Quốc lộ 6 và Quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh. Đồng thời, có 4 cực tăng trưởng được quy hoạch là: TP Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo và thị trấn Mường Nhé.
 
Theo đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, quy hoạch này là cơ sở quan trọng để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, hội nhập và đối ngoại; đồng thời hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư, kiến tạo động lực... Quy hoạch tỉnh cũng xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án và tổ chức không gian; cùng với đó tạo ra cơ hội, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng địa phương trên địa bàn. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế, quyết tâm đưa vùng đất nơi phên giậu cực Tây của Tổ quốc thành điểm sáng trên con đường đổi mới, phát triển.

VĂN HIẾU