Điện Biên Phủ, ngày 5-4-1954, chiến trường ngớt tiếng súng

05/04/2024, 07:36

Ngày 5-4, trong lúc Bộ chỉ huy mặt trận chỉ thị tạm ngừng những trận chiến đấu trên Đồi A1, nhìn chung trên toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ, mặt đất phía Đông đã ngớt tiếng súng, nhưng ở phía Tây các đơn vị vẫn tiếp tục đào hào, đánh lấn nhằm chiếm hẳn sân bay, cắt đứt dạ dày tiếp tế của địch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Đợt tiến công lần này, bộ đội ta đã thực hiện được phần lớn nhiệm vụ đề ra, đã tiêu diệt được trên 2.000 tên địch, chiếm được 4 trong 5 điểm cao phía Đông và kiểm soát thêm một phần phía Bắc và phía Tây vào tới giáp sân bay Mường Thanh. Nhưng một số đơn vị không thành công, nên nhìn chung bộ đội chưa thực hiện được đầy đủ kế hoạch của đợt tiến công.
 
Theo cuốn “Tổng tập Đại tướng Hoàng Văn Thái”, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã kể: Qua trao đổi bước đầu trong cơ quan tham mưu sau đợt tiến công thứ hai chấm dứt, chúng tôi nhận thấy quân ta đang đứng trước những khó khăn mới và chức năng tham mưu đòi hỏi chúng tôi phải khẩn trương trong nghiên cứu và đề đạt biện pháp khắc phục.
 
Sau hai đợt chiến đấu, về thực lực, tuy ta vẫn hơn địch, nhưng chưa phải là hơn hẳn. Về trình độ tác chiến và tổ chức chỉ huy, đợt chiến đấu trên các điểm cao phía Đông đã bộc lộ một số nhược điểm của bộ đội trước một trận tiến công quy mô lớn vào công sự vững chắc. Sức khỏe bộ đội bắt đầu giảm sút. Những trận mưa đầu mùa đã xuất hiện sớm hơn thường lệ. Cuộc sống bộ đội trong chiến hào, nhất là của Đại đoàn 308 ở phía Tây bắt đầu gặp khó khăn. Rồi đây chiến dịch kéo dài, mùa hè đến, thời tiết càng không thuận lợi. Bộ đội càng tiến sâu vào trong, cuộc chiến đấu càng trở nên gay go quyết liệt, lực lượng của ta càng khó tránh khỏi tiêu hao, mệt mỏi.
 
Từ thực tế trên đây, vấn đề nổi lên trong tâm tư của chúng tôi là phải cùng cán bộ trong cơ quan và đơn vị thảo luận xem nên tiếp tục đánh địch như thế nào. Các đoàn cán bộ của ba cơ quan mặt trận được phái xuống nắm tình hình bộ đội sau đợt chiến đấu. Những cán bộ đầu tiên được đồng chí Tư lệnh chiến dịch mời lên báo cáo và đề đạt ý kiến là các đồng chí chỉ huy các trung đoàn đánh A1 vừa qua, các Trung đoàn trưởng Hùng Sinh, Nguyễn Hữu An và hai cán bộ khác của các trung đoàn 174 và 102.
 
Cơ quan bố trí để các đồng chí nghỉ ngơi, tắm giặt, lấy lại sức sau những ngày chiến đấu căng thẳng liên tục. Sau đó đồng chí Giáp và chúng tôi ngồi nghe các đồng chí thuật lại diễn biến các trận chiến đấu vừa qua và nói lên những suy nghĩ của mình về cách đánh sắp tới. Theo các đồng chí, muốn tiêu diệt được A1, phải dùng một số ít chiến sĩ dũng cảm thiện chiến, do cán bộ có quyết tâm cao, chỉ huy bí mật mang bộc phá vào đánh cửa hầm ngầm. Diệt được hầm ngầm mới diệt được A1. Cuối cùng, cả bốn đồng chí đều xin cấp trên cho tiếp tục chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm then chốt này của địch.
 
Từ ngày 5-4, vừa nắm tình hình, ba cơ quan mặt trận vừa khẩn trương chuẩn bị hội nghị sơ kết đợt 2. Báo cáo sơ kết của từng cơ quan đều được chuẩn bị kỹ, trải qua nhiều lần trao đổi, thảo luận và cuối cùng được hoàn chỉnh sau khi có nghị quyết của Đảng ủy đánh giá tình hình sau đợt chiến đấu.
 
Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt vị trí Hòa Đình (Bắc Ninh), diệt 155 tên.
 
Về phía địch: Trong cuốn hồi ký của cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower đã viết: Valluy gọi điện thoại cho Ély báo cáo về phía các nhà quân sự Mỹ, mọi việc đều suôn sẻ. Cùng thời gian này, Sứ quán Pháp ở Washington thông báo về một số bài báo và những bức điện không ký tên nói về một cuộc can thiệp ồ ạt của Trung Quốc vào Bắc Việt Nam. Đây là cách chuẩn bị về dư luận cho công chúng và Quốc hội Mỹ trước một cuộc can thiệp của Mỹ vào Điện Biên Phủ.
 
Cũng trong ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Eisenhower viết cho Thủ tướng Anh Churchill một bức thư trình bày bản dự thảo về phối hợp hành động tại Đông Dương. “Điều quan trọng là liên minh phải mạnh và phải sẵn sàng tham chiến khi cần. Tôi dự kiến không cần đến một sự can thiệp đáng kể nào về lực lượng trên bộ của đất nước ngài và đất nước chúng tôi... Liệu tôi có nên nhắc lại bài học lịch sử nữa không? Chúng ta đã không chặn đứng được Hirohito, Mussolini và Hitler bởi vì chúng ta đã không đoàn kết và kịp thời hành động. Do đó mà đã diễn ra một thời kỳ dài của những bi kịch đau lòng và những hiểm nguy hầu như không lối thoát. Liệu đất nước chúng ta có rút được điều gì từ bài học kinh nghiệm đó không?...”.

THÀNH VINH (LƯỢC TRÍCH)/QĐND Online