Học viện Viettel bứt phá trong đào tạo doanh nghiệp

31/03/2024, 11:57

Trải qua 18 năm xây dựng, trưởng thành, Học viện Viettel đã đào tạo được hơn 20.000 cán bộ, nhân viên về xây dựng hạ tầng mạng lưới kỹ thuật, tổ chức quản trị kinh doanh, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội phát triển nhanh và bền vững. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều thách thức và cơ hội, Học viện Viettel đang đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, đáp ứng yêu cầu của tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu trong tình hình mới.

Các học viên Khóa đào tạo cán bộ nguồn giám đốc Viettel tỉnh, thành phố trên lớp học.

Vận hành bằng công nghệ
 
Những năm qua, Học viện Viettel đã tự chủ nghiên cứu, cho ra đời hàng loạt phương thức, công cụ đào tạo mới như: Ứng dụng By Day Learning (Học tập hàng ngày), ATM (Công cụ quản lý đánh giá áp dụng kiến thức sau đào tạo)…Với By Day Learning, đây là những bài học ngắn dưới 10 phút, về kỹ thuật, kinh doanh, quản lý, kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp… được số hóa thành clip, bài giảng, giúp cho cán bộ, nhân viên, người lao động có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Đến nay Học viện đã xây dựng được hơn 2.000 bài học điện tử phục vụ cho 50.000 “người Viettel” trên toàn cầu.
 
Từng đối tượng theo chức trách nhiệm vụ đều có các bài học, chương trình online, chủ động, tự giác học tập, trả bài kiểm tra, có hệ thống giám sát. Hàng tuần, hàng tháng, hệ thống tự động có chế độ kiểm soát, ghi nhận hoàn thành hoặc nhắc nhở; từ đó mỗi người lựa chọn thời gian học tập cho phù hợp. Đối với các lớp cán bộ quản lý, nhân viên sau tuyển dụng, các nhân sự này sẽ được các cơ quan, đơn vị phối hợp với Học viện Viettel tổ chức học online từ một tuần đến một tháng tại chỗ. Sau tự học, kiểm tra trắc nghiệm từng bài học trên hệ thống, đủ điểm vượt qua vòng loại mới về Học viện Viettel học tập tập trung.
 
Quá trình học tập, Học viện tăng cường áp dụng các bài giảng điện tử, mô hình, mô phỏng, thực hành thuyết trình, đóng vai để học viên tiếp thu, nắm nhanh, hiểu sâu kiến thức từng tiểu mục, vấn đề. Sau khi học viên học xong, học viên đăng ký lên phần mềm quản lý sau đào tạo ATM. Bản đăng ký ATM được thủ trưởng cấp trên trực tiếp xác nhận, có thời gian, mục tiêu, thang đo đánh giá kết quả. Từ đó, Học viện Viettel và đơn vị quản lý tiếp tục theo dõi, đánh giá kết quả sau đào tạo, tiến độ áp dụng ứng dụng tri thức vào thực tiễn.
 
Hằng năm, tại Học viện Viettel đều mở các khóa đào tạo, như: Cán bộ lần đầu làm quản lý, đội trưởng kỹ thuật, nguồn trưởng bưu cục, nguồn trưởng trung tâm huyện, nguồn giám đốc Viettel tỉnh, thành phố, nguồn phó tổng giám đốc công ty thị trường nước ngoài (PTGĐ), nguồn theo quy hoạch các cấp, công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT)… Các khóa học này đều có lựa chọn đầu vào theo quy hoạch và thi đầu ra bảo vệ đề tài, phỏng vấn đánh giá chặt chẽ, bài bản.
 
Quản lý bằng cơ chế
 
Tại Khóa đào tạo cán bộ nguồn giám đốc Viettel tỉnh, thành phố (khóa 7, năm 2023-2024), có chỉ tiêu 30 học viên. Trên cơ sở nguồn cán bộ theo quy hoạch, Tập đoàn lựa chọn 40 nhân sự để tự học online một tháng theo các chuyên đề. Kết quả có 100% đạt trung bình, khá, giỏi; tổ chức chọn ra 30/40 học viên điểm cao nhất. Sau 3 tháng đào tạo kiến thức, kỹ năng quản lý, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, maketing, tiếng Anh, CTĐ, CTCT... đánh giá, chỉ chọn ra 20 học viên có kết quả tốt nhất đi thực tập. Cơ chế này giúp tạo động lực cho học viên tự giác, chủ động trong suốt quá trình đào tạo.
 
 Các học viên tham dự Khóa đào tạo cán bộ nguồn giám đốc Viettel tỉnh, thành phố (khóa 7).
 
Nhà trường phối hợp với các đơn vị ra đề tài thực tập, đó là những vấn đề khó nhất, vướng nhất, mới nhất đang cần giải quyết như: Giải pháp tăng trưởng từ thuê bao 2G, 3G lên 4G; tăng trưởng khách hàng cố định băng rộng; tăng trưởng khách hàng TV 360; nâng cao chất lượng hạ tầng mạng lưới… Sau 3 tháng thực tập, học viên trở lại trường bảo vệ đề tài tốt nghiệp trước hội đồng Học viện và các tổng công ty. Và chỉ học viên nào đạt các tiêu chí về lý thuyết, thực hành, ngoại ngữ mới được công nhận tốt nghiệp, đề nghị đảm nhận chức danh giám đốc, phó giám đốc.
 
Học viên nào chưa đạt kết quả tăng trưởng trong thực tế, thực tập hoặc tiếng Anh, chỉ còn cơ hội tự học, tự làm, bảo vệ tốt nghiệp trong 6 tháng tiếp theo. Thiếu tá Đào Duy Thái, PGĐ Chi nhánh Viettel Thái Nguyên cho biết: “Nhờ kiến thức, kỹ năng được trang bị tại Học viện, đề tài: “Giải pháp nâng cao chất lượng thuê bao cố định băng rộng tại tỉnh Thái Nguyên”, đã giúp tôi hoàn thành mục tiêu, chương trình đào tạo, tự chủ, tự tin với cương vị mới”.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội trao chứng chỉ đào tạo giám đốc Viettel tỉnh, thành phố cho các học viên. 
 
Tương tự, Khóa đào tạo cán bộ nguồn PTGĐ thị trường nước ngoài, sau 6 tháng đào tạo sẽ đi thực tập 3 tháng. Sau đó bảo vệ đề tài tốt nghiệp trước Ban Lãnh đạo Tập đoàn và Học viện. Minh chứng hiệu quả đào tạo là các học viện đã có đủ bản lĩnh, trình độ đứng vững trên trường quốc tế. Trung tá Nguyễn Huy Dung, Tổng Giám đốc Công ty Viettel Natcom (CEO) tại Haiti, học viên Khóa đào tạo cán bộ nguồn PTGĐ năm 2021, cho biết: "Mặc dù năm 2023, Haiti xảy ra xung đột bùng phát, nhưng Ban Lãnh đạo Công ty đã có chủ trương đoàn kết, thống nhất, gắn kết người Việt và người sở tại, chung tay như những 'chiến binh'".     
 
Natcom có giải pháp triển khai cáp quang lên hệ thống điện lưới quốc gia; tích lũy xăng dầu, dùng pin năng lượng mặt trời cho hệ thống nhà trạm BTS; gia cố an ninh trụ sở các cửa hàng; tăng cường bán hàng online. “Trong khó khăn có cơ hội, khi các công ty đối thủ làm việc cầm chừng, Natcom đã nhanh chóng vươn lên số một về kỹ thuật, kinh doanh toàn diện tại thị trường. Những giải pháp kinh doanh, văn hóa “Truyền thống và cách làm người lính” đã được vận dụng sáng tạo, phù hợp. Những tri thức này đều được tích lũy từ chương trình đào tạo mà có” - CEO Natcom chia sẻ.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội trao thưởng cho hai học viên Nguyễn Hữu Nam (bên trái) và Đào Duy Thái (bên phải) có kết quả xuất sắc.
 
Từ những kết quả đạt được, Thượng tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, cho biết: "Với triết lý “Đào tạo kịp thời, tự học suốt đời”, các công cụ, phương tiện, phương thức, cơ chế quản lý mới đã góp phần tích cực để người học tự giác, tự chủ trong học tập; nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự trong Tập đoàn; cũng như trao đổi, phục vụ tốt cho các đối tác cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp. Cán bộ, nhân viên, học viên học tập mọi lúc, mọi nơi; nhất là đội ngũ cán bộ chủ động học tập, đào tạo theo quy hoạch, lộ trình phát triển. Trước cơ hội mới CMCN 4.0, nhà trường đang tích lũy về lượng, chuyển đổi về chất, để bước vào tuổi 20 tràn đầy năng lượng, Học viện Viettel có thể tuyển sinh, hội nhập với hệ thống đào tạo quốc dân".

HOÀNG PHƯƠNG/QDND Online