Hướng đi mới trong công tác giúp dân giảm nghèo tại Khu Kinh tế quốc phòng Ea Súp/Đăk Lăk của Đoàn Kinh tế quốc phòng 737/Quân khu 5

03/07/2019, 16:34

Vừa qua, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 737/QK5 đã tổ chức Hội nghị Sơ kết các mô hình nuôi, trồng thực nghiệm theo chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân khu. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, về phía BTL Quân khu 5 có đồng chí Thiếu tướng Đoàn Kiểu - UVTVĐU, Phó Tư lệnh QK, về phía đại biểu tham dự có đại diện Cục Kinh tế/BQP; Phòng Quản lý Kinh tế, Tác chiến, Tài chính/QK5; Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, Viện KHKT-NLN Tây Nguyên, Ban điều phối phát triển Ca cao tại Việt Nam, Khoa Nông – Lâm/Đại học Tây Nguyên, lãnh đạo UBND huyện Ea Súp, lãnh đạo 02 xã Ia Lốp và Ia Rvê huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và đại diện các doanh nghiệp tham gia mô hình thực nghiệm.

      Sau gần 3 năm nuôi, trồng thực nghiệm trên vùng đất đỏ bazan nắng cháy về mùa khô, ngập úng về mùa mưa Ea Súp, các doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu các loại cây trồng trên khu vực dự án đó là: Công ty cổ phần Cacao Intercontinental, với mô hình trồng cây Ca cao quy mô 4000 ha (trong đó có 1000ha quỹ đất của Đoàn 737 (mới nhận bàn giao 210 ha tính đến tháng 02/2017) và 3000ha đất liên kết với hộ dân); Công ty CPĐT & PT Nông nghiệp công nghệ cao Toàn Thắng với mô hình trồng cây chuối già Nam mỹ quy mô 50 ha (quỹ đất của Đoàn 737); Công ty TNHH TMDV Phương Nam Xanh với mô hình trồng cây Sắn lấy nguyên liệu để phục vụ nhà máy sản xuất cồn Ethanol quy mô 150 ha (quỹ đất dự án Đoàn 737).
      Tính từ năm 2016 đến hết năm 2018, các mô hình đã đạt được một số kết quả bước đầu rất khả quan. Với tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của các công ty vào Khu KTQP Ea Súp trên 63,12 tỷ đồng, các công ty đã tạo ra 226.757 ngày công lao động, thu hút từ 50-60 lao động thường xuyên tại địa phương, với tổng quỹ lương thanh toán cho nhân công lao động 39,11 tỷ đồng. Ngoài ra, Đoàn KTQP 737 đã chủ động đẩy mạnh công tác chăn nuôi, phát triển các mô hình như bò, dê, heo và thực nghiệm nuôi vịt trời mang lại hiệu quả thiết thực (đã xuất bán 15.000 vịt thương phẩm, lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm, hỗ trợ cho các hộ dân trên địa bàn gần 4.000 con vịt giống).
      Qua các mô hình trồng thực nghiệm đã cho thấy hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất như áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Iasarel đối với mô hình trồng ca cao, chuối; sử dụng máy trồng sắn, máy phun thuốc, máy thu hoạch sắn đã làm tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các loại cây trồng; các dự án nuôi trồng thực nghiệm đã chọn ra các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng; sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiềm năng đất đai, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại địa phương; gắn đầu tư phát triển các dự án nuôi trồng với phát triển theo định hướng của địa phương và đời sống nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa; các doanh nghiệp tiếp nhận, đào tạo nguồn lao động địa phương, giúp người dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước có thể áp dụng trực tiếp vào các diện tích của gia đình.
      Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Thiếu tướng Đoàn Kiểu, UVTVĐU, Phó Tư lệnh QK5 nói: “Lãnh đạo Quân khu rất vui mừng trước kết quả thực nghiệm của các mô hình, các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy và tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất, chuyển giao công nghệ cho bà con nhân dân tại địa bàn 2 xã Ia Lốp và Ia Rvê góp phần giải quyết công ăn, việc làm, từng bước giúp nhân dân thoát nghèo. Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5 sẽ nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, chính quyền địa phương và tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả các mô hình thực nghiệm; báo cáo Bộ Quốc phòng về kết quả thực hiện chủ trương thực nghiệm các mô hình”.
      Có thể nói, kết quả đạt được bước đầu từ các mô hình thực nghiệm triển khai trong thời gian qua, đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5 trong việc liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp trên chính vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi; cần phát huy và nhân rộng việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp thông qua liên kết, chuyển giao và giải quyết lao động tại địa phương, thu hút đầu tư, kích thích chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, từng bước chuyển giao công nghệ cho người dân tại địa phương, góp phần cùng đơn vị và địa phương làm tốt công tác dân vận, giúp dân thoát nghèo, nâng cao đời sống xã hội, tăng cường sự phối hợp trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn, thực hiện tốt chiến lược phòng thủ biên giới trong thế trận toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay./.

THIẾU TÁ ĐÀO VŨ THẮNG/CKT