Công tác hậu cần những năm đầu thành lập Quân đội

26/12/2022, 18:01

78 năm trước, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao nhiệm vụ cho Đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức, chỉ huy đội. Người đã đề ra những yêu cầu chính về tổ chức, phương châm hoạt động, tác chiến và cung cấp cho Đội: “Những hoạt động đầu tiên của Đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của địch... Phải dựa chắc vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể thắng được, nguồn cung cấp sẽ dựa vào dân...” [1, tr.23]. Và Người đã giao cho chỉ huy Đội 500 đồng (Đông Dương đồng) làm ngân quỹ nuôi quân. 

Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) đựợc tiến hành. Thay mặt Đoàn thể, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập và giao nhiệm vụ cho Đội. Đội gồm 34 cán bộ, chiến sỹ được chọn lọc rất kỹ lưỡng trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Đồng chí Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng) người cao tuổi nhất, "yêu quý các đồng chí trong Đội như con em, coi trọng từng đồng xu, từng hạt gạo của công quỹ" [1, tr.147] được phân công làm quản lý lo việc bảo đảm đời sống vật chất cho Đội - đây là cán bộ hậu cần đầu tiên của quân đội ta. Trang bị của Đội có 2 khẩu súng thập, 17 súng trường các loại, 14 súng kíp [1, tr.23]. Cùng thời gian này, Việt kiều ta ở Côn Minh, Trung Quốc đã kịp gửi về nước 500 đồng, 1 khẩu súng tiểu liên và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 01 hộp bom nổ chậm, góp thêm vào nguồn vũ khí trang bị và tài chính của Đội. Tối 22/12/1944, Đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng và vượt mọi khó khăn gian khổ của người chiến sỹ cách mạng.
 
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: "Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sỹ và gây truyền thống hành động tích cực cho bộ đội"; ngay đêm ngày 25 và sáng 26/12/1944, Đội ra quân đánh thắng hai trận Phai Khắt và Nà Ngần; súng, đạn thu được đủ trang bị cho các đội viên, toàn bộ súng kíp chuyển giao cho du kích. Trong hai trận này, Đồng chí Văn Tiên đã chủ động liên hệ, hiệp đồng với nhân dân địa phương sở tại để nấu ăn, tiếp tế cơm nước. Chỉ 1 tuần sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành 1 đại đội gồm 4 trung đội. Về hậu cần, từ một người quản lý, Đội đã hình thành Ban quản lý [1, tr.25].
 
Phát huy thắng lợi, Đội hành quân lên Bảo Lạc đánh thắng trận Đồng Mu, quay về Thông Nông hoạt động vũ trang tuyên truyền. Đầu năm 1945, Đội tiếp tục vũ trang tuyên truyền khôi phục con đường “Nam tiến” và đánh một số trận, thu nhiều vũ khí trang bị cho các đội viên mới được bổ sung, trong đó có trận diệt địch ở đèo Cao Bắc (gần Nà Ngần), thu 30 súng, nhiều đạn dược… Trong hành quân, chiến đấu, việc nấu cơm nước và tiếp tế cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đều do các tổ chức quần chúng cơ sở, đoàn thể phụ nữ trực tiếp đảm nhiệm. Đồng chí Văn Tiên căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Đội để liên hệ, hiệp đồng với các đoàn thể, cơ sở quần chúng để tiếp tế tại chỗ. Như vậy, ngay từ khi chủ trương đấu tranh vũ trang, thành lập quân đội cách mạng để giành chính quyền, Đảng ta và Bác Hồ đã lo trước và tính trước việc cung cấp. Nhưng trong điều kiện vô cùng khó khăn lúc đó, nguồn và lực lượng làm công tác cung cấp, tiếp tế chủ yếu là hậu cần Nhân dân.
 
Căn cứ địa cách mạng ngày càng mở rộng, các đội vũ trang phát triển mạnh, nhân dân khắp nơi hăng hái, gấp rút chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đêm 9/3/1945, Phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền đô hộ của thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã có chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện chỉ thị của Đảng, các đội vũ trang đẩy mạnh hoạt động, tước khí giới của địch, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng, phát triển lực lượng. Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành nhiều đại đội và trên đường “Nam tiến” đã thu hàng ngàn súng (có cả súng máy và súng cối) của tàn quân Pháp bị Phát xít Nhật đánh đuổi. Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang phát triển mau lẹ, từ ngày 15 - 20/4/945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, xác định: “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp lúc này” và quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 15/5/1945, tại đình Làng Quặng, Định Biên, Định Hóa, Thái Nguyên, Việt Nam Giải phóng quân làm lễ ra mắt, lực lượng lên tới 13 đại đội tập trung và nhiều đội vũ trang tuyên truyền ở các địa phương [1, tr.29]. Cùng hàng nghìn súng thu được của địch, các đội vũ trang còn được trang bị lựu đạn, mìn có chất lượng tốt của các xưởng Lũng Hoàng, Làng Chè. Cuối tháng 5/1945, ta đánh bại cuộc càn quét của hơn 2.000 quân phát xít Nhật, thu chiến lợi phẩm, trong đó có nhiều súng, đạn để trang bị cho các đội vũ trang. Khu giải phóng (gồm Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái) và một số địa bàn lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên với diện tích hơn 4.000 km2 và 1 triệu dân được thành lập cùng với các chiến khu ở các địa phương khác là căn cứ địa cung cấp sức người, sức của cho Tổng khởi nghĩa. 
 
Thực hiện quyết định của Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phát Quân lệnh số 1, yêu cầu Giải phóng quân “tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng điểm của quân địch, đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng... Khi đánh được một trận thì lập tức bổ sung bộ đội với số vũ khí thu được”. Chiều ngày 16 - 20/8/1945, các đơn vị Giải phóng quân cùng Nhân dân Thái Nguyên, Tuyên Quang khởi nghĩa giành chính quyền; hơn 600 khẩu súng và nhiều đạn dược thu được của địch đã được trang bị cho 2 chi đội Giải phóng quân mới thành lập. Tại Hà Nội, các đội xung phong công tác và tự vệ với trang bị súng ngắn, súng trường, lựu đạn và phần lớn là vũ khí thô sơ dẫn đầu các đoàn quần chúng đánh chiếm Bắc Bộ phủ, trại bảo an, các công sở, kho tàng...; ngày 19/8 khởi nghĩa thắng lợi. Lực lượng Giải phóng quân và Tự vệ Hà Nội được trang bị súng mới thu được của địch để bảo vệ công sở, kho tàng, giữ gìn trị an... Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế và ngày 25/8/1945, Sài Gòn - Gia Định khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi... Trong vòng 12 ngày đêm, Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 
 
Ba tuần sau Quốc khánh, quân Pháp núp sau quân Anh quay lại gây hấn ở Sài Gòn. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật tràn vào, đi cùng là bọn phản động các loại... Âm mưu của chúng là bóp chết nhà nước cộng hòa non trẻ. Để bảo vệ thành quả cách mạng và chuẩn bị cho kháng chiến, cùng với việc vũ trang toàn dân, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang tập trung. Tháng 9/1945, Hồ Chủ tịch chỉ thị phải nhanh chóng chấn chỉnh, mở rộng Giải phóng quân Việt Nam và đổi tên là Vệ quốc đoàn (quân đội quốc gia). Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang tập trung từ vài chi đội Giải phóng quân với khoảng 5.000 người đã phát triển thành nhiều chi đội với hơn 5 vạn người. Nhà nước và Bộ Quốc phòng bắt đầu tổ chức ra các cơ quan phụ trách việc cung cấp, tiếp tế cho quân đội hoạt động từ Trung ương đến cơ sở. Đầu tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Phòng Quân nhu trên cơ sở Ủy ban Binh lương, Người chỉ rõ: "Quân là quân sự, nhu là các nhu cầu. Làm công tác quân nhu là lo đáp ứng các nhu cầu của quân đội... Lúc này công tác quân nhu có nhiều khó khăn, phải biết dựa vào Nhân dân". Lúc thành lập Phòng có 20 người, do Đồng chí Vũ Anh - Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng phòng. Nhiệm vụ của Phòng Quân nhu là thu gom gạo ở các kho của Nhật còn lại ở khu vực Hà Nội, thu gom quân trang của các trại bảo an binh trước dây về sửa chữa lại cho chiến sỹ vệ quốc đoàn, thu mua muối gạo... Ở các đơn vị và địa phương, tổ chức quân nhu cũng từng bước hình thành để lo việc nuôi dưỡng bộ đội. Cán bộ nhân viên được lựa chọn, đó là những người có trình độ văn hóa, có phẩm chất chính trị, đạo đức. Sau Cách mạng tháng Tám, ta đã tịch thu các kho gạo của Nhật, Pháp ở Sài Gòn, một số kho này đã được về các khu căn cứ. Ở Liên khu 5 và các tỉnh miền Trung, ta cũng tịch thu các kho thóc, gạo của Nhật, Pháp và các đồn điền của thực dân Pháp. Khi địch đánh lan rộng, có nơi chuyển đi không kịp đã đem phân phát cho Nhân dân.
 
Ngày 15/9/1945, Phòng Quân giới được thành lập, do Đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Bộ trưởng không bộ Chính phủ lâm thời làm Trưởng phòng. Lúc thành lập, Phòng có 20 cán bộ nhân viên, phần lớn là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành, công nhân một số nhà máy ở Hà Nội. Nhiệm vụ của Phòng Quân giới là thu thập, mua sắm và tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí. Phòng Quân giới đã phối hợp với Phòng Quân nhu, các cơ quan và địa phương thu mua được khối lượng vũ khí, đạn khá lớn của bọn sỹ quan Tưởng, Nhật và Pháp; đồng thời chỉ đạo mở rộng các xưởng vũ khí đã có từ tiền khởi nghĩa và xây dựng mới nhiều xưởng vũ khí ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam chuẩn bị cho kháng chiến.
 
Cuối tháng 9/1945 Ban Y tế Vệ quốc đoàn Hà Nội thành lập, đến tháng 12/1945 chuyển thành Ban Y tế Vệ quốc đoàn Bộ Tổng Tham mưu. Lúc thành lập, Ban có 2 bác sỹ, một số sinh viên y khoa, do Bác sỹ Vũ Văn Cẩn làm Trưởng ban. Ban tổ chức ra bệnh xá ở trại Vệ quốc đoàn Hà Nội để khám chữa bệnh và giới thiệu những người cần điều trị ra các bệnh viện dân y; đồng thời, Ban còn tổ chức được 1 lớp đào tạo y tá, cứu thương cho các đơn vị khu vực Hà Nội [1, tr.41-43]... Những tổ chức sơ khai này dần dần phát triển thành Cục Quân nhu, Cục Quân giới, Cục Quân y... sau này. 
 
Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL về tổ chức Bộ Quốc phòng trong đó có: Quân nhu cục, Chế tạo Quân giới cục và Quân y cục phụ trách các mặt sản xuất, cung cấp, tiếp tế phục vụ Quân đội; các cơ quan và cơ sở, trường lớp, xí nghiệp, bệnh xá, bệnh viện, hệ thống kho tàng... được gấp rút tổ chức xây dựng. Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, quân Pháp ngày càng lấn tới, chiến sự dần lan rộng, nguy cơ chiến tranh ngày càng đến gần. Ngày 19/10/1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng đã kiểm điểm công tác chuẩn bị kháng chiến và quyết định: “Phải luôn chuẩn bị, đề phòng, đề phòng hơn trước kia” và “Không ngừng một phút công tác chuẩn bị”. Bộ đội và nhân dân ta đã chuyển lên các chiến khu, các vùng căn cứ địa những thứ có thể chuyển được. Từ  thỏng 3/1946 - 4/1947, cuộc tổng di chuyển về hậu cần hoàn thành, từ Khu 5 trở ra, có 20.400 tấn muối, 2,5 triệu mét vải, hàng ngàn tấn gạo... hơn 42.000 tấn vật tư, máy móc thiết bị quân giới [1, tr.83] được vận chuyển lên Việt Bắc và các căn cứ kháng chiến địa phương. Vừa di chuyển, vừa bảo đảm, vừa nghiên cứu, ngành Quân giới đã sản xuất thành công súng và đạn Bazôca, SKZ, đạn AT... đáp ứng nhu cầu tác chiến.
 
Về tổ chức hậu cần, đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), mỗi khu đều có Phòng Quân nhu - Tài chính, Phòng Quân giới (hoặc ty, sở Quân giới). Riêng ngành Quân y, ở Bắc Bộ, mỗi khu có Quân y vụ, ở Trung Bộ có Quân y phân cục và ở Nam Bộ mỗi khu có Phòng Quân y (tương đương với Quân y vụ). Về công tác dược, mới hình thành tổ chức Trung ương và Phân cục. Tại các đơn vị cơ sở từ trung đoàn (chi đội) đến tiểu đoàn, đại đội cũng bắt đầu hình thành các tổ chức: Quân nhu, tài chính, quân y, quân giới theo hệ thống dọc từ trên xuống dưới, nhưng còn đơn giản, tên gọi, biên chế nhiệm vụ... của từng cấp cũng chưa thống nhất. Do ngành Hậu cần Quân đội chưa hình thành về mặt tổ chức nên Cục Quân nhu đảm nhiệm chức năng bảo đảm mọi nhu cầu vật chất cho quân đội. 
 
Sau khi hoàn thành Tổng di chuyển, Hậu cần quân đội đã nhanh chóng phối hợp với hậu cần Nhân dân tại chỗ chuẩn bị và bảo đảm cho chiến dịch Việt Bắc -Thu đông 1947, đánh bại hơn 2 vạn quân Pháp, đập tan âm mưu “Chiến tranh chớp nhoáng” của địch. Vừa kiến quốc vừa kháng chiến trong điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn nên việc bảo đảm hậu cần cho quân đội phải dựa vào khả năng của Nhân dân, của từng địa phương; thực hiện bảo đảm “tại chỗ” và “có gì cấp nấy”.
Sau mấy năm đầu kháng chiến giằng co quyết liệt giữa ta và địch, thế và lực của ta dần lớn mạnh hơn. Đến đầu năm 1950, ta đã mở được 30 chiến dịch nhỏ, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Hậu cần đã đáp ứng các nhu cầu cho tác chiến. Riêng ngành Quân giới (từ Khu 4 trở ra) đã sản xuất hơn 23.049 quả lựu đạn, 157.789 quả địa lôi, 6268 quả đạn AT, 775.830 viên đạn súng trường, 498 súng và 10.724 quả đạn bazôca, 1.565 khẩu súng và 146.692 quả đạn cối các cỡ, 310 khẩu súng và 2.794 quả đạn SKZ, 230 khẩu súng phóng bom và 7.381 quả đạn [1 tr.113-114], góp phần quan trọng vào thắng lợi. 
 
Trước nhu cầu phát triển lực lượng, phục vụ chiến đấu ngày một cao và xa căn cứ, ngày 18/6/1949 Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 50/SL về tổ chức, nhiệm vụ Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, quyết định thành lập Cục Vận tải [1, tr.120]; các ngành bảo đảm ở Trung ương tách ra, tổ chức thành 3 cục và 3 nha. Các cục (và Phòng Tài chính) chịu sự chỉ đạo của cơ quan Đổng lý quân vụ, làm nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, vũ khí đạn dược, thuốc men, dụng cụ y tế và những nhu cầu cần thiết cho các lực lượng vũ trang. Các nha chịu sự chỉ đạo của cơ quan Đổng lý sự vụ, làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các nhu cầu xây dựng và tác chiến của lực lượng vũ trang. Hệ thống tổ chức trên đều đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Song, thực tế tổ chức các ngành Quân nhu, Quân y, Quân giới ở Trung ương cũn cồng kềnh, việc hiệp đồng thực hiện kế hoạch sản xuất và bảo đảm giữa các ngành gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vì vậy, trước chiến dịch Biên giới, hai hệ thống nha và cục sát nhập làm một như trước đó. 
 
Lúc này, bộ đội chủ lực và địa phương phát triển mạnh, Trung ương Đảng ta chủ trương “một mặt chiến đấu để tiêu diệt sinh lực địch, một mặt gấp rút bồi dưỡng và xây dựng quân đội nhân dân ngày càng tinh nhuệ”, “Tăng cường việc tiếp tế và hỏa lực của quân đội ta một cách chắc chắn”. Vì vậy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự Trung ương, chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 121/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh gồm ba cơ quan, trong đó có Tổng cục Cung cấp (tức Tổng cục Hậu cần ngày nay) để thực hiện nhiệm vụ trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng [1, tr.132] - Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây, ngành Cung cấp (Hậu cần) Quân đội hình thành, thống nhất chỉ đạo, chỉ huy các ngành quân nhu, quân y, quân giới, quân khí, vận tải (đã hình thành từ trước); tập trung mọi khả năng, đáp ứng yêu cầu tác chiến quy mô lớn, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn.
 
Ngay sau khi thành lập, Tổng cục Cung cấp đã khẩn trương tổ chức chuẩn bị bảo đảm cho chiến dịch Biên giới - chiến dịch lớn đầu tiên do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Để bảo đảm cho chiến dịch quan trọng “chỉ được cho đánh thắng” như Hồ Chủ tịch chỉ thị, Bộ Tổng Tư lệnh sử dụng toàn bộ lực lượng chủ lực cơ động của Bộ (Đại đoàn 308; Trung đoàn bộ binh 209, 174 và Trung đoàn pháo binh 95), ba tiểu đoàn và các đại đội bộ đội địa phương, liên khu, tỉnh… quân số tham chiến hơn 3 vạn người. Hậu cần Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với hậu cần nhân dân địa phương bảo đảm 1.886 tấn gạo, thực phẩm; 41 tấn vũ khí đạn; cứu chữa 1.560 thương binh... Đồng bào Cao Bằng, Lạng Sơn đã huy động 120.000 lượt dân công với hơn 1,6 triệu ngày công, sửa chữa 698 km đường ô tô, huy động hàng trăm tấn gạo và 73 tấn ngô phục vụ chiến dịch. Hồ Chủ tịch đã đánh giá: “chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng... đi tiếp tế vận tải đông như vậy” và đồng bào các dân tộc Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn đó “làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến” [1, tr.143]. Sau chiến dịch Biên giới, quân Pháp buộc phải rút khỏi thị xã Hũa Bình; các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai hoàn toàn giải phóng. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, phía Bắc nối liền với nước Trung Hoa mới, tạo điều kiện tiếp nhận viện trợ của các nước XHCN anh em, phía Nam nối liền với vùng tự do Liên khu 3, 4 tạo thế liên hoàn cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến.
 
Như vậy, từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến cuối năm 1950, tổ chức Hậu cần Quân đội đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, dần hình thành tổ chức ngành hoàn chỉnh; vừa xây dựng vừa bảo đảm cho tác chiến và ngày càng trưởng thành; luôn gắn bó máu thịt và kết hợp chặt chẽ với hậu cần Nhân dân bảo đảm cho Quân đội ta xây dựng, chiến đấu và ngày càng lớn mạnh. Đó cũng là cơ sở tiền đề quan trọng cho xây dựng ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 1 (1944-1954), Nxb QĐND, 1995.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang