Năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) tham gia lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP). Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển CNQP tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, Viettel đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển CNQP, góp phần hiện đại hóa Quân đội. Trao đổi của phóng viên Báo Quân đội nhân dân với Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho thấy rõ điều đó.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel kiểm tra các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Tập đoàn nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: HẢI CHÂU
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết định hướng, mục tiêu của Viettel trong nghiên cứu, thiết kế, làm chủ lĩnh vực CNQP?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Trong lĩnh vực công nghệ cao, nhất là CNQP, rất ít quốc gia, đối tác chuyển giao công nghệ, chủ yếu là chuyển giao lắp ráp hoặc có chuyển giao cũng với chi phí rất cao. Viettel luôn xác định phải tự nghiên cứu, thiết kế, làm chủ tối thiểu 80% công nghệ và sản phẩm, chỉ tiếp nhận chuyển giao phần khó nhất thông qua đối tác sở hữu công nghệ thành phần hoặc hợp tác với chuyên gia. Đồng thời mạnh dạn làm, thử nghiệm, điều chỉnh liên tục, tìm ra các vấn đề cốt lõi, biến các bài toán phức tạp thành đơn giản. Quan điểm và cách làm này giúp Viettel có thể tùy biến sản phẩm theo nhu cầu và hạn chế phụ thuộc vào bên ngoài.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến. Ảnh: HẢI CHÂU
Bên cạnh đó, Viettel đặt ra mục tiêu về thương mại hóa sản phẩm: Hoàn thiện sản phẩm mẫu mới chỉ đạt 40% mục tiêu, bán được sản phẩm đạt 70% mục tiêu, chỉ khi xuất khẩu được mới coi là đạt 100% mục tiêu. Các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm chỉ được phê duyệt khi xác định rõ đầu ra; nhiệm vụ chỉ hoàn thành khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Về mục tiêu cạnh tranh, Viettel xác định, tính năng sản phẩm phải tương đương hoặc tốt hơn, giá tối đa phấn đấu bằng 80% sản phẩm tương đương trên thị trường; đạt tiêu chuẩn quân sự Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế và cạnh tranh với sản phẩm quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu trang bị của Bộ Quốc phòng và nhu cầu thị trường, Viettel đặt ra yêu cầu rất cao về thời gian nghiên cứu sản phẩm. Trung bình, đối với dòng sản phẩm quân sự lần đầu nghiên cứu, Viettel hoàn thành trong vòng 2-3 năm để ra được sản phẩm sẵn sàng sản xuất hàng loạt, đối với thế hệ sản phẩm tiếp theo, 1-2 năm phải hoàn thành (với hệ thống lớn, thời gian nghiên cứu sẽ dài hơn).
PV: Những kết quả về CNQP Viettel thực hiện thời gian qua là gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Là doanh nghiệp Quân đội, Viettel luôn sẵn sàng nhận các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó mà Đảng, Chính phủ và Quân đội tin tưởng giao cho. Năm 2011, Viettel tham gia lĩnh vực nghiên cứu đầy thách thức, khởi đầu bằng nghiên cứu chế tạo máy thông tin và radar, đáp ứng nhu cầu của Quân đội; năm 2014, Viettel nhận nhiệm vụ A1 và tiếp tục đề xuất nhiều nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển công nghiệp tên lửa. Năm 2021, Viettel nhận nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo vệ tinh...
Cán bộ Tập đoàn Viettel kiểm tra sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Ảnh: CHÍ PHAN
Tinh thần dám nhận và đặt ra các mục tiêu khó, thách thức giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên Viettel nỗ lực vượt bậc hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu càng lớn, thực hiện càng khó khăn thì tinh thần sáng tạo, bước đột phá càng lớn. Muốn phát triển phải vượt qua giới hạn, muốn vượt giới hạn phải đổi mới, sáng tạo. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Viettel phối hợp và gắn kết chặt chẽ với các đơn vị Quân đội, đặc biệt là các đơn vị sử dụng sản phẩm. Các đơn vị đi cùng với Viettel trong tất cả các giai đoạn của quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, giúp Viettel định nghĩa sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm.
Với quyết tâm và phương thức đó, Viettel có những đóng góp quan trọng trong phát triển CNQP, như: Làm chủ nghiên cứu, sản xuất và đưa vào trang bị hơn 60 dòng sản phẩm thuộc hàng chục ngành vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của Quân đội, giúp nhiều quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng. Các sản phẩm của Viettel được phát triển phù hợp với chiến thuật, nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của Quân đội; được nghiệm thu đạt chất lượng tốt.
Một số loại có tính năng kỹ, chiến thuật tiên tiến, hiện đại hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu, với tính bảo mật cao; công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo hành, bảo trì nhanh và hiệu quả trong khi chi phí hợp lý so với sản phẩm nhập ngoại, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Viettel đã tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về việc người Việt Nam làm chủ được các trang bị, vũ khí công nghệ cao và được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong phát triển CNQP công nghệ cao. Viettel từng bước xây dựng được tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời đã xác định được hướng đi mới trong phát triển CNQP như phát huy nguồn lực doanh nghiệp; doanh nghiệp chủ động đề xuất nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đặt hàng nghiên cứu và mua sắm sản phẩm; tự chủ trong nghiên cứu thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống, làm chủ các công nghệ lõi; chỉ hợp tác chuyển giao công nghệ thành phần; chủ động báo cáo và xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, nhà máy sản xuất công nghệ cao...
PV: Đồng chí nhận định như thế nào về sự phát triển VKTBKT, nhất là vũ khí công nghệ cao trong tương lai?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Chiến tranh trong tương lai (nếu xảy ra) sẽ là chiến tranh công nghệ cao, với nhiều loại vũ khí hiện đại, độ chính xác cao, được điều khiển từ xa, có tính tự động hóa cao, tác chiến đa môi trường. Phương tiện trinh sát thông minh, không người lái, người máy sẽ thay thế người lính đảm nhiệm một số nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài chiến tranh công nghệ cao mang tính hủy diệt về mặt vật lý, một hình thái chiến tranh không kém phần khốc liệt đó là cuộc chiến tranh thông tin, tác chiến trên không gian mạng.
Chiến tranh thông tin và tác chiến trên không gian mạng diễn biến phức tạp, không gian và thời gian tác chiến cũng như ranh giới giữa ta và địch khó phân định. Để ngăn ngừa và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, cần đẩy mạnh phát triển CNQP dựa trên các thành tựu khoa học-công nghệ, tạo ra các hệ thống vũ khí hiện đại và kết hợp phương thức tác chiến phù hợp của Quân đội ta chống lại chiến tranh công nghệ cao của đối phương.
PV: Thời gian tới, Viettel đề ra những chủ trương, chiến lược gì?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến: Trong bối cảnh thế giới biến đổi phức tạp, khó lường và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, với vai trò, trách nhiệm là tập đoàn kinh tế hàng đầu của Quân đội và đất nước, Viettel hướng tới trở thành tập đoàn công nghệ, kinh doanh toàn cầu, một doanh nghiệp quốc phòng đẳng cấp quốc tế và là hạt nhân của tổ hợp CNQP công nghệ cao, thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong nghiên cứu làm chủ công nghệ, đột phá vào những lĩnh vực trọng điểm, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tham gia phát triển CNQP, góp phần hiện đại hóa Quân đội, Viettel xác định tập trung nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm theo 5 nhóm VKTBKT được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo", nhất là các hệ thống VKTBKT công nghệ cao có ý nghĩa chiến lược của quốc gia; tiếp tục ứng dụng và tích hợp mạnh mẽ các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông minh hóa hệ thống VKTBKT của Quân đội.
Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống phòng thí nghiệm, kiểm thử đạt chuẩn quốc tế để phục vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất VKTBKT công nghệ cao. Đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất, chuyển giao... Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các đối tác theo định hướng của Bộ Quốc phòng.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
SƠN BÌNH/QĐND Online